Trước đây, mỗi nhà xuất bản (NXB) lớn tùy vào điều kiện riêng đều mở nơi bán sách do đơn vị mình thực hiện nhưng chủ yếu mang tính trưng bày, giới thiệu. Gần đây, nhiều NXB đã dần dần biến những gian hàng sách trở thành những nhà sách thực sự, đưa sách trực tiếp từ NXB đến tận tay bạn đọc.
Đua nhau mở nhà sách
NXB Trẻ có thể xem là đơn vị tiên phong cho việc mở một gian hàng nhằm giới thiệu những sản phẩm của mình. Gian hàng nhỏ nằm ngay bên hông NXB Trẻ, số 161B đường Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3, suốt bao năm đã là một địa chỉ để bạn đọc tìm đến mua sách của NXB Trẻ, nhất là những cuốn sách không còn bán trên thị trường. Thực ra, gian hàng này giống như một điểm trung chuyển, bán sách sỉ cho các đại lý hơn là bán lẻ cho bạn đọc. Tuy nhiên, nhiều cuốn sách xuất bản đã lâu hay mới tái bản đều được nhân viên nhiệt tình tư vấn cho người mua lẻ. Việc giảm giá 10% tất cả đầu sách, kể cả những tác phẩm vừa mới xuất bản, khiến gian hàng này trở thành một điểm hẹn lý tưởng cho những ai yêu sách.
Các em học sinh tìm đọc sách tại nhà sách của Nhà xuất bản Kim Đồng. Ảnh: T.VÂN |
NXB Tổng hợp TPHCM lại là một trường hợp khác. Nằm ở một vị trí đắc địa ngay mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai (số 62, phường Đa Kao, quận 1) nhưng suốt bao năm qua rất ít ai nhận ra nơi đây có một trong những NXB lớn nhất TP. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc NXB Tổng hợp, mới đây khi nhậm chức đã nhanh chóng phát hiện ra vị trí lợi thế này. Thế là, đầu tiên các băng rôn cỡ lớn quảng bá sách được giăng lên thu hút sự chú ý của bạn đọc. Sau đó NXB sử dụng luôn tầng trệt để mở các tuần lễ sách giảm giá và thu hút nhiều bạn đọc. Đến nay, nhà sách của NXB Tổng hợp TPHCM đã tạo được một chỗ đứng riêng với những chương trình bán sách đặc biệt thường gắn với những dịp lễ.
Các NXB ở các địa phương khác đặt chi nhánh tại TP cũng bắt đầu mở những nhà sách riêng của mình tại đây. Đi đầu có thể kể đến nhà sách “Phụ nữ” của NXB Phụ nữ (tại số 16 đường Alexandre de Rhodes, TPHCM) khai trương vào đầu năm 2008. Đây được xem là nhà sách đầu tiên trong cả nước do một NXB làm chủ đầu tư, với hơn 10.000 đầu sách, là nhà sách lớn nhất của một NXB.
Vừa qua, tại TPHCM có thêm nhà sách Kim Đồng của NXB Kim Đồng. Trước đây, NXB Kim Đồng cũng có một gian hàng sách nhỏ tại 268 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1. Mãi đến ngày 7-11, NXB Kim Đồng mới có một nhà sách thật sự tại số 43 Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận rộng khoảng 130m² với hơn 2.000 cuốn sách trưng bày.
Ra khỏi tháp ngà đến với bạn đọc
Trước đây, các NXB thường bị ví như những tòa tháp ngà của người làm sách. Các NXB hầu như ít tiếp xúc với bạn đọc, trong khi các nhà làm sách tư nhân lại quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn.
Việc mở các gian hàng sách của riêng các NXB ban đầu chỉ mang ý nghĩa một nơi trưng bày sách mới. Thế nhưng các NXB phát hiện ra bạn đọc không chỉ có nhu cầu tìm sách mới mà còn có cả nhu cầu tìm sách cũ, sách trọn bộ… Các NXB khác cũng phát hiện nhu cầu bạn đọc cần tìm sách riêng của từng NXB thay vì vào các nhà sách lớn có thể “hoa mắt” vì sách.
Không chỉ thuần túy mở nhà sách, mỗi NXB đều thể hiện chất riêng. NXB Trẻ có chương trình cuối tuần bán truyện tranh giá cực rẻ (chỉ 3.000 đồng/cuốn). NXB Tổng hợp TPHCM chọn thế mạnh về sách chính trị cùng những đầu sách ngoại ngữ độc quyền (phối hợp với các NXB nước ngoài như McGraw Hill).
