Phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) có trên 35% dân số là người dân tộc Mường. Thời gian qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, phường luôn quan tâm công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Qua đó góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Người dân phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) giao lưu môn đẩy gậy trong lễ ra mắt mô hình "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường” và Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc phường Dân Chủ năm 2024.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường tại phường Dân Chủ đạt kết quả tích cực. Hệ thống chính trị và nhân dân nhiệt tình tham gia hưởng ứng. Trong những sự kiện, ngày lễ, Tết, đám cưới..., phụ nữ trên địa bàn phường thường mặc trang phục dân tộc. Toàn phường có gần 260 chiếc chiêng Mường, nhiều hộ có từ 2 chiếc trở lên. Số người biết đánh chiêng trên 540 người ở các độ tuổi, song chủ yếu là từ 31 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, phường hiện có 44 người biết hát các làn điệu dân ca, ví Mường; lưu giữ được 5 làn điệu, gồm: hát ví, mời trầu, hát đối, hát thường rang, hát đúm; lưu giữ được điệu múa bông, sinh tiền và 5 loại nhạc cụ là cò ke, sáo trúc, trống, đàn nhị, đàn bầu. Đồng thời, xã lưu giữ nhiều trò chơi dân gian. Hiện, toàn xã có trên 2.600 người nói được tiếng Mường và gần 50 người viết được chữ Mường...

Để đạt được những kết quả tích cực trên, phường Dân Chủ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Từ đó nhận thức của người dân về việc bảo tồn văn hóa truyền thống được nâng lên rõ rệt, hiểu rõ về tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong bảo tồn văn hóa truyền thống; khơi dậy tình yêu, niềm đam mê, giúp thế hệ trẻ thêm trân trọng, tự hào bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Một điểm nhấn hoạt động văn hóa đầu năm 2024 của phường Dân Chủ là ra mắt mô hình "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường” và Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc năm 2024. Với những hoạt động đặc sắc, hấp dẫn  như: trình diễn trang phục dân tộc Mường; hòa tấu chiêng Mường; đồng diễn nhảy dân vũ; trưng bày các gian hàng truyền thống; giao lưu một số trò chơi dân gian... chương trình đã diễn ra sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi bước vào năm mới Giáp Thìn.

Đồng chí Đinh Thị Thu Hiền, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Dân Chủ cho biết: "Mô hình Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường sẽ góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Đồng thời, không chỉ phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn cổ vũ, động viên nhân dân thi đua học tập, lao động, sản xuất. Đây còn là dịp để phường quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, vùng đất, con người phường Dân Chủ, từng bước xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Tham gia chương trình, bà Bùi Thị Tuấn Anh, tổ 6, phường Dân Chủ chia sẻ: "Tại đây, chúng tôi được tham gia vào hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, thể thao dân tộc. Tôi rất tự hào khi mặc bộ trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường, tham gia màn hòa tấu chiêng Mường và đồng diễn dân vũ. Mong rằng trong thời gian tới, phường sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư ”.

Trước sự hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội trong cuộc sống hiện đại, nhiều nét văn hóa truyền thống của các dân tộc đứng trước nguy cơ mai một. Bằng những giải pháp, hoạt động thiết thực, hiệu quả, phường Dân Chủ đang nỗ lực gìn giữ, phát huy bản sắc, khẳng định sức sống mãnh liệt của văn hóa truyền thống dân tộc Mường trong xã hội hiện đại.

Linh Nhật


Các tin khác


Người thổi hồn vào gốc tre ở phố cổ Hội An

Đến phố cổ Hội An (Quảng Nam) ấn tượng nhất là vào ban đêm, trải nghiệm khó quên nhất là đi thuyền thúng trên dòng sông Hoài thơ mộng và chợ đêm. Đến với chợ đêm, du khách sẽ ấn tượng với gian hàng gốc tre hình tượng Phật. Đó là gian hàng của vợ chồng anh Huỳnh Phương Đỏ nằm trong khu chợ thủ công mỹ nghệ ở phố cổ Hội An, nổi bật với những bức tượng Phật, tượng Chúa làm bằng gốc tre.

Chè cổ thụ trăm tuổi ở xã Pà Cò

Ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, ngoài 82 ha chè shan tuyết được trồng từ vài chục năm trước còn có loại chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi sống rải rác tại các xóm, nhưng nhiều nhất là ở xóm Pà Háng Lớn và xóm Pà Cò. Chè ở đây có hương vị đặc trưng, được nhiều người ưa chuộng và hiện nay, những cây chè còn là điểm check-in thu hút khách du lịch.

Hấp dẫn trò chơi dân gian ngày Xuân

Âm thanh trống giục liên hồi cùng tiếng hò reo, cổ vũ không ngớt của người xem ở mỗi hội thi, trận đấu đã cho thấy sức hấp dẫn của trò chơi dân gian. Có dịp đến với các lễ hội ở Hòa Bình, du khách sẽ cuốn hút bởi hình thức vui chơi chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp này.

Mùa hoa ban nở trắng rừng Mai Châu

Những ngày này, các điểm du lịch ở huyện Mai Châu thu hút rất đông du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc. Du khách được thỏa sức đắm mình vào vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thiên nhiên với điểm nhấn là những cung đường hoa ban trắng muốt, thơ mộng.

Kiểm tra công tác đầu tư các dự án trên Khu du lịch hồ Hoà Bình

Ngày 8/3, đoàn công tác Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hoà Bình thành khu du lịch quốc gia đã kiểm tra công tác đầu tư các dự án trong Khu du lịch hồ Hoà Bình thuộc địa bàn huyện Cao Phong, Tân Lạc. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì chương trình làm việc.

Gìn giữ di tích lịch sử chùa Lốc, thị trấn Mãn Đức

Chùa Lốc tọa lạc tại khu Tân Phong, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc. Chùa được khởi dựng từ lâu đời. Xưa kia khu đất dựng chùa có địa thế đẹp, nằm giữa trung tâm của Mường Định, cạnh đường liên xóm thuận tiện cho đi lại và tổ chức những sinh hoạt cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục