Văn hoá là đối tượng giao lưu của các nước trong đó không có ngành nghệ thuật nào mà tính giao lưu quốc tế lại lan sâu như điện ảnh bởi nó có ưu thế lớn trong việc tiếp cận khán giả. Nhưng làm thế nào để điện ảnh Việt Nam (VN) ra được nước ngoài là chủ đề chính của cuộc hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động Ngày điện ảnh VN.
Từ kinh nghiệm của điện ảnh Hàn Quốc
Khi mà ông Jonathan Kim - GS Học viện điện ảnh Hàn Quốc (HQ), nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phim điện ảnh HQ nói rằng, nếu bạn hỏi một người phương Tây ông ta biết gì về HQ, thường câu trả lời sẽ là: chiến tranh Triều Tiên, tham nhũng, vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, Olympic 1988, World Cup 2002. Về văn hoá là môn võ teakwondo và món kim chi. Về kinh tế là một nền công nghiệp phát triển với những tập đoàn chuyên sản xuất ôtô, điện thoại di động, tivi. Nhưng đó là chuyện của 20 năm trước, khi đó điện ảnh HQ bị thống trị bởi những bộ phim Hollywood, điện ảnh chỉ có một vài thể loại, chất lượng thấp, ít ngôi sao. Còn bây giờ, thị phần trong nước của phim HQ tăng mạnh từ 15% - 57% trong giai đoạn 2000 - 2005, cơn sốt phim HQ đã vươn ra khắp châu Á.
GS. Kim cũng cho biết rằng, lúc đầu nền công nghiệp điện ảnh HQ cũng được bao cấp và do những công ty già nua điều hành. Nhưng từ những năm 1990, các nhà làm phim trẻ bắt đầu tiến vào thị trường và được sự hỗ trợ của các tập đoàn kinh tế. Lúc này họ quan tâm đến chất lượng phim nhiều hơn nên được đông đảo khán giả trẻ tuổi đón nhận.
Điều quan trọng mà GS. Kim cho biết là, năm 1996, Toà án Hiến pháp HQ ra phán quyết tuyên bố việc kiểm duyệt là trái với hiến pháp và hệ thống kiểm duyệt được đổi thành hệ thống phân loại. Sự kiện quan trọng này đã mở toang cánh cửa với những bộ phim của HQ. Những ý tưởng mới trước đây không được phép thực hiện thì giờ đây được phép đưa lên màn ảnh. Những bộ phim có phong cách phim hành động Mỹ được đưa vào một cốt truyện với những cảm xúc đặc trưng của HQ đã bắt đầu được cộng đồng điện ảnh thế giới chú ý, chiếm giữ vị trí số 1 tại các rạp ở Nhật Bản, Hồng Kông. Điện ảnh HQ đã có thị trường riêng của mình ở cả trong nước lẫn ngoài nước và các nhà đầu tư bắt đầu nhảy vào ngành công nghiệp này. Chính phủ HQ cũng nhận ra điều này và quyết định đầu tư vốn cho nhiều quĩ điện ảnh khác nhau.
Cuối cùng thì GS. Kim đưa ra những lý do khiến phim HQ được yêu thích ở châu Á là: - Sự kết hợp hài hoà giữa phong cách Mỹ và Á châu. Nhờ bị tràn ngập văn hoá Mỹ thời kỳ sau chiến tranh Triều Tiên mà các nhà làm phim có thể thực hiện các bộ phim theo phong cách Mỹ - phong cách mà khán giả thế giới quen thuộc, nhưng họ đưa vào đó những khuôn mặt Á châu và nét tính cách Á châu; - Phim truyền hình HQ đã nổi tiếng khắp khu vực, các diễn viên truyền hình HQ chuyển sang tham gia làm phim điện ảnh. Điều này góp phần nâng cao hình ảnh và giá trị của các diễn viên trên thị trường; - Phim HQ mang đậm bản sắc dân tộc. Những cảm xúc đậm phong cách HQ rất phù hợp với các nền văn hoá trong khu vực.
Với những cách làm như thế thì đến nay điện ảnh HQ không chỉ thành công về mặt thương mại ở phương Đông mà cũng đang gặt hái tốt ở cả phương Tây. Nhiều diễn viên HQ đã đặt chân được vào kinh đô điện ảnh Hollywood, nhiều studio ở Hollywood đã mua bản quyền làm lại một số phim của HQ và một vài đạo diễn HQ cũng giành giải thưởng ở các LHPQT.
|
Nhìn vào điện ảnh nước nhà
Từ chia sẻ kinh nghiệm của GS. Kim, không ít người làm điện ảnh VN phải ngậm ngùi về nền điện ảnh nước nhà bởi về mặt nào đó, bối cảnh lịch sử và bản sắc xã hội VN - HQ cũng có những nét tương đồng, nhưng phim VN thì vẫn đang nép mình đâu đó, chưa xuất đầu lộ diện. Nói như nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn thì, nếu đặt điện ảnh VN ở bối cảnh trong nước và quốc tế, dù ở đâu, phim VN cũng chỉ trong vị thế của một du khách lạ. Khách lạ ở tại nước mình. Đối với phim chiếu rạp, ngay ở các thành phố lớn, phim Việt chỉ được chủ rạp đón tiếp trong mấy ngày Tết. Phim Việt trên màn ảnh nhỏ cũng bị đối xử như những vị khách, tức là dành chỗ ngồi đặc biệt trong giờ vàng. Song điều đáng lo là những vị khách của giờ vàng này chưa ngồi ấm chỗ đã tự mình làm tầm thường hoá mình đi cả về nội dung lẫn hình thức. Khách lạ ở nước ngoài. Mỗi năm một vài phim Việt cũng được mời dự một số LHPQT. Chúng ta đến đó như những vị khách bé nhỏ. 1 - 2 buổi chiếu miễn phí, sau đó giao lưu với khán giả, rồi ra về. Rất ít nước mua phim của ta và nếu mua thì giá rẻ. Theo lý giải của anh, phim Việt xa lạ với người nước ngoài vì sự khu biệt về ngôn ngữ và vấn đề câu chuyện đặt ra, người nào phải am hiểu lịch sử và văn hoá VN mới hiểu được. Hơn nữa, trong phim chúng ta chỉ chú ý đến sự kiện mà quên đi yếu tố con người. Trong khi nước ngoài thì làm ngược lại. Mới hay vì sao phim The hurt locker lại đoạt giải Oscar, câu chuyện xoay quanh 3 người lính phá bom ở Irắc nhưng rất sống động. Thêm nữa, 3 người - 3 tính cách mâu thuẫn nhau, liệu ở ta phim có được làm như vậy không khi mà chúng ta có những thực tế phá mìn ở Quảng Bình, Quảng Trị cũng đầy chất cinema. Lý do nữa mà anh nêu ra là phim Việt còn nặng về tuyên truyền, trong khi phim nước ngoài đặt sự giải trí lên hàng đầu, nhưng sự giải trí đó mang thông điệp có tính triết lý. Cuối cùng thì sự đầu tư kém đã hạn chế những nhà làm phim thực hiện ý đồ của mình.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - một trong những đạo diễn trẻ từng tham gia một vài LHPQT khẳng định rằng, điện ảnh VN muốn hội nhập quốc tế phải bắt đầu từ quan niệm. Bởi theo con mắt quan sát của anh, có những thứ mà điện ảnh VN đang làm một mình một kiểu, không giống ai. Theo anh, coi điện ảnh là ngành phải cứu trợ là sai lầm, điện ảnh là lĩnh vực mang lại lợi nhuận. Chỉ có sự hội nhập đầy đủ với thế giới về quan niệm điện ảnh là ngành sinh lời thì mới có những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách, tạo điều kiện để điện ảnh phát triển.. Cần phải có chính sách đầu tư khác nhau giữa phim điện ảnh và phim truyền hình thì điện ảnh VN mới có cơ hội phát triển. Mặt khác theo anh cần phải rõ ràng khái niệm khán giả của điện ảnh là ai? Khán giả phải là người bỏ tiền ra nuôi sống điện ảnh bằng cách mua vé xem phim, mua băng đĩa có bản quyền, mua phim qua internet. Hiện nay thói quen xem nghệ thuật miễn phí từ thời bao cấp khiến người dân thiếu ý thức bỏ tiền ra nuôi sống nghệ thuật. Vì thế điện ảnh VN èo uột cũng là điều dễ hiểu. Một quan niệm nữa theo anh là nhà nước phải là nhà tài trợ cho điện ảnh để làm những bộ phim không đặt mục đích thương mại, nhưng có thể mang lại những giá trị nhân văn, những tìm tòi thể nghiệm vì sự phát triển của điện ảnh nước nhà.
Đứng ở góc độ của người làm phim nghệ thuật, dòng phim nhà nước tài trợ, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng nguyên nhân phim Việt không đến được với khán giả, kể cả trong và ngoài nước vì nhà nước tài trợ đặt hàng để sản xuất phim, nhưng nhà nước không hề cấp một đồng để làm quảng bá cho phim đó, không quan tâm đến việc phát hành chúng bằng băng đĩa để kéo dài đời sống của phim và tận thu cho mình. Hàng năm nhà nước cấp tiền để làm một số phim coi như làm nghĩa vụ đối với điện ảnh, còn lỗ lãi thế nào không quan tâm.
Là một trong những hãng phim kinh doanh hiệu quả trong thị trường phim Việt hiện nay, bà Ngô Bích Hạnh (Giám đốc Hãng BHD) chia sẻ rằng điện ảnh VN muốn hội nhập thì phải hội nhập ngay từ trên sân nhà, tức là với các phim nước ngoài nhập vào VN. Đây là sự hội nhập sống còn, làm thế nào để khi các nền điện ảnh mạnh bên ngoài tràn vào, điện ảnh Việt vẫn sống được, không bị lấn át. Theo bà Hạnh, để điện ảnh Việt tồn tại và phát triển phải có nhiều yếu tố. Thứ nhất là phải có nhiều rạp để có đầu ra cho phim. Hiện nay một số hệ thống rạp lớn đều do nước ngoài đầu tư và đương nhiên họ độc quyền để chiếu phim nước ngoài. Có một thực tế là hàng năm chúng ta đầu tư rất nhiều nhà thi đấu, nhưng lại không bỏ kinh phí đầu tư rạp. Có lẽ phải coi việc đầu tư rạp chiếu là vấn đề quan thiết lúc này vì chỉ 10 năm nữa thôi, dù có tiền thì cũng không còn đất ở những khu trung tâm để xây rạp. Với kinh nghiệm của Hãng mình, bà Hạnh cho rằng phải làm cho phim Việt không thua trên sân nhà. Đây là việc khó bởi muốn có phim hay, yếu tố con người rất quan trọng. Nhưng hiện nay thì những người tài giỏi lại không chọn ngành điện ảnh. Nhân lực chính của điện ảnh VN hiện nay phần lớn lại là những tay ngang. Cũng có lẽ vì vậy mà hiện nay phim Việt ra nước ngoài chỉ là dòng phim tác giả, phim nghệ thuật. Phim giải trí cần có ngôi sao mà điện ảnh VN chưa có ngôi sao. Bà Hạnh băn khoăn, để cả một thế hệ khán giả không biết văn hoá nước nhà, mà chỉ biết văn hoá Mỹ và HQ thì thật đau lòng...
Hội thảo khép lại ở những tham luận và ý kiến kêu ca về thực trạng, thiếu tiếng nói róng riết về biện pháp. Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, vấn đề sẽ được đề cập tiếp ơ một cuộc hội thảo khác.
Theo Báo SKĐS
Trong muôn vàn nghề nghiệp, làm bầu gánh hát, đoàn hát được xem là nghiệp khổ. Phần lớn đều lâm cảnh khổ nghèo, bệnh tật...
(HBĐT) - Trong những năm qua, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh ta, nhiều cơ quan, đơn vị hưởng ứng tích cực và đạt kết quả cao. Tuy nhiên, môi trường văn hoá công sở vẫn còn nhiều điều đáng bàn và chưa đi vào chiều sâu.
Dù ban tổ chức nhấn mạnh Hội sách TPHCM lần thứ 6 sẽ tập trung chủ yếu vào phần “hội”, tuy nhiên không thể phủ nhận chính quy mô mua bán sách sỉ và lẻ đã đem đến cho hội sách một không khí sôi động, náo nhiệt trong suốt thời gian mở cửa. Với 700.000 lượt khách đến với hội sách cùng hơn 4 triệu cuốn sách được bán ra, tính trung bình mỗi lượt khách đến với hội sách mua gần 6 cuốn sách.
Nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2010 với chủ đề Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, điểm hẹn của các cố đô, hướng tới Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một tác phẩm sân khấu hóa diễn xướng nghệ thuật truyền thống kết hợp với nghệ thuật đương đại mang tên Hơi thở của nước sẽ được trình diễn lần đầu trên một sân khấu rộng hơn 1.500 m2, được lắp đặt chìm 3 cm dưới mặt nước hồ Tịnh Tâm (Huế), là một trong 20 thắng cảnh nổi tiếng.
Theo thống kê, năm 2008, cả nước đã xuất bản được 25.120 đầu sách với 279,913 triệu bản. Năm 2009, con số này là 24.589 cuốn sách với 273,538 triệu bản, trong khi đó, số chuyên viên đọc lưu chiểu của Cục Xuất bản chỉ vỏn vẹn có 6 người
Không quản ngại khó khăn, ông lặn lội mường trên, bản dưới để sưu tầm các cuốn sách cổ của dân tộc mình. Có cuốn, ông bớt ăn, bớt mặc để mua, nhiều cuốn ông được bà con yêu quý tặng lại, vì thế kho sách cổ của ông cứ dần nhiều lên