Việc UBND TP Hà Nội buộc phải công bố rút 7 công trình ra khỏi danh mục dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã cho thấy phần nào công tác chuẩn bị cũng như công tác chỉ đạo thực hiện các công trình gắn với dịp trọng này. Song, không chỉ có 7 công trình lỗi hẹn mà nhiều công trình chào mừng Đại lễ của Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt, cũng đều chậm tiến độ.
Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã cận kề. Lẽ ra đến lúc này, khi cả nước đã chính thức bước vào các hoạt động sự kiện kỷ niệm ngày trọng đại, thì mọi công tác chuẩn bị của Hà Nội đã phải cơ bản hoàn tất, đặc biệt là các công trình đã có kế hoạch triển khai từ những năm trước. Thế nhưng, thực tế thì vẫn quá nhiều công việc bộn bề, trong khi thời gian còn lại rất ngắn. Tiến độ... rùa! Trong báo cáo "Kết quả thực hiện các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" vào giữa tháng 12/2009, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết: trong 34 công trình phải hoàn thành vào 2010, mới có 6 công trình được hoàn thành, trong đó, 2/15 công trình hạ tầng kỹ thuật - đô thị và 4/19 công trình văn hóa - xã hội. Một số công trình tiêu biểu cho Đại lễ như Bảo tàng Hà Nội, Công viên Hòa Bình, con đường gốm sứ, Khu di tích Cổ Loa và thành cổ v.v... cũng bị chậm tiến độ.
Con đường gốm sứ - Một trong những công trình bị chậm tiến độ.
Trước tỉ lệ hoàn thành các dự án thấp, trong kỳ họp HĐND TP Hà Nội mới đây, một đại biểu đã nhấn mạnh: Việc chậm tiến độ của các công trình văn hóa cho thấy, thành phố chưa lường hết khó khăn, hoặc thiếu năng lực về mảng này. Dự án Bảo tàng Hà Nội cũng mới chỉ xong phần ruột là quá trình chuẩn bị trong nhiều năm. Đây là một công trình chẳng những có không gian lớn, mà còn yêu cầu cao về nội dung, nên không thể chỉ cứ lấp đầy hiện vật là xong, mà để là một Bảo tàng Hà Nội theo đúng nghĩa, còn cần nhiều hơn là 365 ngày.
Cùng với 34 công trình trên, trong 5 công trình phải hoàn thiện thủ tục khởi công chào mừng lễ kỷ niệm, cũng chỉ có cầu Nhật Tân đang triển khai, còn công trình Nhà hát Thăng Long chưa hoàn thành cả phần phê duyệt. Mới có 2/6 công trình khuyến khích hoàn thành vào dịp kỷ niệm 1000 năm được cơ bản hoàn thành. Nhóm 20 công trình phải đẩy nhanh tiến độ triển khai từ nay đến năm 2010 theo kế hoạch, cũng mới có 1 công trình cơ bản hoàn thành.
Vì sao nhiều công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội bị chậm, dù từ tháng 2/2009, UBND TP Hà Nội đã cho phép điều chỉnh tiến độ? Hơn nữa, đây lại là những công trình không thiếu vốn, lại được Chính phủ cho phép hưởng cơ chế đặc thù, kể cả chỉ định thầu, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Có thể nhìn rõ vấn đề từ kết quả giám sát việc thực hiện các công trình mà Thường trực HĐND TP Hà Nội vừa tiến hành.
Ông Lê Quang Nhuệ, Phó chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội, khẳng định: "Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: Các đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ, chức trách còn thiếu quyết liệt, chưa giải quyết dứt điểm các công việc thuộc thẩm quyền đôn đốc, xử lý các vi phạm của nhà thầu như các dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy di tích thành Cổ Loa, thành cổ Hà Nội, Trường cao đẳng Nghề Hà Nội v.v...". Rõ ràng, năng lực và ý thức trách nhiệm của cán bộ, chủ đầu tư, đơn vị, khi triển khai các dự án chính là nguyên nhân của việc chậm tiến độ.
Cơ chế đặc thù cũng... thua
Điều đầu tiên phải được nhắc tới là trách nhiệm của một số sở, ngành của Hà Nội khi chưa phối hợp, hướng dẫn chu đáo việc thực hiện các thủ tục, hoặc giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền giải quyết, như Sở Xây dựng, Thanh tra Thành phố, Sở Quy hoạch kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, trong việc bố trí tái định cư, giải quyết khiếu nại của công dân v.v...
Không phải không có lý do khi nhiều người cho rằng, các cơ chế đặc thù mà những công trình chào mừng Đại lễ được hưởng đã gần như bị "vô hiệu hóa" khi đến các sở, ngành ở Hà Nội và là nguyên nhân kéo nhiều công trình giậm chân tại chỗ. Sự phối hợp thiếu hiệu quả giữa các sở, ngành trong giải quyết chính sách đền bù khiến cho trong tổng số 35 công trình chào mừng Đại lễ, mới có 40% đất được giải phóng mặt bằng (GPMB), còn tỉ lệ bố trí tái định cư chỉ đạt 17,3%. Trong 10 công trình giao thông nằm trong danh mục, cũng có tới 7 công trình chưa được GPMB. Khối lượng thực hiện giải ngân cho các dự án mới chỉ đạt 40% kế hoạch.
Tình trạng "trên bảo dưới không nghe", khi thủ trưởng nhiều sở, ngành, quận, huyện, chủ đầu tư không chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại Quyết định số 1575/QĐ-UBND ngày 24/10/2008 "Về việc phân công chỉ đạo, phối hợp, tổ chức thực hiện các công trình, dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội", cũng góp phần để các công trình không đạt tiến độ. Nhiều chủ đầu tư không tuân thủ chế độ báo cáo định kỳ, dẫn đến nhiều vướng mắc không được kịp thời tháo gỡ.
Thậm chí, khi Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội kiểm tra, một số chủ đầu tư như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), BQL Dự án hạ tầng tả ngạn, BQL Dự án trọng điểm phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên NXB Sách Hà Nội và cả Sở Xây dựng, đã không báo cáo đầy đủ các công trình.
Cùng với sự thiếu đồng bộ trong phối hợp cũng như chỉ đạo giữa chủ đầu tư, đơn vị thi công, là việc chọn và giao chủ đầu tư một số công trình không phù hợp. Chủ đầu tư thiếu năng lực triển khai nhiệm vụ, dẫn đến chậm hoàn thiện các thủ tục đầu tư, thiếu đôn đốc tiến độ, kiểm soát chất lượng, nghiệm thu sản phẩm hồ sơ tư vấn trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; chất lượng tư vấn cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Vì thế, có công trình thay chủ đầu tư đến 3 lần như Bảo tàng Hà Nội, Nhà thi đấu điền kinh trong nhà...
Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là, khi "truy tìm" nguyên nhân, cấp, ngành, đơn vị nào cũng đều đưa lý do "GPMB chậm". Nhưng, ý kiến của ông Lê Quang Nhuệ, người từng trực tiếp đến kiểm tra thực địa tại nhiều dự án trọng điểm, sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên: Công tác GPMB không phức tạp như báo cáo, nhiều chỗ đã giải tỏa xong, mà nhà đầu tư vẫn không tiến hành thi công.
Trách nhiệm cao nhất
Trong một cuộc họp với Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã thừa nhận còn thiếu sót, khuyết điểm trong chỉ đạo, điều hành khiến các công trình trọng điểm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội bị chậm tiến độ. Quả thật, việc UBND TP Hà Nội thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, cũng như xử lý vi phạm là nguyên nhân quan trọng làm chậm trễ tiến độ các công trình.
Mặc dù thành phố đã có Quyết định số 1575/QĐ-UBND nêu rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong thực hiện các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, phân công trách nhiệm chỉ đạo của từng đồng chí lãnh đạo trong UBND, đi kèm các chế tài xử lý vi phạm, song có tới 2/3 số công trình không đúng tiến độ, vẫn chẳng có cá nhân hay đơn vị nào bị xử lý vì không hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao, không đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc.
Có thể nêu ra một vài vụ việc cụ thể đã được HĐND TP Hà Nội chỉ ra: chậm hoàn thiện thủ tục phê duyệt Dự án khu trưng bày hiện vật, sa bàn; chỉnh trang di tích của Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa; chậm giải quyết dứt điểm việc bố trí tái định cư; giải quyết khiếu nại trong GPMB đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài; chậm triển khai công tác GPMB tại phường Dương Nội; chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư của Công viên Hòa Bình v.v...
Một thành viên Đoàn giám sát của HĐND Hà Nội cũng nhận xét: Trong báo cáo đánh giá của UBND TP có nêu nguyên nhân, nhưng mới là phiếm chỉ, mà lẽ ra, cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể.
Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội kiểm tra tiến độ thi công ở Bảo tàng Hà Nội. |
Có nhiều nguyên nhân được UBND TP viện ra, nhưng lại chưa thấy nói về trách nhiệm của sở, ngành trong việc tham mưu với thành phố để tháo gỡ khó khăn. Lãnh đạo thành phố chưa kiên quyết chỉ đạo các sở, ban ngành vào cuộc. Vì thế, khi Đoàn giám sát về cơ sở kiểm tra các công trình văn hóa, đã không có cán bộ nào của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đi cùng, dù Sở có đến 13 phó giám đốc. Khi kiểm tra tiến độ Công viên Hòa Bình, cũng không một cán bộ sở, ngành nào có mặt.
Từ nhiều năm trước, việc chuẩn bị đón mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được tính đến và các công trình cũng có từ rất sớm, nhưng Hà Nội đã để "nước đến chân mới nhảy", khi đến năm 2008 mới tập trung chỉ đạo, thực hiện rồi xin cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ. Mà, một khi đã có cơ chế chỉ thầu, cũng sẽ khó tránh khỏi những chuyện "khó nói". Nhưng, dù Thủ tướng đồng ý cho thực hiện cơ chế đặc thù, mà vẫn có tới 2/3 công trình không đúng tiến độ. Với tình hình như vậy, các công trình liệu có đảm bảo được chất lượng theo yêu cầu đang là mối quan tâm của những người tâm huyết với thủ đô.
Phải quan tâm chất lượng công trình
Năm 2009 đã khép lại, nghĩa là thời gian để thực hiện các dự án chỉ còn tính từng ngày. Giải pháp của Hà Nội có lẽ cần thiết thực hơn là "các cuộc họp giao ban thường xuyên và đột xuất giữa lãnh đạo TP và các đơn vị liên quan..." mà UBND TP đưa ra. Cũng cần có các biện pháp quyết liệt, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể không làm tròn nhiệm vụ, mới hy vọng các dự án về đích đúng thời hạn. Một điều mà Hà Nội cần phải quyết tâm, là từ nay đến ngày Đại lễ, sẽ không còn "rà soát lại các dự án một lần nữa" để rồi, tiếp tục đưa ra những công trình thất hứa với Đại lễ, mà những nguyên nhân giải thích chỉ là chung chung và cuối cùng là không ai phải chịu trách nhiệm.
Lúc này đã là thời điểm nước rút, rất cần những biện pháp kiên quyết của Hà Nội, để các cấp, ngành có sự phối hợp chặt chẽ cũng như tuân thủ các quyết định mà UBND TP đã ban hành, mới hy vọng tạo được sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao và nhân dân trông đợi. Nếu không, không loại trừ khả năng sẽ có thêm một số công trình nữa bị đưa khỏi danh sách các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Bên cạnh tiến độ đang là vấn đề thúc bách, chúng tôi đồng tình với ý kiến của ông Lê Quang Nhuệ, là: UBND TP Hà Nội cũng phải có những giải pháp phù hợp để đảm bảo chất lượng và tính hiệu quả của mỗi công trình. Hơn nữa, trong lễ phát động "Cả nước hướng tới Thăng Long - Hà Nội 1000 năm", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhắc nhở Hà Nội phải quan tâm chất lượng của các công trình chào mừng Đại lễ
Theo CAND
Sáng 8-1, tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức trao giải thưởng âm nhạc năm 2009. Dự giải có 223 tác phẩm âm nhạc ở các thể loại: ca khúc, khí nhạc, hợp xướng, công trình lý luận nghiên cứu, công trình của nghệ sĩ biểu diễn. Trong đó, phần lớn là các tác phẩm thanh nhạc (ca khúc và ca khúc thiếu nhi, hợp xướng...) với nhiều đề tài, thể hiện nổi bật chủ đề kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Tối 8-1, tại Nhà hát Trưng Vương (TP Ðà Nẵng), Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Ðà Nẵng khai mạc "Hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010".
Tối 8-1, tại Hà Nội Lễ bế mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 29. Ðồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, cùng đại diện các cơ quan hữu quan đã đến dự.
(HBĐT) - Đã thành nếp, cứ vào những dịp cuối năm, nhân dân các dân tộc huyện Lạc Sơn lại hân hoan đón “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân”. Người Mường Vang lại được đắm say trong ân tình, tay siết chặt tay hát mừng cuộc sống mới, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu.
Sau 7 năm, Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam (VN) ra nước ngoài lần thứ hai do Hội Nhà văn tổ chức (diễn ra từ ngày 5 - 10/1/2010) thu hút sự tham gia của 108 nhà văn, dịch giả, 8 NXB của 32 nước được coi là cuộc gặp gỡ quy mô, tầm vóc lớn, ngang tầm yêu cầu thời đại mới.
Festival hoa Đà Lạt 2010 lại thêm một kết cục không vui nữa khi xảy ra chuyện kiện cáo sau cuộc thi bonsai và tiểu cảnh trong khuôn khổ lễ hội này.