Sau khi Lẵng hoa tình yêu mở đầu cho dòng phim sitcom (situation comedy- hài kịch tình huống), cũng là bộ phim được Việt hóa từ kịch bản của nước ngoài, đến nay đã có ào ạt hàng trăm tập phim tương tự “ra lò”. Quả thật, chưa kịp mừng vui, những tưởng tăng tỷ lệ phim Việt trên truyền hình thì sẽ có nhiều bộ phim hay để xem nhưng lại gặp phải những bộ phim Việt hóa dở dở, ương ương nên không ít người thất vọng.

“Cô nàng bất đắc dĩ” đã rút xuống còn 100 tập thay cho kế hoạch 150 tập.

Thử mổ xẻ sự thất bại của dòng phim Việt hóa

Tại thời điểm này, hai bộ phim dài tập đang phát sóng đều mua bản quyền kịch bản nước ngoài: Dù gió có thổi (HTV), Cô nàng bất đắc dĩ (VTV3). Bộ phim được kỳ vọng nhưng lại gây thất vọng khi chuyển thể từ kịch bản của Hàn Quốc là Ngôi nhà hạnh phúc vừa kết thúc trên VTV3. Công bằng mà nói, trong hàng chục đầu phim Việt hóa, số thành công còn quá ít. Có thể kể đến Cô gái xấu xí (CGXX), Người mẹ nhí, Gia đình phép thuật... chiếm được thiện cảm của khán giả, dù còn không ít những ý kiến trái chiều.

Vì sao đa số phim Việt hóa không hấp dẫn như mong đợi? Có nhà biên kịch tên tuổi cho rằng, do nhà sản xuất không hiểu nhiều về phim, mua bản quyền những kịch bản xa lạ với văn hóa và lối sống của người Việt nên thất bại là phải. Rồi thuê mướn người Việt hóa không đủ “tầm”, thời gian đốc thúc càng dẫn đến làm nhanh, làm ẩu... Nặng nề hơn, có người cho rằng cách làm phim “ăn sẵn” như vậy thì không thể có phim hay được, chưa kể đến những tác hại khó lường hết của phim “lai”. 

Những ý kiến trên không phải không có cơ sở. Nhưng có thật khoảng cách văn hóa quá xa khiến việc Việt hóa không thể đem lại thành công? Không nói đâu xa, xem CGXX, thấy sự khác biệt văn hóa không gây khác biệt về câu chuyện, tính cách nhân vật và các tình huống đến mức không thể chấp nhận được. Các tác giả kịch bản đã khái quát hóa được nhiều nét tính cách chung ở những loại người khác nhau…

Nhìn sang các nước, việc mua kịch bản một bộ phim thành công ở nước này để làm thành phiên bản ở nước khác không còn là chuyện xa lạ. Kịch bản Betty xấu xí của Colombia được hàng chục nước chế biến thành công, không riêng CGXX của VN. Dĩ nhiên, mức độ thành công khác nhau, và điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết, đó là ê-kíp có năng lực viết kịch bản và biên tập phối hợp với nhau ăn ý. Công việc Việt hóa còn tốn kém sức lực và ngốn thời gian nhiều hơn viết kịch bản mới. Chưa kể, nếu làm việc có trách nhiệm và có khả năng về ngoại ngữ, nhà biên kịch sẽ phải tra cứu, đối chiếu với bản gốc khi băn khoăn về tình huống này, câu thoại kia dịch ra tiếng Việt đã bị rơi rụng đi ý tứ nào khiến cho nó không gây cười như tình huống đáng ra phải có...

“Chúng tôi Việt hóa mất cả năm trời và việc này cũng nhọc công không khác gì viết kịch bản. Chưa kể hoàn cảnh kinh tế- xã hội VN có những điểm đặc thù nên chúng tôi thay đổi lý lịch nhân vật hay những yếu tố gắn với sự ra đời và phát triển của các hiện tượng kinh tế-xã hội khác”, nhà văn Thùy Linh- người chịu trách nhiệm Việt hóa CGXX - cho biết.

Còn nhiều ý kiến tranh cãi nhưng không thể phủ nhận vai trò hết sức quan trọng của đạo diễn làm nên thành công cho một bộ phim, đặc biệt là phim Việt hóa. Những bộ phim Việt hóa không thành công gần đây thường rơi vào những đạo diễn trẻ khát khao tìm kiếm và thể nghiệm cái mới. Nhưng tiếc là họ không vượt qua được chính mình. Thêm vào đó, diễn viên chưa diễn ra tính cách nhân vật như trong kịch bản, chưa nói tới diễn sai, diễn lệch khiến nhiều cảnh phim trở nên gượng gạo, dù các kịch bản này đều tạo nhiều “đất” cho họ.

Đạo diễn mình quen làm những bộ phim ngắn tập nên đi đường dài thường hụt hơi. Người mẫu, ca sĩ và diễn viên tay ngang bước một bước lên màn ảnh, lại đảm nhận những nhân vật trung tâm của cả trăm tập phim thì bộc lộ sự non yếu là điều không khó hiểu.

Rút ra kinh nghiệm gì?

Từ thực tế không mấy thành công của các kịch bản Việt hóa, cần cảnh báo về việc các hãng phim mua bản quyền hàng trăm tập phim nước ngoài mà thường không có sự điều tra kỹ lưỡng thị hiếu người xem trong nước; hầu hết các bộ phim nhập ngoại thuộc dòng phim giải trí nhẹ nhàng với câu chuyện ở tận đẩu tận đâu, dù “đắt khách” ở nước ngoài nhưng xa lạ với khán giả Việt và xa lạ với chính hiện thực cuộc sống VN. Tuy nhiên, theo nhà văn Thùy Linh, hiện thực xã hội có nhiều mặt. Bất kỳ bộ phim nào cũng chỉ đi vào một khía cạnh nhất định. Vì vậy, nhà sản xuất phải biết chọn những câu chuyện lạ nhưng gắn với nghề nghiệp, công việc thể hiện tính “toàn cầu hóa” mà khán giả ở nước nào cũng có thể chia sẻ được. Còn mảng đề tài về các vấn đề xã hội chỉ có đặc thù ở VN thì đương nhiên khá nhiều nhà biên kịch trong nước có thể viết tốt.

Đứng ở góc độ làm nghề, nhiều người từng Việt hóa kịch bản ngoại thừa nhận rằng, khi tiếp cận với kịch bản viết bài bản và chuyên nghiệp mà ở đó, sự tính toán, cân nhắc của các nhà biên kịch được thể hiện trong từng phân đoạn, tình huống, chi tiết, câu thoại… thì đến lúc viết kịch bản khác, họ có ý thức sâu sắc hơn về những yếu tố nghề nghiệp này. Cũng từ kịch bản của nước bạn để nhìn ra những “căn bệnh” khi biên tập kịch bản của các đồng nghiệp hay tự biên tập cho chính mình...

Việc “vay mượn” kịch bản nước ngoài chỉ nên coi là giải pháp tình thế trong điều kiện làm phim hiện nay.

Từ những bộ phim Việt hóa, các nhà làm phim Việt cần tích lũy kinh nghiệm và xây dựng đội ngũ để tiến tới có thể chủ động sản xuất hàng trăm tập phim hoàn toàn bằng chất xám của đội ngũ làm phim Việt.

 

                                                                               Theo SGGP

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Tham gia liên hoan vũ điệu học đường, các tiết mục dân ca tạo được sự thu hút đặc biệt đối với khán giả

Bàn về chất lượng phim truyện truyền hình

Kể từ khi ra đời đến nay khoảng 15 năm, phim truyện truyền hình (PTTH) Việt Nam ngày càng được đổi mới và phát triển, dần tìm ra hướng đi cho mình bằng cách chuyển dần từ cách làm phim điện ảnh sang đúng đặc trưng của PTTH. Xã hội hóa điện ảnh và truyền hình đã tạo nên sắc thái mới cho màn ảnh với nhiều tác phẩm khai thác về cuộc sống đương đại như: Ðô thị hóa, nông thôn thời kỳ đổi mới, tình yêu đôi lứa... PTTH đang là món ăn tinh thần không thể thiếu của người xem. Tuy nhiên, không phải lúc nào người ta cũng hoàn toàn hài lòng về chất lượng của những bộ phim được phát sóng.

Cây hài Thúy Nga 'bán' đám cưới làm từ thiện

Diễn viên hài Thúy Nga đã dùng chính tiệc cưới của mình để làm từ thiện, gây quỹ giúp người nghèo mổ mắt.

5 ngôi sao thời trang mới

Theo tạp chí Instyle, Selena Gomez, Dakota Fanning, Freida Pinto... là những người đẹp đã tạo nên phong cách thời trang mới năm 2009 qua gu thẩm mỹ tinh tế trong cách chọn trang phục của mình.

Công trình mừng Đại lễ 1000 năm: Tiến độ… rùa!

Việc UBND TP Hà Nội buộc phải công bố rút 7 công trình ra khỏi danh mục dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã cho thấy phần nào công tác chuẩn bị cũng như công tác chỉ đạo thực hiện các công trình gắn với dịp trọng này. Song, không chỉ có 7 công trình lỗi hẹn mà nhiều công trình chào mừng Đại lễ của Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt, cũng đều chậm tiến độ.

Thủ tướng phê duyệt Đề án Phát triển văn hoá nông thôn

Mục tiêu đến năm 2015 có 50% người dân nông thôn vùng đồng bằng tham gia thường xuyên các hoạt động văn hoá, thể thao; 70% nhà văn hoá và khu thể thao thôn đạt chuẩn…

Trân trọng tình cảm của nhiều nhà văn nước ngoài

Ngày 8/1, Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam tiếp tục diễn ra tại Hà Nội, với nhiều hoạt động. Các đại biểu đã được nghe nhà văn hóa Hữu Ngọc quảng bá về bề dày văn hóa Việt Nam cả ngàn năm qua với những nét tinh túy, độc đáo và riêng có. Đây là cơ sở để các nhà văn nước ngoài hiểu hơn về văn học Việt Nam qua từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục