Chọi chim - một hoạt động luôn thu hút đông đảo các thành viên CLB và những người ưa thích chim cảnh tham gia.
(HBĐT) - Gần 2 tháng qua, vào sáng thứ bảy và chủ nhật, không khí ở Trung tâm giải trí Sao Mai (TPHB) luôn rộn ràng, náo nức trong tiếng hót lảnh lót như một dàn nhạc của những chàng họa mi, chích chòe, chào mào... do những thành viên CLB mang đến để tổ chức dượt chim.
CLB chim cảnh Hòa Bình đi vào hoạt động đã tạo nên không khí gắn bó như một gia đình lớn của những người đam mê, yêu quý chim cảnh ở TPHB và các huyện lân cận như: Cao Phong, Kỳ Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi... CLB là tổ chức tự nguyện của những người có cùng sở thích với trên 50 thành viên. Trong đó có người đã bước qua tuổi thất thập với thâm niên chơi chim ngót nghét 50 năm nhưng cũng có người chỉ mười tám, đôi mươi mới vào nghề nhưng tất cả đều đam mê chim cảnh, chim hót, chim chọi và thống nhất tuân thủ nguyên tắc hoạt động là vui chơi lành mạnh trên cơ sở chấp hành nghiêm túc những quy định của luật pháp Nhà nước, cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong cách chọn, chăm sóc, luyện chim, bảo vệ các loài chim hoang dã.
ông Đặng Đình Phùng, một người đam mê chim họa mi say sưa nói: Trong số các loài chim cảnh, họa mi được ví là “nghệ sĩ của rừng xanh” bởi giọng hót luyến láy, lên bổng, xuống trầm tựa hồ tiếng suối reo, gió thổi vi vu. Không những thế, họa mi còn là những đấu sĩ không khoan nhượng khi xung trận. Tính cách của chim họa mi cũng khác biệt so với nhiều loại chim rừng khác, đó là sự cao sang, cầu kỳ, trau truốt. Bởi thế, việc thuần hóa chim họa mi không hề đơn giản, vì họa mi thuộc loại chim ương ngạnh, khó tính, khó thuần.
Nói về chim chích chòe lửa, ông Đặng Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký CLB Chim cảnh Hòa Bình cho biết: Chích chòe lửa có tập tính nhút nhát và hay hót lúc bình minh hoặc hoàng hôn. Giọng hót loài này hết sức phong phú và du dương. Chúng thường bắt chước giọng hót của các loài chim khác. Khi nuôi nhốt, thức ăn là khô đậu với lòng đỏ trứng, thịt được đun kỹ. Hơn nữa, đây là loài chim có màu sắc, hình dáng đẹp, lông đuôi dài nên được nhiều người ưa thích.
Nói về các loài chim chào mào, ông Vũ Văn Thúy, ủy viên Ban điều hành CLB Chim cảnh Hòa Bình nhận xét: Khi vào thú chơi, bất cứ loài chim gì cũng phải cần sự đam mê và siêng năng chứ chỉ thích theo phong trào thì không thể bền và giỏi được. Chim chào mào gồm các loại: gián cánh, bạch đề, bạch tạng, chào mào bông, mơ... Khi chọn chim phải chọn con lanh lợi. Cặp chân phải to dài, thân hình phải dài và có miệng mỏng, ngắn thì mới siêng hót...
Không chỉ say mê nói về đặc tính của các loài chim, thành viên của CLB còn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp tập luyện, chăm sóc cho từng loài chim. Háo hức hơn cả là những cuộc thi chim, ở đó, những chú chim đoạt giải được đánh giá theo các tiêu chí về hình dáng, màu sắc, giọng hót. Đặc biệt, chim phải thi đấu bền bỉ và luôn giữ lửa từ khi bắt đầu đến cuối trận. Là người rất ưa thích chim chọi, ông Bùi Việt Dũng, thành viên CLB say sưa nói: Chơi chim họa mi chọi mới lý thú nhưng rất cầu kỳ. Để có được một con chim “máu chiến”, người chơi phải tuyển lựa từ khi chim còn non, phải trông tướng chim, từ đầu, mặt, đôi mắt, móng chân, màu lông đến tìm hiểu nguồn gốc sinh trưởng, tập quán của nó. Chỉ một chú chim đang nhảy nhót, nhào lộn trong lồng, ông Dũng cho biết thêm: Chú chim này mới mười hai tháng tuổi, có ngoại hình đầu xà, móng mèo, mắt sắc, chân dài, mỏ thanh mỏng, đúng chuẩn của chim chiến đấy...
Một ngày chủ nhật cuối năm, hàng chục khán giả, kẻ đứng, người ngồi gồm đủ lứa tuổi thuộc nhiều thành phần đều say mê như hút hồn vào trận thư hùng của cặp chim họa mi được coi là hay nhất sới chọi tại Trung tâm giải trí Sao Mai. Bốn lồng chim đặt giữa sới, nằm sát nhau. Lồng chim mái phía sau lồng chim trống. Vào trận, chúng thẳng thừng tung ra những ngón đòn hiểm hóc như lấy móng, khóa cánh, dùng mỏ nhọn hoắt mổ thẳng vào những chỗ hiểm của đối thủ. Hai họa mi mái vừa bay nhảy, vừa quan sát và cất tiếng lảnh lót, thúc giục chim trống đánh trận. Cuộc chiến giữa hai đấu thủ chỉ kết thúc sau hơn 1 tiếng đồng hồ, khi còn một chú chim chiến mổ tróc da đầu đối thủ.
Từ thú chơi cung đình của các bậc vương hầu, quý tộc thời phong kiến, chơi chim cảnh, thi chim, chọi chim giờ nhanh chóng lan rộng rồi trở thành thú chơi của mọi người bởi tính thanh cao, tao nhã, tinh thần thượng võ của nó. Bên cạnh đó, thú chơi chim còn góp phần bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm đa dạng thêm những nét sinh hoạt văn hóa, gần gũi với việc giữ gìn bảo vệ môi trường sinh thái. Từ thú chơi tao nhã này, những người đam mê chim cảnh còn có cơ hội tham gia các hội thi ở các tỉnh, thành phố bạn để mở mang giao lưu nên ngày càng thu hút nhiều người tham gia. Xuân Nhâm Thìn, Hội thi chim sẽ được CLB chim cảnh Hòa Bình tổ chức tạo cho sắc xuân ở TPHB thêm đặc sắc, phong phú và hấp dẫn.
Đức Phượng
(HBĐT) - Đến Mai Châu những ngày đầu xuân, chúng tôi được nghe các cụ cao niên kể về những câu truyện dân gian được viết bằng chữ Thái đã lưu giữ từ ngàn xưa để lại, từ những bài dân ca đến tập tục cúng trong những ngày lễ, Tết, đám cưới, đám tang... Hỏi đến ông Hà Trung Tín và Vì Văn Dấng không ai không biết đến hai ông.
Trò chơi dân gian trẻ em đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt Nam, góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước.
Đầu xuân Nhâm Thìn 2012, đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Nùng, Phù Lá... tỉnh Lào Cai lại mở hội cúng rừng. Ðây là nét mới trong bảo vệ rừng, được kết hợp giữa yếu tố tâm linh và văn hóa mới, được tỉnh Lào Cai khuyến khích nhân rộng.
(HBĐT) - Cứ mỗi xuân về, Tết đến, đêm giao thừa, giờ phút thiêng liêng, nhân dân ta náo nức đón nghe những lời thơ chúc tết của Bác Hồ. Đã 43 năm rồi vắng lời thơ chúc Tết của Người, tâm tư của những người con đất Việt:
(HBĐT) - Lễ hội Khai hạ Mường Bi được tổ chức hàng năm để tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ công ơn của các vị thánh thần đã có công xây dựng, che chở và phù hộ cho dân Mường có một năm cũ gặp may mắn, cầu mong một năm mới được no đủ, yên vui. Về với lễ hội còn được hòa chung không khí rộn ràng của tiếng cồng, tiếng chiêng, được thưởng thức món ăn truyền thống của người Mường và một điều đặc biệt khi đến đây mọi người được gặp gỡ, giao hòa cởi mở, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng.
(HBĐT) - Tuy không phải là tín đồ của nhà Phật và cũng không quá tin tưởng vào thần thánh và các thế lực siêu nhiên nhưng cứ mỗi mùa xuân đến, tôi lại háo hức cùng bạn bè lên lịch cho những chuyến du lịch đến chốn tâm linh. Nhưng dù có đi đâu, về đâu, điểm khởi đầu của chúng tôi vẫn là tuyến du lịch lòng hồ Sông Đà mà điểm đến là đền Thác Bờ linh thiêng, huyền diệu.