Chùa Trăm Gian thu hút du khách đến vãn cảnh, dâng hương.
Qua đó được biết, chùa Trăm Gian nổi tiếng trong vùng, ngoài thờ Đức Phật, chùa còn thờ Đức Thánh Bối. Đức Thánh Bối tên tục là Nguyễn Bình An, đạo hiệu Đức Minh Chân Nhân, người gốc làng Bối Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã tu luyện ở đây thành thánh.
Khi sống ngài có nhiều phép lạ, có tích lấy cà muối và nấu một niêu cơm mà cả trăm người thợ ăn không hết. Tương truyền năm 95 tuổi, ngài làm một khám son đặt bên tả điện Phật chùa Quảng Nghiêm rồi cho mời Tứ Bích cùng các điện thiện tăng tùng giả đến dặn rằng: Nay thầy số trời đã hết, thầy vào khám ngồi đủ trăm ngày thì mở. Thấy thơm thì để nguyên đấy mà thờ, nhược bằng có mùi tanh thì mang ra sau chùa để táng. Hôm đó là ngày 13 tháng Chạp năm Ất Mão, đến mùng 4 tháng Giêng năm Bính Thìn, đệ tử mở khám thấy mùi thơm ngào ngạt, hào quang tỏa sáng cả núi rừng, nhân Tứ Bích vui mừng dâng hương cúng tế liền 3 ngày và loan báo cho toàn dân trong vùng biết. Dân làng và đệ tử đã xây tháp để lưu giữ kim thân, tôn thờ là "Đại thánh Khai sơn Bình đẳng Hành nghĩa tín Bồ tát”. Từ đây, hàng năm, vào ngày mùng 4 tháng Giêng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ Đức Thánh Bối và kéo dài đến mùng 6 tháng Giêng. Trong lễ hội chùa Trăm Gian tổ chức các cuộc tế lễ trọng thể và rước kiệu thánh linh đình, các cuộc thi cỗ chay, trình diễn rối cạn.
Chùa Trăm Gian là một quần thể kiến trúc cổ, độc đáo, có niên hiệu ngàn năm. Chùa được xây dựng từ thời Lý Cao Tông, được trùng tu và xây dựng nhiều lần ở nhiều triều đại khác nhau mới có ngôi chùa lớn với quy mô như hiện nay. Chùa có 3 cụm kiến trúc chính. Từ cửa vào gồm 2 quán, trước đây dùng làm nơi đánh cờ người trong ngày hội. Kế đó là ngôi nhà có tên Giá Ngự, nơi đặt kiệu thánh trong lễ rước thánh và là nơi xem rối nước diễn trên hồ. Tiếp đến là gác chuông của chùa, một trong số ít gác chuông cổ được xây dựng từ năm 1693. Với kiến trúc mặt bằng vuông, 2 tầng 8 mái, gác chuông khoác lên mình nét đẹp cổ kính xưa cũ nhưng vẫn mang đậm dấu ấn nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc độc đáo, tỉ mỉ trong từng chi tiết. Đi qua các bậc đá có lan can chạm rồng đến ngôi chùa chính, gồm: bái đường, nhà thiêu hương và thượng điện.
Chùa Trăm Gian độc đáo nhất phải kể đến hơn 100 pho tượng gỗ và một số ít bằng đất nung phủ sơn. Đặc biệt ở gian giữa thượng điện có một bệ bằng đất nung đỏ hình khối chữ nhật, giống kiểu các bệ đá thời Trần. Trên là đài sen, xung quanh trang trí nhiều hình động vật và hoa lá, 4 góc có hình chim thần Garuda. Trên bệ đặt các tượng Phật Tam thế. Ở gian bên trái, phía dưới tượng Quan Âm tống tử là tượng đô đốc Đặng Tiến Đông - một tướng lĩnh Tây Sơn sự tích được ghi lại trên khối bia vuông bốn mặt đặt ở bái đường. Gian bên phải là khám thờ Đức Thánh Bối. Ngoài ra còn phải kể đến những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc bằng đất nung và phù điêu gỗ sơn như: tượng Tuyết Sơn, bộ thập bát La Hán, bộ tranh La Hán và tranh cổ "Thập Điện Diêm Vương” hàng nghìn năm tuổi. Bao quanh chùa Trăm Gian có nhiều cây cổ thụ như trám, trắc, thân cây cao vút, tán lá xum xuê tạo không gian xanh mát. Đặc biệt có gần 30 cây thông to được trồng hàng trăm năm nay tạo nên một nét riêng của chùa.
Với những giá trị nổi bật về kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc…, năm 1962, chùa Trăm Gian được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Là một trong "tứ đại danh thắng" xứ Đoài (chùa Trăm Gian, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Tây Phương), nổi tiếng với không gian thanh bình, tĩnh lặng và linh thiêng, cổ kính, chùa Trăm Gian thu hút đông đảo phật tử, du khách thập phương đến vãn cảnh, dâng hương.
Thuý Hằng (CTV)