(HBĐT) - Với nhiều hoạt động hấp dẫn, thú vị, Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất đã khép lại vào tối 31/10, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách thập phương.



Người dân tham quan gian trưng bày các loại cá đặc sản hồ Hòa Bình tại lễ hội. Ảnh: P.V

Khẳng định thương hiệu cá, tôm sông Đà

Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất với chuỗi sự kiện đã góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh vùng hồ Hòa Bình, đồng thời khẳng định thương hiệu của hai nhãn hiệu đặc sản là "Tôm sông Đà Hòa Bình” và "Cá sông Đà Hòa Bình” đến với bạn bè trong nước.

Chị Nguyễn Thị Loan, một du khách tham gia lễ hội cho biết: Tôi ấn tượng với cách Hòa Bình bắt đầu lễ hội bằng Lễ cầu ngư và thả hoa đăng trên sông Đà. Bởi ai cũng biết, với người Hòa Bình, sông Đà như một dòng sông mẹ, có nguồn lợi thủy sản phong phú đã mang lại sinh kế cho bao người dân. Làm Lễ cầu ngư và thả hoa đăng trên sông Đà không chỉ tôn vinh những giá trị văn hóa tinh thần, tạo dựng nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc mà một lần nữa cho người dân như được tìm về cội nguồn, tri ân dòng sông mẹ.

Ngoài Lễ cầu ngư và thả hoa đăng, lễ hội cũng có nhiều hoạt động gắn liền với dòng sông Đà hùng vĩ. Trong đó, ấn tượng nhất là chương trình đấu giá cá đặc sản vùng hồ Hòa Bình. Tại chương trình đấu giá, 2 doanh nghiệp có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên sông Đà đã mang tới 2 sản phẩm cá thương phẩm độc đáo để giới thiệu đến du khách. Trong đó, Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng mang đến con cá trắm đen 30 kg; doanh nghiệp Cường Thịnh Fish mang đến con cá lăng đuôi đỏ 20 kg được nuôi hoàn toàn trong nguồn nước tự nhiên trên vùng hồ Hòa Bình. Hai con cá đã được bán đấu giá thành công với tổng trị giá hơn 110 triệu đồng. Toàn bộ số tiền sẽ được doanh nghiệp mua cá giống thả xuống sông Đà.

Có mặt tại phiên đấu giá, đầu bếp Đặng Đình Mạnh – chuyên gia ẩm thực về cá với biệt danh "Mạnh cá lăng" chia sẻ: Là đầu bếp nhiều năm và chuyên về cá, tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều loại cá nhưng có thể khẳng định, cá lòng hồ sông Đà ngon và chất lượng nhất hiện nay. Vì vậy, ngay khi biết có Lễ hội cá tôm sông Đà, tôi đã từ Hà Nội lên đây. Qua phiên đấu giá và đặc biệt qua các gian trưng bày cá đặc sản, ẩm thực cá tại lễ hội, được tận mắt thấy, tai nghe, tay sờ, miệng nếm thử, tôi khẳng định, Hòa Bình còn rất nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm chất lượng, độc đáo, riêng có từ cá lòng hồ.

Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất; Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du, miền núi phía Bắc có quy mô hơn 200 gian hàng. Riêng tỉnh Hòa Bình có 121 gian hàng, trong đó 20 gian hàng chuyên về cá tôm sông Đà và các sản phẩm chế biến từ cá. Theo các doanh nghiệp tham gia Lễ hội và hội chợ, trong 5 ngày diễn ra, tổng sản lượng cá sông Đà các loại bán ra trên 1 tấn và nhiều sản phẩm chế biến khác từ cá, tôm sông Đà. Anh Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Cường Thịnh Fish cho biết: Việc tổ chức Lễ hội cá tôm sông Đà đã tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp chuyên về cá sông Đà kết nối giao thương, mở rộng thị trường, từ đó tạo cơ hội xúc tiến đầu tư, tiêu thụ sản phẩm.

Trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ

Lần đầu tiên được tổ chức nhưng có thể khẳng định, Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình thực sự là "bữa tiệc" văn hóa đặc sắc, đồng thời cũng là không gian trải nghiệm thú vị. Ngoài đấu giá, trưng bày cá đặc sản hồ Hòa Bình, lễ hội còn có hoạt động trưng bày di sản văn hóa, ẩm thực dân tộc và nhiều tiết mục văn nghệ hấp dẫn tại các đêm diễn ra Lễ hội và hội chợ. Có mặt tại đêm khai mạc lễ hội, chị Nguyễn Thị Lệ Thơ, huyện Lương Sơn chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với lễ khai mạc được tổ chức hoành tráng, nhiều tiết mục văn nghệ hấp dẫn, vừa thể hiện bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, vừa hiện đại theo xu hướng hội nhập. Văn hóa ẩm thực của người Mường với chủ đề tinh hoa xứ Mường đã níu chân tôi trải nghiệm rất lâu.

Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Hòa Bình tổ chức giải thi câu thể thao vùng hồ Hòa Bình trong khuôn khổ lễ hội. Giải được tổ chức tại vịnh Ngòi Hoa, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc với sự tham gia của 70 cần thủ đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngay sau giải thi câu, Ban tổ chức và các cần thủ đã thả 38 nghìn con cá giống xuống lòng hồ sông Đà nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Anh Đoàn Công Thiên, cần thủ đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Tôi đã tham gia câu rất nhiều hồ ở miền Nam và Tây Nguyên nên được mời tham gia hội thi câu tại sông Đà thì cảm thấy vô cùng háo hức. Khi đến đây, tôi thực sự choáng ngợp bởi vẻ đẹp của sông Đà và vịnh Ngòi Hoa. Tôi mong tỉnh Hòa Bình tiếp tục tổ chức các giải thi câu để anh em cần thủ tham gia, vì ở đây không chỉ có thể thao, giải trí mà còn có cả du lịch, nghỉ dưỡng. Người Hòa Bình lại thân thiện, mến khách.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất, Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du, miền núi phía Bắc đã thu hút hơn 300 nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh. Điều đó cho thấy sự hấp dẫn, lan tỏa của Lễ hội và hội chợ; khẳng định tiềm năng, lợi thế của vùng hồ Hòa Bình, thương hiệu cá tôm sông Đà và văn hóa bản địa độc đáo.


Đinh Hòa


Các tin khác


Mời bạn đọc gửi tác phẩm cho Báo Hòa Bình Xuân Giáp Thìn – 2024

(HBĐT) - Mừng đất nước, mừng Đảng, mừng xuân, Báo Hòa Bình sẽ xuất bản ấn phẩm đặc biệt Xuân Giáp Thìn - 2024. Ban Biên tập Báo Hòa Bình mời các nhà báo, đội ngũ cộng tác viên, bạn đọc trong và ngoài tỉnh tham gia viết bài, gửi các tác phẩm với đa dạng thể loại cho số báo xuân 2024.

Hỗ trợ phục hồi văn hóa phi vật thể dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thực hiện Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một.

91 bộ phim dự thi tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII

Họp báo Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII đã diễn ra sáng 30/10 tại Hà Nội dưới dự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S.

Gìn giữ nghệ thuật tạo hoa văn cạp váy dân tộc Mường Hòa Bình

(HBĐT) - Trong sinh hoạt và lao động sản xuất, người Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa riêng biệt. Một trong những yếu tố tạo nên sự độc đáo của văn hóa Mường là trang phục truyền thống và nghệ thuật trang trí hoa văn trên cạp váy.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám lung linh, kỳ ảo trong tour du lịch đêm

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở nên lung linh, kỳ ảo khi được ứng dụng công nghệ ánh sáng, công nghệ 3D Mapping để giới thiệu về vẻ đẹp di tích, về đạo học của dân tộc qua tour du lịch đêm với chủ đề "Tinh hoa đạo học”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục