Liên hoan nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình năm 2023 với chủ đề "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình” vừa diễn ra đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả yêu nghệ thuật dân gian dân tộc với những tác phẩm ca, múa, nhạc, màn trình diễn xuất sắc về trích đoạn lễ hội tiêu biểu của địa phương của các diễn viên, nghệ nhân.



Tiết mục đặc sắc của huyện Lạc Sơn biểu diễn tại liên hoan.

Qua 2 ngày diễn ra liên hoan, đông đảo khán giả đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật. Gần 300 cán bộ, nghệ nhân, diễn viên của 10 huyện, thành phố đã trình diễn những tiết mục ca, múa, nhạc, trình diễn 1 chương trình nghệ thuật dân gian tiêu biểu, một trích đoạn lễ hội tiêu biểu của địa phương, tập trung vào chủ đề về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Bà Bùi Thị Mơ, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) đã theo dõi chương trình và hầu như không bỏ lỡ một tiết mục nào. Bà Mơ chia sẻ: "Các tiết mục, chương trình đều rất cuốn hút. Tôi rất thích những trích đoạn lễ hội tiêu biểu của địa phương. Thật ý nghĩa khi được cảm nhận, tự hào về văn hóa của quê hương Hòa Bình qua những tác phẩm nghệ thuật độc đáo này”.

Quả thực khi xem nhiều tiết mục độc đáo của các đội, có nhiều khán giả đã thốt lên "tuyệt vời”, "chuyên nghiệp quá”. Các diễn viên, nghệ nhân đã biểu diễn, cống hiến hết mình. Những tràng pháo tay kéo dài của khán giả đã khẳng định sự cuốn hút, ấn tượng tốt đẹp khó quên về một chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Đồng chí Bùi Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Lạc Sơn cho biết: Để tham gia liên hoan, chúng tôi đã tích cực luyện tập với mong muốn mang đến những tiết mục đặc sắc biểu diễn phục vụ khán giả. Trong đó, các tiết mục được đầu tư công phu, kịch bản trau chuốt đã đoạt được giải A tại chương trình như: Trích đoạn "Lễ hội đình Khênh”, múa "Dệt một niềm tin”. Chúng tôi cũng đoạt giải A toàn đoàn. Đó là kết quả ý nghĩa cho các diễn viên, nghệ nhân của đoàn. Đặc biệt, đây cũng là dịp để chúng tôi được giao lưu, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong phong trào văn hóa, văn nghệ, chuyên môn, nghiệp vụ...

Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan cho biết: Nhân kỷ niệm "Ngày Di sản văn hóa Việt Nam”, Sở VH-TT&DL đã tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch Liên hoan Nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số các cấp trong toàn tỉnh. Theo đó, đã có 80/151 xã, phường, thị trấn tổ chức liên hoan với hơn 16.000 nghệ nhân, diễn viên tham gia, phục vụ trên 40.000 lượt người xem. Có 10 huyện, thành phố tổ chức liên hoan, 136 xã, phường, thị trấn tham gia với 3.400 nghệ nhân, diễn viên biểu diễn, phục vụ trên 10.000 lượt người xem. Đối với liên hoan cấp tỉnh, chương trình của các đoàn tham gia có chất lượng khá đồng đều và được trình diễn bởi các diễn viên, nghệ nhân ở nhiều độ tuổi thể hiện. Liên hoan đã hội tụ được nhiều nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân tham gia biểu diễn. Các tiết mục ca, múa, nhạc được dàn dựng khá công phu, bố cục chặt chẽ, nội dung phong phú, đa dạng về sắc màu dân gian các dân tộc trong tỉnh, bám sát chủ đề… Nhiều tiết mục độc đáo thu hút sự quan tâm, theo dõi của khán giả như tiết mục thi ca: Kể chuyện đời hơ của huyện Tân Lạc, Nàng Nga hai mối, hát thường đang bọ mẹng, ra ruổi của dân tộc Mường, hát giao duyên dân ca dân tộc Mông, hát khắp đưa con về nhà chồng của dân tộc Tày…

Bên cạnh đó, những màn hát, múa mang phong cách dân gian đương đại nhiều màu sắc cùng với các điệu múa dân gian dân tộc đặc sắc như: Xòe roi mặt mẻ, múa quạt cọ, múa huyền tích núi ba nàng. Đối với âm nhạc truyền thống, từ các nhạc cụ như: trống, chiêng, cò ke ống sáo, đàn tam, đàn tứ, đàn bầu, pí… các tiết mục đã đem đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc. Đặc biệt về nghi thức văn hóa truyền thống, các lễ hội, trích đoạn lễ được mô phỏng và sân khấu hóa mang đậm nét đặc trưng văn hóa tín ngưỡng của các dân tộc. Hầu hết các trích đoạn lễ hội được nghiên cứu, sưu tầm khá chi tiết, khai thác tính nguyên bản, giữ nguyên tính chỉnh thể nguyên hợp, chọn lọc những yếu tố tích cực…

Đồng chí Lưu Huy Linh cho biết thêm: Liên hoan không chỉ là sân chơi nghệ thuật bổ ích, lý thú của các đội văn nghệ dân gian mà còn là dịp để các diễn viên, nghệ nhân được thể hiện, giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động và nâng cao chất lượng chuyên môn của các đội văn nghệ dân gian cơ sở. Qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng phong trào ngày càng phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của quần chúng nhân dân.


Hồng Duyên


Các tin khác


Cuốn hút bản Mường Bích Trụ

Đến với bản Bích Trụ, xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình để cảm nhận về một bản Mường nơi lòng hồ non nước hữu tình, lòng người hiếu khách và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Khám phá di tích hang xóm Trại ở Mường Vang

Cách đây gần 20 năm, tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á đã phát hiện dấu mòn đi lại tiền sử dài chừng 6m ở phía Nam cửa hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn). Khi phát hiện, hệ thống các dấu mòn này nằm sâu 60 - 70 cm, có niên đại 8.000 - 9.000 năm, hiện trạng gần như nguyên vẹn.

Huyện Yên Thủy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Huyện Yên Thủy hiện có 12 điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia là hang Chùa và chùa Hang (xã Yên Trị); hang nước động Thiên Tôn (xã Ngọc Lương); động Thiên Long (xã Lạc Lương) và 9 di tích cấp tỉnh. Trong những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp tích cực trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể.

Trao 50 giải tại Liên hoan nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình

Tối 24/11, tại Cung văn hóa tỉnh, Sở VH-TT&DL tổ chức công diễn, tổng kết và trao giải Liên hoan nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình năm 2023 với chủ đề "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình”.

Đẩy mạnh quảng bá du lịch ở huyện vùng cao Đà Bắc

Đà Bắc là huyện vùng cao có cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, kỳ vỹ, đặc biệt huyện có một số xã thuộc vùng lòng hồ Hoà Bình, nơi được quy hoạch là Khu du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo nên những nét văn hóa độc đáo, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để xây dựng đời sống mới

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, MTTQ và các tổ chức thành viên trên địa bàn huyện Cao Phong đã phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, phát động nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động (CVĐ) có sức lan tỏa sâu rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục