Một mùa Xuân mới đã về trong không khí hân hoan, phấn khởi. Năm cũ qua đi, chào đón năm mới với những niềm vui mới, các văn nghệ sĩ của tỉnh hăng say sáng tạo nghệ thuật và ấp ủ dự định cho ra đời thêm nhiều "đứa con” tinh thần ấn tượng, giá trị để phục vụ độc giả. Đồng thời góp phần quảng bá quê hương, con người Hòa Bình đến với bạn bè trong cả nước…


Họa sĩ Hà Quốc Minh (bên phải)  bàn giao tác phẩm cho đại diện  Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Lê Va - nặng lòng mảnh đất đầy ắp nghĩa tình

Nhà thơ Lê Va hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình. Sinh năm 1959, quê quán ở Hà Đông (Hà Nội), năm 1977, chàng thanh niên Lê Va khi đó là chiến sĩ Công an nhân dân được điều lên nhận công tác tại Công an huyện Đà Bắc. Quá trình công tác, có cơ hội được tiếp xúc gần gũi với Nhân dân, tìm hiểu về bản sắc văn hóa, con người nơi đây, ông cảm nhận sâu sắc về cuộc sống yên bình, con người Tây Bắc giản dị, nghĩa tình. Tâm hồn ông được nuôi dưỡng trong điều kiện, hoàn cảnh sống, trực tiếp cảm nhận bằng mắt thấy, tai nghe về đời sống của bà con dân tộc ở huyện vùng cao, bởi vậy những sáng tác của ông mang nét đặc trưng riêng.

Sinh sống và làm việc tại Hòa Bình đến nay đã gần 47 năm, mảnh đất đầy ắp tình người như quê hương thứ hai đã níu chân ông. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của ngành Công an, Đại tá Lê Va được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh. Để có một "đứa con” tinh thần ra đời là bao tâm huyết, tài năng, huy động vốn kiến thức, kinh nghiệm quý báu, khéo léo "nhặt” những từ ngữ, hình ảnh giá trị để mang đến cho độc giả nhìn chân thật, sinh động, độc đáo, đặc sắc nhất.

Trong vai trò là nhà thơ, với sự cống hiến không mệt mỏi, ông đã giành được nhiều giải thưởng như: Giải A về thơ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2015; Giải thưởng Cây Bút vàng của Bộ Công an năm 2019; nhiều giải A, B, C của Hội Nhà báo tỉnh... Đến nay, nhà thơ Lê Va đã xuất bản 20 đầu sách.

Chia sẻ về những dự định trong năm mới, ông cho hay: "Năm 2024, tôi tiếp tục thực hiện tốt công tác lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, xuất bản cuốn sách Họ Cao kết nối. Đặc biệt là miệt mài sáng tác, khắc họa hình ảnh con người, bản sắc văn hóa dân tộc vào các tác phẩm...”.

Nhạc sĩ, Nhà giáo nhân dân Trương Văn Sơn - duyên nợ với Hòa Bình

Nhạc sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trương Văn Sơn quê ở thành phố Hà Nội, hiện là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Hòa Bình. Ông nguyên là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh. Khi còn đi học, ông đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, cảm nhận sâu sắc về cuộc sống, con người. Từ "mạch nguồn” cảm hứng bất tận ấy mà ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm ấn tượng. Khi công tác tại Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc, ông từng bước tiếp cận với việc sáng tác. Cho rằng mình là người có duyên nợ với Hòa Bình, bởi vậy, đa phần tác phẩm do ông sáng tác có chủ đề về tỉnh Hòa Bình, mang âm hưởng dân gian, khai thác chất liệu dân gian, miền núi.

Hiện đã ngoài 70 tuổi, song nhạc sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trương Văn Sơn luôn giữ được ngọn lửa đam mê âm nhạc, đóng góp tích cực giúp phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương thêm sôi động, phong phú. Tài năng cùng sự thăng hoa trong cảm xúc, cảm hứng sáng tác, người nhạc sĩ tài hoa đã thổi hồn vào giai điệu, tạo nên tác phẩm mang đậm dấu ấn riêng. Qua đó khẳng định được tên tuổi, uy tín, khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ của "cây cao, bóng cả” trong Chi hội Nhạc sĩ Hòa Bình. 

Cống hiến không ngừng nghỉ đã giúp ông gặt hái được nhiều "quả ngọt”. Trong đó, không thể không nhắc đến tác phẩm "Người vùng cao đón khách”, nhạc của nhạc sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trương Văn Sơn, thơ của nhà thơ Lê Va đã xuất sắc đoạt giải A tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt II - năm 2023. Nhạc sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trương Văn Sơn bộc bạch: "Đây là một giải thưởng cao quý đối với bản thân tôi...”.

 Nhạc sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trương Văn Sơn đang ấp ủ ý tưởng nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) sẽ viết ca khúc về hình tượng người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam; có tác phẩm tham gia Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và sáng tác thêm nhiều ca khúc dành cho thiếu nhi...

Họa sĩ Hà Quốc Minh - nghệ thuật vị nhân sinh

Họa sĩ Hà Quốc Minh, sinh năm 1964, hiện là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Hòa Bình. Thiên về dòng tranh cổ động, bởi vậy họa sĩ Hà Quốc Minh như người chiến sĩ văn hóa trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Gần nửa thế kỷ qua, họa sĩ miệt mài cống hiến, giữ trọn đam mê với tranh cổ động. Những tác phẩm của ông gây ấn tượng bởi dòng khẩu hiệu ngắn gọn, dễ hiểu, mang thông điệp về chính trị, công tác dân vận; đưa nghị quyết, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với Nhân dân... Yêu thích, gắn bó với sáng tác hội họa từ khi còn nhỏ, tình yêu đó vẫn luôn cháy bỏng nhưng phải đến khoảng những năm 2005 - 2006, sự nghiệp cầm cọ vẽ tranh cổ động của họa sĩ mới thực sự rực rỡ.


Nhạc sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trương Văn Sơn (ngoài cùng bên trái) xuất sắc đoạt giải A tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt II - năm 2023.

Nhiều tác phẩm của họa sĩ không chỉ có sức sống lâu dài trong đời sống mà còn đoạt giải cao trong các cuộc thi, như: tác phẩm "Đảng vì dân, dân một lòng theo Đảng” đoạt giải nhì của Cuộc thi tranh cổ động tuyên truyền chào mừng 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020); tác phẩm "Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh” giành giải nhì Cuộc thi tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2019) và 30 năm ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2019)... Đồng thời, ông cũng có không ít tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng.

Phía sau mỗi tác phẩm được khắc họa bởi những đường nét, màu sắc, bố cục, tư duy sáng tạo trong cách thể hiện ý tưởng, lồng ghép bản sắc văn hóa dân tộc, con người, quê hương Hòa Bình, từ đôi tay tài hoa, khéo léo... Ông quan niệm: Nghệ thuật vị nhân sinh. Nghệ thuật phải gắn liền với đời sống chính trị, xã hội, phục vụ và cùng xã hội phát triển. 

Họa sĩ Hà Quốc Minh cho biết: "Có tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh là điều mà tôi luôn hãnh diện và tự hào. Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, chuyển tải thông điệp tuyên truyền chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hăng hái thi đua học tập, lao động, sản xuất, chung sức xây dựng quê hương...”.

Thành công mà các văn nghệ sĩ tỉnh ta đạt được là cả một quá trình đam mê, miệt mài lao động, cống hiến. Năm Giáp Thìn 2024, mong rằng những ước vọng của các văn nghệ sĩ sẽ trở thành hiện thực, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Linh Nhật

Các tin khác


Chương trình Nghệ thuật mừng Đảng - mừng Xuân Giáp Thìn 2024

Tối 9/2 (tức 30 Tết), tại Quảng trường Hòa Bình, Sở VH-TT&DL tỉnh tổ chức Chương trình nghệ thuật "Mừng Đảng - mừng Xuân”, đón Xuân Giáp Thìn  2024. Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Võ Ngọc Kiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành cùng đông đảo Nhân dân trên địa bàn thành phố Hòa Bình.

Vang vọng những áng xuân ca

Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, cửa sổ tâm hồn tôi lại thêm phần rộng mở. Trong tâm trí lại vang vọng những áng xuân ca, nhất là những bài ca, điệu nhạc viết về quê hương Hòa Bình. Để thỏa cơn "nghiền” và cũng là để ngâm nga, thư giãn, tôi thường bật đĩa CD, hoặc Youtube để nghe lại. Và từ đó thấy yêu hơn, tự hào hơn về vùng đất, con người nơi mình đang sinh sống.

Độc đáo thú chơi thủy sinh

"Chơi cá dưỡng tâm, chơi chim dưỡng trí, chơi cây dưỡng thần”. Thú chơi cá và thủy sinh không chỉ trang trí cho không gian ngôi nhà thêm sức sống tươi mới, trong lành, gần gũi với thiên nhiên, mà còn rèn luyện cho con người tính tỉ mỉ, kiên nhẫn và sức sáng tạo vô tận, mang lại sự thư thái, bình yên trong cuộc sống hiện đại hối hả.

Hấp dẫn ẩm thực xứ Mường

Từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, người Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo nên những món ăn, thức uống vừa tinh túy, vừa bổ dưỡng. Bằng đôi tay khéo léo, chứa đựng tình cảm của người làm ra nó mà ẩm thực các vùng Mường mang đến hương vị đậm đà, khác biệt, đầy bản sắc của núi rừng.

Tết cơm mới của người Tày Đà Bắc

Đã thành phong tục, sau khi kết thúc mùa thu hoạch cuối cùng trong năm, các gia đình dân tộc Tày ở huyện Đà Bắc tất bật chuẩn bị lễ vật cúng, đan mâm, làm đũa hoa cho mâm cỗ mừng Tết cơm mới với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động cúng đất trời, cầu mưa thuận gió hoà và bày tỏ sự tôn kính đối với tổ tiên, ông bà đã khuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục