Ê kíp diễn viên trong phim "Bố Già".
Bố Già kể câu chuyện cuộc sống xoay quanh một xóm lao động nghèo điển hình ở Thành phố Hồ Chí Minh, với bốn anh chị em tên Giàu, Sang, Phú, Quý, với người anh thứ hai là Ba Sang, nhân vật chính. Ba Sang sống vất vả bằng nghề chở hàng thuê, kiếm từng đồng nuôi hai đứa con là Quắn, một anh chàng mơ mộng làm giàu bằng nghề làm streamer, youtuber, và cô con gái xinh xắn tên Bù Tọt. Ba Sang bên ngoài là người có vẻ khô khan, cằn cỗi, nhưng lại là một ông bố vô cùng thương con, sống bao đồng và luôn dùng hết khả năng để giúp đỡ mọi người trong xóm khi cần. Trong nhà, mỗi người một tính, nhưng cậu con trai Quắn luôn có ác cảm với các anh chị em trong nhà của bố bởi có những lúc họ lợi dụng ông bố già vất vả mưu sinh của anh.
Cùng với những khác biệt về thế hệ, tưởng chừng mâu thuẫn giữa hai cha con có lúc lên đến đỉnh điểm và không thể làm hòa. Cuộc sống cứ thế trôi đi với những mâu thuẫn, rắc rối lần lượt được hóa giải, và những cú twist trong phim cũng liên tục xuất hiện kéo khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, và dẫn đến bất ngờ cuối cùng.
Đối với "Bố Già”, cái tên Vũ Ngọc Đãng là sự bảo đảm, bên cạnh Trấn Thành cùng số lượng fan hùng hậu, khiến cho bộ phim ngay sau khi ra mắt đã từng bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng doanh thu rạp chiếu trong nước. Nhưng một điều phải kể đến khi nói về thành công của bộ phim, là dàn diễn viên hùng hậu, mặc dù vào vai phụ nhưng diễn xuất vô cùng tốt và trở thành những điểm nhấn trong phim. Đó là NSND Ngọc Giàu, các nghệ sĩ Lan Phương, NSƯT Hoàng Sơn, Hoàng Mèo, Lê Giang, La Thành… thể hiện ra "chất” nhân vật của mình. Đặc biệt phải kể đến hai gương mặt sát cánh bên cạnh vai chính: Tuấn Trần vai "Quắn” và bé Ngân Chi vai Bù Tọt, với diễn xuất vô cùng tự nhiên, thu hút được thiện cảm của khán giả.
Diễn xuất của Trấn Thành trong vai Ba Sang, tất nhiên là vẫn nổi bật, có những phân đoạn lấy được nước mắt của khán giả thực sự, cũng có những phân đoạn khiến khán giả "bực lây” vì tính hay ôm đồm của ông Sang, nhưng đây đó vẫn khiến cho người xem có cảm giác về một Trấn Thành hài. Hóa trang nhân vật Ba Sang với bộ tóc và râu muối tiêu chưa thật cũng là một điểm trừ khiến nhân vật của Trấn Thành vẫn tạo cảm giác "cộm cộm” khi xem. Diễn xuất của anh cũng có những đoạn hơi kịch quá, mang tính sân khấu nhiều hơn là điện ảnh. Nhưng những điều này có thể hiểu khi được biết anh cùng một lúc mang ba, bốn vai: sản xuất, đồng đạo diễn, biên kịch với 90% lời thoại, và diễn vai chính.
Kịch bản là một trong những yếu tố quyết định của "Bố Già” khi câu chuyện được xây dựng gần gũi, "đời”, với mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình khá phổ biến và có trong nhiều gia đình với nhiều thế hệ sinh sống cùng nhau. Lời thoại trong phim chân thật, sử dụng ngôn ngữ đời thường rất nhiều, chính điều này khiến cho khán giả thích thú.
Một trong những yếu tố mạnh của "Bố Già” còn là nhạc phim. Những bài hát cả cũ lẫn mới được sử dụng phù hợp với từng cảnh phim đã làm tăng cảm xúc cho phim rất nhiều. Từ "Sài Gòn đẹp lắm” mang màu sắc bàng bạc của thành phố xưa cũ, cho đến Bigcityboiz phù hợp với lối sống hiện đại của anh chàng Quắn. Đặc biệt "Cha già rồi đúng không” của Phạm Hồng Phước do Ali Hoàng Dương thể hiện và "Sao cha không” của Phan Mạnh Quỳnh do tác giả thể hiện, được đặt vào đúng những đoạn cao trào cũng đã khơi gợi được cảm xúc của khán giả.
Ngoài âm thanh, hình ảnh của "Bố Già” cũng rất đẹp, không phải những cảnh quay hoành tráng, cảnh đẹp bắt mắt mà những góc máy hết sức "phù thủy”, lột tả được tâm trạng các nhân vật, lột tả được hình ảnh một xóm nghèo ngập nước điển hình, với những căn nhà cũ. Được biết, đoàn làm phim đã phải đi tìm một con hẻm phù hợp để tạo nên những ngôi nhà và toàn bộ nội thất như trong phim. Đứng sau những hình ảnh kỳ công này là Trinh Hoan, thiết kế cảnh quay.
"Bố Già” cũng có được lợi thế với lực lượng fan hùng hậu của Trấn Thành, cùng với một chiến dịch PR rộng khắp, khi nhiều nhân vật tên tuổi trong làng giải trí gần như cùng lúc đăng đàn về bộ phim.
"Bố Già” ra rạp vào đúng lúc "thiên thời”, khi vào thời điểm hiện tại, gần như không có bom tấn nào của Hollywood, còn phim Việt hiện đang chỉ có "Gái già lắm chiêu V” chưa đủ "nặng đô” để cạnh tranh được với "Bố Già”.
Hiện tại, trong số phim chiếu rạp chỉ có "Raya và rồng thần cuối cùng” là đang thu hút khán giả nhí, nhưng cũng chưa đủ dộ nóng để cạnh tranh được với bố già.
Cuối tuần qua, ở hầu hết các cụm rạp lớn nhỏ, lịch chiếu "Bố Già” chiếm tỷ lệ khá cao, có nơi tới 50-60% số lượng các suất chiếu. Nhân viên bán vé ở rạp Lotte Kosmo Tây Hồ cho biết, các buổi tối và các buổi chiếu cuối tuần, các suất chiếu "Bố Già” gần như kín khách, có một số khách đến sát giờ còn không thể mua được vé, phải đổi sang suất chiếu khác. Hơn nữa, khi "Bố Già” ra rạp cũng là lúc dịch bệnh đang được kiểm soát, các hoạt động công cộng được phép mở trở lại, khán giả cũng phải trải qua một thời gian "nén nhịn” khá lâu vì dịch bệnh, đến khi đó mới được bung ra.
Câu chuyện của "Bố Già” là câu chuyện của sự gặp nhau giữa nhiều yếu tố: một kịch bản đáp ứng được nhu cầu của số đông khán giả, không quá thương mại cũng không quá nghệ thuật, diễn viên tốt, tên tuổi, hình ảnh và âm nhạc tốt cộng với thời điểm ra rạp "rộng thênh thang”, đã giúp cho bộ phim đạt được thành công vượt mức tưởng tượng.
Đã lâu rồi điện ảnh Việt mới có một cơn sốt gây hào hứng đến vậy. Phim Việt ra rạp, vượt qua mọi kỷ lục, vượt cả phim Hollywood, luôn là mong mỏi của nhiều nhà làm phim Việt. "Bố Già” mặc dù chưa phải xuất sắc, được xếp vào hàng nghệ thuật đỉnh cao, nhưng câu chuyện giản dị và độ hút khách của bộ phim cũng đã khiến cho những người làm phim Việt phải suy nghĩ.
Theo Báo Nhân Dân