Người dân Mộc Châu đang tranh thủ bán đào.
(HBĐT) - Mấy năm gần đây, vào những ngày cuối năm, từng hàng xe tải, xe con theo quốc lộ 6 lần lượt chở đào về phố. Những cây đào cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm ở Mộc Châu (Sơn La) bị cắt ngang thân đem bán không thương tiếc. Người dân cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La đang tranh thủ bán “lộc”rừng. Nhiều người bảo rằng chẳng mấy chốc những vườn đào cổ thụ của Mộc Châu sẽ biến mất.
Không của ai.
Những ngày cuối năm trong cái se lạnh của Tây Bắc, làn mưa phùn nhẹ của tiết sang xuân, chúng tôi ngược con đường 6 lên với cao nguyên Mộc Châu. Cao nguyên này nổi tiếng bởi chè, sữa, giờ đây là những cành đào mốc mà những dịp giáp Tết, giới chơi đào thường săn những cành đào mốc. Giờ này, Mộc Châu như khoác trên mình một tấm áo hoa sặc sỡ bởi những rừng đào phai đang độ khoe sắc. Rừng đào phai ngút ngàn tạo cho cao nguyên Mộc Châu vẻ đẹp nguyên sơ, khó nơi nào có được. Người dân Mộc Châu đang “đua” nhau cưa đào rừng mang bán. Dọc tuyến đường 6 chạy qua Mộc Châu, cảnh mua bán tấp nập. Mặc dù đang là thời gian ăn Tết nhưng những chàng trai Mông vẫn tranh thủ chặt đào rừng mang xuống thị trấn bán.
Đi quanh thị trấn, chúng tôi nghe văng vẳng đâu đó tiếng máy cưa xả bớt cành, tiếng người mời mua đào, tiếng ô tô ngược xuôi, cả cao nguyên Mộc Châu nhộn nhịp như phiên chợ Tết cuối năm. Ven đường, từng hàng đào rừng được ken dày. Năm nay đào rừng bán được giá nên nhiều người tranh thủ khai thác đào kiếm lời. Nếu như năm ngoái, một cành đào nhỏ chỉ bán được đôi ba chục nghìn, năm nay tăng lên gấp 3-4 lần. Anh Páo ở xã Loóng Luông từ sáng tới trưa đã bán được 5 cành. Mỗi cành bán được 200.000 đồng thế là Páo đã có tròn triệu bỏ túi. Páo so sánh: “ Làm nương cả vụ vẫn không đủ ăn. Giờ chở mấy cành đào đã có cả triệu bạc.”. Theo anh Páo, đào rừng có 2 loại: đào mốc giống đào của người Mông, nụ ít nhưng mập, hoa nở có màu hồng nhạt. Đào mốc thường mọc trong rừng sâu, trên các núi đá và khe suối nên thân, cành sần sùi, thô ráp. Nhiều cây còn có một lớp rêu phủ. Loại đào này khó kiếm nhưng luôn được giá. Loại thứ hai là đào phai, thân và cành chắc khoẻ, nụ nhiều, hoa nở có màu phớt hồng... Đào rừng dáng khoẻ, thế tự nhiên lại chịu được va đập nên rất được khách hàng ưa chuộng.
Dọc đường 6 chạy qua cao nguyên Mộc Châu, chỗ nào cũng tấp nập cảnh mua bán đào. Người dân ở các xã xa xôi như Chiềng Khừa, Loóng Sập... cũng dùng xe máy chở đào ra đường bán. Chẳng thế mà lượng xe ô tô ở các tỉnh
Buôn một, bán mười.
Mấy năm gần đây, đặc biệt là năm nay, các vùng đào ở miền xuôi bị mất mùa thì đào rừng Mộc Châu trở thành “hàng” hiếm. Ngay từ đầu tháng chạp, các lái buôn ở khắp nơi đã đánh xe về Mộc Châu mua đào.Việc đưa đào rừng về phố ngày càng chuyên nghiệp hơn. Những thợ buôn đào tìm sản phẩm trước rồi tập kết tại một điểm. Gần Tết cánh thương lái ở dưới xuôi đánh xe tải lên chở. Đào rừng tán rộng nên mỗi xe chở được 15-10 cành là cùng. Đa số đào rừng được chuyển về Hà Nội. Cánh thương lái thường chỉ mua những cây đào rừng có thế đẹp, khi mang về tới Hà Nội có thể lãi gấp 3-4 lần. Với những tay chơi đào sành điệu mà vớ được những cây đào đẹp, vấn đề không phải là giá thành.
Anh Sâm - một người buôn đào ở Thanh Hoá đã lên Mộc Châu từ hai tuần nay. Sau mấy năm buôn đào rừng, anh đã thu được một khoản tiền kha khá và anh đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để vận chuyển đào. Những cành đào phai, đào mốc xù xì được anh dùng dây bó lại rất gọn nhẹ. Anh còn hơ lửa cho gốc đào, rồi dùng nilon buộc lại nhằm giữ nhựa cho đào. Khi nào gom hàng xong sẽ có người đánh xe lên chở về Thanh Hoá. Năm nay, anh dự định chở 2 chuyến xe tải, mỗi chuyến chở được khoảng 130 cành đào. Theo anh Sâm, nếu mọi chuyện chót lọt, Tết này anh có đôi chục triệu đồng bỏ túi.
