(HBĐT) - Lễ mát nhà là một trong những nghi lễ văn hóa tâm linh mang tính truyền thống của đồng bào Mường. Nghĩa trọng của nghi lễ này là cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe bình an, may mắn và chặn, tránh những điều xui xẻo, rủi ro. Bởi vậy, phần đa các gia đình trong cộng đồng Mường tổ chức vào dịp đầu năm để "tâm” mọi người được "an”. Bằng việc cắt giảm những yếu tố được cho là hủ tục, lễ mát nhà trở thành nét văn hóa đặc trưng, là việc không thể thiếu trong nhiều gia đình cộng đồng Mường mỗi dịp Tết đến, xuân về.


Lễ mát nhà của dân tộc Mường Hòa Bình được tái hiện, trình diễn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Từng dành thời gian tìm hiểu và dựng lại lễ mát nhà của người Mường Hòa Bình tại không gian Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng di sản văn hóa Mường (TP Hòa Bình) chia sẻ: Nghĩa gốc của từ "mát nhà” trong tiếng Mường là làm cho gia đình mát mẻ, các thành viên khỏe mạnh, bình an, hóa giải những điều xấu, điều xui. Vì vậy, các gia đình trong cộng đồng Mường thường tổ chức vào những ngày đầu năm hoặc khi trong nhà có người đau ốm, gặp điều không may để hóa giải.

Xưa, lễ mát nhà được bày biện khá tốn kém về mặt sính lễ. Có thầy mo yêu cầu gia chủ phải chuẩn bị tới 11 mâm lễ, gồm 9 mâm to và 2 mâm nhỏ. Trong đó, mâm to dành để mời Thành hoàng bản thổ, mời thổ công thổ địa, Thánh thư… là những vị thần lớn ở Mường Trời. Trong mâm cỗ có thủ, vai và lòng lợn (gồm cả đồ sống và đồ đã được chế biến chín); đầy đủ xôi, gà, cá, chè, oản, gạo, muối, rượu xả, đồ mã... và món không thể thiếu trong lễ vật là một con vịt. Theo lý giải của thầy mo, con vịt vừa biết bơi, vừa biết bay sẽ là phương tiện để đưa các vị thần từ Mường Trời đến với trần gian về gia đình đang làm lễ.

Ngoài những mâm cỗ dành cho các vị thần thánh, gia tiên, gia chủ phải chuẩn bị thêm mâm cỗ "cộng đồng” đủ món đặt ở vị trí gần cửa chính. Người Mường quan niệm những chuyện xấu xảy ra là do những con ma đói quấy nhiễu. Bởi vậy, khi nhà mở tiệc cúng tế các vị thần từ Mường Trời về không quên dâng lễ tới chúng sinh. Mâm cỗ được đặt ở cửa chính, những con ma đói theo lời mời gọi của thầy mo tụ về đánh chén một bữa no nê, sau đó thầy mo làm phép để tà ma không quay trở lại quấy nhiễu gia chủ.

Đến nay, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội theo hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL và cũng để giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường, lễ mát nhà của người Mường đã được giản tiện đi rất nhiều. Đồ cúng hay còn gọi là lễ "xuân lộc” theo cách gọi của giới trẻ đôi khi chỉ cần 3 - 5 mâm cỗ dâng các vị thánh thần, mời gia tiên và 1 mâm cộng đồng để cúng chúng sinh, ít hình nhân, vàng mã…

Khi đồ lễ đã được chuẩn bị xong, thầy mo bắt đầu các bài khấn mời Thánh thư, Thành hoàng và bề trên về dự lễ mát nhà phù hộ con cháu, cộng đồng mạnh khỏe, bình an, mùa màng tốt tươi... Quá trình khấn, thầy mo thường phe phẩy chiếc quạt trên tay lúc che miệng, khi phe phẩy tứ bề. Động tác giản đơn nhưng hàm ý là quạt đi những khí xấu, điềm xui, thu về luồng khí trong lành, mát mẻ, những điều tốt đẹp cho gia chủ. Sau phần khấn mời bề trên về thụ lễ, phù hộ độ trì đem lại may mắn, bình an cho gia chủ, thầy mo đứng dậy vẩy nước khắp người và đồ vật trong nhà. Người làm lễ không nhất thiết phải là thầy mo mà có thể là thầy Trượng (Tr.lượng) hoặc bà mỡi (mỡil). Việc hành lễ cũng diễn ra chóng vánh trong khoảng hơn 1 giờ, sau đó gia chủ thu dọn và cùng khách mời thụ lộc. Tuy lễ mát nhà được tổ chức trong khuôn khổ gia đình nhưng khách mời thường là đại diện cả họ tộc nội, ngoại, bạn bè, hàng xóm thân thiết. Bởi vậy, dẫu đơn giản, gọn nhẹ nhưng lễ mát nhà của người Mường đã góp phần nhân lên những giá trị văn hóa truyền thống, tính cộng đồng sâu sắc của dân tộc Mường trong nhịp sống hiện đại.


Lam Nguyệt (CTV)


Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục