Điện ảnh Việt Nam đã ghi dấu trên "bản đồ" điện ảnh thế giới với khá nhiều bộ phim nổi tiếng. Trong đó, chủ yếu là các bộ phim thuộc dòng phim nghệ thuật và mang dấu ấn Việt Nam đậm nét.
Mùi đu đủ xanh (1993)
"Mùi đu đủ xanh" (tiếng Pháp: L'Odeur de la papaye verte) là bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng. Bộ phim lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 1950 nhưng được quay tại Paris. "Mùi đu đủ xanh" được trình chiếu tại LHP Cannes tháng 5.2003 và đoạt giải Camera vàng.
Bộ phim cũng đoạt giải César của Pháp dành cho Phim đầu tay xuất sắc. Sau đó, vào năm 1994, bộ phim làm nên tên tuổi của Trần Anh Hùng cũng đã được đề cử cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar nhưng không đoạt giải.
Trong phim, Trần Anh Hùng thông qua những cách thể hiện riêng đã bày tỏ những cảm nhận của bản thân cũng như gợi cho người xem nhiều suy tưởng về cuộc sống, con người Việt Nam. Qua những nhân vật trong phim, ta nhận ra những nét đặc trưng rất Việt: đó là thân phận nhẫn nại, cam chịu, hy sinh của người phụ nữ.
Xích lô (1995)
Lại là một bộ phim đình đám khác của đạo diễn Trần Anh Hùng. Phim (tên tiếng Pháp: Cyclo) đã đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice vào năm 1995. Ngoài ra, phim còn đoạt giải phim xuất sắc nhất tại LHP Flanders lần thứ 22, và giải thưởng George Delerue 1995 về nhạc phim hay nhất dành cho nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết.
Nhân vật chính của phim là Xích Lô (Lê Văn Lộc đóng). Xích Lô vốn là một thanh niên chất phác, mồ côi cha mẹ, anh làm nghề lái xích lô kiếm sống tại Sài Gòn. Xích Lô ở trong một căn hộ rách nát với gia đình gồm chị (Trần Nữ Yên Khê), một người em gái đang đi học và ông nội làm nghề vá xe đạp trên phố.
Cuộc đời Xích Lô trải qua nhiều biến cố với sự xuất hiện của nhiều tuyến nhân vật. Theo dõi Xích lô, cảm giác mà hầu hết khán giả nhận được là sự sợ hãi, cắn rứt và nhức nhối, cảm thông và đau xót cho những số phận, những mảnh đời éo le.
Với những triết lý và suy ngẫm về cuộc đời, vị đạo diễn tài năng này đã chuyển tải đến khán giả những thông điệp giàu ý nghĩa và tràn đầy xúc cảm.
Mùa chè chiều thẳng đứng (2000)
Thành công với dòng phim nghệ thuật, đạo diễn Trần Anh Hùng tiếp tục ra mắt bộ phim thứ 3 là “Mùa hè chiều thẳng đứng” (Tên gốc tiếng Pháp: À la verticale de l'été) sau “Mùi đu đủ xanh” và “Xích lô”.
“Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng” là câu chuyện của 3 chị em Sương, Khanh và Liên sống trong một bối cảnh của Hà Nội hiện đại. Họ đã họp mặt nhau trong ngày giỗ mẹ, câu chuyện bắt đầu bằng những khám phá bí ẩn quá khứ của cha mẹ họ và luôn cả cá tính lẫn nhau của ba chị em. Mỗi nhân vật là một câu chuyện riêng biệt về đời tư, là một cuộc đấu tranh tình cảm mãnh liệt mà cả ba vai nữ đã lôi cuốn người xem không ngừng phán xét
“Mùa hè chiều thẳng đứng” không đưa ra một cái kết cụ thể, mà chỉ tựa như một lời tự sự, thổn thức về tình yêu, cuộc sống thông qua một khoảng đời của ba chị em Hà thành rất mực thương yêu nhau. Nói như đạo diễn Trần Anh Hùng: “Đây là tác phẩm điện ảnh đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có sự bội tín và khát vọng tình yêu đôi lứa”.
Người Mỹ trầm lặng (2002)
“Người Mỹ trầm lặng” do đạo diễn nổi tiếng Phillip Noyce chịu trách nhiệm dàn dựng. Phim có sự tham gia của diễn viên Đỗ Hải Yến, Việt Nam và nam diễn viên Michael Caine. Bộ phim được trang web imdb chấm 7,2/10 và từng được đề cử Oscar cho nam diễn viên Michael Caine.
Lấy bối cảnh chiến tranh Việt Nam trong những năm 50, phim kể về mối tình tay ba đầy phức tạp giữa một phóng viên người Anh, một bác sỹ trẻ người Mỹ cùng yêu cô gái Việt dẫn đến câu chuyện về sự mất mát của tình yêu, sự phản bội và những âm mưu chiến tranh.
Mùa len trâu (2004)
"Mùa len trâu" là bộ phim đầu tay của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh được khởi quay tháng 9 năm 2003.
Chuyện phim dựa trên tác phẩm “Mùa len trâu” trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam đầu thế kỷ 20. Mỗi khi mùa mưa về, nước tràn ngập mọi nơi, có những người làm nghề "len trâu", đưa trâu đi tìm cỏ để sống qua mùa lũ.
Nhân vật chính trong phim là Kìm. Quãng đường đi len trâu giúp Kìm va vấp được nhiều nhưng lại khiến cậu tự rời xa gia đình mình.
“Mùa Len Trâu” được ca ngợi là bộ phim điện ảnh thực sự chứ không đơn thuần là bộ phim chuyển thể và đã giành khá nhiều giải thưởng quốc tế, như: Giải đặc biệt ở LHP Locarno, Thụy Sĩ, Giải đạo diễn xuất sắc nhất ở LHP Chicago, Mỹ, Giải cao nhất, Grand Prix của LHP Amiens, Pháp và Giải đặc biệt của LHP Amazonas, Brazil.
Áo lụa Hà Đông (2006)
Bộ phim kể về một đôi vợ chồng trẻ tìm kiếm mưu sinh cho gia đình nhỏ bé của mình trong thời buổi loạn lạc. Đi theo hành trình của họ chính là chiếc áo lụa Hà Đông đã mang đến những cảm xúc mãnh liệt cho người xem.
"Áo lụa Hà Đông" từng “đánh bại” một bộ phim Hàn Quốc ngay trên chính đất nước họ tại Liên hoan phim Busan (2006)- một liên hoan phim uy tín của Hàn Quốc - để đoạt giải Phim được khán giả yêu thích nhất. Tại thị trường trong nước, bộ phim đã đạt doanh thu hơn1 tỷ đồng sau 10 ngày công chiếu.
Chơi vơi (2009)
Với sự góp mặt của Hải Yến, Linh Đan, Johnny Trí Nguyễn, bộ phim là mê cung của cảm xúc, được xây nên bởi những mối quan hệ chằng chịt, trong đó, con người chỉ là những con rối yếu ớt hành động theo tiếng gọi bản năng…
“Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mở đầu với cảnh một đám cưới bình dân và huyên náo. Duyên (Hải Yến), cô gái Hà thành trẻ trung, xinh xắn và lãng mạn quyết định cưới Hải, chàng trai trẻ hơn cô hai tuổi sau chỉ ba tháng quen biết.
Những khao khát cháy bỏng chưa được giải tỏa của người đàn bà trong độ tuổi xuân xanh đã khiến Duyên tìm đến Cầm (Linh Đan), một nữ nhà văn từng trải, bạn gái thân thiết của cô. Qua Cầm, Duyên gặp Thổ (Johnny Trí Nguyễn), một tay chơi đẹp trai gợi tình, nhưng cũng là một gã sở khanh. Và rồi, một Duyên yếu đuối không thể ngăn mình sa vào cuộc phiêu lưu tình ái đầy dục vọng với Thổ. Đồng thời giằng xé cô cũng là tình yêu đồng tính lặng câm mà sâu sắc giữa Duyên và Cầm.
Chơi vơi táo bạo, nhưng cũng rất chừng mực: Các chi tiết trong phim đều ngừng lại được ở ngưỡng vừa đủ, luôn đứng lại ở lưng chừng. Với không gian, ánh sáng phảng phất tông nâu trầm, tiết tấu chuyện chậm rãi với những khu nhà cổ u tối, có gì như trầm uất và những câu chuyện ẩn giấu những hư thực, những điều không rõ ràng.
Bi, đừng sợ (2010)
“Bi, đừng sợ” là phim dài đầu tay của Phan Đăng Di, do Le Arte, Sud-est và BHD sản xuất năm 2009, hoàn thiện hậu kỳ tại Pháp tháng 4.2010.
Là dạng phim độc lập mang nhiều tính thể nghiệm, Bi, đừng sợ! kể câu chuyện về một gia đình ở Hà Nội, nơi có chú bé 6 tuổi tên Bi (DV Phan Thành Minh) sống cùng bố (DV Hà Phong) mẹ (DV Kiều Trinh), người cô ruột chưa chồng (DV Hoa Thúy) và bà giúp việc lâu năm (NSƯT Mai Châu). Xáo trộn đáng kể của gia đình cũng là cái cớ vào phim xảy ra khi ông nội Bi (NSND Trần Tiến), một người già đau ốm ở phương xa bỗng nhiên trở về. Đó là hai thế giới hiển hiện với những người đàn ông loay hoay với những cơn say, sự đau đớn của bạo bệnh và những người phụ nữ gắng giải phóng cho mình khỏi những ám ảnh từ dục vọng cá nhân…
Bộ phim nổi tiếng của đạo diễn trẻ Phan Đăng Di đã đạt đươc rất nhiều giải thưởng lớn trong năm qua tại các LHP quốc tế, như: 2 giải ở hạng mục Tuần lễ phê bình phim quốc tế tại LHP Cannes vào tháng 5.2010, giải Phim hay nhất tại hạng mục “Tài năng mới” dành cho các đạo diễn phim đầu tay hoặc phim thứ hai tại LHP châu Á Hồng Kông vào tháng 11.2010; 2 giải tại LHP Stockholm (Thụy Điển).
Theo Báo Laodong
Ca khúc “Việt Nam” của Mai Khôi đã giành giải thưởng cao nhất của Bài hát Việt 2010.
Giải thưởng điện ảnh lớn nhất hành tinh đang diễn ra tại nhà hát Kodak, Los Angeles, Mỹ, tối 27/2 (tức sáng 28/2 giờ Hà Nội). Minh tinh Anne Hathaway và tài tử James Franco đảm nhận vai trò dẫn chương trình.
(HBĐT) - Trò chơi dân gian các dân tộc là một trong những kho tàng của di sản văn hoá, là sản phẩm mang tính chất vận động và tinh thần xuất phát từ LĐ SX, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học và được lưu truyền bằng miệng, truyền tay, được trình diễn, thi đấu.
(HBĐT) - Nhìn lại 15 năm thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” giai đoạn từ 1995-2010, bà Bùi Thị Tươi, Chủ tịch MTTQ huyện Kim Bôi cho biết: Bằng nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo với nhiều mô hình, phù hợp với đặc điểm của KDC, CVĐ đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Hầu hết, các lễ hội truyền thống của nước ta đều gắn liền với một hay một cụm di tích nhất định. Lễ hội là bộ mặt, là bản sắc, là nhân tố chủ đạo góp phần nâng cao giá trị của di tích. Thế nhưng, có một thực tế là ở nhiều địa phương, người ta đang “tận thu” di tích thông qua lễ hội để rồi cứ sau mỗi mùa lễ hội, các di tích lại trở nên tiêu điều, xơ xác, tan hoang…
Do sai lầm về nội dung một bài viết trên Báo Lao động điện tử ngày 22 tháng 2 năm 2011 (Bài “Thác nước Detian - thiên đường chốn hạ giới”), ngày 24 tháng 2 năm 2011, Ban Tuyên giáo Trung ương có công văn gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Tổng Liên đoàn, với tư cách là cơ quan chủ quản, kiểm điểm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân sai phạm; báo cáo việc xử lý về Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chức năng trước ngày 27 tháng 2 năm 2011.