Sinh sau đẻ muộn, nhà sách của Kim Đồng chọn cho mình một thế mạnh riêng là việc mở thư quán dành riêng cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Là nhà văn nổi tiếng có lượng sách ăn khách suốt hơn 20 năm, thư quán Nguyễn Nhật Ánh trở thành một cái tên bảo chứng cho sự thành công. Tại thư quán, bạn đọc có thể tìm thấy hầu như toàn bộ sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, kể cả những sách không phải do Kim Đồng xuất bản. Đây là một điểm khác biệt vì các nhà sách do NXB khác mở luôn chỉ bán sách của chính đơn vị mình thực hiện. Hàng trăm bạn đọc chen chúc trong ngày khai trương chỉ để xin chữ ký nhà văn là minh chứng rõ nhất cho sự lựa chọn hợp lý của NXB Kim Đồng.
Không hoành tráng, rộng lớn như nhà sách của các nhà phát hành sách, các nhà sách của NXB tuy khiêm tốn nhưng đã đáp ứng một nhu cầu có thật của bạn đọc, đem đến sự đa dạng, năng động của một thị trường sách chuyên nghiệp.
Theo SGGP
Đã có thời, khán giả Việt Nam (VN) từng được xem những vở ballet lớn như Hồ Thiên Nga, Rômêô và Juliet... Và cũng đã có thời, có được những tác phẩm múa như Cánh chim và mặt trời, Đôi bờ, Người mẹ VN... Nhưng rồi, vì nhiều lý do, nghệ thuật múa VN dường như không phát triển, nếu không muốn nói là dừng lại, thoái trào, xuống dốc. Trong bối cảnh đó, cô gái thanh mảnh, dịu dàng nhưng cũng đầy ý chí, tâm huyết Tuyết Minh đã xốc lại tình hình. Chị tự mình thành lập một nhóm múa, dăm tháng cho ra đời một tác phẩm, khuấy động lên những suy tư cùng sự hào hứng của công chúng với Quan Âm Thị Kính, Chiến thắng mùa hoa đào, Bên trong và bên ngoài, Carmen... và gần đây nhất, chị lại cho ra mắt một vở ballet đích thực: Don Quixote - một tác phẩm thực sự kinh điển của châu Âu.
Văn học là một sản phẩm tinh thần cao quý của con người, là thước đo trình độ, bản sắc và tầm vóc văn hóa của mỗi dân tộc. Sự tiếp nhận văn học mỗi người khác nhau, có người đọc để giải trí, có người đọc để học tập, người khác nghiên cứu, lại có người chỉ để thẩm định một hiện trạng cũ - mới. Dù thế nào thì văn học phải đảm bảo những giá trị của nó, phải gánh trên mình nó nhiệm vụ là làm cho con người tiến bộ, cho cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.
(HBĐT) - Cao Phong được nhiều người biết đến là vùng đất có hai loại cây đặc sản là mía tím và cam. Bên cạnh đó, với thế mạnh là nằm ven vùng hồ Hoà Bình và các bản làng dân tộc, Cao Phong đã và đang khai thác hiệu quả tiềm năng về các loại hình du lịch văn hoá, sinh thái.
(HBĐT) - Chập tối, cả xóm đang yên ắng thì tiếng chị Lanh bật lên lanh lảnh: Đồ khốn nạn! Đồ đốn mạt! Cút ngay, tao không chứa... Tiếp đó là tiếng đồ đạc đổ vỡ.
Ðể góp phần giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật sân khấu đã được thành lập. Ngày ra mắt trung tâm 1-6-2000, nhiều văn nghệ sĩ lớn đã tới dự, ủng hộ và mong muốn trung tâm sẽ hoạt động mở rộng ở nhiều lĩnh vực văn hóa chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi nghệ thuật sân khấu.
Lâu nay, phim Việt vẫn loay hoay tìm "phao cứu hộ" nhằm thoát khỏi tình trạng "con hát mẹ khen hay" ở trong nhà, vì toàn "quân ta" cả nên có thể một bỏ làm mười cũng chẳng sao, lọt sàng xuống nia, đi đâu mà thiệt. Nhưng khi đem chuông ra đấm "sân nhà" mà vẫn phải chịu cảnh lọt sàng rơi vào thúng thiên hạ. Liệu bộ phim "hot" Cánh đồng bất tận đang được trình chiếu sẽ mách bảo điều gì?