Trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật của Hòa Bình luôn ưu tiên lựa chọn những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa.
(HBĐT) - Là cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình, đất Mường ta được biết đến như một miền xúc cảm cho nhạc, họa và thơ ca. Lấy chất liệu từ cuộc sống, những người con của đất Mường Hòa Bình và cả những nhạc sỹ từng đặt chân đến Hòa Bình đã biến lời thơ thành bản nhạc, làm cho cuộc sống hóa tâm tình, đưa vào dòng chảy âm nhạc những ca khúc đẹp, còn mãi với thời gian. Nhân dịp Kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, Sở VH -TT&DL cùng Nhà xuất bản âm nhạc đã tuyển chọn và xuất bản tập ca khúc “Ngọn lửa đất Mường” như một món quà vô giá để âm nhạc được thăng hoa.
Trong “Ngọn lửa đất Mường” có truyền thống hào hùng của dân tộc, có nét hoa văn đậm đà bản sắc, phong cảnh hữu tình và tinh thần lao động hăng say của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đó là dụng ý của những người làm công tác biên tập, soạn thảo tập ca khúc. 60 bài ca là 60 lời tự tình sâu lắng khi rộn ràng, tươi vui, lúc nhẹ nhàng, tha thiết. Trong đó, bài hát “Ngọn lửa đất Mường” - một tác phẩm của nhạc sỹ Huy Tâm viết cho dàn hợp xướng với những nốt nhạc khỏe khoắn, sôi động có không gian, thời gian đi từ quá khứ (ngọn lửa sơ khai trong hang đá, bếp lửa hồng của mẹ), đến hiện tại (dòng điện sáng sông Đà) đã được lấy làm đề từ cho tập ca khúc. Đó là bài hát từng đoạt giải nhất trong cuộc thi “Những ca khúc viết về Hòa Bình nhân dịp kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh” và sau này được Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh đưa vào các chương trình biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội và công diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Nâng niu cuốn sách nhạc, đứa con tinh thần mới được xuất bản giới thiệu cùng công chúng, nhạc sỹ Huy Tâm, một trong những người chịu trách nhiệm xây dựng bản thảo và biên tập gợi mở tâm tình: trong cuốn sách nhạc nhỏ nhắn, vuông vức với 146 trang khổ 20 x 20 không thể gói trọn tất cả những tác phẩm âm nhạc hay, ca ngợi về vùng đất, con người Hòa Bình nhưng chúng tôi đã cố gắng lựa chọn, xếp đặt các tác phẩm một cách hài hòa, có lớp lang. Các tác phẩm được đặt theo thứ tự vần ABC nhưng trong đó cũng được bài trí theo trình tự thời gian và những sự kiện lịch sử đi cùng thời gian. Đồng thời, trân trọng những tác phẩm của lớp tác giả đi trước đã tạo dấu ấn sơ khai cho nền âm nhạc Hòa Bình như: “Hòa Bình giải phóng” - Hà Vũ Khúc, “Chiến thắng Hòa Bình” - Văn Ký, “Lời sông Đà” - Đức Minh, “Bài ca Hòa Bình” - Thanh Giang, “Qua Thác Bờ” - Thái Cơ, “Huyền thoại đất Mường” - Sỹ Thắng, “Lời chiêng hát” - Đỗ Hồng Quân, “Tình rừng Hòa Bình” - An Thuyên, “Tiếng gọi sông Đà” - Trần Chung...
Kế tiếp thế hệ nhạc sỹ tiền bối, nhóm nhạc sỹ Huy Tâm, Nguyễn Thành Viên, Bùi Chỉ, Trần Hoàng, Quách Vin, Bùi Đức Triệu, Nguyễn Hữu với dàn ca khúc như: “Hoa đất Mường”, “Làng Dao quê em”, “Lời ru đất Mường”, “Vui hội cồng chiêng”, “Xuân về bản Thái”, “Hội còn xuân”, “Mùa xuân Hòa Bình thành phố bên sông Đà”... đã tạo được dấu ấn riêng, sắc nét cho nền âm nhạc Hòa Bình. Mỗi tác phẩm được thể hiện theo một dòng nhạc, sắc thái cảm xúc riêng nhưng những sáng tác này đều có một điểm chung là dựa trên cái nền văn hóa dân gian các dân tộc Hòa Bình. Trong lời hát có đủ 4 mường: Bi, Vang, Thàng, Động, có nét văn hóa của các dân tộc Mường, Thái, Mông, Dao... Bằng tình cảm sâu nặng với đất, với mường, nhóm tác giả thuộc thế hệ cầu nối này đã góp phần đưa bản sắc dân tộc đi vào âm nhạc một cách nhuần nhuyễn. Với những âm thanh, tiết tấu tròn trịa, nghe trong điệu nhạc, lời ca, người ta có thể liên tưởng tới nếp sống, sinh hoạt của từng vùng, miền, dân tộc.
Một phần “đất” không nhỏ trong tập ca khúc được dành cho những tác phẩm của các tác giả trẻ như: Duy Thịnh, Văn Hạnh, Ngọc Dũng, Tống Hoàng Long, Đinh Tùng Bách... Theo đánh giá của bậc đàn anh trong giới âm nhạc tỉnh nhà, thế hệ trẻ có thế mạnh riêng là được đào tạo về âm nhạc bài bản. Hầu hết những tác giả trẻ được nhắc tên trong tập ca khúc này đều đã tốt nghiệp Nhạc viện hoặc được đào tạo chính quy ở những trường nghệ thuật danh tiếng. Nỗ lực thể hiện bằng tác phẩm, 2 năm qua, họ đã lần lượt ghi danh để trở thành những hội viên của Hội nhạc sỹ Việt
Vẫn biết, những sáng tác âm nhạc không chỉ để dành cho các cuộc thi mà là để các ca sỹ, nghệ sỹ hát cho công chúng nghe. Vì vậy, dù chưa được in thành đĩa, thành sách nhạc nhưng mỗi tác phẩm trong tập ca khúc này đều đã được công diễn hàng chục đến hàng trăm lần trên các sân khấu trong và ngoài tỉnh. Trung tâm văn hóa Hòa Bình, Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình, trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Tây Bắc và đội ngũ diễn viên, nghệ nhân quần chúng các huyện, thành phố luôn ưu tiên chọn lựa những tác phẩm âm nhạc viết về Hòa Bình để thể hiện trong các chương trình biểu diễn. Khi còn là một thiếu nữ - “Sơn ca đất Mường” Đinh Kiều Dung đã từng mang về khá nhiều tấm huy chương bạc, vàng trong các cuộc thi giọng ca vàng trên sóng PT -TH toàn quốc. Mới đây, cặp đôi nghệ sỹ Hồng Tam - Tuấn Mạnh (Đoàn nghệ thuật các dân tộc Hòa Bình, cũng đã sở hữu tấm HCB trong cuộc thi “Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc” với tác phẩm “Lời thương” của nhạc sỹ Huy Tâm. Có nhiều nhạc sỹ thành danh với các tác phẩm viết về Hòa Bình, riêng với những tác phẩm của nhạc sỹ Huy Tâm đã có ít nhất 3 lần đoạt giải nhất trong Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc Tây Bắc.
Có thể nói, không phải ai cũng biết hát nhưng có lẽ ai cũng thích nghe hát. Bởi tiếng hát luôn là biểu tượng của niềm vui, của tình yêu cuộc sống. Trong mỗi con người, tiếng ca luôn vang lên khi tâm hồn ta thanh thản và ngập tràn cảm xúc. Thế nên trong mỗi sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội dù có trọng đại, nghiêm túc đến đâu thì vẫn luôn phải dành một khoảng thời gian nhất định cho âm nhạc, cho nghệ thuật. Không mấy ai sinh sống, làm việc ở vùng đất Hòa Bình mà lại không biết đến giai điệu của những bài ca: “Tiếng gọi sông Đà”, “Xốn sang chiêng cồng Hòa Bình”, “Lời ru đất Mường”, “Vui hội còn xuân”, “Mùa xuân Hòa Bình” và bài hát “Thành phố bên sông Đà - Nguyễn Hữu), tuy chưa phải là “tỉnh ca” nhưng đã được lớp lớp nghệ sỹ, đặc biệt là lớp thanh niên “mang chuông đi đánh xứ người”. Điệp khúc: Hòa Bình mến yêu ơi / Thành phố bên sông Đà / Thủy điện sáng lung linh /Rừng núi vang tiếng cồng... luôn được cất lên với tất cả niềm tự hào sâu sắc.
Góp nhặt những ca khúc đặc sắc để tạo thành một tác phẩm mang hồn cốt của nền âm nhạc Hòa Bình, những nhạc sỹ, nghệ sỹ đã góp phần khơi thông thêm dòng chảy âm nhạc. Ghi lại những nốt nhạc, lời ca làm nền tảng để “Ngọn lửa đất Mường” mãi thăng hoa cùng thời đại.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Cứ mỗi xuân về, Tết đến, đêm giao thừa, giờ phút thiêng liêng, nhân dân ta náo nức đón nghe những lời thơ chúc tết của Bác Hồ. Đã 43 năm rồi vắng lời thơ chúc Tết của Người, tâm tư của những người con đất Việt:
(HBĐT) - Lễ hội Khai hạ Mường Bi được tổ chức hàng năm để tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ công ơn của các vị thánh thần đã có công xây dựng, che chở và phù hộ cho dân Mường có một năm cũ gặp may mắn, cầu mong một năm mới được no đủ, yên vui. Về với lễ hội còn được hòa chung không khí rộn ràng của tiếng cồng, tiếng chiêng, được thưởng thức món ăn truyền thống của người Mường và một điều đặc biệt khi đến đây mọi người được gặp gỡ, giao hòa cởi mở, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng.
(HBĐT) - Tuy không phải là tín đồ của nhà Phật và cũng không quá tin tưởng vào thần thánh và các thế lực siêu nhiên nhưng cứ mỗi mùa xuân đến, tôi lại háo hức cùng bạn bè lên lịch cho những chuyến du lịch đến chốn tâm linh. Nhưng dù có đi đâu, về đâu, điểm khởi đầu của chúng tôi vẫn là tuyến du lịch lòng hồ Sông Đà mà điểm đến là đền Thác Bờ linh thiêng, huyền diệu.
(HBĐT) - Từ nhiều năm nay, lễ hội chùa Tiên đã trở thành một trong những lễ hội lớn của tỉnh. Ngày khai hội được tổ chức vào mồng 4 Tết âm lịch và thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Trước kia, ngày này vốn là ngày mở cửa rừng của người dân địa phương, sau trở thành ngày khai hội.
(HBĐT) - Không rõ từ bao giờ “Vui như tết” đã thành câu cửa miệng. Trước tiên hãy nói về vui. Theo Khổng Tử thì vui cũng có hai loại vui: vui có lợi, vui có hại. Vui vì được điều tiết lễ nhạc, vui vì nói lên được điều tốt của người khác, vui có nhiều bạn hữu - là ba thứ vui có lợi. Vui vì kiêu ngạo, vui vì chơi bời phóng túng, vui vì yến tiệc say - là ba thứ vui có hại.
Nickname của cô ca sĩ đang được yêu thích Văn Mai Hương là Rồng Con. Vì vậy bước sang năm con rồng - Nhâm Thìn 2012 này, Văn Mai Hương đang ấp ủ khá nhiều dự định để Rồng Con có thể chuyển mình và cất cánh trong sự nghiệp âm nhạc của mình.