Chơi ném pao dịp Tết Notra.

Chơi ném pao dịp Tết Notra.

(HBĐT) - Rời thành phố Hoà Bình, theo QL6, chúng tôi thẳng tiến đến Mai Châu để đón Tết Notra cùng đồng bào Mông vùng Tây Bắc. Tháng chạp, đèo Thung Khe, rừng già Tân Sơn bồng bềnh trong sương. Giữa trưa mà sương ùa vào cửa kính ô tô thấm ướt vai áo. Ai cũng dự đoán lên đến Pà Cò sẽ càng mờ ảo hơn. Nhưng thật bất ngờ! Hết khu rừng già, sương mù tan biến đâu hết, Pà Cò hiện ra giữa sắc hanh vàng của đất trời vừa độ chớm xuân thật kỳ vĩ.

 

Đối với những người lên bản Mông lần đầu, thiên nhiên, núi rừng nơi đây chẳng khác nào trong chuyện cổ tích. Dưới chân núi Pà Háng cao vời vợi, thăm thẳm màu xanh là thung lũng của hoa đào. Đào hiện hiện, khoe sắc trước hiên nhà gỗ, đào rủ nhánh lên mái nhà, đào vương cánh trên mái tóc thiếu nữ. Vậy là khi những tia nắng đầu tiên xuyên qua màn xương trắng xua đi cái giá lạnh của mùa đông, những cành đào nở bật những bông hoa rực rỡ là lúc bà con đồng bào Mông bắt đầu vui đón Tết cổ truyền. Chị em ai cũng tự tay may cho mình bộ váy đẹp nhất để diện Tết. Thiên nhiên, con người miền sơn cước cùng hoà quện làm mê hoặc bất cứ ai đặt chân đến nơi đây.

 

Phụ nữ Mông chọn vải thổ cẩm để tự tay may những chiếc váy diện Tết.

 

Người Mông nồng hậu, mến khách, chẳng thế mà đã 4 năm không gặp nhưng anh Sùng A Sía từ khi còn là Trưởng Công an xã, nay là Phó Chủ tịch UBND vẫn nhớ tên và mời về thăm nhà. Còn anh Sùng A Màng, Bí thư Đảng uỷ dù mới gặp lần đầu nhưng cũng bắt tay thật chặt và vui vẻ giới thiệu về những đổi thay, phong tục đẹp của đồng bào Mông dịp Tết. Cùng rảo bước trên con đường rải nhựa êm thuận quanh bản Trà Đáy, anh Màng tâm sự: Người Mông cả năm mới có một cái Tết Notra, không làm rằm, mồng một như người xuôi. Tết bắt đầu từ ngày 1/12 âm lịch khi đồng bào vừa thu vụ ngô, dong riềng và thường kéo dài đến hết tháng. Nhưng bây giờ, đồng bào chỉ vui Tết chưa đầy 10 ngày rồi bắt tay vào lao động, học tập luôn. Việc chuẩn bị cho Tết cũng gọn và ít thời gian hơn.

 

Ngoài việc bây giờ mọi thứ đã sẵn có, xã còn vận động nhân dân thực hành tiết kiệm, sống theo nếp sống văn hoá mới. Nhà nào có thịt riêng một con lợn, không có mấy nhà cùng chung nhau, không cầu kỳ như trước. Bây giờ, cuộc sống ấm no rồi không phải lo ăn Tết nữa mà chủ yếu là vui Tết. Năm nay, nhà người Mông nào cũng có Tết. Những gia đình nghèo được nhận quà, hỗ trợ của của các cấp, ngành. Nói là nghèo chứ con gà, cái bánh dày là thứ không thiếu trong dịp này. Phải nói rằng, Chương trình 135, Dự án giảm nghèo, Đề án 03... đã tiếp sức cho đồng bào Mông rất nhiều. Từ xây trường học, làm đường giao thông đến hỗ trợ sản xuất, cấp giống ngô, trồng chè shan tuyết... Tết vì vậy cũng no ấm hơn, khác xa cái thời du canh, du cư, chồn chân, mỏi gối đi hết quả đồi này đến ngọn núi khác mà vẫn không no cái bụng. ổn định cuộc sống, bản sắc văn hoá truyền thống cũng vì thế mà được giữ gìn và bảo tồn. Tết được người Mông rất coi trọng. Đây là dịp nghỉ ngơi sau một năm làm lụng. Tết còn là dịp xum họp gia đình, đi thăm anh em, bè bạn và cùng vui hội. Đêm giao thừa, đàn ông trong bản ai cũng thức. Trước đây, tiếng gà gáy sớm đầu tiên của sáng mồng 1 là mốc thời gian đánh dấu một năm mới bắt đầu. Sau đó, mỗi nhà bắn 3 phát súng kíp rền vang núi rừng. Bây giờ, có đồng hồ rồi lại thực hiện Đề án 1081 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các gia đình người Mông ở Pà Cò nhìn đồng hồ chỉ qua số 12 là sang năm mới và bắt đầu cúng tổ tiên.

 

Đến thăm gia đình chị Mùa Y Pênh. Chị đang xếp củi vào bếp để chuẩn bị cho việc đồ xôi, giã bánh dày. Chị vừa làm, vừa trò chuyện: Bánh dày là loại bánh không thể thiếu trong Tết Notra của người Mông. Chị đã lựa chọn những hạt nếp nương tốt nhất trong năm để làm bánh. Xôi đồ lên, đổ ra cối rồi dùng chày giã nhuyễn. Sau đó, nặn thành những chiếc bánh hình tròn để lên lá chuối rừng. Cũng phải cần đến 4 người đàn ông khoẻ mạnh mới giã xong đựơc mẻ bánh. Từ ngày 28, 29 tháng 12 âm lịch, cả bản rộn rã tiếng thình thịch giã bánh, vui lắm! Chồng chị Pênh cũng góp chuyện với chúng tôi: Cùng với bánh, rượu là thứ người Mông không phải mua ở chợ. Rượu được làm từ ngô và men lá. Ngày Tết, ai cũng uống rượu, nhà nào cũng nấu rượu. Men rượu lan tỏa ngất ngây khắp bản. Có điều, người Mông say rượu nhưng không đánh nhau hay to tiếng. Người Mông có tục uống rượu vòng. Khách ngồi vào mâm, ít nhất phải uống 3 chén. Mỗi chén đều có cái lý, cái tình riêng. Chén rượu đầu tiên uống cạn để mừng khách đến chơi nhà. Chén thứ 2, “đưa” lời chúc tốt lành đầu năm vào bụng lấy may. Chén thứ 3, uống cạn để gửi lời chúc của gia chủ về cho gia đình khách... Trong bữa cơm ngày Tết không thể thiếu món thịt lợn. Ngày thịt lợn cũng là ngày tất bật nhưng vui. Ngoài dùng ăn trong mấy ngày Tết, thịt lợn được treo lên gác bếp. Thịt để được một vài tháng, thậm chí cả năm. Ngon nhất là món thịt lợn khô xào rau cải địa phương. Bát cơm trong ngày mồng 1, không ai chan nước bởi trước đây, cả năm người Mông mới được ăn cơm trắng vào dịp Tết, còn lại ăn mèn mén. Hạt gạo quý như hạt ngọc. Nếu chan nước năm đó, đi làm nương hay gặp mưa bão. Cũng trong ngày mồng 1, đàn ông Mông làm mọi việc, từ cho gà, lợn ăn đến tiếp khách. Phụ nữ được ưu tiên nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Ngày Tết, các vật dụng sản xuất hàng ngày như cuốc, dao, rìu, cù lở... được dân bản dán giấy để thể hiện lòng cảm ơn vì đã giúp đồng bào làm ra nhiều ngô, dong riềng trong suốt năm. Thấy chúng tôi trò chuyện, bà cụ nhà chị Pênh cũng kể: Trước đây, cả năm mới được ăn no dịp Tết. No dồn, đói góp. Chọc lỗ tra hạt, bắp ngô chỉ bằng hai ngón tay cái chụm lại. Bây giờ, một cây ngô NK66 của Đảng cho ra bắp cầm chặt cả tay. Nhìn lũ trẻ xúng xính trong áo váy sạch đẹp mà nhớ thời mình còn nhỏ áo không đủ ấm, ăn không đủ no, nhem nhuốc. Theo bố, mẹ lên nương đến cái tuổi mà bây giờ bọn trẻ đang ngồi học ở trường phổ thông liên xã, bà đã phải đi làm dâu. Mấy năm nay, xã thực hiện riết, nghe nói còn có một nghị quyết chuyên đề về chống tảo hôn nên không có nhiều người phải như bà nữa. Ngày Tết, nhìn chúng nó dắt tay con đi chơi mà thấy phấn khởi.

 

Cái hay của Tết năm nay theo lời Phó Chủ tịch Sùng A Sía là ngày 30 trùng vào thứ bảy, còn mồng 1 trùng vào chủ nhật. Như vậy, đồng bào sẽ được đón nhiều khách. Vui hơn! Xã đã lên hẳn kế hoạch tổ chức hội xuân với các trò chơi truyền thống như ném pao, cù quay, đánh lông gà, giao lưu văn nghệ, bóng đá, hội khèn... Mùa xuân, dịp Tết cũng là mùa yêu thương, dịp tìm hiểu nhau của các chàng trai, cô gái. Chàng trai ném quả pao về phía cô gái mà mình thích, cô gái nếu đồng ý thì bắt lấy. Đàn ông Mông còn tỏ tình bằng tiếng khèn dìu dặt, da diết như tình yêu thiết tha, cháy bỏng. Hội khèn kết thúc cũng là khoảng thời gian tâm tình của từng đôi trai gái yêu nhau. Họ “bắt” được nhau qua ánh mắt, nụ cười trong đêm hội khèn. Vì thế, khi đống lửa tàn, đám con trai vác khèn ra núi, ngồi, đứng trên những hòn đá to bắt đầu thổi khèn gọi bạn gái. Tiếng khèn cũng biết “nịnh”: “...Anh nhìn khắp vườn đào, vườn mận, nhìn khắp rừng khắp núi, chỉ thấy em là bông hoa đẹp nhất... Trong đêm tối mịt mùng, gió rét nhưng cô gái vẫn tìm được bạn trai qua âm thanh của điệu khèn. ưng cái bụng, cô gái đặt chiếc lá rừng lên môi thổi. Tiếng khèn lá như hỏi lại rằng “...ơ này, anh chàng. Anh từ đâu ra. Núi rừng bao la. Sẽ kết đôi ta thành vợ, thành chồng”. Tiếng khèn chàng trai đáp lại “Đôi ta hát với nhau đêm nay. Hát với nhau một ngày. Mai có phải chia tay. Bụng của anh mới chịu”. Tiếng khèn môi cô gái đáp lại “... Kìa, mưa cho hoa nở tươi. Kìa, nắng cho hoa buồn héo. Gặp chàng, em vui lắm. Bên chàng, em yêu chàng mãi, chàng ơi” (dân ca Mông). Tiếng khèn nói thay cái bụng của đôi trai gái. Để rồi, khi cành đào nhú quả, họ thành vợ, thành chồng. Mùa hoa đào nở, mùa hội khèn Tết năm sau họ sẽ địu con đi chơi hội xuân.

 

 

                                                                     Cẩm Lệ

 

 

Các tin khác

Công trình biểu tượng TP Hoà Bình.
Không có hình ảnh
Trò chơi dân gian ném còn thu hút được đông đảo người dân Mường vang tham gia tại lễ hội đầu xuân.
Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc giai đoạn 2007- 2012.

Sức sống của các áng Mo trong đời sống của người Mường

(HBĐT) - Người Mường cũng như nhiều dân tộc anh em khác có một nền văn hóa từ lâu đời và đậm đà bản sắc. Trong kho tàng văn hóa phong phú của mình, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng mo Mường là một hiện tượng văn hóa đặc sắc mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của người Mường. Trải qua hàng ngàn năm, mo Mường vẫn hiện hữu trong đời sống của người Mường Hòa Bình.

38 tiết mục tham gia đêm văn nghệ “Mừng Đảng, mừng xuân” huyện Đà Bắc

(HBĐT) - Ngày 6/2, huyện Đà Bắc đã tổ chức đêm giao lưu văn nghệ với chủ đề “Mừng Đảng, mừng xuân”. Tham gia giao lưu có 38 tiết mục của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn với các thể loại: hát đơn ca, tốp ca, múa, hát múa, trình tấu nhạc cụ. Các tiết mục có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đổi mới và những ca khúc về mùa xuân.

Nhớ hương vị lá dong ngày Tết ở Mường Vang

(HBĐT) - Năm nay, Tết đến sớm hơn một ngày. Cũng như mọi năm, tôi sẽ cùng gia đình lại về quê ở vùng Mường Vang ăn Tết để thực sự cảm nhận cái Tết đơn giản, mộc mạc mà ấm áp của quê hương...

Giữ “hồn” chợ Tết xưa

(HBĐT) - Nếu như ở địa bàn thành phố và các trung tâm huyện lỵ, chợ Tết được khởi động từ ngày 23 đến ngày 30 tháng chạp thì ở nhiều nơi vùng cao, sâu, xa trong tỉnh, chợ Tết là phiên chợ cuối của một năm, diễn ra duy chỉ một ngày. Trong tâm thức của nhiều người, chợ Tết nay vẫn giữ được cái “hồn” của chợ Tết xưa, vẫn là một trong những phong tục vui xuân ẩn chứa nhiều nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Hội hoa Xuân năm 2013 được tổ chức từ ngày 1 – 7/2

(HBĐT) - Từ ngày 1 – 7/2, Sở Công Thương và UBND thành phố Hòa Bình phối hợp tổ chức Hội hoa Xuân năm 2013 tại Cung Văn hóa tỉnh.

Hội tụ phong tục cổ truyền đón Xuân Quý Tỵ 2013

Nhiều phong tục, nghi lễ đón Tết truyền thống của các dân tộc sẽ cùng hội tụ trong chuỗi hoạt động “Vui Xuân Quý Tỵ 2013” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Cầu Giấy, Hà Nội).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục