Những ngày gần Tết, người dân tỉnh Hòa Bình tự hào, phấn khởi khi Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh được triển khai. Đặc biệt, tỉnh vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự và phát biểu chỉ đạo. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ tỉnh đến cấp huyện, xã, tạo sức lan tỏa rộng rãi.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đồng chí lãnh đạo cùng các đại biểu dự Hội nghị triển khai Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Cán bộ UBND xã Yên Phú (Lạc Sơn) thăm di tích Mái đá Làng Vành - nơi ghi dấu nhiều di chỉ nền "Văn hóa Hòa Bình".
Tự hào văn hóa dân tộc Mường
Người Mường ở nước ta có tổng dân số trên 1.450.000 người, tập trung chủ yếu tại tỉnh Hòa Bình với trên 540.000 người, chiếm hơn 63% dân số toàn tỉnh. Trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất, người Mường Hòa Bình đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo, thể hiện qua các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, lễ hội, tri thức dân gian... nhất là diễn xướng Mo sử thi. Các yếu tố văn hoá truyền thống của người Mường khá đa dạng, phong phú, chứa đựng những giá trị đặc sắc. Di sản văn hoá của người Mường Hòa Bình là tài sản vô giá, cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới.
Nghệ nhân Ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Huy Vọng (xã Hương Nhượng - Lạc Sơn) tự hào chia sẻ: Thời gian qua, di sản văn hóa Mường đã được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc Mường đã được công nhận di sản cấp quốc gia như: Mo Mường Hòa Bình, nghệ thuật chiêng Mường, lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, tri thức dân gian lịch Đoi/Roi (lịch tre)… Bên cạnh đó, những giá trị tiêu biểu chung nhất của di sản văn hóa dân tộc Mường là đề cao tinh thần yêu nước, yêu thương, đùm bọc, đoàn kết dân tộc và cố kết gia tộc, cộng đồng; đề cao giá trị gia đình, biết ơn người có công và tổ tiên; bảo vệ và sàng lọc văn hóa… Từ các giá trị đó, bao đời qua đã góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần vượt qua gian khổ, bảo vệ gia đình, cộng đồng, dân tộc, đùm bọc nhau vượt qua khó khăn... Là người con dân tộc Mường, tôi rất phấn khởi khi giá trị tốt đẹp của văn hóa Mường được quan tâm, tôn vinh.
Nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới
Không chỉ bó hẹp trong tỉnh, "Văn hóa Hòa Bình” là nền văn hóa cổ đại thời đại đồ đá thuộc giai đoạn tiền sơ sử trong tiến trình phát triển của lịch sử loài người đã xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam, trong đó đậm đặc nhất tại tỉnh Hòa Bình. Thuật ngữ "Văn hóa Hòa Bình” được giới khảo cổ học chính thức công nhận từ ngày 30/1/1932 từ đề xuất của bà Madeleine Colani tại Đại hội các nhà Tiền sử Viễn Đông họp tại Hà Nội. "Văn hóa Hòa Bình” có vị trí quan trọng trong thời đại đồ đá ở Việt Nam cũng như trên thế giới; là tài sản vô cùng quý báu, đóng góp cho thế giới những tư liệu khoa học quan trọng, làm rõ thêm bức tranh tiền sơ sử tại Việt Nam. Hoà Bình với địa hình các dải núi đá vôi đã tạo ra nhiều thung lũng với hệ động, thực vật phong phú, nên ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ nơi đây, tạo ra một nền văn hoá nổi tiếng - "Văn hóa Hòa Bình”.
Là người gắn bó với mảnh đất Hòa Bình, TS. Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã nhiều lần phát biểu trên các diễn đàn trong trong nước và quốc tế khẳng định giá trị to lớn về khảo cổ học, tiền sử học, nhân loại học… Nền văn hóa Hòa Bình mang ý nghĩa di sản nhân loại. Tỉnh đã khẳng định được vai trò chủ nhà khi đăng cai tổ chức nhiều hội nghị, tổ chức được các hoạt động thám sát, khai quật, hội thảo khoa học… Đặc biệt, năm 2017, Hòa Bình được quyền chủ nhà tổ chức sự kiện Kỷ niệm 85 năm thế giới công nhận nền "Văn hóa Hòa Bình"; năm 2022 là kỷ niệm tròn 90 năm. Tỉnh cần phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch mang lại thu nhập cho người dân và đóng góp cho ngân sách.
