Đoàn nghiên cứu trao đổi kết quả khai quật trước khi kết thúc công tác thăm dò, nghiên cứu năm 2023.
Mái đá Phứng Quyền đã được điều tra, thăm dò từ năm 1976. Tình trạng hiện tại mái đá bị đào phá khá nhiều do người dân khai thác phân dơi phục vụ trồng trọt. Tuy nhiên, phía sát vách hang và khoảng đất trước cửa hang còn khá tốt, tầng văn hoá có thể rất dày. Tháng 7/2021, đoàn nghiên cứu của Viện Khảo cổ học đã mở hố thăm dò nhưng do diễn biến dịch bệnh Covid-19, hố thăm dò tạm dừng ở độ sâu 1m. Mặc dù vậy, đoàn đã thu được kết quả khoa học quan trọng đóng góp cho mục đích tái dựng lại môi trường.
Được sự cho phép của UBND tỉnh tại Công văn số 778/VPUBND-NVK, ngày 6/2/2023 về việc thăm dò khảo cổ học mái đá Phứng Quyền, đoàn nghiên cứu của Viện Khảo cổ học phối hợp các nhà khoa học Nhật Bản, Sở VH-TT&DL, Bảo tàng tỉnh, Phòng VH-TT huyện Mai Châu tiếp tục thực hiện công tác thăm dò, nghiên cứu.
Quá trình thực hiện khai quật từ ngày 6 - 23/3, đoàn nghiên cứu đã thu được 17 mẫu than trong địa tầng đáng tin cậy, ứng với các lớp địa tầng khác nhau. Mẫu than ở sâu nhất thuộc về lớp văn hoá của cư dân đầu tiên cư trú tại di chỉ theo trật tự địa tầng đã khai quật. Về di tích động vật, vỏ nhuyễn thể địa tầng rất phong phú, kết quả phân loại ở các lớp có tới 9 loại ốc có kích thước rất nhỏ chỉ vài mm. Do vậy, đây là lần đầu tiên trong khai quật khảo cổ ở Việt Nam tìm thấy mẫu vỏ ốc này. Trước đó, ở đợt thăm dò năm 2021 tại điểm khai quật, đoàn đã phát hiện 2 di tích mộ táng và vài lớp xương người rải rác ở các lớp gần bề mặt.
Bên cạnh thông tin về kết quả tìm thấy sau kết thúc đợt khai quật tại mái đá Phứng Quyền,Viện Khảo cổ và chuyên gia Nhật Bản đánh giá đây là di chỉ còn nguyên vẹn về tầng văn hoá nhất Việt Nam được phát hiện từ trước đến nay, là điểm khảo cổ đặc biệt có giá trị; đề nghị địa phương quan tâm bảo vệ di chỉ và có kế hoạch khai quật để tiếp tục nghiên cứu.
Bùi Minh