Thu phí từ 100.000 đến 600.000 đồng một giấy chứng nhận song Cục Bản quyền tác giả không chịu trách nhiệm thẩm tra và cũng không chịu trách nhiệm đăng công báo. Chỉ khi có tranh chấp, Cục Bản quyền tác giả mới xem xét lại
18 đơn vị sản xuất băng đĩa nhạc, 16 nhạc sĩ hòa âm phối khí đã đệ đơn kiến nghị lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Cục Bản quyền tác giả đề nghị xem xét và thu hồi giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ 3.000 bản nhạc do ông Trần Việt Hùng đứng tên hòa âm phối khí nhạc midi karaoke cho Công ty Maseco mà theo họ thực chất quyền tác giả và chủ sở hữu tác phẩm thuộc về họ.
Hàng chục chữ ký và con dấu của các hãng sản xuất đĩa nhạc và các nhạc sĩ hòa âm kiến nghị lên Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch
Sức đâu mà hòa âm đến 3.000 bản
Các nhạc sĩ chuyên viết hòa âm cho các ca khúc, như: Quốc Dũng, Trần Hữu Bích, Mạnh Trinh, Tuấn Khanh, Đức Trí, Võ Thiện Thanh, Vĩnh Tâm, Tiến Luân, Minh Mẫn, Vũ Quốc Việt, Nguyễn Đức Cường... hết sức ngạc nhiên khi biết có nhạc sĩ với cái tên chưa được nhiều người biết đến là Trần Việt Hùng đã viết hòa âm cho 3.000 bài hát.
Theo họ, thực chất các bản phối âm midi karaoke là bản phái sinh từ các bản hòa âm do họ sáng tạo cho các ca khúc đã được pháp luật bảo hộ. Các nhạc sĩ này cho biết họ chưa bao giờ đồng ý cho Maseco sử dụng các bản hòa âm, phối khí của họ để tạo ra bản hòa âm phái sinh.
Có hay không chuyện nhạc sĩ Trần Việt Hùng đã sáng tạo 3.000 bản phối âm midi karaoke cho Công ty Maseco? Ông Huỳnh Tiết, Giám đốc Bến Thành Audio - Video, cho biết với kỹ thuật phần mềm vi tính hiện đại đã được lập trình sẵn, người ta có thể cho ra hàng ngàn bản phối âm dựa trên bản hòa âm có sẵn của ca khúc đã được phổ biến. Nếu không có hòa âm của bản nhạc thì người cover (làm mới hình thức) không thể làm được.
Tuy nhiên, với nhạc karaoke thì phần intro (dạo đầu) của ca khúc vốn đã quen với người nghe gần như để nguyên. Đây là mấu chốt để phân biệt dễ nhất bản hòa âm gốc và bản cover.
Các nhạc sĩ cũng cho rằng họ chưa ủy quyền quyền tác giả cho Công ty Maseco đăng ký về sở hữu trí tuệ các bản phối âm của họ nên việc công ty này đưa 3.000 bản phối âm midi karaoke đến Cục Bản quyền đăng ký về sở hữu trí tuệ là “tiếm quyền” của các nhạc sĩ.
Cứ có xin là xác nhận
Kiến nghị của các đơn vị sản xuất băng đĩa nhạc và các nhạc sĩ viết hòa âm nói trên đang được Bộ VH-TT-DL và Cục Bản quyền tác giả xem xét. Tuy nhiên, rắc rối là ở chỗ Công ty Maseco dùng giấy chứng nhận tác quyền này để kiện các đơn vị có sản xuất đĩa nhạc karaoke, cho rằng các đơn vị này đã vi phạm bản quyền của họ.
Ai vi phạm bản quyền của ai chắc chắn sẽ sớm được các cơ quan chức năng xem xét và xác định. Điều đáng nói ở đây là việc chứng nhận bản quyền của Cục Bản quyền tác giả mà nói theo cách của các nhà sản xuất băng đĩa nhạc và các nhạc sĩ là vô tội vạ.
Việc chứng nhận quyền tác giả của Cục Bản quyền tác giả lâu nay, theo ông Nguyễn Mạnh Quý, đại diện Cục Bản quyền tác giả ở phía Nam, là khi tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ của đương sự có đầy đủ theo quy định thì Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận bản quyền.
Ông Quý cho biết mỗi giấy chứng nhận, cục thu phí từ 100.000 đến 600.000 đồng.
Cục không chịu trách nhiệm thẩm tra và cũng không chịu trách nhiệm đăng công báo (ngoại trừ có đăng trên Niên giám bản quyền của Cục Bản quyền xuất bản mỗi năm một lần). Chỉ khi có tranh chấp, Cục Bản quyền tác giả mới xem xét lại.
Giải thích vì sao Cục Bản quyền không cho thẩm tra trước khi cấp giấy chứng nhận, ông Quý nói rằng ở đây có rất nhiều việc phải làm nên nhân sự không đủ để làm công việc thẩm tra. Trường hợp có hồ sơ nào mà cục thấy có vấn đề khả nghi thì mới cho tìm hiểu, thẩm tra thôi.
Cách làm này của Cục Bản quyền tác giả lâu nay đã gây ra không ít vụ tranh chấp, dẫn đến tình trạng rối ren trong các hoạt động liên quan đến quyền tác giả.
Theo Báo NLĐ
Ðúng 20 giờ ngày 2-1-2010, tại Quảng trường trung tâm thành phố Ðà Lạt (Lâm Ðồng), Festival (Liên hoan) Hoa Ðà Lạt 2010- Lễ hội văn hóa mở màn cho chuỗi sự kiện chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã chính thức khai mạc trong rực rỡ sắc mầu của muôn nghìn loài hoa.
Nghệ thuật luôn kêu đòi mới lạ. Do đó mà người nghệ sĩ cũng phải thay đổi nếp tư duy, kiếm tìm phương thức biểu đạt không lặp lại những người đi trước, có như vậy nghệ thuật mới tồn tại, phát triển và cần thiết cho đời. Là một thần đồng hội họa, hơn ai hết Picasso ý thức rất rõ “sứ mệnh nghệ thuật” của mình, ông du họa qua nhiều trường phái: cổ điển, siêu thực, linh cảm, biểu hiện, ấn tượng… và ở đâu Picasso cũng để lại những dấu ấn cá nhân của mình. Qua đó phản ánh một cách sinh động những bước tiến của ông trong hành trình nghệ thuật.
Trong bất kỳ lễ hội nào của người Khmer ở Nam Bộ, thì múa luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu được, nhiều người Khmer nói rằng: Nếu không có múa thì lễ hội sẽ không thành!
Tỉnh Ðiện Biên vừa trao giải thưởng Văn học nghệ thuật "Ðiện Biên Phủ" lần thứ nhất. Giải thưởng được trao cho gần một trăm tác giả thuộc năm lĩnh vực: văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, múa.
Nhiều người dân đi chơi xa trong dịp nghỉ Tết dương lịch, nhưng các khu du lịch, giải trí, rạp chiếu phim... ở TP.HCM vẫn quá tải.
“Tôi đã trải qua nhiều cảm xúc, cả trong thất bại và cả thành công tột đỉnh. Điều mà tôi đúc kết cho mình là khi vượt qua được chính bản thân tức là mình đã thành công rồi” - ca sĩ Lam Trường chia sẻ