Thế hệ trẻ xã Phong Phú (Tân Lạc) thực hành mo và trình diễn dân ca Mường, chiêng Mường trong Ngày hội Văn hóa - Du lịch Hòa Bình tại Hà Nội.
Cách đây 4 năm, với sự quan tâm, hướng dẫn của Phòng VH-TT, phối hợp của Hội LHPN huyện, CLB bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường xóm Ngòi, xã Suối Hoa được thành lập và đi vào hoạt động, tập hợp đông đảo chị em là hạt nhân nòng cốt trong phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Tham gia CLB, các thành viên được hướng dẫn, truyền dạy chiêng Mường, những làn điệu dân ca, dân vũ. Bên cạnh đó, thường xuyên giao lưu văn hóa, văn nghệ, truyền dạy cho thế hệ trẻ. CLB hiện đang tham gia vào hoạt động phát triển du lịch cộng đồng xóm Ngòi, đóng góp trong việc tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa. Trên đà nhân rộng, từ cuối năm 2019, tại xóm Định, thị trấn Mãn Đức thành lập 1 CLB bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường, với sự tham gia sinh hoạt của nhiều thế hệ, hội viên các hội, đoàn thể như: Phụ nữ, thanh niên, nông dân, người cao tuổi...
Năm 2020, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07-CT/HU, ngày 19/10/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa mo Mường, trên địa bàn huyện đã thành lập 6 CLB giữ gìn, bảo tồn và phát triển văn hóa mo Mường, quy tụ hơn 100 nghệ nhân mo Mường, hội viên. Trong đó, xã Nhân Mỹ có 4 CLB liên xóm, gồm: Cò - Thọng - Bận - Dọi với 10 hội viên, Mương - Dạ - Tà với 6 hội viên, Ào - U - Chiềng với 17 hội viên, Trăng - Sống - Khi với 14 hội viên; CLB xã Phong Phú với 32 hội viên; CLB xã Mỹ Hòa với 35 hội viên.
Cũng theo đồng chí Trưởng phòng VH-TT huyện, những người con của vùng đất cổ Mường Bi, cái nôi của nền Văn hóa Hòa Bình đang nỗ lực bảo tồn, tập trung khơi dậy những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương. Minh chứng cụ thể là những năm gần đây, nhiều lễ hội truyền thống, như lễ hội Khai hạ (Khuông mùa), lễ hội đánh cá suối - xã Lỗ Sơn, lễ hội chùa Kè - xã Phú Vinh... được quan tâm khôi phục. Qua đó, tạo sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến ý thức của người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống, đồng thời làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân. Hàng năm, huyện tổ chức các lớp truyền dạy chiêng Mường, làn điệu dân ca, sắc bùa... hướng về cơ sở. Thông qua tuyên truyền, phát huy đã bảo tồn được trên 1.000 chiêng Mường.
Trên đà phát triển, việc thành lập mô hình các CLB nhằm thúc đẩy, nâng cao hơn nữa ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong Nhân dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các CLB, nhất là các CLB giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tại các xã, xóm được thành lập, ra mắt. Đối với việc thành lập các CLB giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị mo Mường, huyện duy trì, động viên các lớp nghệ nhân tiếp tục thực hành, truyền dạy; gắn kết bản sắc văn hóa với các hoạt động du lịch cộng đồng. Từ đó góp phần bảo tồn, huy động các nguồn lực, tạo chuyển biến tích cực của người dân tham gia giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa Mường Bi.
Bùi Minh