Việc dựng một số quán bán hàng trên mặt cảng đã che hết tầm nhìn cảnh quan vùng lòng hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Những năm gần đây, du lịch lòng hồ Hòa Bình đã được chú trọng, phát huy những tiềm lực sẵn có trong tự nhiên để đưa Hòa Bình thành điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai. Du lịch bằng đường thủy nội địa, ngoài cảng Bích Hạ - Thái Thịnh (TPHB) nay có thêm cảng du lịch xã Thung Nai (Cao Phong) cũng được du khách biết đến. Hai cảng này được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn NSNN nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng khu du lịch lòng hồ sông Đà. Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác địa danh này đang đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm.
Trước đây, đặt chân đến cảng du lịch xã Thung Nai, khách du lịch có thể nhìn bao quát quanh khu lòng hồ Hòa Bình, nhưng hiện nay phải di chuyển ra nhà chờ ở cảng thì mới có thể nhìn ra mặt hồ. Nguyên nhân là do thời gian gần đây xuất hiện dãy kiốt được xây dựng ngay trước mặt cảng làm che mất tầm nhìn và cảnh quan quanh vùng lòng hồ. Đây là những kiốt của các hộ gia đình tại xã tham gia kinh doanh ở cảng, được BQL bến cảng du lịch xã Thung Nai là đơn vị quản lý cho phép xây dựng, nhằm tạo việc làm cho người dân địa phương. Bà Nguyễn Thị Hội ở xã Ba Trại, huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết: đã gần 10 năm nay, đầu xuân nào tôi cũng đi đền Bờ. Trước kia đi cảng Bích Hạ phải mất cả ngày trời, rất mệt mỏi vì phải đi thuyền xa. Từ khi có thêm cảng Thung Nai, gia đình tôi đi ô tô lên cảng và đến đền chỉ mất 30 phút. Những năm trước, khi đến cảng Thung Nai nhìn cảng từ trên đỉnh dốc xuống có thể bao quát được từ xa toàn cảnh non nước của vùng lòng hồ, tạo cảm giác dễ chịu cho những người đi lễ. Năm nay, tôi thấy các hàng bán đồ của người dân địa phương đã được dựng lên trên mặt cảng che khuất hết tầm nhìn. ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Thung Nai cho biết: Cảng du lịch Thung Nai đã được nâng cấp đưa vào sử dụng có hiệu quả thiết thực mang lại lợi nhuận kinh tế cho các hộ gia đình trong xã. Nhưng với việc xây dựng các kiốt bán hàng trên mặt cảng, cùng với lượng khách du lịch ngày một đông cũng sẽ trực tiếp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cảnh quan khu vực cảng Thung Nai.
Được biết, với mục đích khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khu du lịch hồ sông Đà, từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch năm 2005, cảng du lịch xã Thung Nai đã được xây dựng và hoàn thành năm 2007. Việc xây dựng cảng đã góp phần phát triển thương mại du lịch ở địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư du lịch trên khu du lịch hồ Hòa Bình. Theo đó, ngày 16/2/2011, UBND tỉnh đó có Quyết định số 208/ QĐ-UBND giao cảng du lịch Thung Nai cho Công ty TNHH Tiến Anh Hòa Bình quản lý, khai thác và sử dụng. Việc tạo điều kiện cho người dân được tham gia buôn bán, góp phần giải quyết việc làm ở địa phương là một việc làm có ý nghĩa. Tuy nhiên không vì thế mà dựng lên các lều quán ngay trước bến cảng, nơi các du khách đến với cảng có thể chiêm ngưỡng ngay vẻ đẹp vùng hồ Hòa Bình. Trong phương án quản lý, khai thác và sử dụng cảng du lịch xã Thung Nai đã được UBND tỉnh phê duyệt theo QĐ số 1259 QĐ/UBND ngày 2/8/2010 không có nội dung xây dựng các công trình kiên cố trên mặt cảng mà chỉ có các công trình cơ sở hạ tầng như đường ô tô vào cảng, kè chân đất xây đá hộc, sân cảng, cầu thuyền, đường bộ trong sân cảng; nhà quản lý, đón tiếp, tập kết khách, công trình vệ sinh công cộng, nhà để xe, bảo vệ, cổng, tường rào, hệ thống cấp nước cho cảng. ông Lương Công Thảo, Trưởng bến cảng du lịch xã Thung Nai, đại diện Công ty TNHH Tiến Anh Hòa Bình cho biết: Từ đầu năm 2011, cảng Thung Nai được UBND tỉnh giao cho đơn vị quản lý, sau gần 1 năm, đơn vị đã hỗ trợ và đầu tư xây dựng các kiốt cho các hộ dân, đưa việc kinh doanh của người dân vào nề nếp và cạnh tranh lành mạnh, không còn cảnh buôn bán chèo kéo, tranh giành khách. Còn việc xây dựng các kiốt ngay trên mặt cảng du lịch là để người dân có thể thuận tiện hơn trong kinh doanh, đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch. Công tác bảo vệ môi trường thu gom rác thải cũng được đơn vị nhắc nhở các hộ kinh doanh, làm bản cam kết sau 16 h hàng ngày sẽ thu dọn rác thải trên mặt cảng, không xả rác thải trực tiếp ra sông Đà. Công ty luôn mong muốn việc đầu tư xây dựng các kiốt để người dân không còn cảnh dựng các lều tre, nứa tạm thời làm xấu mỹ quan, đồng thời để các hộ dân có thể kinh doanh buôn bán, nâng cao thu nhập từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân tại địa phương.
Việc Công ty TNHH Tiến Anh đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các dịch vụ tại bến cảng không những đem lại hiệu quả từ nguồn vốn do Nhà nước đầu tư mà còn giúp cho người dân địa phương trao đổi, buôn bán hàng hóa phát triển kinh tế gia đình. Nhưng bên cạnh đó, việc các kiốt bán hàng được xây trên mặt cảng du lịch xã Thung Nai đã che khuất tìm nhìn và cảnh quan vùng lòng hồ. Vì vậy cũng cần có một phương án đảm bảo giữa lợi ích kinh tế của doanh nghiệp nhưng cũng cần có phương án đảm bảo cảnh quan thoáng mát khi du khách khi đến đây tham quan địa danh này.
Lưu Kỳ
(HBĐT) - Ngày 17/2 (mùng 8 âm lịch), lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2013 đã tưng bừng diễn ra tại xã Phong Phú (Tân Lạc). Đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện, các xã trong toàn huyện và hơn 1 vạn người dân, du khách thập phương đã đến dự hội.
(HBĐT) - Ngày 17/2 (ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch), tức ngày mùng 7 khai hạ tính theo lịch Mường, Mường Vôi, xã Liên Vũ (Lạc Sơn) tổ chức lễ hội Đu Vôi 2013. Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL, huyện Lạc Sơn và đông đảo bà con nhân dân khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh.
(HBĐT) - Những ngày trước Tết Nguyên đán, ánh nắng hanh vàng tràn ngập khắp các con đường, ngõ phố, bản làng. Hoa đào, hoa mai bung nở những nụ xuân. Tết vì thế cũng như đến sớm hơn. Ấy vậy mà đến ngày đón giao thừa, không khí lạnh tràn về làm cho Tết cổ truyền mang đúng không khí của ngày Tết. Đất trời giao hòa, xuân đã sang, mọi người cũng phấn chấn hòa vào những hoạt động đón xuân mới với ước vọng cho một năm mới an khang, hạnh phúc.
(HBĐT) - Trong cái nhìn của những người quan tâm đến nền văn hóa của đất Mường Hòa Bình, cho đến nay, huyện Tân Lạc (theo cách gọi xưa là Mường Bi) còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng qua từng lễ hội.
(HBĐT) - Ra giêng ngày rộng, tháng dài cũng là lúc người người, nhà nhà vùng Mường Kỳ Sơn tưng bừng mở hội xuân. Hội xuân nơi đây được tổ chức thường niên tại các xã, cụm xã có đông cư dân Mường sinh sống, có năm tổ chức ở xã Dân Hạ, năm lại ở xã Phú Minh, xã Yên Quang...
(HBĐT) - Ngày 16/2 (mùng 7 âm lịch), xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) đã tổ chức lễ hội chùa Chanh. Gần 1 vạn người trong xã, các xã lân cận và khách thập phương đã đến dự lễ hội.