Không chỉ có những đội quân buôn đào chuyên nghiệp, ngay cả cánh lái xe chở hàng lên Tây Bắc, khi qua cao nguyên Mộc Châu cũng chất đào lên thùng xe. Mấy phụ xe đang tất bật giúp ông Sang (chủ của chiếc xe tải chuyên buôn ngô) đưa mấy cành đào rừng lên xe. Mặt ai cũng phấn khởi, tràn trề niềm hy vọng có được một chuyến buôn thành công. Còn người dân bán đào ở Mộc Châu năm nay cũng mừng ra mặt. Dường như đào chặt ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu với giá cao gấp đôi năm ngoái. Theo tính toán của những người buôn đào, một cành đào mua ở Mộc Châu khoảng 200.000 đồng, khi chở về tới Hà Nội giá có thể tăng gấp đôi, thậm chí có những cành đẹp bán được vài triệu đồng.
Vì lợi nhuận lớn nên cánh lái xe ở các tỉnh, không quản đường sá xa xôi sẵn sàng ăn trực nằm chờ để chọn được những cành đào đẹp. Theo người dân ở thị trấn Mộc Châu, năm nay, lượng xe tải lên mua đào tăng gấp mười lần so với mọi năm. Theo đó, những vườn đào cổ thụ của Mộc Châu đang bị tận diệt nhanh chóng.
Đào rừng trước nguy cơ biến mất
Từng được mệnh danh là xứ sở hoa đào của miền Tây Bắc nhưng giờ đây, ngay với người dân Sơn La, để kiếm được một cành đào đẹp bày trong những ngày tết quả là không đơn giản. Những nơi đào nổi tiếng như Lóng luông, Phiêng Luông, Vân Hồ (Mộc Châu) nay cũng dần vơi cạn hoặc biến mất hẳn như vùng Chiềng Ngần (thành phố Sơn La). Tuy là một loại hàng hóa đặc biệt gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Việt vào những thời điểm thiêng liêng nhưng cho đến nay, chưa có một tổ chức, cá nhân nào nghĩ tới việc đầu tư phát triển những vườn hoa đào hàng hóa hoặc có một dự án bảo vệ, phát triển nguồn đào hiện có.
Nhìn những khách mua đào trên trục quốc lộ 6 địa phận Mộc Châu vui vẻ khi lựa được cành đào đẹp, cẩn thận chằng, buộc vào xe máy, ô tô với hy vọng “góp phần làm những ngày tết của gia đình mình trang trọng hơn, vui tươi hơn để có một năm mới tốt đẹp hơn” lại chợt nghĩ về một ngày nào đó, khi những vườn đào phai, đào mèo hôm nay chỉ còn là trong ký ức hoặc trong câu chuyện kể cho con trẻ những ngày xuân mà thấy nao lòng. Cái ngày ấy cũng sẽ không xa nếu như người dân Sơn La vẫn giữ cách khai thác đào theo kiểu “cây rừng” như hiện nay, nói như cách của ông Bàn Văn Minh, hơn 70 tuổi, nông dân xã Phiêng Luông: " Rồi cây đào cũng vắng như con hổ, con báo thôi…".
Việt Lâm
Thanh tra Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng đồng tiền hợp lý trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng.
Tại khu vực Công viên 29.3 (Đà Nẵng), một không gian tết truyền thống được tái hiện, với rất nhiều chương trình lễ hội mới mẻ. “Không gian văn hóa dân tộc” là chương trình tái hiện một số loại hình nghệ thuật dân gian có từ lâu đời. Tái hiện cảnh sân đình, trưng bày 300 tác phẩm hoa, cây cảnh cổ thụ.
Chiều 17/1, Triển lãm "Một số hình ảnh tiêu biểu về Hà Nội giai đoạn 1873-1945" đã khai mạc tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội nhằm giới thiệu đến công chúng quá trình chuyển biến của Hà Nội từ đô thị phương Đông sang đô thị hiện đại kiểu phương Tây.
(HBĐT) - Ngày 17/1, Sở VH- TT & DL tổ chức hội nghị tổng kết công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình năm 2011, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2012. Tới dự có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành và 11 phòng VH – TT huyện, thành phố.
(HBĐT) - Thực hiện chương trình xây dựng NVH xóm, bản tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2005-2010, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, cải tạo được 1.380 NVH trên tổng số 2.023 xóm, bản với tổng kinh phí 93.980 triệu đồng.
(HBĐT) - Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, MTTQ huyện Lương Sơn đã tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, đấu tranh phòng - chống tội phạm, ma túy, mại dâm, thực hiện ATGT đường bộ, vệ sinh môi trường gắn với thực hiện các nội dung, tiêu chí của cuộc vận động.