Di tích Mái đá làng Vành nổi tiếng với tầng văn hoá được cấu tạo bằng vỏ ốc suối dày 3,7 m.

Di tích Mái đá làng Vành nổi tiếng với tầng văn hoá được cấu tạo bằng vỏ ốc suối dày 3,7 m.

(HBĐT) - Những bậc thềm phủ kín cỏ dại và rêu xanh dẫn chúng tôi lên với mái đá làng Vành. Cả không gian sống của cư dân văn hoá Hoà Bình có khung niên đại tuyệt đối từ 17.000- 8.000 năm cách ngày nay hiện lên sinh động ngay trước mắt chúng tôi qua những lớp trầm tích của kỷ đệ tứ trên vách đá và lớp vỏ ốc dày gần 4 m dưới đáy hang.

           

Đứng trước cửa mái đá, có thể phóng tầm mắt ra khắp thung lũng bằng phẳng phía trước bà con nông dân tấp nập tích cực sản xuất vụ mùa. Xa xa là con sông Khị bốn mùa ăm ắp nước tưới cho vựa lúa Mường Vang. Nơi đây thực sự phù hợp là nơi cư trú lâu đời của người Mường cổ.

 

Nằm ở phía cực tây của dãy núi Trắng, thuộc địa phận xóm Vành, xã Yên Phú (Lạc Sơn), “Mái đá làng Vành” là di tích khảo cổ học thời đại đá, thuộc nền văn hoá Hoà Bình. Đây là một di tích lịch sử cấp quốc gia, rất có giá trị lịch sử và khoa học. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quốc Khánh – Phó giám đốc Bảo tàng Hoà Bình nhấn mạnh: “Di tích Mái đá làng Vành có nhiều hiện vật đa dạng và phong phú, cùng với sự bố trí của các hiện vật trong tầng văn hoá đã cho thấy đây là di tích khảo cổ học quan trọng. Di tích có giá trị cao trong công tác nghiên cứu khoa học và tham quan về một nền văn hoá thời tiền sử “Văn hoá Hoà Bình”.

 

Theo những tài liệu mà chúng tôi sưu tầm được, di tích mái đá làng Vành được nhà khoa học M.Colani phát hiện và khai quật vào năm 1929 trong đợt điều tra khảo cổ học khu vực núi đá vôi phía nam của tỉnh. Khai quật di chỉ mái đá làng Vành đã thu được 951 hiện vật các loại. Bên cạnh công cụ ghè đẽo đã thu được một số lượng rất lớn công cụ mài gồm đục, công cụ mài lưỡi, rìu mài toàn thân, viên đá có khoét lỗ và vòng đá. Kết quả nghiên cứu khai quật được công bố năm 1930 cho thấy di tích mái đá làng Vành thuộc nền văn hoá Hoà Bình, có khung niên đại kéo dài từ 17.000- 8.000 năm cách ngày nay. Do đó, mái đá làng Vành được xếp vào giai đoạn trung gian của văn hoá Hoà Bình.

 

Sau hơn 80 năm được khai quật, hiện nay, mái đá làng Vành vẫn còn bảo vệ, lưu giữ được một tầng văn hoá gốc, trên vách mái đá còn lại khá nhiều những lớp trầm tích của kỷ đệ tứ. Toàn bộ dãy núi đá trắng và phần cực tây khu vực mái đá làng Vành vẫn còn được giữ nguyên trạng.

