Trả lời phỏng vấn của phóng viên, Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc khẳng định: ”Tết là dịp để phô bày những thành quả, sản phẩm của lao động như bày mâm ngũ quả, làm các loại bánh, nấu cỗ...Tết còn nhằm sự lý giải hoà đồng giữa các cá nhân và gia tộc, xóm làng, cũng như giữa con người và thiên nhiên”
Điều được nói trên được thể hiện ở tục lệ Xông đất, Mừng tuổi, Hái lộc...Tết còn là dịp để mọi người biểu thị những sáng tạo tinh thần và văn hoá như tổ chức các trò chơi, trò diễn...
Nói đến Tết, người Việt nào cũng nghĩ đến những ngày đặc biệt nhất trong một năm nhưng thật sự hiểu về những tục lệ, những chuyện thú vị ngày Tết thì chưa hẳn ai cũng biết.
"Xông nhà ngày Tết là một việc hết sức trọng đại"
Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Trường Phát-Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết, xông nhà ngày Tết là một việc hết sức trọng đại vì thế hầu như nhà nào cũng kiêng kị rất cẩn thận. Bởi nếu không những điều xấu sẽ vận vào bản thân mình, gia đình mình.
Vì sợ "dông" nên phải chọn người xông nhà, tuổi tính theo hàng can không xung với năm đó và không xung tuổi với chủ nhà. Người ta thường chọn những người gia cảnh song toàn, làm ăn thịnh vượng, vì thế mới có lệ "hẹn trước," mời đến xông nhà.
Thật không may cho nhà ai bị người "nặng vía" đến xông nhà. Tối kị nhất là những trường hợp bị xin lửa, xin nước dịp đầu năm mới. Cần biết điều này để tránh cho người khác những lo lắng ngay từ đầu năm. Có bạn trẻ vẫn "vô tư" xin lửa hút thuốc như ngày thường là thiếu hiểu biết.”
Cần hiểu có những điều đã thuộc về văn hoá chứ không phải là mê tín. Việc tin mất lửa có mất lộc hay không không quan trọng bằng tránh cho người khác những khó chịu trong đầu năm mới. Những người trong năm có chuyện buồn và thiếu may mắn trong đời sống không nên đi xông đất hay đến nhà ai trong những ngày Tết.
Tại sao nói: "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi"?
Câu hỏi này đã khiến nhiều người băn khoăn, nhất là khi sáng mồng Một Tết, tiếng rao bán muối vang trên phố phường. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo (Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội) giải thích: “Lâu nay vẫn lưu truyền triết lý dân gian 'đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi.' Muối là biểu tượng của sự mặn mà, đậm đà tình nghĩa nên 'đầu năm mua muối' để có một năm thuận hòa. 'Cuối năm mua vôi' không chỉ quét vôi lại nhà cho sáng sủa, sạch sẽ đón năm mới mà còn dùng vôi vạch cung tên trên sân, xua đuổi tà ma, quỷ dữ.”
“Và sâu sắc nữa là triết lý ân tình-ơn nghĩa đậm chất Nho gia: Mồng Một Tết Cha/mồng Hai Tết Mẹ/mồng Ba Tết Thầy. Vì Tết vui, no ấm và nhiều ý nghĩa như vậy mà ở nhiều nơi người ta còn có tục "ăn Tết lại." Có thể xuất phát từ thực tế mùa Xuân xưa bận đánh giặc nên ăn Tết sau, nhưng cũng từ tâm lý thích nhen lại không khí vui ngày Tết. Đúng là vui như Tết!” - Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo nhấn mạnh.
Con người đánh thức đất mẹ dậy sau dịp Tết
Vì là đất nước lâu đời làm nông nghiệp nên theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Trường Phát: “Đặc biệt có nghi thức mà ở hai dân tộc người Kinh và người Mường rất giống nhau. Đó là nghi thức Lễ Động thổ trong ngày Tết Nguyên đán. Trong phong tục của người Kinh xưa có lệ kiêng kỵ là ngày đầu năm nếu chưa làm lễ Động thổ thì không ai được động đến đất, không được cuốc xới, chẻ củi, giã gạo...”
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Trường Phát giải thích rõ: “Đất giống như bà mẹ có khả năng sinh sôi nuôi dưỡng muôn loài và đất cũng cần có lúc được nghỉ. Những ngày giá lạnh cuối năm, đất ngủ. Khi Xuân về, con người đánh thức đất dậy để đất tiếp tục làm việc nuôi sống muôn loài. Nhưng trước khi đánh thức thì hãy để bà mẹ Đất ngủ thật say vào khoảng thời gian thiêng liêng lúc giao mùa. Thời gian ấy đừng làm kinh động giấc ngủ của bà mẹ từng bao lâu vất vả. Và xuất phát từ đó qua quá trình dài thay đổi đến ngày nay, khi bắt đầu một công trình xây dựng người ta cũng làm lễ Động thổ.”
Kiêng quét nhà trong ba ngày Tết
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo cho rằng: “Các điều kiêng kị ngày Tết đã phổ biến trong dân gian đều có nguồn gốc và rất đáng tôn trọng. Đó là kiêng quét nhà trong ba ngày Tết. Theo tục này, trong ba ngày Tết không ai quét nhà vì sợ rằng sẽ quét hết vận đỏ đi. Vì thế người ta quét dọn nhà cửa, vườn tược, sửa soạn đồ thờ từ trước lúc Giao thừa.
Thế nên, ngày Tết các bạn trẻ có đến nhà ai được mời ở chơi, ăn cơm thì chớ có nhiệt tình tìm chổi quét dọn giúp, vì nhỡ chủ nhà theo tục kiêng thì bạn đã mắc lỗi lớn. Dân gian còn có tục treo tranh Tết.
Bà Đỗ Thị Hảo còn cho biết thêm, ngày Tết kiêng không treo những tranh "xui xẻo" như đánh ghen, kiện tụng mà phải tìm bằng được những tranh lợn gà, cậu bé, hoa trái, tranh thể hiện sự vinh hoa phú quý... hy vọng năm mới sẽ có nhiều điều tốt lành, gà gáy gọi mặt trời xua tan đêm tối, trâu bò chật ních, thóc lúa đầy bồ.
Theo HaNoiMoi
Ngày Tết, cho dù ở thành thị hay thôn quê, giàu sang hay nghèo khó, trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách, hầu như nhà nào cũng trưng một mâm ngũ quả, và cố thể hiện sao cho vừa đẹp mắt vừa hàm ý những điều ước nguyện của gia chủ.
Sau loạt ảnh tạo hình của Tào Tháo (Khương Văn) và Kỳ Lan (Tôn Lệ), nhà sản xuất phim "Quan Vân Trường" (The Lost Bladesman) vừa công bố tạo hình của diễn viên chính Quan Vân Trường do Chung Tử Đan đảm nhiệm.
(HBĐT) - Là một người con của đất Mường Hoà Bình, đám trẻ chúng tôi hồi còn để chỏm thích Tết lắm. Tết được mua áo mới, đi chơi thăm ông, bà và được mừng tuổi. Nhưng có lẽ vui nhất là ngày mổ lợn và gói bánh.
(HBĐT) - Trước thềm năm mới Tân Mão, không khí trên đường Hồ Chí Minh càng thêm nhộn nhịp, tất bật. Suốt ngày đêm những đoàn xe hối hả ngược xuôi đưa hàng hoá đến mọi vùng quê phục vụ người dân đón Tết, vui xuân.
Chương trình Táo quân năm nay trên sóng các đài truyền hình hứa hẹn ngập tràn tiếng cười vui nhộn
Hơn 25 năm làm báo với biết bao cảm xúc trước thời cuộc, dường như cũng đủ để tác giả lắng đọng lòng mình, tập hợp một số trong rất nhiều bài ghi chép về những chuyến đi xa gần, mà như anh nói "chỉ để kỷ niệm tháng ngày rong ruổi và nếu may mắn được người đọc chia sẻ trải nghiệm của mình thì âu đó cũng là một niềm vui".