Song tiến trình đô thị hoá với nếp sống mới đã tác động mạnh mẽ đến đời sống đồng bào dân tộc Mường cả những mặt tích cực và tiêu cực, nhiều giá trị văn hoá truyền thống bị mai một. Nền "Văn hóa Hòa Bình” là di sản quý giá của đất nước và nhân loại, cần được tiếp tục nghiên cứu và bảo tồn, phát huy giá trị mang tầm thế giới.
Bảo tồn và phát huy giá trị
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII; Nghị quyết số 04-NQ-TU, ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030... việc xây dựng Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030 là hết sức cần thiết để tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của người Mường. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu vùng đất, con người Hòa Bình, xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách trong nước, quốc tế, góp phần phát triển KT-XH tỉnh Hòa Bình.
Dự hội nghị triển khai Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đều khẳng định: Hòa Bình là vùng đất cổ, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống của người Việt - Mường cách đây hàng vạn năm; là tỉnh miền núi nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, cũng là trung tâm của đồng bào Mường cả nước. Đặc biệt, nền "Văn hóa Hòa Bình” tồn tại từ khoảng 30.000 năm đến 3.500 năm cách ngày nay không chỉ là minh chứng khẳng định Việt Nam là một trong những cái nôi của loài người mà còn cung cấp cho các nhà khảo cổ, nhà khoa học trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học về quá trình chuyển hóa từ người vượn tiền sử lên người hiện đại, về phương thức kiếm sống, canh tác, tổ chức xã hội. Đề án thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền tỉnh đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”. Từ đó nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc Mường nói riêng và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung. Tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội XIII của Đảng.
Linh Trang
Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, cửa sổ tâm hồn tôi lại thêm phần rộng mở. Trong tâm trí lại vang vọng những áng xuân ca, nhất là những bài ca, điệu nhạc viết về quê hương Hòa Bình. Để thỏa cơn "nghiền” và cũng là để ngâm nga, thư giãn, tôi thường bật đĩa CD, hoặc Youtube để nghe lại. Và từ đó thấy yêu hơn, tự hào hơn về vùng đất, con người nơi mình đang sinh sống.
"Chơi cá dưỡng tâm, chơi chim dưỡng trí, chơi cây dưỡng thần”. Thú chơi cá và thủy sinh không chỉ trang trí cho không gian ngôi nhà thêm sức sống tươi mới, trong lành, gần gũi với thiên nhiên, mà còn rèn luyện cho con người tính tỉ mỉ, kiên nhẫn và sức sáng tạo vô tận, mang lại sự thư thái, bình yên trong cuộc sống hiện đại hối hả.
Từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, người Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo nên những món ăn, thức uống vừa tinh túy, vừa bổ dưỡng. Bằng đôi tay khéo léo, chứa đựng tình cảm của người làm ra nó mà ẩm thực các vùng Mường mang đến hương vị đậm đà, khác biệt, đầy bản sắc của núi rừng.
Đã thành phong tục, sau khi kết thúc mùa thu hoạch cuối cùng trong năm, các gia đình dân tộc Tày ở huyện Đà Bắc tất bật chuẩn bị lễ vật cúng, đan mâm, làm đũa hoa cho mâm cỗ mừng Tết cơm mới với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động cúng đất trời, cầu mưa thuận gió hoà và bày tỏ sự tôn kính đối với tổ tiên, ông bà đã khuất.
Những ngày này, không khí hân hoan, vui tươi đón Xuân Giáp Thìn ngập tràn khắp các nẻo đường, ngõ xóm. Hòa cùng không khí phấn khởi ở khắp mọi nơi, đồng bào dân tộc Dao ở xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi) cũng tất bật đón Tết sớm.