Du khách tham quan, tìm hiểu về bản sắc văn hóa các dân tộc tại Bảo tàng Tuyên Quang.
Bảo tàng Tuyên Quang tiền thân là Bảo tàng tỉnh Hà Tuyên được xây dựng trên khu đất cao giữa hồ, xung quanh có nhiều cây xanh thuộc phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Không gian đẹp, trưng bày theo lớp lang sự kiện, nhóm hiện vật thuộc từng thời đại, niên đại…, bảo tàng mở cửa từ thứ Ba đến Chủ nhật hằng tuần và thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, lễ báo công, dâng hương, lễ kết nạp Đảng, Đoàn, Đội... Hướng dẫn viên Ngô Thị Minh Tuyết chia sẻ: Bảo tàng Tuyên Quang được trùng tu, tôn tạo và mở cửa phục vụ du khách tham quan từ năm 2012. Với diện tích trưng bày 1.800m2, bảo tàng đã lựa chọn gần 2.000 hiện vật trong tổng số hơn 22.000 tài liệu, hiện vật được bảo quản tại kho cơ sở để giới thiệu với du khách trong nước, quốc tế về lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, những giá trị văn hóa của Tuyên Quang.
Cùng với không gian trưng bày tư liệu, hiện vật đặc trưng về văn hóa các dân tộc cư trú tại tỉnh Tuyên Quang là không gian trưng bày hiện vật với chủ đề Tuyên Quang thời tiền - sơ sử - lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Bảo tàng cũng dành không gian khá rộng để trưng bày các tư liệu, hiện vật về chủ đề: Tuyên Quang "Thủ đô kháng chiến”… Thông qua các hiện vật, tài liệu được trưng bày, bảo tàng thể hiện một cách sinh động, khái quát, có hệ thống về nền văn hóa đa sắc tộc, đất và người Tuyên Quang qua các thời kỳ, chặng đường lịch sử, bức tranh cách mạng hào hùng của quân và dân tỉnh Tuyên Quang.
Với sự sắp xếp đó, chúng tôi tham quan từ không gian văn hóa thu nhỏ của đồng bào các dân tộc ở Tuyên Quang. Nơi đây trưng bày các hiện vật trang phục, văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội, không gian sinh hoạt... của 22 dân tộc anh em. Dân tộc có dân số đông, cư trú tập trung, bản sắc văn hóa riêng, đậm nét ở Tuyên Quang được kể đến là: Kinh, Tày, Dao, Sán Dìu, Mông, Sán Chay... Trong đó, dân tộc Tày là một trong những dân tộc cư trú lâu đời nhất và phân bố ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Bởi thế không gian trưng bày cũng đậm nét với hình ảnh bản làng, cọn nước, nếp nhà sàn truyền thống, chiếc đó bắt cá, vợt xúc cá, giỏ đựng cá, ky gánh lúa, níp, tổ hợp cô gái Tày dệt vải và một số sản phẩm từ nghề dệt, nhạc cụ truyền thống như đàn tính, thanh la...
Trong không gian nhỏ hẹp trưng bày bộ trang phục nam, nữ của đồng bào Thủy. Theo thuyết minh viên giới thiệu, người Thủy là tộc người thiểu số có số dân ít nhất nước ta (với khoảng 100 nhân khẩu, cư trú duy nhất trên địa bàn xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang). Người Thủy có nguồn gốc từ Trung Quốc, di cư sang Việt Nam cách ngày nay hơn 100 năm. Hiện người Thủy chưa được xếp thành một dân tộc riêng biệt và chưa có tên trong danh mục 54 dân tộc Việt Nam. Người Thủy ở Tuyên Quang có 3 dòng họ: họ Mùng, họ Bàn và họ Lý. Trước đây, đời sống kinh tế của người Thủy là canh tác nương rẫy với cuộc sống du canh du cư trên vùng núi. Năm 1956, người Thủy xuống núi định cư và được người Tày hướng dẫn cách làm ruộng nước.
Trong không gian trưng bày chủ đề "Thủ đô kháng chiến", các thành viên trong đoàn dừng chân khá lâu chiêm ngưỡng hiện vật, nghe thuyết minh viên giới thiệu về chiếc áo cánh Bác Hồ tặng ông Triệu Văn Lưởm, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn; bộ bàn ghế của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh dùng trong kháng chiến chống Pháp tại Tuyên Quang; bàn làm việc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa; giá sách của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trong thời gian làm việc tại Tuyên Quang cùng một số đồ dùng, dụng cụ sản xuất của các cơ quan đặt trụ sở tại Tuyên Quang như: Chum sành, đế máy phát điện, nồi nấu gang, đầm, nồi hấp bông băng… Nổi bật trong không gian trưng bày là ảnh các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và một số cơ quan, bộ, ngành ở và làm việc tại Tuyên Quang trong thời kỳ kháng chiến. Một số tài liệu, hiện vật sưu tầm tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II và một số kỷ vật của Hoàng thân Xuphanuvong (một nhà cách mạng yêu nước chân chính của đất nước Lào anh em) trong thời gian ở Tuyên Quang.
Khám phá Bảo tàng Tuyên Quang, ngắm nhìn hiện vật, nghe thuyết minh viên "kể chuyện” về gốc tích hiện vật, những câu chuyện gắn với văn hóa, tập tục của địa phương, về cuộc sống, sinh hoạt của người dân thời kỳ tiền sơ sử, thời kỳ văn hóa đá mới, thời Lý, Trần, Lê… tại Tuyên Quang, hay vì sao Tuyên Quang được gọi là "Thủ đô Khu giải phóng”, "Thủ đô kháng chiến” của cả nước trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, mỗi thành viên trong đoàn đều có những ấn tượng đẹp. Với sự cuốn hút trong từng tư liệu, hiện vật, cách bài trí, trưng bày, giới thiệu…, nhiều người hứa hẹn sẽ trở lại bảo tàng xứ Tuyên khi có dịp.
Thuý Hằng (CTV)
Hướng đến ngày kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/2954 – 10/10/2024), nhiều tuyến phố của Hà Nội đang được trang trí bằng cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động...