 

Mái đá làng Vành là một mái đá khá rộng và thoáng mát, cửa rộng 30 m, sâu 18 m, vòm trần cao 10 m, thấp dần về phía trong. Mặt bằng mái đá cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 5 m. Toàn bộ phần có vết tích tầng văn hoá được chiếu sáng tự nhiên, cửa quay về hướng tây nam. Tầng văn hoá ở đây do được tiếp nhận nhiều ánh sáng nên độ gắn kết khá bền vững. Trước đây, ngay sát cửa mái đá có một cây đa cổ thụ và thung lũng rộng với cây cối rậm rạp, thuận lợi cho người Mường cổ cư trú. Kết quả khai quật cho thấy tầng văn hoá ở đây cũng giống như hang núi đá, mái đá được cấu tạo bởi đất sét vôi cùng với các vỏ nhuyễn thể, vỏ trai, ốc núi tạo thành. Mỗi tầng văn hoá là những tàn tích sau bữa ăn của người Hoà Bình cổ. Đồng thời, các loại hình di vật đá thu được ở trong di chỉ đã phản ánh một quá trình phát triển kỹ nghệ cuội ở Việt Nam. Đồ đá chiếm số lượng lớn nhất trong sưu tập của mái đá làng Vành, là tư liệu chủ yếu tìm hiểu đặc trưng của nền văn hoá như rìu hình tam giác, rìu ngắn, rìu mài lưỡi, rìu có vai mài lưỡi, rìu mài toàn thân, chày, bàn nghiền, hòn kê đập, vòng đá…. Bàn mài được làm bằng sa thạch mịn, hình dáng không ổn định có vết mài lõm cong ở một hoặc hai mặt đôi khi ở rìa cạnh. Điều đặc biệt là đã tìm thấy ở di tích mái đá Làng Vành 3 tiêu bản vòng đá được làm từ đá xanh chu vi gần tròn được khoét lỗ ở giữa hai mặt thông nhau. Vòng đá rất hiếm trong di chỉ văn hoá Hoà Bình.

 

        

Di tích Mái đá làng Vành không được trùng tu, trông giữ nên đang bị bỏ hoang và xâm phạm.

           

Ở di tích Mái đá làng Vành, các nhà khoa học cũng đã khai quật được nhiều di vật gốm. Bên cạnh những loại gốm thông thường, đáng chú ý là ở đây đã tìm thấy một mảnh đáy gốm. Đây là một mảnh đáy tròn, có hình trứng, phần đáy được dập hoa văn chằng chịt, đáy dày 10 mm, mảnh gốm này mang ký hiệu của Bảo tàng lịch sử LS 19438/529. Ngoài ra, ở di tích này còn tìm thấy các mảnh của hộp sọ, vết than tro, các hòn đá bị nung chứng tỏ là bếp sinh hoạt và gần đó có mộ táng.

           

Với những giá trị lịch sử và khoa học quý giá của di tích, Mái đá làng Vành đã được Bộ Văn hoá – Thông tin cấp bằng công nhận “Di tích văn hoá cấp quốc gia” vào năm 2004. Bắt đầu từ năm 2005, lễ hội Khai hạ của người dân Yên Phú được phục dựng gắn với di tích Mái đá làng Vành tạo thành lễ hội xuống đồng được tổ chức 3 năm 1 lần vào ngày mồng 7 tháng giêng hàng năm (theo lịch của người Mường). Lễ hội được tổ chức vừa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống vừa góp phần tôn vinh giá trị của di tích.

           

Đáng tiếc là ngoài lễ hội xuống đồng, gần như di tích Mái đá làng Vành đang bị bỏ quên. Sau khi được cấp bằng công nhận “Di tích văn hoá cấp quốc gia”, khu di tích Mái đá làng Vành mới được xây dựng thêm một đoạn đường đi ngắn lên mái đá. Do không có kinh phí nên hiện nay, di tích không có người trông nom, coi giữ và đang bị bỏ hoang. Đã có thời điểm người dân đổ xô xúc đất mùn trong hang mang về bón ruộng. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chị Bùi Thị Thanh – cán bộ văn hoá xã Yên Phú cho biết: “Cách di tích Mái đá làng Vành không xa là các di chỉ hang Trại, hang Đá Lý, hang Dúng, Mái đá Đa Phúc, chùa Khộp, đình Vành, chùa Rả…. Các di chỉ này hợp thành một cụm di tích chạy dọc thung lũng Mường Vang nên rất thuận lợi cho việc hình thành tuyến tham quan, du lịch, khám phá. Tuy nhiên, trước khi có thể phát triển mái đá làng Vành thành một địa điểm du lịch thì địa phương rất mong muốn được chính quyền các cấp, ngành quan tâm đầu tư sửa sang, bảo vệ, tôn tạo để lưu giữ và phát huy giá trị di tích Mái đá làng Vành”.

           

Đứng dưới vòm hang mát lạnh, lặng lẽ ngắm nhìn các lớp trầm tích trên vách đá và vốc đầy tay những chiếc vỏ ốc suối có niên đại hơn 10.000 năm để cảm nhận được mạch nguồn sự sống âm thầm chảy cùng thời gian. Về với Mái đá làng Vành để có cảm giác như đang tìm về nguồn cội. Chúng tôi luyến tiếc rời mái đá - rời ngôi nhà xưa của tổ tiên với một suy nghĩ day dứt: nếu không có sự quan tâm, trùng tu và bảo vệ kịp thời thì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi cỏ dại sẽ che kín cửa hang và di tích Mái đá làng Vành sẽ chỉ còn trong ký ức!

 

 

                                                                         Dương Liễu

 

Các tin khác

Cảnh quay phim Bí thư tỉnh ủy.
Không có hình ảnh
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách. (Ảnh: Hữu Việt/TTXVN)
Chị Bùi Thị Thủy ở Bình Châu, có chồng là ngư dân bị mất tích ở vùng biển Hoàng Sa.

Phim độc lập và những người trầm lặng 

Giữa một thị trường phim Việt đang nhiều ồn ào và nhộn nhạo, những nhà làm phim độc lập có vẻ gần giống với những “người trầm lặng”.

Đợi - Hơi thở mùa hè

Triển lãm mang một cái tên rất thơ "Đợi" đang diễn ra tại "Ngôi nhà nghệ thuật", 31A Văn Miếu, Hà Nội. Từng bức tranh, từng sắp đặt của họa sĩ Trác Cường đã mang tới một không gian nghệ thuật với từng đường nét, hương vị đều đậm hơi thở mùa hè ở vùng nông thôn Đồng bằng Bắc bộ.

Lạc Sơn giữ gìn vốn văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại

(HBĐT) - Là một vùng rộng lớn với 29 xã, thị trấn, dân số trên 13 vạn người, trong đó, trên 90% là dân tộc Mường, Mường Vang (Lạc Sơn) chứa đựng bao giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Đặc biệt, từ khi các nhà khoa học phát hiện dấu lối mòn của người nguyên thủy cách dây 21 nghìn năm tại hang xóm Trại (xã Tân Lập), Mường Vang được coi là một trong những cái nôi của loài người cổ đại.

Thể lệ Thi tìm hiểu lịch sử 125 năm thành lập tỉnh Hoà Bình (1886 – 2011)

I. Tên gọi cuộc thi: “Tìm hiểu lịch sử 125 năm thành lập tỉnh Hoà Bình”

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền kỷ niệm 125 năm ngày thành lập tỉnh

(HBĐT) - Ngày 19/7, Tiểu ban Tuyên truyền - Khánh tiết (Ban Tổ chức lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh) đã triển khai công tác đẩy mạnh tuyên truyền về kỷ niệm 125 năm ngày thành lập và 20 năm ngày tái lập tỉnh Hòa Bình.

Bỏ hay giữ tục phát ấn đền Trần: Tiếp tục hoàn chỉnh đề án

Ngày 18.7, Viện Văn hoá nghệ thuật VN, Sở VHTTDL, UBND TP.Nam Định phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012”. Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến tham luận về giá trị văn hoá, lịch sử của lễ hội đền Trần, đặc biệt là mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần năm 2012.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục