Mỹ thuật đương đại với những khuynh hướng mới trong sáng tạo nghệ thuật đang lôi cuốn, hấp dẫn nhiều nghệ sĩ trẻ. Việc Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011 sắp được tổ chức sẽ tiếp nhận cả những tác phẩm trình diễn, sắp đặt… đã khẳng định sự dung nạp chính thức các loại hình nghệ thuật mới này vào đại gia đình mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của một số tác phẩm gây sốc thời gian vừa qua, các nhà quản lý vẫn không khỏi lo lắng về sự “lệch chuẩn”, “vượt rào” trong sáng tạo của lớp nghệ sĩ trẻ.

Trong những năm gần đây, nghệ thuật đương đại tại VN được biết tới nhiều hơn với những triển lãm sắp đặt, những màn trình diễn body painting, video art hay digital art đầy ấn tượng. Tuy nhiên, mảng nghệ thuật này vẫn chưa được đông đảo công chúng đón nhận.

Những luồng dư luận trái chiều

 “Khó hiểu”, “choáng, sốc” và thậm chí là “không thể hấp thụ nổi” là những gì mà nhiều người nhận xét khi xem những tác phẩm sắp đặt, trình diễn theo khuynh hướng “khoe thân”, “kỳ dị” của họa sĩ Đào Anh Khánh hay màn trình diễn khỏa thân 100% kèm theo những động tác kỳ quặc mang tên Bay lên của họa sĩ Lại Thị Diệu Hà trong một chương trình tại nhà sàn Studio (Hà Nội). Cách đây chưa lâu, tại triển lãm sắp đặt mang tên Restart ở Trung tâm Mỹ thuật đương đại (Hà Nội), nhà văn, họa sĩ Anh Hoài đã biểu diễn màn cởi quần, ngồi vào toa lét và đọc sách ngay trước sự chứng kiến của khách tham quan và giới thiệu đây là tác phẩm sắp đặt mang tên WC... Những màn trình diễn kiểu này liên tục tạo nên những làn sóng tranh cãi, gây ồn ào, phản ứng trong công chúng.

Thực tế trên đã đặt ra trước mắt các nhà quản lý bài toán làm sao để “quản” được các loại hình nghệ thuật mới này khi mà bản thân chúng có tính ngẫu hứng quá mạnh? Mặt khác, với những tác phẩm gây bức xúc dư luận phải “xử” ra sao để không bị cho là cản trở sáng tạo mà vẫn khiến nghệ sĩ nhìn rõ hành lang pháp lý? Theo họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT&DL), cho đến nay, chúng ta chưa có văn bản riêng quy định cụ thể, chi tiết việc biểu diễn nghệ thuật đương đại và trình diễn sắp đặt. Đây chính là lỗ hổng để những tác phẩm quái dị, phản cảm “vượt rào” đến với công chúng theo đường “biểu diễn chui” mà chưa hề được các cơ quan quản lý xét duyệt, cấp phép. Trong nhiều trường hợp, đơn vị xin cấp phép hoặc nghệ sĩ còn mượn tiếng nói của giới truyền thông để gây áp lực với cơ quan quản lý về sự “không cởi mở”.

 Hình ảnh khởi đầu sô trình diễn gây sốc của Diệu Hà.

Không tiếp nhận các sáng tạo “vượt rào”

Có thể nói, việc Bộ VH-TT&DL đứng tên tổ chức Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011 và cho phép tiếp nhận cả các tác phẩm sắp đặt, trình diễn… được xem như một cách mở rộng cánh cửa để tiếp nhận các loại hình nghệ thuật đương đại vốn đang còn tồn tại nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với các họa sĩ trẻ, một sự tiếp sức để nghệ thuật đương đại phát triển khi du nhập vào VN. Tuy nhiên, từ những trường hợp thực tế đã xảy ra và từng vấp phải phản ứng dư luận, lần này, BTC Festival đã có những thận trọng cần thiết. Festival năm nay kiên quyết không tiếp nhận các tác phẩm sắp đặt có nội dung không tốt, mang tính gây sốc hay sử dụng vật liệu cấu thành có các yếu tố gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường... cũng như không nhận các tác phẩm trình diễn có những hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN. Họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết: Dẫu “mở hết cỡ” để đón nhận tất cả các loại hình mỹ thuật từ truyền thống đến đương đại tham gia nhưng điều kiện tổ chức không cho phép BTC Festival tiếp nhận mọi sáng tạo không thích hợp với hoàn cảnh. Điều này được xem như là những thử thách, những yêu cầu đối với các nghệ sĩ trẻ trên con đường tìm tòi, thể nghiệm; làm sao để những tác phẩm của mình đạt đến sự ngẫu hứng sáng tạo hết cỡ nhưng vẫn được công chúng chấp nhận.

Thiết nghĩ, những thử thách, những yêu cầu này mới chỉ được đặt ra trong khuôn khổ của một festival mỹ thuật. Điều quan trọng hơn là các cơ quan quản lý phải có được những quy định, quy chế cụ thể; phải thống nhất được cách quản lý, cấp phép và đánh giá với những loại hình nghệ thuật có thể gây sốc cho công chúng bất cứ lúc nào này. Trong lúc việc quản lý cấp phép chưa thống nhất thì để lập lại trật tự trong lĩnh vực trình diễn nghệ thuật đương đại - sắp đặt, đòi hỏi ý thức và trách nhiệm công dân của mỗi nghệ sĩ. Nếu có trách nhiệm và ý thức xây dựng một nền văn hóa với những giá trị tốt đẹp, người nghệ sĩ sẽ biết chọn lọc để học tập, sáng tạo và cống hiến cho người xem những tác phẩm mới mà không lố, lạ mà không phản cảm. Mặt khác, ở góc độ người tiếp cận và hưởng thụ văn hóa, công chúng cũng cần có thái độ cương quyết với những sáng tạo không lành mạnh, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

 

                                                                           Theo Báo SKĐS

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Nhiều tài năng diễn ở đêm chung kết hoa hậu Việt

Ngày 9/7 tại Ngôi nhà Việt (Viethaus) ở thủ đô Berlin, Đức đã diễn ra cuộc họp báo giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tại châu Âu lần thứ 3-2011. Đây là cuộc họp báo lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng trước khi diễn ra cuộc thi này.

Khi người đẹp không chọn trường điện ảnh

Nói ngọng, ngây ngô, hình thức xấu là điểm chung dễ nhận thấy của các "ngôi sao" tương lai khi thi vào trường Sân khấu Điện ảnh.

Cười thoải mái với Quán trọ thần tài

Khán giả sẽ được gặp lại diễn viên Tạ Đình Phong với một vai diễn “chọc cười” ở thời điểm mà câu chuyện chia tay của anh và Trương Bá Chi đang làm nóng báo chí Hong Kong hơn bao giờ hết.

Hội đồng giám khảo có sai sót?

Vụ khiếu kiện xung quanh đề cử Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc đang làm dấy lên những bàn luận trong giới nhạc sĩ.

Chuyện khó cười ở làng hài

Hay tin có người tự công bố mình đứng thứ nhì, trong hàng ngũ diễn viên chuyên đóng kịch hài phía Bắc, thế là dư luận trở nên sôi nổi. Vậy ai là số một trong cái làng cười này? Câu hỏi làm cho nhiều người xôn xao và tự tìm câu trả lời của riêng mình. Hàng chục gương mặt nghệ sĩ hài hai miền Nam và Bắc hiện lên. Mỗi người một vẻ. Chính các nghệ sĩ ngoái lại sàn diễn điểm mặt nhau và đều lắc đầu…cười. Chịu!

Những “đối thoại” đáng trân trọng

Những nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) đang dốc sức cho một chương trình múa đương đại khá đặc biệt với tên gọi Đối thoại - một chương trình “mang hơi thở của cuộc sống trên cái gốc hàn lâm và được trình diễn bởi những nghệ sĩ rất trẻ tuổi”, tổng đạo diễn Phúc Hùng cho biết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục