Có hai khái niệm về thơ trẻ, đó là thơ của những tác giả trẻ hay một dòng thơ mới mẻ, non trẻ vừa mới xuất hiện.
Nói cách khác là trẻ của thơ hay trẻ người làm thơ bởi có không ít bài thơ, câu thơ rất già song tác giả của nó còn rất trẻ và ngược lại, có những tác phẩm rất trẻ, tác giả của nó lại rất già. Mặc dù đã cao tuổi nhưng họ vẫn không ngừng nghỉ trên con đường trẻ hóa thi ca. Ở đây, xin được hiểu quan niệm thơ trẻ tức là thơ của những người trẻ tuổi có xu hướng làm mới thi ca.
Theo Nhà phê bình Văn Giá, Trưởng khoa sáng tác, lý luận, phê bình Ðại học Văn hóa, thơ trẻ hiện nay có thể hình dung mấy xu hướng. Thứ nhất là thơ theo kiểu truyền thống cổ điển, thứ hai là thơ theo kiểu truyền thống Thơ mới (1932 - 1945) và thứ ba là thơ hiện đại (chữ 'hiện đại' được hiểu là khác với hai xu hướng trước, thuộc về thì hiện tại, hôm nay). Ở xu hướng thứ nhất, có một số cây bút trẻ làm thơ lục bát, thơ sáu chữ, bảy chữ, tám chữ, thơ kiểu Ðường thi... nhìn chung đó là loại thơ Cách luật. Ðiều quan trọng ở đây là phải làm mới, 'lạ hóa' loại thơ này. Ðây là một thử thách đối với những người làm thơ, nhất là những người trẻ. Xu hướng thứ hai, về cơ bản đó là những cây bút chịu ảnh hưởng của điệu thơ truyền thống từ năm 1932, đi qua nền thơ của hai cuộc kháng chiến và tiếp tục đến tận bây giờ. Các cây bút theo xu hướng này vẫn đang có những lúng túng về bút pháp, chưa đủ nội lực để bứt phá. Xu hướng thứ ba thuộc về một số cây bút đầy khát vọng tìm tòi, cách tân. Tiếc là họ vẫn chưa thoát được cái bóng của những nhà thơ đi trước, đã mạnh dạn đưa tinh thần cách tân vào thơ từ những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp. Sự cách tân của họ quy về những tên gọi như: Thơ tượng trưng, thơ siêu thực, thơ đồ hình, thơ thị giác, thơ con âm, thơ sắp đặt, thơ tân hình thức... Mọi thể nghiệm này đang ở những bước đi ban đầu và kéo dài đến hôm nay.
Sự đa dạng trong hình thức biểu hiện, hăm hở tìm tòi và sáng tạo, thơ trẻ đang cố bắt nhịp với hơi thở cuộc sống đương đại. Cái được của thơ trẻ là sự táo bạo trong câu chữ, kể cả bày tỏ cái tôi bản thể. Thơ trẻ đang vẫy vùng để tìm 'giọng' cho thế hệ mình và đã có những tìm tòi thể hiện, thể nghiệm và phát hiện mới về ngữ nghĩa, góp phần mang lại cho thơ Việt hơi thở hiện đại. Nhưng nhìn chung phần lớn thơ trẻ vẫn là thơ 'cải biên' của truyền thống. Những tìm tòi thể nghiệm chưa định hình, nhiều sáng tác còn gượng gạo, ngôn từ 'kiểu cách', cường điệu, hoặc mông lung ngữ nghĩa, thi tứ. Người đọc nhiều khi không biết nhà thơ định bày tỏ quan niệm và hệ thống thẩm mỹ của mình là gì. Có không ít ý kiến cho rằng thơ trẻ thiếu đời sống, thiếu đời và sự trải nghiệm, thiếu sự tham gia vào những vấn đề của 'chúng ta', của đất nước. Ðã có những phát biểu về thơ trình diễn là: 'chỉ thấy diễn, mà không thấy thơ, nhưng vui'. Ðã có thơ sắp đặt, nghĩa là viết những câu thơ lên bu gà, lồng chim, lên xe máy, và các vật thể khác, thu hút rất nhiều người tò mò, lạ lẫm, mặc dù người ta cũng không hiểu, không cảm được thơ, chỉ coi như 'thơ triển lãm', khác cách cảm truyền thống là qua ngôn ngữ chữ viết, giọng điệu, thi tứ...
Cuộc sống luôn vận động và văn học - nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng không thể đứng ngoài sự vận động của đời sống xã hội. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật và công nghệ hiện nay, người ta hy vọng vào những đổi thay trong đời sống thơ ca. Tuy nhiên, những thay đổi từ thơ trẻ không thể diễn ra mạnh mẽ ngay tức thì. Chúng ta đã và đang mở cửa hội nhập, trong đó có cả lĩnh vực văn hóa với một quá trình sàng lọc và hấp thụ. Những người sáng tác cũng vậy, cứ từng bước tự thay đổi mình, từng bước tiệm tiến tới nhu cầu làm mới thi ca một cách tự nguyện, tự nhiên, rồi dần dần, thơ trẻ nhất định sẽ có một diện mạo mới.
Có thể nói, những thành tựu còn mỏng manh, chưa có nhiều đỉnh cao, tuy nhiên chính những người trẻ đang đi theo con đường này đã góp phần làm nên sự đa dạng và một tinh thần mới trong thơ ca. Tiếng nói của họ đang ngày càng được khẳng định một cách đường hoàng trên thi đàn. Tin rằng xu huớng này dần dần, với độ chín và bứt phá cần thiết sẽ làm nên một diện mạo mới trên thi đàn Việt Nam. Cái thiếu nhất hiện nay ở họ là đang còn hiếm những bài thơ hay. Mọi cách tân ồn ào rồi sẽ qua đi, cái còn lại cuối cùng là phải kết tinh vào tác phẩm, những tác phẩm tầm cỡ và thuyết phục.
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ IX năm 2011 được tổ chức đồng loạt vào dịp rằm tháng Giêng âm lịch (17-2-2011) tại các tỉnh, thành phố trong cả nước với nhiều hoạt động bên cạnh ba sân thơ lớn tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Nghệ An.
Tại Hà Nội, những người yêu thơ và các nhà thơ vẫn hội tụ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với ba sân thơ: sân thơ truyền thống, sân thơ hiện đại và sân thơ thiếu nhi. Ngày thơ còn có sự góp mặt của 30 họa sĩ điêu khắc được mời đến thực hiện vườn tượng văn nhân, trong đó trưng bày các bức tượng nhà văn, nhà thơ nổi tiếng do họ thực hiện như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Ðình Thi, Huy Cận, Xuân Diệu... cùng một không gian trưng bày thư pháp thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhiều thứ tiếng, trên nhiều chất liệu khác nhau. Người xem sẽ được thưởng ngoạn những tác phẩm thư pháp, những bài báo, bức tranh phong phú, đa dạng và hết sức cuốn hút của các tác giả thế giới viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðặc biệt, để kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, 70 năm Ngày Người trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước để trực tiếp lãnh đạo công cuộc giải phóng, giành độc lập dân tộc, làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong ngày thơ sẽ có lễ rước Ðất lấy từ Kim Liên (Nghệ An) quê Bác Hồ và rước Nước nguồn Pác Bó (Cao Bằng). Theo kế hoạch, Hội Nhà văn Việt Nam cũng tổ chức một sân thơ cho hơn 30 câu lạc bộ thơ ở Hà Nội và các địa phương khác về triển lãm thơ, trình diễn và thi thơ.
Tại Nghệ An và TP Hồ Chí Minh, trong dịp Ngày Thơ Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi như: chiếu bộ phim mới về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc "Vượt bến Thượng Hải"; dâng hoa, dâng hương, báo công với Bác tại Nhà tưởng niệm của Người ở Khu di tích Kim Liên; tổ chức lễ thả thơ; chương trình biểu diễn nghệ thuật, đọc và ngâm thơ, giao lưu nhà thơ với công chúng, tổ chức các sân thơ tại khu vực Bến Nhà Rồng... |
Theo ND
Sáng 10-2, tại Thiền viện Hương Vân, thuộc Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, núi Ngũ Phong, Phường An Tây, thành phố Huế đã diễn ra Đại lễ cầu “Quốc thái dân an” với mong muốn đất nước phồn vinh, mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, chúng sinh an lành.
Ngày 12-2, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tổ chức triển lãm tranh minh họa của các hội viên Hiệp hội thiết kế tranh minh họa Hàn Quốc.Triển lãm trưng bày hơn 70 tác phẩm tranh minh họa theo hình thức đồ họa máy tính, giới thiệu sự phát triển của ngành đồ họa máy tính Hàn Quốc và những nét độc đáo, mới mẻ của nghệ thuật tranh minh họa hiện đại. Với chủ đề văn hóa Hàn Quốc, các họa sĩ có phong cách riêng trong hình thức thể hiện qua mỗi tác phẩm. Triển lãm còn trưng bày tranh của các họa sĩ Việt Nam như: Công Quốc Hà, Nguyễn Thế Duy và Nguyễn Văn Cường với các tác phẩm đồ họa in lưới, khắc gỗ và khắc thạch cao. Triển lãm sẽ góp phần nâng cao hiểu biết của người Việt Nam đối với mỹ thuật hiện đại Hàn Quốc, đây cũng là dịp các họa sĩ đồ họa hai nước giao lưu trên lĩnh vực này. Triển lãm mở cửa đến ngày 16-2.
(HBĐT)- Ngày 10/2, UBND phường Thái Bình (TP. Hoà Bình) đã tổ chức Hội xuân Tân Mão 2011. Đây là một trong những hoạt động văn hoá được tổ chức hàng năm trong những ngày đầu năm mới tại sân đình làng tổ 16 phường Thái Bình.
(HBĐT)- Ngày 9/2 (mồng 7/1 âm lịch) đã diễn ra lễ hội chùa Chanh, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi).
Ngày 9/2, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 162/CĐ-TTg về công tác quản lý và tổ chức lễ hội gửi thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Khi trời về đêm, người dân từ khắp mọi nơi vẫn nghìn nghịt kéo về Nam Định trẩy hội và thăm thú một phiên chợ đặc biệt mỗi năm chỉ họp một lần, phiên chợ độc đáo còn được người ta nhắc tới bằng cái tên: chợ “âm phủ”.