Tái hiện nghi thức cấy lúa trong
lễ Tịch Điền ở xã Minh Nông (Phú Thọ).

Tái hiện nghi thức cấy lúa trong lễ Tịch Điền ở xã Minh Nông (Phú Thọ).

Phú Thọ là đất Tổ, là nơi từ hàng nghìn năm trước đã khai sinh và tụ hội nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Trải qua bao nhiêu biến cố lịch sử, đến nay, nhiều địa phương ở Phú Thọ vẫn còn lưu giữ một số nét văn hóa độc đáo mà tương truyền đã ra đời từ thời Hùng Vương dựng nước.

Một trong những nét văn hóa đó là lễ hội Tịch Ðiền ở xã Minh Nông, một lễ hội gắn liền với truyền thuyết Vua Hùng dạy dân trồng lúa...

Ai đã đọc trong sử sách hoặc đã đến xã Minh Nông thuộc thành phố Việt Trì, đều biết rằng, tương truyền từ thời Vua Hùng, nhà Vua chọn nơi đây để dạy dân trồng lúa và hình thành nghề nông. Ở Minh Nông hiện vẫn còn đàn Tịch Ðiền, là nơi tiến hành cúng tế Thần Nông với lễ hội xuống đồng mang đậm bản sắc của cư dân nông nghiệp lúa nước, được bảo lưu từ bao đời nay, và đã trở thành một dấu ấn liên quan đến văn minh nông nghiệp của người dân vùng đất Tổ. Xưa kia, Minh Nông là một trong tám tổng lớn của tỉnh Phú Thọ, có diện tích trải rộng trên địa bàn tám xã, phường của thành phố Việt Trì bây giờ. Vùng đất có xã Minh Nông hôm nay, ngày trước còn gọi là Kẻ Nú hay làng Nú. Theo các nhà nghiên cứu, thì Nú đồng nghĩa và đồng âm với Lú nghĩa là Lúa. Cho nên Kẻ Nú còn gọi là Kẻ Lú, hay Kẻ Lúa - Làng Lúa. Kẻ Nú xưa, nay là xã Minh Nông, gồm các xóm Hồng Hải (xóm Giải Làng), Thông Ðậu (xóm Ðõ), Minh Tân (xóm Nhúi), Minh Bột (xóm Ðồi Ngược), Hòa Phong (đồi Lúa, đồi Rơm).

Về điều kiện địa lý, Minh Nông là vùng đất rất thuận lợi cho việc sinh trưởng và phát triển của cây lúa nước. Minh Nông nằm gọn trong lưu vực của sông Hồng, lại tiếp giáp với lưu vực của sông Lô và sông Ðà, lượng phù sa màu mỡ và nguồn nước quanh năm luôn đầy đủ cho việc canh tác. Theo truyền thuyết thì thời xa xưa, nhân dân chưa biết cày cấy để làm ra thóc gạo, mà chỉ sống dựa vào rễ cây, rau dại, thịt thú rừng. Thấy vùng đất ven sông sau mỗi lần nước dâng, đất đai được phù sa bồi thêm màu mỡ, Vua Hùng mới gọi dân đến bảo tìm cách đắp bờ giữ nước. Một hôm, các con gái Vua Hùng cùng nhân dân đi đánh cá, thấy từng đàn chim bay lượn khắp bãi bên sông, và chợt có một con chim thả bông lúa rơi trên mái tóc Mỵ Nương. Nàng đem bông lúa về trình với cha. Vua Hùng bấy giờ cho là điềm lành, liền bảo các con ra bãi tuốt những bông lúa đó đem về. Mùa xuân, Vua cùng con dân đem hạt lúa ra đồng. Vua xuống bãi, lấy que nhọn chọc lỗ để tra hạt. Khi mạ lên, dân không biết cấy, lại tìm hỏi Vua Hùng. Vua Hùng nhổ mạ, đem tới những trà ruộng, lội xuống cấy cho dân xem. Mỵ Nương và nhân dân thấy vậy cùng làm theo. Ðến mùa lúa chín, dân nghe lời Vua gặt lúa đem về. Từ đó, hạt gạo đã làm cho cuộc sống ấm no hơn. Ðời sau, để tưởng nhớ công ơn Vua Hùng, nhân dân đã tôn Vua làm ông tổ nghề nông, thường gọi là Thần Nông. Lại dựng đàn Tịch Ðiền quay lưng về hướng tây -  nam ngay trên mom đất xưa kia Vua đã ngồi khi dạy dân cấy lúa. Rồi đặt kho lương thực trên đồi Lúa, để rơm rạ ở đồi Rơm, đặt tên chợ là Chợ Lú.

Theo chiều dài của lịch sử, lễ hội Tịch Ðiền ở Minh Nông tưởng chừng đã mai một, nhân dân trong vùng không còn tổ chức hằng năm như trước. Ðến những năm gần đây, nhận thức rõ tầm quan trọng của sự tích "Vua Hùng dạy dân cấy lúa" là một trong những tập tục tín ngưỡng đặc trưng của cư dân nông nghiệp Việt Nam, UBND thành phố Việt Trì đã xây dựng đề án phục dựng lại Lễ hội Tịch Ðiền. Bởi lễ hội này gắn liền với sự tích khởi nguồn, gắn liền với các huyền thoại ra đời từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, khi các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Tháng Giêng năm Canh Dần 2010, Lễ hội Tịch Ðiền ở Minh Nông được tổ chức trong không gian trải rộng theo vùng đất theo truyền thuyết xưa, từ khu vực Chợ Lú đến các thôn Minh Bột, Hồng Hải, Thông Ðậu của xã Minh Nông. Khu di tích Tịch Ðiền có diện tích khoảng 1.000 m2, cánh đồng quy hoạch rộng khoảng 10 ha. Việc tổ chức hội Tịch Ðiền gắn với mầu sắc linh thiêng của Lễ hội Ðền Hùng, tạo nên điểm nhấn văn hóa tâm linh của con dân đất Việt. Gắn với sự tích, lễ hội gồm hai phần chính là phần Lễ và phần Hội. Trong đó, phần Lễ được tổ chức quy mô và có sự tham dự của các bậc chức sắc, đức cao vọng trọng trong làng, các cụ bô lão cùng nhân dân làm lễ tế Thành hoàng làng và cáo yết Thần linh (Thần Nông) cầu cho mùa màng tốt tươi, dân khang vật thịnh, rồi cùng nhau ra khu ruộng Tịch Ðiền tổ chức diễn xướng dân gian, diễn lại cảnh Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Theo tục lệ, dân làng cử một cụ cao tuổi, tốt lão, khỏe mạnh, thạo nghề nông nghiệp, gia đình phong quang, hòa thuận, đông con, nhiều cháu, chấp hành tốt quy ước của làng, làm chủ tế đồng chủ điền. Dân làng tin như vậy vì bà con luôn mơ ước những điều tốt đẹp của ông chủ điền sẽ hóa thân vào cây lúa, truyền sinh lực cho cây lúa sinh sôi nảy nở, cho mùa màng bội thu. Tế Thần Nông thì thực hiện tại đàn xây trên khu ruộng Tịch Ðiền. Trước đây đàn được xây bằng đá ong, chung quanh trồng rào gai. Trong đàn có bệ đắp hổ phù, ở giữa có bệ dài trên đặt bát hương, sân đàn trồng cỏ. Khi tế có phường bát âm, nổi chiêng trống, đọc bài văn cúng nói lên công đức Vua Hùng đã dạy dân nghề nông, nhờ đó mà dân ngày càng được no ấm. Tế xong thì làm lễ xuống đồng. Ông chủ tế kiêm chủ điền lúc này lại đóng vai tượng trưng Vua Hùng, xắn quần, áo tế rồi cầm mạ lội xuống ruộng cấy lúa. Chủ tế và 18 cô gái đóng vai Mỵ Nương tay cầm đon mạ, đứng thành hàng ngang. Chủ tế cấy trước, cấy đến đâu các Mỵ Nương cấy theo đến đó. Sau khi cấy hết bó mạ, chủ tế sẽ cắm cây nêu. Sau đó, dân làng cùng nhau ùa xuống ruộng cấy tiếp trong không khí vui vẻ, náo nhiệt, với mong muốn mùa màng bội thu, người người no đủ.

Ngày nay, việc phục dựng Lễ hội Tịch Ðiền làng Lú Minh Nông - lễ hội đặc trưng, tiêu biểu của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, là nhằm góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc trên địa bàn thành phố Việt Trì; bảo tồn các nghi thức lễ hội xuống đồng tiêu biểu của nghề nông, tôn vinh tinh thần cần cù trong lao động, sáng tạo trong cuộc sống của nhân dân đã tạo nên một bản sắc văn hóa riêng trong cuộc sống người dân kinh đô Văn Lang xưa. Từ đó xây dựng, quy hoạch sử dụng đất canh tác, nhằm bảo tồn một số giống lúa truyền thống, để gây dựng thành sản phẩm thương mại nông nghiệp phục vụ du lịch, dịch vụ. Ðây cũng là cơ sở để sưu tầm, bổ sung hiện vật quý như "hạt lúa thần" tại khu vực làng Lú Minh Nông. Minh Nông ngày nay, Kẻ Nú - Kẻ Lú ngày xưa, với các địa danh lịch sử như Ðồng Lú và Ðàn Thần Nông sẽ mãi là những dấu tích gắn liền với những truyền thuyết văn hóa dân gian, gắn liền với những năm tháng xa xưa, bằng bàn tay và khối óc, bằng mồ hôi và cả xương máu, cha ông đã xây dựng nên Tổ quốc, rồi trao truyền lại cho chúng ta.

Tiếp bước cha ông, trải qua bao nhiêu khó khăn của lịch sử dân tộc, các thế hệ nhân dân làng Minh Nông vẫn một lòng kiên trung trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển kinh tế. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hàng trăm người con ưu tú của Minh Nông đã lên đường nhập ngũ, và đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường, xứng đáng là những người con đã sinh ra và trưởng thành từ mảnh đất còn mang dấu ấn của "hồn tổ tiên". Chính tại Minh Nông, vẫn còn lưu danh của những trận đánh của đội du kích trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Với các thành tích ấy, đội du kích của làng Minh Nông đã vinh dự được Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tặng thưởng một cây kiếm quý. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng trăm người con đất Minh Nông lại hăng hái lên đường tòng quân diệt giặc cứu nước, đã có nhiều tấm gương anh dũng, quên mình hy sinh ngoài mặt trận. Cả xã có 214 liệt sĩ, 203 thương binh và bệnh binh, 12 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Với những thành tích đã lập được, năm 2004, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Minh Nông đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

MINH NÔNG ngày nay đã và đang từng ngày "thay da, đổi thịt". Từ một xã thuần nông, trên địa bàn xã đã có mặt các nhà máy, xí nghiệp, các công trường xây dựng của đất nước thời đổi mới. Các nhà máy và công trình đó như mang theo cả ước mơ của Vua Hùng xưa kia về tương lai tươi sáng cho cháu con. Hiện nay, UBND thành phố Việt Trì đã xây dựng đề án quy hoạch chi tiết để xây dựng xã Minh Nông thành phường Minh Nông. Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Sơn cho biết: "Xã hiện có năm khu dân cư, 2.381 hộ với 8.531 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo còn 3,54%, Chi bộ đảng nhiều năm đạt danh hiệu "trong sạch, vững mạnh". Trong những năm qua, xã được thành phố Việt Trì đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm, đường làng, ngõ xóm được bê-tông hóa, hệ thống điện - đường - trường - trạm được xây dựng hoàn chỉnh và khang trang; các thiết chế văn hóa ngày càng được hoàn thiện, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân". Ðến Minh Nông hôm nay, điều dễ dàng nhận thấy là đời sống nhân dân đang ngày càng được nâng cao. Có thể nói rằng, là vùng đất gắn liền với lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, ở Minh Nông, đất và người, quá khứ và hiện tại luôn luôn gắn bó với nhau, để cùng làm nên điều kỳ diệu xa xưa và điều kỳ diệu trong công cuộc đổi mới hôm nay.
 
                                                                          Theo Báo Nhandan

Các tin khác

Không có hình ảnh
Học sinh sinh viên Sài Gòn xuống đường, hát vang những bài ca yêu nước năm 1974

Đời vẽ, vẽ đời

Họ, một người Việt Nam, một người Ethiopia. Khác nhau về văn hóa, phong tục nhưng đối với họ, sự nhìn nhận về cuộc sống được thể hiện qua các tác phẩm mỹ thuật của họ lại rất thực và có nhiều điểm tương đồng…

Hà Nội riêng trong nhạc trẻ

Giữa dòng chảy ồn ào của nhạc trẻ, những ca khúc viết về Hà Nội của các nhạc sĩ trẻ đã làm nên một Hà Nội có dấu ấn rất riêng

Giỗ Tổ Hùng Vương trăm miền hội tụ

"Tháng Ba/ Cọ xòe đón ta về đất Tổ… Núi sông dậy sấm anh hùng/Trời đất ngút ngàn linh khí…". Trong một không khí linh thiêng, trang trọng, đêm khai mạc lễ hội đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2010 diễn ra hoành tráng nhất từ trước tới nay, với nhiều màn biểu diễn đặc sắc, sáng tạo, mang tính sử thi và đậm đà bản sắc dân tộc. Buổi lễ đã chứng kiến có sự tham dự của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước…

Khai mạc Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng 2010

Tối nay, Lễ khai mạc Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2010 và Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VII chính thức diễn ra tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng - TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với chương trình nghệ thuật tổng hợp mang tên Linh thiêng đất Tổ Hùng Vương.

Sân khấu Việt đang “khát” khán giả

Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN vừa trao giải thưởng cho 12 kịch bản văn học và 32 giải cho vở diễn. Một năm có tới 32 vở diễn xếp thứ hạng A – B, ai bảo sân khấu (SK) không khởi sắc. Nhưng chúng ta hãy cứ tự hỏi nhau tình hình SK hiện nay thế nào? Tối nay, ngay tại Hà Nội xem gì, ở đâu thì chắc không nhiều người trả lời được.

Việt Nam đoạt giải thưởng của Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế

Bộ ảnh màu của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam với chủ đề “Thông điệp tuổi thơ” vừa giành Huy chương đồng cuộc thi ảnh màu nghệ thuật quốc tế được tổ chức tại Ireland.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục