Là trung tâm văn hóa hàng đầu của cả nước với sự phát triển đa dạng, phong phú của các loại hình nghệ thuật biểu diễn, Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt ra mục tiêu:
Biểu diễn thể thao trên nước tại chương trình bế mạc Lễ hội sông nước Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024. (Ảnh SỞ DU LỊCH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)
Phát triển thành phố trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực, phấn đấu gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh.
Nhằm sớm đạt được những mục tiêu đề ra, những năm gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy tốt các nguồn lực xã hội trong việc tham gia phát triển văn hóa. Nhiều chương trình nghệ thuật, sự kiện văn hóa có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân đã tạo được tiếng vang, từng bước trở thành những sản phẩm văn hóa tiêu biểu của thành phố.
Xây dựng thương hiệu văn hóa nghệ thuật
Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HIFF) lần thứ nhất đã kết thúc tốt đẹp vào tháng 4 vừa qua. Những con số ấn tượng về số lượng phim được trình chiếu, quy mô tổ chức, các hoạt động được diễn ra trong khuôn khổ liên hoan đã khẳng định sự thành công của sự kiện này trong lịch sử điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Gần 100 bộ phim được trình chiếu, phần lớn là các bộ phim công chiếu lần đầu tiên tại Việt Nam.
Đặc biệt, hai tác phẩm điện ảnh Việt Nam nổi tiếng "Mùa len trâu” (kỷ niệm 20 năm phát hành) và "Cánh đồng hoang” đã được số hóa, trình chiếu, làm phong phú thêm chương trình phim của liên hoan, giúp khán giả trẻ Việt Nam có cơ hội được tiếp cận các bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt. Liên hoan phim HIFF đã trở thành một sự kiện điện ảnh đáng nhớ, đánh dấu sự phát triển không ngừng của điện ảnh Việt Nam và khẳng định vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh như một trung tâm văn hóa-nghệ thuật sôi động và hấp dẫn.
Đáng chú ý, liên hoan phim đã thu hút nhiều đơn vị tư nhân tham gia thực hiện. Đây là nguồn lực quý giá, thể hiện trách nhiệm của các doanh nghiệp, sự chung tay cùng thành phố trong thực hiện một hoạt động ý nghĩa. Trong khuôn khổ Liên hoan phim HIFF, sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước và tư nhân, cũng như giữa các tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực điện ảnh, đã góp phần phát huy nguồn lực xã hội hóa, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của điện ảnh Việt Nam.
Trước đó, Liên hoan âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh-Hò Dô dần trở nên quen thuộc với công chúng yêu âm nhạc thành phố vào mỗi dịp cuối năm. Qua ba lần tổ chức, Hò Dô được đánh giá là một trong những sự kiện văn hóa lớn hằng năm của thành phố, được tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa và kích cầu du lịch thành phố.
Thành công qua ba lần tổ chức khiến Hò Dô trở thành một lễ hội âm nhạc thường niên của thành phố có sức lan tỏa lớn, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, có chỗ đứng vững chắc trên "bản đồ” lễ hội âm nhạc thế giới. Sự kiện này cũng là một minh chứng cho sự thành công trong việc phát huy các nguồn lực xã hội cùng tham gia thực hiện các chương trình biểu diễn nghệ thuật có quy mô lớn, mang tầm quốc tế tại thành phố mang tên Bác.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy, thành phố có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa. Đó chính là không gian để phát triển của công nghiệp văn hóa, với vốn văn hóa nghệ thuật đa dạng, có đội ngũ những người làm văn hóa nghệ thuật tài năng, nhất là có hệ thống doanh nghiệp trên lĩnh vực văn hóa nhiều tâm huyết…
Phát huy thế mạnh đó, thành phố đã từng bước xây dựng được những thương hiệu văn hóa, nghệ thuật riêng cho mình như Liên hoan âm nhạc quốc tế Hò Dô, Liên hoan phim quốc tế HIFF, Lễ hội sông nước…
Theo Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố Hồ Chí Minh phải là lá cờ đầu của cả nước về kinh tế số và xã hội số. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế số nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động tốt nhất.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 26/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện thuận lợi để thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố trong thời gian tới.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi để thành phố tiếp tục phát huy nguồn lực xã hội hóa trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm xây dựng ngành công nghiệp văn hóa theo đúng lộ trình đề ra.
Phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội
Trên thực tế, bên cạnh những thành quả đạt được, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đứng trước những thách thức, hạn chế trong việc huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động văn hóa. Lực lượng lao động chưa đáp ứng kỹ năng và chuyên môn phù hợp để thích ứng, vận hành hiệu quả các mô hình tổ chức, kinh doanh trong thời đại công nghệ. Cơ sở vật chất, các thiết chế hiện đại tầm quốc tế, các tổ hợp giải trí đa chức năng còn thiếu.
Chương trình khai mạc Liên hoan âm nhạc quốc tế-Hò Dô năm 2022. (Ảnh QUỐC THANH)
Tình trạng vi phạm bản quyền, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn. Các cơ chế chính sách, ưu đãi về thuế… chưa tạo động lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Việc tìm kiếm và kết nối với các nhà tài trợ và nguồn lực cho nghệ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp một số thách thức nhất định. Đầu tiên là việc thiếu mạng lưới hỗ trợ. Việc xây dựng mạng lưới và mối quan hệ với các nhà tài trợ là một thách thức đối với các tổ chức nghệ thuật ở thành phố, nhất là với những tổ chức nhỏ và mới thành lập.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa nhiều năm, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD cho rằng: Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang là trung tâm công nghiệp điện ảnh và nội dung số của Việt Nam với hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành đều hoạt động tại đây.
Nếu có chính sách tốt hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh có thể trở thành trung tâm điện ảnh, truyền hình và nội dung số không chỉ của Việt Nam mà cả Đông Nam Á.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Từ thực tiễn sinh động của Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chủ trương chính sách phát triển kinh tế-xã hội của cả nước đã được xây dựng, phát huy, nhưng cũng có một số chủ trương, chính sách sau khi ban hành lại gặp vướng mắc trong thực thi, vì có vấn đề mang tính đặc thù, riêng có của thành phố khó giải quyết ở các chính sách chung.
Nhận thấy vấn đề nêu trên, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho thành phố khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế-xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Với các lĩnh vực văn hóa, thể thao, Nghị quyết số 98/2023/QH15 cho phép thành phố được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, để phát huy nguồn lực xã hội hóa lĩnh vực nghệ thuật, Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục rà soát, đề xuất danh mục, lựa chọn trúng, đúng các dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP nhằm hiện đại hóa, đồng bộ hóa các thiết chế văn hóa cho phát triển nghệ thuật như nhà hát, trung tâm biểu diễn, không gian sáng tạo,… định hình một số sự kiện văn hóa nghệ thuật quy mô tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách khuyến khích sáng tạo với nghệ sĩ và cả công chúng, tạo lập môi trường thuận lợi phát huy năng lực, sở trường của các thành phần sáng tạo từ khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, có giải pháp thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường nghệ thuật, coi trọng thực thi quyền tác giả, quyền liên quan.
Thành phố cần chủ động giao lưu, hợp tác quốc tế về nghệ thuật, nhất là các xu hướng mới về nghệ thuật, trọng tâm phát triển nội dung số, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa thành công của một số nước, làm giàu môi trường sáng tạo của thành phố.
Việc tháo gỡ những vướng mắc về chính sách pháp luật sẽ tạo sự thông thoáng, giúp thành phố huy động hiệu quả nguồn lực xã hội trong phát triển văn hóa nghệ thuật.
Với những chính sách hợp lý, cùng sự năng động, sáng tạo, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo ra một môi trường phát triển lành mạnh, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến chung tay xây dựng các chương trình nghệ thuật quy mô, có chất lượng; qua đó, chắp cánh cho ngành công nghiệp văn hóa nói riêng và kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nói chung ngày càng vươn cao, vươn xa.
Theo Báo Nhân dân
Tối 29/9, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương, gần 1.500 nghệ sĩ đến từ 24 đơn vị nghệ thuật trên khắp cả nước đã tham gia lễ khai mạc Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 (đợt 2).
Tối 28/9, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Thành ủy Hà Nội tổ chức Lễ trao Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VII - năm 2024.
Xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) có 1.635 hộ dân, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 82%, chủ yếu là dân tộc Mường. Những năm gần đây, việc phát triển, nhân rộng các câu lạc bộ (CLB) văn hoá, văn nghệ truyền thống luôn được xã quan tâm. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi để giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
"Đến Lam Sơn mùa nào cũng đẹp, nhưng đẹp nhất là mùa thu được tận hưởng sự trong lành, thơ mộng của vùng đất non xanh nước biếc. Hơn cả là sẽ được sống dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc với hào khí Lam Sơn vang danh trang sử Việt được khắc họa qua Lễ hội Lam Kinh tổ chức hàng năm vào tháng 8 âm lịch”. Sau nhiều lần lỗi hẹn với lời mời về thăm quê hương của cô bạn thời sinh viên, mùa thu này chúng tôi đã có hành trình về nguồn thật ý nghĩa.
Sáng 27/9, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (Quận 3) khai mạc trưng bày chuyên đề "Kỷ vật - Ký ức của chiến tranh” phần 2.
Sáng 23/9, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Câu lạc bộ Nhiếp ảnh người cao tuổi Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Triển lãm ảnh "Hà Nội trong tôi” năm 2024 với chủ đề "Hà Nội vươn mình bứt phá”.