Hầu đồng- nét văn hóa đẹp bị không ít cá nhân biến tướng thành hiện tượng mê tín dị đoan. (Ảnh chụp tại Đền Bờ, chỉ mang tính minh họa).
(HBĐT) - Đi lễ đầu năm vốn là nét đẹp đã tồn tại từ lâu đời trong văn hóa của người Việt, là dịp để mỗi người thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc và trường tồn. Tuy nhiên, cùng với thời gian, nét văn hóa đẹp này đang dần bị nhiều cá nhân biến tướng bởi các chiêu trò thương mại hóa, mê tín dị đoan…
Từ nét đẹp…
Cứ mỗi độ xuân về, dù đang chìm vào không khí lễ, Tết hay còn nhiều vướng bận, người dân vẫn không quên lên chùa thắp nhang, cầu cho mình sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc. Cũng chính vì thế, tục lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mỗi người Việt
Với quan niệm đi lễ chùa trước tiên phải đến những chùa gần, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (TP Hoà Bình) cho biết: Việc đầu tiên gia đình tôi làm trong năm mới là đi lễ chùa. Đúng ngày mồng 3 hàng năm, cả gia đình lại lên Chùa Hoà Bình (TP Hoà Bình) cầu phước, lộc, bình an... Mong một năm mới thuận buồm, xuôi gió. Bên cạnh đó nhằm giáo dục con cái giúp chúng hiểu thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bổ sung thêm kiến thức lịch sử. Song quan trọng nhất là để mỗi người tìm được chút thư thái cho tâm hồn sau một năm làm việc bận rộn.
Những ngày đầu năm, cùng với gia đình, Ngô Minh Hằng (Lạc Sơn) lại có dịp trở lại chùa Tiên (Lạc Thuỷ). Hằng chia sẻ: Lối lên chùa khá chật hẹp khiến hàng trăm người phải chen vai nhau để vào nhưng khuôn mặt ai cũng vui khi bước chân đến cõi Phật. Năm nào tôi cũng chỉ cầu mong một điều, mong cho mọi người xung quanh mình bình an, mạnh khoẻ, hạnh phúc. Có lẽ ai đi lễ chùa cũng không chỉ cầu an cho riêng mình, đó là nét văn hoá, nhân văn đáng được trân trọng.
Đi lễ đầu xuân không chỉ để thỏa cõi tâm linh mà còn là dịp để thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân. Lễ chùa đầu năm đã trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa, thể hiện ước mơ ngàn đời của mỗi người, cầu mong mưa thuận, gió hòa, cầu mong một cuộc sống hạnh phúc, an vui, thái bình.
… Đến những biến tướng
Du lịch tâm linh là một thế mạnh của tỉnh ta với nhiều địa danh đã khẳng định được thương hiệu trong lòng du khách thập phương trong và ngoài tỉnh. Thực tế dễ nhận thấy là ở những khu vực đền, chùa “có tiếng” thu hút được đông khách du lịch thì đời sống của người dân xung quanh cũng nhờ đó được nâng lên đáng kể. Chị Bùi Thị Mơ (TP Hoà Bình) làm nghề cho thuê thuyền cho biết: Một ngày tính riêng tiền cho thuê thuyền chở khách lên đền là đủ cho gia đình chi tiêu trong khoảng gần 1 tháng. Còn viết sớ thuê hay bán hàng lưu niệm làm là để cho vui lúc rảnh rỗi thôi. Làm nghề này có đặc thù là tính thời vụ, làm một vài tháng, ăn cả năm nên tranh thủ kiếm được bao nhiêu thì kiếm.
Khác với chị Bùi Thị Mơ, anh Đoàn Mạnh Hòa (Lạc Thuỷ) lại giàu lên nhờ kinh doanh nhà nghỉ. Từ khi khu chùa gần nhà anh được đưa vào khai thác thì khách du lịch đổ về nườm nượp bởi ngôi chùa nức tiếng, rất “thiêng”. Giá được anh tăng từng ngày nhưng phòng nghỉ lúc nào cũng trong tình trạng “cháy”. Anh cho biết: “Mùa này, hầu hết không đủ phòng phục vụ khách. Sau mùa lễ hội năm nay, tôi sẽ mở rộng kinh doanh, có thể sẽ phục vụ cả ăn uống cho du khách.”
Lợi- ai cũng thấy rõ, chính vì vậy mà ngày càng nhiều các chiêu thức thương mại hoá “ăn theo” mùa lễ hội được tung ra làm mất đi sự cung nghiêm vốn có của chốn đền, chùa. Đầu tiên phải kể đến là những “bát nháo”trong chuyện bán hàng và đổi tiền lẻ.
Chưa kể đến là những dịch vụ cho thuê giày, dép, viết sớ thuê, cúng thuê... Chỉ cần du khách có nhu cầu ắt sẽ được đáp ứng. Tuy nhiên, giá cả mới là điều đáng bàn. Với mỗi tờ sớ mua ở chợ có giá từ 200- 500 đồng/tờ, chỉ cần ghi vài dòng địa chỉ, ước nguyện của khách hành hương, người viết thuê đã “thét giá” tới 50.000- 100.000 đồng, thậm chí có nơi còn lên đến 200.000 đồng. Vậy mà du khách vẫn phải “cắn răng” mua chỉ với lý do: sợ lời kêu cầu không đến được cõi Phật…!
Tuy nhiên, đáng nói nhất là hiện tượng mê tín dị đoan vẫn còn tiếp diễn tại các lễ hội. Ngay từ những ngày Tết, các “thầy” đã được mời về các đền. Xa nhất có thầy tận Phú Thọ, Thanh Hoá. Nhà đền luôn dành những vị trí trung tâm cho các thầy hầu đồng, cúng giải hạn, xem bói... tuỳ theo yêu cầu của du khách. Người có nhu cầu giải hạn ngoài việc mua hình nhân thế mạng còn phải trả một khoản tiền từ khoảng 200.000 đồng trở lên gọi là “phí dịch vụ”. Ngày 13 tháng giêng, không ít du khách đi lễ Đ.B chứng kiến cảnh một “đồng cô” múa may ngay động chính, người đứng xem chật kín lối đi. Một vài người do tò mò, còn lại hầu hết muốn nhờ thầy xem giúp một quẻ bói bởi theo nhà đền: “Thầy được lộc bói toán, nói rất đúng. Nhiều ông nghe thầy phán mà toát mồ hôi…” Thế nhưng thay vì nói trực tiếp vào vấn đề gia chủ quan tâm, thầy đồng lại nói toàn những câu chung chung đầy ý dò xét. Việc giải hạn trên hình nhân thế mạng cũng qua quýt với lý do: “Đầy người còn đang xếp hàng, việc của nhà chị thế là xong rồi đấy. Năm nay sẽ hao tiền, tốn của, song không có hại sát thân. Giữa năm thầy sẽ làm lễ đội sao giải hạn thêm lần nữa là ổn…”
Đầu năm, người ta nghĩ nhiều đến việc đi lễ chùa. Phần lớn là để cầu an, cầu lộc... Số ít đến đây để tìm chút thư thái cho tâm hồn, thắp nén nhang thơm thể hiện tấm lòng thành kính tới bậc tiền nhân. Tuy nhiên, nhiều hoạt động thương mại hoá đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của mùa lễ hội. Cần lắm sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để trả lại cho chốn đền, chùa sự thâm nghiêm vốn có của nó.
Hải Yến
Bằng khả năng sáng tạo độc đáo trên nền điệu nhảy của Michel Jackson, bé Nguyễn Đặng Đăng Khoa ‘đốt nóng’ sân khấu Vietnam’s Got Talent tại vòng loại phía Nam.
Không khí của một mùa Valentine đang đến thật gần và các ngôi sao Hollywood cũng đã sẵn sàng nhiều kế hoạch độc đáo để đón ngày lễ tình yêu năm nay.
(HBĐT) - Ngược dòng lịch sử vùng đất Vĩnh Đồng (Kim Bôi) cách đây hàng vạn năm đã có dấu tích của con người. Từ thời Hùng Vương đến thời kỳ Bắc thuộc cũng như đến các triều đại vua chúa, phong kiến nước ta, người Mường cùng với các bộ tộc đã cùng nhau chung sống hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trải qua nghìn năm Bắc thuộc cũng như có sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, qua hàng chục thế kỷ nhưng bản sắc văn hóa của dân tộc Mường luôn được gìn giữ, bảo tồn. Đó là thường rang, bộ mẹng, đó là cồng chiêng, là trang phục váy áo của phụ nữ, là nhà sàn và các hoạt động lễ hội.
Theo mạng tin tức Anh ngày 9/2, ngôi sao màn bạc sinh tại Anh, Naomi Watts sẽ vào vai Công nương Diana trong bộ phim mới về quan hệ của Công nương với bác sỹ Hasnat Khan.
(HBĐT) - Men theo những khúc cua uốn lượn trong sương sớm đầu xuân, chúng tôi cùng các cán bộ phòng VH -TT huyện Đà Bắc lên đến cụm xã Mường Chiềng để cùng bà con nơi đây trẩy hội đầu xuân và phấn khởi cho ngày hội xuống đồng. Giờ đây, cuộc sống ở mảnh đất vùng cao đã có nhiều đổi thay, kinh tế phát triển đi lên, cái chữ cùng nếp sống văn hoá đã mang đến cho Đà Bắc một diện mạo mới.
(HBĐT) - Sáng 9/2, tại xóm Rồng, cấp uỷ, chính quyền xã Hiền Lương (Đà Bắc) đã tổ chức lễ khánh thành nhà bia lưu niệm khu di tích lịch sử cách mạng Tu Lý-Hiền Lương. Các đồng chí lãnh đạo huyện Đà Bắc, Báo Hoà Bình, Bảo tàng tỉnh, đại diện Đội tự vệ cứu quốc năm 1945, đông đảo các ngành, giới ở huyện, xã và nhân dân trên địa bàn đã về dự.