Giữa dòng chảy ồn ào của nhạc trẻ, những ca khúc viết về Hà Nội của các nhạc sĩ trẻ đã làm nên một Hà Nội có dấu ấn rất riêng

Khác với nhiều ca khúc viết về Hà Nội từng rất thân quen với công chúng, thậm chí đã trở thành bất hủ, những ca khúc viết về Hà Nội của các nhạc sĩ trẻ không còn hình ảnh của một Hà Nội “lắng hồn núi sông ngàn năm”, không còn “một thời đạn bom, một thời hòa bình”, cũng không hẳn ghi dấu với vẻ đẹp mong manh “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”, không lãng đãng những chiều đông.


Gần gũi với giới trẻ


Giới trẻ Hà Nội trở nên thân thương, gần gũi với quán cà phê Nhân, với những ký ức của nhà hàng Bôđêga, với những ngày ngồi ăn ở một quán ven đường, những hình ảnh cụ già tập dưỡng sinh...

Với Lê Minh Sơn, Hà Nội là điều gì đó thật gần gũi, chân chất, bình dị với những trò chơi đánh đáo, một đập ăn quan, với những hạt cốm làng Vòng mỗi khi mẹ đi chợ về.

Rồi cả nỗi nhớ, niềm đau của người mẹ những chiều thu ôm con trông chồng, của cả một thời sinh viên nghèo mà vui, thương cả cốc bia hơi vỉa hè mỗi khi lấy tiền học bổng. Không chỉ một vài, mà Lê Minh Sơn có hẳn một loạt ca khúc mới về Hà Nội, đầy hoài niệm nhưng cũng rất thời sự với việc mở rộng phố phường, bán đất bán nhà...


Nguyễn Vĩnh Tiến, nhạc sĩ nổi tiếng với những Giọt sương bay lên, Bà tôi, cũng góp mặt vào danh sách nhạc sĩ trẻ viết về Hà Nội bằng ca khúc Hà Nội được Ngọc Khuê thể hiện khá thành công.

Dù lớn lên ở vùng đất tổ Phú Thọ nhưng Hà Nội là nơi Nguyễn Vĩnh Tiến thành danh cả trong sự nghiệp kiến trúc cũng như âm nhạc và Hà Nội trong anh là hơi ấm còn vương trên hồ Tây, là tiếng sóng của dòng sông Hồng, của những kỷ niệm trên bến Long Biên.


Ngọc Khuê, ca sĩ được các nhạc sĩ trẻ gửi gắm thể hiện nhiều sáng tác về Hà Nội. Ảnh: Minh Sơn


Còn với Nguyễn Đức Cường, Hà Nội thật thân quen với những con đường đông đúc, những dòng xe dài lê thê, những quán cóc ven đường thật dịu dàng đậm chất thơ.

Nồng nàn Hà Nội của Nguyễn Đức Cường từng giành giải Thể nghiệm sáng tạo của Bài hát Việt 2007. Cũng xuất hiện và thành công trên sân khấu Bài hát Việt là Trịnh Minh Hiền, cô gái chơi violon nổi tiếng nhưng lại rất có duyên với sáng tác, đặc biệt là Gọi tôi Hà Nội.

Trong sáng tác của Hiền, thủ đô hiện lên trong vẻ đẹp cổ kính của một thời đã xa, với những nét đặc trưng như tàu điện, chiếc đồng hồ trên nóc Bưu điện TP, kem Bôđêga và áo bông, cả những quán cà phê đã ăn sâu trong ký ức của nhiều người.


Nhiều album nhạc trẻ


Hỏi Lê Minh Sơn, liệu những tiểu tiết này có chinh phục được người nghe, câu trả lời nhận được: “quan trọng là nhạc sĩ để lại dấu ấn thế nào trong tác phẩm. Không thể so sánh Hà Nội bây giờ với Hà Nội của các thế hệ cha anh, Hà Nội với những điều gần gũi cũng hấp dẫn không kém Hà Nội của một thời vùng đứng lên”.

Phần lớn nhạc sĩ trẻ khai thác Hà Nội từ những gì quen thuộc với họ và khán giả dường như rất thích thú với điều này. Trịnh Minh Hiền cho biết cô viết về Hà Nội bằng những gì mình đã cảm nhận, đã trải qua.

Mỗi ca khúc ra đời đại diện cho thời của mình và khán giả thích nghe những gì gần với thời của họ. Cái hay của Trịnh Minh Hiền là cô cảm nhận được cái đẹp của Hà Nội xưa để làm mới khi đưa vào tác phẩm của mình. Với những ca từ gần gũi, một phong cách trẻ trung, Trịnh Minh Hiền đã đưa “món ăn lạ” đến với khán giả và được đón nhận nhiệt tình. Và không chỉ được khán giả công nhận, cả những người trong nghề cũng đánh giá cao các sáng tác về Hà Nội của các nhạc sĩ trẻ.


Trần Mạnh Hùng, một giảng viên trẻ của Nhạc viện Hà Nội, qua những hoài niệm một thời về Hà Nội cổ kính, đã giành giải nhất Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2009 với Giấc mơ mùa lá. Sau khi nhận giải, Giấc mơ mùa lá sẽ có mặt trong album 10 ca khúc về Hà Nội của ca sĩ Hồng Vy sẽ ra mắt trong năm nay để chào đón thủ đô 1.000 năm tuổi.


Sau live show Một khúc sông Hồng khá thành công vào mùa thu năm ngoái, Lê Minh Sơn sẽ tiếp tục phát hành một album cùng tên vào tháng 5 này. Dù không nhiều nhưng bộ sưu tập ca khúc Hà Nội của anh đã có trên dưới 15 bài, “và thế là đủ cho một album” - Lê Minh Sơn tâm sự.

Khai thác những đề tài rất gần gũi đậm chất nhà quê, Hà Nội của Lê Minh Sơn đẹp bởi những tiểu tiết, với núi, sông, cánh cò, lũy tre, thậm chí là cả những vấn đề thời sự nóng hổi như Cốm làng Vòng, Áo trắng em qua...

 

 

                                                                           Theo NLĐ

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Đưa kiến thức điện ảnh vào trường học

Dự án “Chúng ta làm phim” của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) với mục tiêu đưa kiến thức điện ảnh vào nhà trường hiện đang là một sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ đam mê điện ảnh.

Thư viện tỉnh Hoà Bình: Những cố gắng nâng cao văn hoá đọc cho nhân dân.

(HBĐT) - Là một tỉnh miền núi với điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí không đồng đều nên nhìn chung văn hoá đọc của người dân tỉnh ta chưa cao, hoạt động nghiên cứu các vấn đề chính trị - xã hội - đời sống thông qua kênh sách báo chưa phổ biến. Toàn tỉnh mới có 3.200 độc giả có thẻ mượn sách và đọc sách tại thư viện.

Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm 2010, sự kiện trọng đại hướng về cội nguồn dân tộc Việt Nam

Trảy hội Ðền Hùng, dự ngày Giỗ Tổ đã trở thành một mỹ tục, một biểu tượng văn hóa, tâm linh và là điểm hội tụ của tình đoàn kết cộng đồng, hướng về cội nguồn trong sâu thẳm tâm thức người Việt.

Giữ gìn điệu xoan nơi đất Tổ

Ngày 31/3 vừa qua, Hồ sơ quốc gia hát xoan Phú Thọ đã được gửi đến trụ sở UNESCO để xem xét ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Trong lúc chờ đợi các cấp, các ngành đưa ra đáp án cho bài toán bảo tồn và Tổ chức UNESCO cân nhắc tính khẩn cấp cần phải bảo vệ của hát xoan thì ở Phú Thọ vẫn có những phường hát, những nghệ nhân (tuy không nhiều) đang cố gắng "giữ lửa" cho từng làn điệu của loại hình nghệ thuật dân gian này.

Chung kết Album vàng 2009: Chóng vánh và hát nhép

Tuột khỏi tay giải thưởng Album của năm của giải Cống Hiến, Saigon Radio cùng Hà Anh Tuấn ẵm về giải Album vàng 2009. Đêm trao giải không thực sự ấn tượng.

Người giữ điệu hò Như Lệ

Trong những trang sử hào hùng của dân tộc, Quảng Trị không chỉ được biết đến bởi Thành Cổ, sông Thạch Hãn..., mà còn cả điệu hò Như Lệ. Ra đời cách nay ngót 63 năm, có một thời, điệu hò Như Lệ không chỉ là món ăn tinh thần cổ vũ bao thế hệ thanh niên cầm súng bảo vệ quê hương, mà còn là ngọn đuốc soi đường cho những đứa con lạc lối buông súng trở về với cách mạng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục