Trở lại với ý kiến về hai giả định nguồn gốc câu thơ của Nhà văn Nguyễn Hồng Thái tôi thấy cũng có lý bởi nó có chung số phận, một số phận tốt đẹp cho những câu văn câu thơ hay được truyền kỳ qua nhiều đời mà nhiều khi người ta quên mất nguồn gốc sinh ra nó hoặc nó được chiêu tuyết qua những tài năng khác để trở thành của chung như người đời đã định danh là ca dao...
Trong bài "Để hiểu hai câu ca dao về người Hà Nội", Nhà văn Nguyền Hồng Thái có viết: "Đài truyền hình Hà Nội trong chương trình tối 5/9 có phát buổi trò chuyện của nhà thơ Vũ Quần Phương, Giáo sư sử học Lê Văn Lan, và PGS. TS Văn học Nguyễn Hữu Sơn về câu chuyện văn hóa- lịch sử hướng tới 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Nhiều câu chuyện lý thú trong lịch sử đã được ba nhà nghiên cứu trình bày, có sức hấp dẫn lôi cuốn bạn đọc. Tôi đặc biệt chú ý theo dõi câu chuyện mà ba ông đã phân tích khá kỹ về ý nghĩa, nội dung của hai câu ca dao viết về Hà Nội: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An… Tôi nhớ, Giáo sư Lê Văn Lan trong phần tạm kết luận cho biết, câu ca dao này được tìm thấy trong thơ của Nguyễn Công Trứ (thế kỷ XIX). Từ đó có thể giả định, hoặc người Tràng An- Hà Nội xưa bị ảnh hưởng từ câu thơ trên của nhà thơ Nguyễn Công Trứ rồi dẫn theo để tự hào về truyền thống thanh lịch của mình. Hoặc cũng có thể chính Nguyễn Công Trứ đã ảnh hưởng từ câu ca dao của người Hà Nội xưa rồi hấp thụ vào thơ mình như một lẽ tự nhiên…". Đây là lần thứ hai tôi biết được thông tin về nguồn gốc của hai câu thơ sáu tám nổi tiếng ấy. Cũng thêm một lần để có thể tin rằng đấy là hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ. Trở lại với ý kiến trên về hai giả định nguồn gốc câu thơ của Nhà văn Nguyễn Hồng Thái tôi thấy cũng có lý bởi nó có chung số phận, một số phận tốt đẹp cho những câu văn câu thơ hay được truyền kỳ qua nhiều đời mà nhiều khi người ta quên mất nguồn gốc sinh ra nó hoặc nó được chiêu tuyết qua những tài năng khác để trở thành của chung như người đời đã định danh là ca dao. Còn một cái lý khác về tác giả của hai câu thơ. Thông tin trên chỉ cho biết là Nhà thơ Nguyễn Công Trứ, còn ở tập nào, sách nào thì chưa được rõ.
Sương sớm Hồ Gươm. (Ảnh: Q.Huy).
Tôi có ý định tìm và đã gặp văn bản trong cuốn "Văn Đàn Bảo Giám" do NXB Văn học ấn hành năm 1998. Sách in vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX sau đó được in lại nhiều lần và được chỉnh sửa cho chính xác và gần gũi với văn bản hơn. Soạn giả của bộ sưu tập trên nghìn trang này là cụ Trần Trung Viên. Trong lời bạt cho lần in này Giáo sư Hà Văn Cầu có viết về sự cẩn thận của tuyển tập "lần tái bản năm 1934, các học giả, thi gia lớn như Cẩm Đài, Lệ Thần (Trần Trọng Kim), Á Nam (Trần Tuấn Khải), Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu)… đều bỏ ra nhiều ngày xem xét rất công phu, khiến cho bộ sách thêm phần giá trị". Trong mục Ca Trù, trang 720 phần của tác giả Nguyễn Công Trứ có bài mang tiêu đề "Thành Thăng Long". Nguyên văn là:
"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
Hồi thủ khả lân ca vũ địa
Đất Tràng An là cổ đế kinh
Nước non một dải hữu tình
Trời Nam Việt trước gây đồ đế kỷ
Người thôn ổ dấu phong lưu thành thị
Đất kinh kỳ riêng một áng lâm toàn
Men sườn non tiếng mục véo von
In mặt nước buồm ngư lã chã
Hoa thảo kỷ, kinh xuân đại tạ
Giang sơn do tiếu cổ hưng vương
Đồ thiên nhiên riêng một bức tang thương
Khách du lãm coi chừng thăm hỏi
Đã mấy độ sao dời vật đổi
Nào vương cung đế miếu ở đâu nào
Mỉa mai vượn hót oanh chào!"
Trong văn bản trên hai câu mở đầu của khúc hát với nội dung toàn bài là ăn nhập nhau trong ý tứ và hình tượng. Đây là nỗi cảm hoài nhớ tiếc của một nhà thơ rất giỏi ca trù và một ông quan hết lòng về thế sự, từng chìm nổi về thế sự trước một kinh thành nổi tiếng... Rất có thể đó là câu mở đầu khẳng định vẻ đẹp truyền thống của Thăng Long khiến tác giả se lòng và hoài tiếc trước sự xuống mầu của chất vàng son ấy do con người và thế sự tạo ra, gây ra. Một câu hát không phải để hát chơi mà giàu tâm sự cùng những nhắc nhở.
Chợt nhớ tới những câu thơ của Bà huyện Thanh Quan, cũng trích từ sách đã dẫn, trong bài Hoài cổ, trang 96 (có văn bản khác gọi là "Thăng Long thành hoài cổ"):
Tạo hóa gây ra cuộc hý trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn bền gan cùng tuế nguyệt
Nước còn chau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây vốn đoạn trường…
Bà Huyện Thanh Quan (không rõ năm sinh năm mất, dự đoán khoảng thế kỷ XIX) và Nguyễn Công Trứ (1778-1858) chắc tuổi tác hai cụ khác nhau nhưng sống cùng thế kỷ, thuở đất nước có nhiều biến động vào thời nhà Nguyễn. Trong đa sự này có chuyện lớn là vua Minh Mạng, năm 1831 đổi tên Thăng Long thành Hà Nội và chuyển kinh đô vào Huế. Tự nghĩ, trong chuyện này với các tác giả vốn là những nhà nho đầy cảm khái không thể không có những tâm sự. Phải chăng đây là sự hối tiếc thương nhớ một Thăng Long cổ kính và lịch thiệp đang bị thời gian và hoàn cảnh làm cho biến cải...
Cụ Nguyễn Công Trứ có thơ như thế về Thăng Long là có lý. Hoặc giả cụ mượn hai câu ca dao cổ về đô kỳ vào bài hát giàu nỗi niềm của mình về Thăng Long như nhận định của nhà văn Nguyễn Hồng Thái cũng là rất có thể. Tôi thêm một lần tin như vậy bởi trong một bài ca trù khác, cũng sách trên, trang 710, có tên "Gánh gạo đưa chồng" tác giả mở đầu bằng hai câu lục bát "Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non". Đây là thơ của nhà thơ Nguyễn Công Trứ hay là ca dao? Tôi nghiêng về phía đánh giá đây là hai câu ca dao.
Nhưng lại thiển nghĩ, với tài danh ấy, dù có từ ca dao đi vào hay từ thơ của Nguyễn Công Trứ đi ra làm thành ca dao cũng một trăm phần xứng đáng. Hậu sinh hôm nay với những văn bản ít ỏi về người thuở trước, có thể có hoặc không có cũng là điều hiển nhiên cùng những thiệt thòi của một đất nước quá nhiều binh lửa và biến động.
Theo Báo CAND
Những năm gần đây, trên mặt bằng văn học trong nước, văn học trẻ có phần lép vế. Sự lép vế này không phải dưới góc độ tác phẩm hay tác giả mà là sự thiếu hụt nhìn từ các giải thưởng văn học dành cho các nhà văn, tác giả trẻ. Giải thưởng văn học, bệ đỡ cho các nhà văn, đang khuyết chỗ dành cho các nhà văn trẻ thể hiện mình.
Triển lãm các tác phẩm thủ công mỹ nghệ của 21 nghệ nhân tiêu biểu Hàn Quốc sẽ diễn ra tại tại Gallery của Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc từ ngày 20/11 đến ngày 4/12.
Câu chuyện về các bảo tàng cũng dài không kém Nghìn lẻ một đêm…
Mỗi năm trên thế giới có vô số cuộc thi lớn nhỏ khác nhau để vinh danh những tên tuổi sáng giá nhất trong mỗi lĩnh vực.
Là tên cuộc trưng bày khai mạc vào chiều 22-11, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam.
Đánh dấu chặng đường 30 năm ra đời, Câu lạc bộ Guitar cổ điển Phú Nhuận phối hợp với khoa guitar Nhạc viện TP.HCM tổ chức một chương trình guitar gala “Hội tụ 2010”. Đây có lẽ là guitar Gala “hoành tráng” nhất nước từ trước tới nay.