Đảo Dừa - mô hình du lịch sinh thái mới trên vùng hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Đã hẹn trước nên chúng tôi được chủ đảo Dừa cho thuyền đón ở bến Thung Nai. Trước khi đến đảo, người lái thuyền đưa chúng tôi thăm một số điểm du lịch nổi tiếng ở vùng hồ như điểm du lịch tâm linh đền Chúa Thác Bờ, động thác Bờ...
Đoàn chúng tôi đi hôm ấy là những cán bộ Hội Nhà báo Việt
Đảo Dừa mà chúng tôi đến nằm cách điểm du lịch tâm linh đền Bờ khoảng 5 phút đi thuyền. Nhìn từ ngoài hồ vào, đảo Dừa nằm khiêm tốn trong màu xanh của nước và rừng. Chỉ khi đến gần, nhìn thấp thoáng mái nhà sàn và tấm biển ghi dòng chữ Đảo Dừa - Khu du lịch sinh thái lòng hồ Hòa Bình, chúng tôi nhận ra đây là hòn đảo được chăm chút bởi bàn tay con người.
Chủ đảo, ông Nguyễn Đình Tuy ra tận thuyền bắt tay từng người vồn vã: Mọi người đi đường xa chắc đã mệt. Nghỉ ngơi một lát rồi mời thăm đảo. Chúng tôi ngồi uống nước bên bóng mát của rặng dừa. Cây dừa vốn quen với khí hậu của miền
Tuy diện tích của đảo chỉ rộng khoảng 1 ha nhưng chủ đảo đã bố trí các khu vực khá hợp lý. ở giữa đảo là ba ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường để đón khách và chỗ ăn, nghỉ của các đoàn khách đông người. Xung quanh đảo có 6 ngôi nhỏ được dựng hướng mặt ra hồ dành cho khách đi gia đình. Cách khoảng 200 m dọc lối đi được bố trí 5 khoảng sân rộng để du khách đốt lửa trại, vui văn nghệ. ông Tuy kể: Tôi làm du lịch cũng rất tình cờ. Một lần có một đoàn khách đi thăm quan đền Bờ và ghé thăm nhà. Trong câu chuyện vui họ bảo, đảo có cây xanh, không khí trong lành, gần các điểm du lịch có tiếng trên vùng hồ, nếu làm du lịch thì rất phù hợp. Nghe vậy, tôi cũng để ý chăm chút vườn cây, làm đường đi vòng quanh đảo, dọn dẹp nhà cửa để có chỗ cho khách nghỉ ngơi... Dần dần, nhiều đoàn khách tìm đến thăm đảo. Mỗi đoàn góp thêm một ý để tôi bổ sung và hoàn chỉnh thành một điểm du lịch sinh thái như ngày nay. Không chỉ bó hẹp trong không gian 1 ha của đảo, khi đến đây, du khách còn được đi bộ trong những khu rừng rộng 10 ha trồng toàn cây lâu năm của chủ đảo hoặc bơi thuyền ngắm cảnh, câu cá xung quanh đảo.
Nét độc đáo ở đảo không chỉ là phong cảnh hữu tình, thiên nhiên gần gũi mà đến với đảo, du khách được thưởng thức những sản vật riêng có của vùng hồ này như: măng rừng, cá, rau rừng, lợn, gà, vịt nuôi thả tự nhiên... Cách thức chế biến đồ ăn một phần được thực hiện theo phương pháp truyền thống của bà con bản địa, một phần được du khách sau khi thưởng thức đã góp ý, hướng dẫn thêm cho chủ đảo. Mỗi món ăn được chế biến đều thấm đẫm hương vị của núi, rừng, sông, suối và cả tâm huyết của chủ đảo. Món mà du khách ưa thích nhất là: rau rừng đồ chấm với lòng cá, cá hun khói, thịt gà nấu măng chua. Thưởng thức những món này, mọi người thường bảo, đó là rau sạch, bởi tất cả do chính tay chủ đảo nuôi, trồng được trên đảo, hoặc do chính tay du khách tự lựa chọn từ vườn, câu được từ lòng hồ.
Trò chuyện với chủ đảo Nguyễn Đình Tuy, nhà báo Nguyễn Đức Chính (Tác giả Lý Sinh Sự của Báo Lao Động) chia sẻ: ông là người may mắn khi làm chủ một gia tài lớn như thế này. Lớn không phải là tiền bạc, vật chất mà lớn ở đây là ông có một hòn đảo thiên nhiên phong phú, đa dạng sinh học. Tôi cũng may mắn được đi nhiều địa danh du lịch trong và ngoài nước. Nhưng mỗi lần đến với vùng hồ sông Đà, tôi luôn nhận thấy một điều mới lạ nào đó. ở vùng hồ này hội tụ những nét đặc trưng của du lịch, đó là tâm linh, văn hóa, lịch sử và thắng cảnh, nhất là phong cảnh sơn thủy hữu tình hiếm có, những ngọn núi, hòn đảo nhấp nhô trên mặt hồ đã tạo cho tôi cảm giác như đang được thưởng ngoạn một “Vịnh Hạ Long thu nhỏ”. Đặc biệt, tôi thật sự xúc động và khâm phục ý chí, tình cảm của hàng vạn gia đình người Mường, Dao, Tày ở vùng đất này đã hy sinh nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả chuyển đến nơi ở khác để Nhà nước xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, đem nguồn ánh sáng đến cả nước.
Nhà báo Nguyễn Đức Chính cho rằng, trên vùng hồ này có nhiều lợi thế là vậy nhưng việc khai thác để phát huy hiệu quả của du lịch thì còn nhiều việc phải làm. Hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ nếu được đầu tư thỏa đáng sẽ trở thành những điểm du lịch lý tưởng. Trong khi đó, ngoài điểm du lịch tâm linh đền Bờ và động Bờ thì không có điểm du lịch nào đáng chú ý để níu chân khách du lịch. Trong khi chờ Nhà nước đầu tư hoặc các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư xây dựng các điểm du lịch trên vùng hồ này, việc chủ đảo Nguyễn Đình Tuy đầu tư mô hình khu du lịch sinh thái gia đình là một cách hay để níu chân du khách, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh tươi đẹp của vùng hồ Hòa Bình đến với bè bạn, du khách trong và ngoài nước.
(HBĐT) - Tối 24/11,Trung tâm hoạt Thanh thiếu niên tỉnh phối hợp với Thành Đoàn Hòa Bình, Trung tâm huấn luyện Cán bộ và dạy nghề thanh niên thành phố Hải Phòng tổ chức chương trình giao lưu nghiệp vụ công tác Đoàn, Đội.
(HBĐT) - Từ ngày 23 – 29/11, tại huyện Tân Lạc, Sở TT & TT tổ chức chương trình tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ thông tin truyền thông cơ sở. Tham dự khóa tập huấn có 55 học viên làm công tác thông tin và truyền thông các huyện, xã, cán bộ vận hành đài, trạm, phát thanh thôn, xóm của 4 huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu, Yên Thủy.
(HBĐT) - Đến xóm Đằm, xã Dân Chủ (TPHB), chúng tôi thực sự ấn tượng bởi quang cảnh khang trang, sạch đẹp từ con đường đến những ngôi nhà cao tầng. Đặc biệt là cổng làng được xây dựng khá giản dị nhưng đẹp mắt với dòng chữ ở phía trước là “Làng văn hóa xóm Đằm”, phía sau là “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”.
(HBĐT) - Mo Mường là giá trị văn hóa phi vật thể quý báu của người Mường Hòa Bình. Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di sản mo Mường.
(HBĐT) - Tiếng Mường là cách thức phân biệt hiệu quả nhất dân tộc Mường với các dân tộc anh em khác. Từ xa xưa, tiếng nói dân tộc đã gắn liền với tư tưởng, tình cảm của mỗi con người. Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số sinh sống thì có 53 ngôn ngữ phong phú, đa dạng về mặt ngữ âm và chữ viết. Trong đó có sự đóng góp của tiếng nói dân tộc Mường.
(HBĐT) - Cô giáo Thảo nặng nhọc nhấc chân bước từng bậc cầu thang. Dạy hết tuần này, cô sẽ nghỉ hưu. Vệt nắng chiều còn sót lại trên sân trường, cây bàng màu đã lốm đốm, chuyển sang mùa thay lá. Cô rung mái đầu đã xen những sợi bạc tự hào điểm qua những đứa học trò làm nên danh phận, cô đâu có nghĩ nhiều về điều đó.