Không ít nghệ sĩ tại TPHCM đã không chịu làm thủ tục xin xét tặng NSƯT, NSND vì cách làm thiếu trân trọng như hiện nay
NSƯT Thành Lộc: Quá nản lòng!
Nói đến việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT tôi không còn hưng phấn. Năm năm trước, UBND TPHCM và Sở VHTT (nay là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TPHCM) có đề nghị tôi làm thủ tục xin xét tặng danh hiệu NSND, nhưng rồi kết quả thì như thế nào? Còn năm nay, không ai kêu tôi làm thủ tục cả.
Xét về tiêu chuẩn, tôi đã đủ 2 HCV qua Hội diễn Sân khấu xã hội hóa 2008 và Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Có dư luận cho rằng vì tôi tự ái nên không chịu làm thủ tục để xin xét duyệt danh hiệu NSND là không đúng. Quy chế xin – cho đã làm cho tôi nản nên tôi không làm đơn xin.
Điều tôi quan tâm là ráng sức làm sao diễn cho hay, được khán giả thương. Khán phòng mỗi đêm diễn đều có đông người xem và những tràng pháo tay của công chúng dành tặng mình chính là giải thưởng, danh hiệu cao quý nhất mà chúng tôi mong chờ, đón nhận.
Thật sự, nghệ sĩ chúng tôi rất nản lòng vì những quy định bất hợp lý trong khâu xét duyệt. Nếu xem HCV là yếu tố quyết định thì thử hỏi có được mấy nghệ sĩ có điều kiện tham gia các đợt hội diễn, liên hoan để tranh huy chương? Ông bà xưa đã đúc kết và trở thành bài học trong văn hóa ứng xử của người Việt: “Của cho không bằng cách cho”.
Đạo diễn - diễn viên Ái Như: Từ chối vì lòng tự trọng
Trong một lớp học, học lực của từng học sinh, sinh viên như thế nào thì sẽ được phản ánh qua số điểm, qua bài thi và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn là người nắm rất rõ học lực của từng người. Không thể có việc học sinh tự làm đơn kể lể thành tích rồi xin cho tôi được công nhận “học sinh tiên tiến”, “học sinh xuất sắc”. Do vậy, khi Hội Sân khấu TPHCM đề nghị tôi khai báo thành tích và xin được xét tặng danh hiệu NSƯT, tôi từ chối ngay vì thấy mình không thể làm cái điều trái với lòng tự trọng của nghệ sĩ.
Tôi làm nghề và nỗ lực hết mình cho từng kịch bản, từng vở diễn, vai diễn để mong được công chúng đón nhận, chứ không làm nghề để hướng đến mục đích xét duyệt danh hiệu.
Đối với tôi, hai giải thưởng mà bạn đọc của hai tờ báo trao tặng: Giải Mai Vàng 2004 (đạo diễn được yêu thích nhất) và Cù Nèo Vàng 2010 là niềm hạnh phúc lớn lao. Nói như thế không phải tôi xem thường danh hiệu cao quý này, nhưng phong tặng thì tôi đón nhận, còn làm đơn xin thì dứt khoát tôi không làm.
Đạo diễn - diễn viên Khánh Hoàng: Chuẩn hóa bị xem thường, danh hiệu không còn giá trị
Nếu nói về quan điểm, những danh hiệu này rất vinh dự đối với nghệ sĩ. Nhưng xem ra cách xét duyệt đã không còn thực tế khi phải dựa theo kết quả các hội diễn, liên hoan. Đối với chúng tôi, các mùa hội diễn, liên hoan kết quả bao giờ cũng gây sự tranh cãi. Vì tinh thần làm nghề ở đây bị bóp méo do giải thưởng mang tính mặt trận, dàn xếp giải thưởng để “cả làng cùng vui”.
Không ít chuyện chạy huy chương, không ít chuyện “đi đêm” bỏ phiếu kín cho nghệ sĩ này, nghệ sĩ nọ có đủ HCV để đạt chuẩn xét danh hiệu NSND, NSƯT sắp tới. Ai cũng biết điều này cả nhưng tại sao khi xét thành tích phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cứ dựa vào huy chương để đánh giá?
Tôi xin nói thẳng, với nghệ sĩ, danh hiệu cũng sẽ chẳng để làm gì, bởi điều quan trọng hơn hết với họ chính là sự công nhận của khán giả. Danh hiệu cho thật kêu nhưng khán giả không thích thì có xứng đáng không? Tôi đã nhận thấy sự bất hợp lý trong việc xét duyệt này từ lâu rồi.
Chất lượng của danh hiệu và sự chuẩn hóa theo tôi rất quan trọng. Nếu sự chuẩn hóa bị xem thường thì danh hiệu không còn giá trị. Theo tôi đã đến lúc Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Bộ VH-TT- DL phải thay đổi cách làm, đừng để sự việc không đẹp khi diễn biến của việc xét tặng danh hiệu đang bị dư luận và công chúng phản đối.
Ca sĩ Cẩm Vân: Tôi đã từ chối 4 đợt
Tôi đã từ chối làm thủ tục 4 đợt xin xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Tôi nhận thấy công chúng, khán giả hiểu tôi nhiều hơn những bản báo cáo thành tích mà chính tôi sẽ viết rồi ký tên xin xét tặng. Thật sự thấy kỳ quá nên thôi.
Nhớ có lần nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, lúc đang còn là Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM, nói với tôi: “Em sẽ đại diện cho bộ mặt âm nhạc TPHCM nên phải làm đơn báo công để xét duyệt NSƯT”. Tôi hiểu những điều ông ấy nói và cảm ơn lắm sự đánh giá của lãnh đạo ngành văn hóa TPHCM dành cho sự cống hiến của mình, nhưng để tôi phải làm đơn xin và tự báo cáo thành tích thì tôi không thể!
Tôi theo nghề là đem lời ca, tiếng hát phục vụ công chúng chứ không phải để gắn tên mình vào danh hiệu nào đó. Và tôi khẳng định mình sẽ mãi mãi là một ca sĩ Cẩm Vân. Được làm một ca sĩ… “phó thường dân”, được đi hát, được sống trong tình cảm của khán giả là hạnh phúc lắm rồi.
Ca sĩ Ánh Tuyết: Phải đổi mới cách làm
Tôi không thích cái gọi là “xin xét tặng” danh hiệu. Vì đã gọi là phong tặng thì Nhà nước và các cơ quan thẩm quyền nhận thấy mức độ cống hiến của ca sĩ đó có xứng đáng hay không, sau đó đề nghị hội đồng xét duyệt theo những tiêu chuẩn từng mức để phong tặng các danh hiệu phù hợp.
Tôi đi hát đã hơn 30 năm, công chúng biết tên, biết tuổi, hội đoàn và cơ quan quản lý chuyên ngành cũng thừa biết thành tích mà phải làm đơn xin thì không chấp nhận được.
Riêng về tiêu chí phải có HCV, bản thân tôi, từ năm 1983 đến 1985 đã có 5 HCV hội diễn ca nhạc toàn quốc, khi còn tham gia Đoàn Ca múa nhạc Quảng Nam – Đà Nẵng và Ca múa nhạc Hải Đăng – Nha Trang.
Mỗi ca sĩ, nghệ sĩ sẽ đón nhận trong niềm hạnh phúc, sung sướng vô tận khi biết mình có tên trong danh sách xét tặng do các cơ quan có thẩm quyền quan tâm lập ra, còn không thì vẫn tiếp tục phấn đấu. Sao lại phải làm đơn xin? Nghịch lý này theo tôi cần phải được thay đổi vì xã hội hiện nay đã có nhiều cái mới, việc phong tặng danh hiệu cho ca sĩ, nghệ sĩ cũng phải đổi mới chứ.
Theo Báo NLĐ
Mỹ thuật đương đại với những khuynh hướng mới trong sáng tạo nghệ thuật đang lôi cuốn, hấp dẫn nhiều nghệ sĩ trẻ. Việc Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011 sắp được tổ chức sẽ tiếp nhận cả những tác phẩm trình diễn, sắp đặt… đã khẳng định sự dung nạp chính thức các loại hình nghệ thuật mới này vào đại gia đình mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của một số tác phẩm gây sốc thời gian vừa qua, các nhà quản lý vẫn không khỏi lo lắng về sự “lệch chuẩn”, “vượt rào” trong sáng tạo của lớp nghệ sĩ trẻ.
Chiều 12.7, BTC Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc - Giải Sao Mai 2011 đã họp báo về vòng chung kết Giải Sao Mai 2011.
Ngày 11-7, tại TP Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long phối hợp với Sở GT - VT tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý cảng, bến và điểm lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long.
Tuy lùi vào sân sau VTV6, nhưng sự trở lại vào chủ nhật tuần thứ hai hằng tháng (12 liveshow thay vì 4 liveshow) vào lúc 19h cũng xem như là nhu cầu tìm đến với khán giả trẻ của Bài hát Việt (BHV) là có thật. Nhân dịp này, chúng tôi giới thiệu một số ý kiến đánh giá về BHV - một chương trình đang rất cần sự ủng hộ, cổ vũ của công chúng.
Ngày 11-7, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem "Chuồn chuồn" gồm 4 mẫu, kích thước 37 x 37mm, với tổng giá tiền là 21.500 đồng.
Ngày 9/7 tại Ngôi nhà Việt (Viethaus) ở thủ đô Berlin, Đức đã diễn ra cuộc họp báo giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tại châu Âu lần thứ 3-2011. Đây là cuộc họp báo lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng trước khi diễn ra cuộc thi này.