Nghệ nhân Bùi Thanh Mẻo, xã Dũng Phong (Cao Phong) luôn tâm huyết với việc truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, góp phần phát triển du lịch văn hóa của huyện.
(HBĐT) - Cao Phong - vùng đất Mường Thàng giàu bản sắc văn hóa, nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều danh thắng chứa đựng những huyền tích, huyền thoại đã đi vào lịch sử, vào những trang thơ, áng văn truyền đời, nơi cộng đồng làng Mường còn lưu giữ những giá trị truyền thống trong nếp sống, sinh hoạt đang hứa hẹn là điểm đến thu hút khách du lịch, góp phần thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của huyện phát triển.
Nói đến Cao Phong là nói đến một vùng đất đang trên đà phát triển với những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, tạo được thương hiệu, được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng như cam, mía tím... Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp, Cao Phong còn là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch với những địa điểm từ lâu đã hấp dẫn du khách gần xa, du khách quốc tế như bản du lịch Giang Mỗ (xã Bình Thanh) - bản có hơn 100 nếp nhà sàn còn giữ nguyên bản sắc từ nhà cửa đến nếp sinh hoạt của người Mường, đền chúa thác Bờ, chùa Khánh (xã Yên Thượng) - điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương vào dịp đầu năm, di tích lịch sử Anh hùng Cù Chính Lan. Chị Bùi Yến Minh, cán bộ Phòng VH-TT huyện cho biết: Trên địa bàn huyện có các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch thăm quan các điểm di tích lịch sử, gần đây có thêm loại hình du lịch khám phá hang động. Những năm qua, huyện đã ban hành các nghị quyết về phát triển du lịch, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn huyện, từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch.
Theo đó, các tuyến, cụm, điểm du lịch được quy hoạch định hướng như tuyến du lịch Bình Thanh - Thung Nai - lòng hồ sông Đà với các điểm làng cổ dân tộc (Mường, Dao) thăm làng nghề truyền thống (dệt thổ cẩm); thăm quan khu di tích lịch sử văn hóa Cù Chính Lan, đền Bờ, du lịch sinh thái hồ Hòa Bình; tuyến du lịch Tân Phong - Dũng Phong - Yên Lập - Yên Thượng thăm di tích lịch sử văn hóa chùa Quèn Ang, “Vườn hoa núi cối, chùa Khánh, du lịch bản Mường xã Yên Thượng, Yên Lập; tuyến thị trấn Cao Phong - Xuân Phong với du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch hồ Cạn Thượng, thăm làng dân tộc Mường xóm Cạn, Mừng (xã Xuân Phong). Đồng thời, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư như xây dựng các tuyến đường giao thông; quản lý, khai thác tốt các loại hình vận tải đường sông, đường bộ; phát triển hệ thống dịch vụ như nhà nghỉ, khách sạn. Hiện huyện đang tiến hành xây dựng chùa Quèn Ang ở xã Tân Phong, di tích lịch sử gắn với sự tích Vườn hoa núi cối - một tích truyện nằm trong phần mo sử thi thuộc mo Mường Hòa Bình, một câu chuyện tình được thầy mo kể cho người đã khuất trong 12 đêm trước khi về Mường Trời. Ngôi chùa được xây dựng có 7 tháp, giai đoạn 1 đầu tư trên 2 tỉ đồng. Quần thể hang động núi đầu Rồng tại khu 3, thị trấn Cao Phong được Bộ VH-TT&DL cấp bằng di tích cấp quốc gia năm 2012. Dãy núi này dài hơn 1 km, độ cao khoảng 200 m so với chân núi. Trong dãy núi có nhiều hang động đẹp liên kết với nhau tạo thành quần thể như Hoa Sơn thạch động, động không đáy, Nhãn Long Sơn động, Phong Sơn động, hang nước, động Thanh Thủy. Bước đầu huyện đầu tư hạ tầng sơ bộ bảo vệ danh lam thắng cảnh khu di tích tổng giá trị trên 2,6 tỉ đồng.
Cùng với đó, huyện tích cực triển khai các chương trình phát triển du lịch như tuyên truyền quảng bá du lịch, tham gia các hội chợ, đẩy mạnh xúc tiến - thương mại - du lịch, khôi phục các lễ hội của đồng bào dân tộc như hội xuống đồng của đồng bào Mường, tết nhảy của người Dao, khôi phục sản phẩm truyền thống như dệt thổ cẩm nhằm phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa của vùng, đồng thời hấp dẫn khách du lịch. Hàng năm, số lượng khách, doanh thu về du lịch của huyện đều tăng lên. Năm 2011, toàn huyện đón trên 95.300 lượt khách với doanh thu đạt 4,8 tỉ đồng, năm 2012 lượng khách tăng lên trên 97.800 lượt người, doanh thu đạt 4,9 tỉ đồng, trong đó, khách quốc tế có trên 4.000 lượt người.
Chị Bùi Yến Minh cho biết thêm: Thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ phát triển du lịch của huyện chưa xứng với tiềm năng, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, khách du lịch đến với huyện chủ yếu trong ngày mà chưa ở lại lâu dài, ngân sách đầu tư cho hoạt động phát triển du lịch còn hạn chế. Đây là những vấn đề đã và đang được huyện quan tâm, nhất là từ năm 2013 này với sự quan của lãnh đạo huyện đề ra quan điểm, định hướng du lịch, tập trung đầu tư nguồn kinh phí sẽ là động lực thúc đẩy ngành du lịch của huyện có nhiều khởi sắc.
(HBĐT) - Công trình khu vui chơi cho trẻ em ở xã Bắc Phong (Cao Phong) là một trong 6 dự án được tổ chức Childfund Việt Nam đầu tư xây dựng điểm vui chơi giải trí dành cho trẻ em trên địa bàn. Tuy nhiên, do những bất cập trong việc đầu tư và quản lý, công trình đã đưa vào sử dụng được gần 5 năm nhưng lại không phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng lần thứ sáu năm nay với chủ đề “Tình yêu sông Hàn” diễn ra vào hai đêm 29 và 30-4 với sự tham gia của bốn đội từng giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi trên thế giới là Nga, Ý, Nhật Bản, Hoa Kỳ và đội chủ nhà Đà Nẵng.
(HBĐT) - Người Việt có câu "Vô tửu bất thành lễ" để nhấn mạnh tầm quan trọng của rượu trong lễ nghi giao tiếp. Mỗi địa phương trên đất nước ta đều có những loại rượu rất đặc trưng và trở thành niềm tự hào của người dân xứ sở đó. Sa Pa có tinh tuý rượu táo Mèo, Bắc Giang đượm hồn quê trong rượu Làng Vân, Bình Định nổi tiếng với rượu được nấu bằng gạo lứt có tên Bầu Đá, Long An có mỹ tửu rượu đế Gò Đen và Hoà Bình được nhắc đến nhiều hơn cả bởi men say Mai Hạ.
(HBĐT) - Ban đại diện Hội NCT huyện Lương Sơn vừa tham gia chương trình giao lưu văn hóa – thể thao – du lịch Sa Pa năm 2013. Đây là hoạt động do Trung tâm VH, NT-TT&DL, T.Ư Hội tổ chức. Tham gia giao lưu có l53 NCT thuộc 6 quận, huyện, thị xã của 5 tỉnh, thành phố là: huyện Lương Sơn (Hòa Bình), huyện Yên Lập, Cẩm Khê (Phú Thọ), huyện Sa Pa (Lào Cai), thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) và quận Thanh Xuân (Tp. Hà Nội).
(HBĐT) - Nhân kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đoàn TNCS HCM, chiều ngày 21/2 Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh đã tổ chức khai mạc sân chơi cuối tuần năm 2013.
(HBĐT) - Mường Động là một trong bốn vùng Mường cổ của tỉnh. Mường Động gốc ở xã Vĩnh Đồng ngày nay. Xưa kia, nơi đây tồn tại một thiết chế lang đạo với các dòng họ quý tộc cai trị như: Đinh, Quách, Bạch, Hà. Trong đó, phải kể đến dòng họ Đinh mà người đứng đầu là Đinh Như Lệnh.