Một nghệ nhân dân tộc Thái (Mai Châu) đang biểu diễn khèn bè.

Một nghệ nhân dân tộc Thái (Mai Châu) đang biểu diễn khèn bè.

(HBĐT) - Là một trong 7 dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất Hòa Bình, người Thái ở huyện vùng cao Mai Châu có những nét văn hóa đặc sắc riêng, trong đó khèn bè là một loại nhạc cụ độc đáo không thể thiếu trong những dịp cưới hỏi, lễ, Tết hay ngày hội đón xuân… của đồng bào dân tộc Thái.

 

Theo các cụ già trong bản: Ngày xưa có chàng trai nghèo họ Lò, nhân hậu và có tài thổi sáo, thậm chí lấy lá cây đưa lên miệng thổi cũng tạo ra âm thanh làm xao xuyến lòng người. Con gái một Tạo bản giàu có trong vùng đã yêu chàng tha thiết. Hay tin con gái mình bén duyên chàng trai họ Lò, Tạo bản giận lắm, nhốt con gái trong buồng, đợi ngày lành tháng tốt sẽ gả cho một người giàu có ở làng bên. Không cưỡng nổi ý muốn của cha mẹ, nàng gửi lại cho chàng gói sáp ong đá đã in dấu tay của nàng mỗi khi kéo sợi.

 

Nhận kỷ vật cuối cùng của người yêu, chàng buồn bã bỏ bản ra đi. Lang thang hết ngày này qua ngày khác, cuối cùng chàng gặp một con suối và dừng lại thả tâm hồn theo dòng nước. Bên dòng suối vắng, chàng nảy ra ý định làm cây sáo thổi để giải buồn. Thấy có nhiều cây nứa tép bên bờ suối, chàng chọn lấy từng gióng nứa to, nhỏ khác nhau bó lại và lấy sáp ong người yêu tặng bịt kín các kẽ hở giữa các ống sáo, rồi lấy dao vạt chéo phần đầu và thổi thử. Lạ thay cây sáo bè có tiếng to, nhỏ, cao, thấp khác nhau theo các ngón tay bấm của chàng. Chàng mải mê thổi bên dòng nước chảy, quên ăn quên ngủ. Bẵng đi một thời gian không thấy chàng trai nghèo về bản, bạn bè liền đi tìm và thấy chàng đã chết khô bên bờ suối, tay vẫn nắm chặt chiếc khèn. Sau đó, bạn bè bắt chước làm theo cây khèn của chàng trai nghèo họ Lò. Khèn bè theo tay các chàng trai đi sương về nắng, còn sáp ong thì bện chặt lấy khèn, không bao giờ tách rời.

 

Khèn bè của dân tộc Thái (Mai Châu) được cấu tạo với 14 ống nứa, nhưng phải là nứa tép bánh tẻ, nhỏ, mỏng, ít mấu và xếp từ thấp đến cao. Khèn được chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống. Bầu khèn làm bằng gỗ, một đầu khoét thủng để thổi, đầu kia bịt kín bằng sáp ong đá. Một cây khèn bè của người Thái gồm 4 ống khèn được thuôn thông suốt gắn chặt vào bầu hơi. Độ dài của ống khèn tùy thuộc vào nghệ nhân làm khèn, nhưng cây khèn kêu được hay không còn phụ thuộc vào những lưỡi khèn. Lưỡi khèn được làm bằng đồng hoặc bạc trắng, đánh mỏng như tờ giấy để gắn vào trong các ống khèn, phía trên bầu hơi có dùi những nốt bấm. Âm thanh của khèn phụ thuộc vào cách cài những lưỡi khèn và độ chính xác về khoảng cách của những nốt bấm. Khèn bè dài, tiếng to, trầm, dùng cho người cao tuổi thổi ở nhà, còn khèn ngắn, tiếng nhỏ, thanh dùng cho thanh niên mang theo người.

 

Cầm trên tay cây khèn, ông Lò Văn Nhoi ở xóm Đồng Bảng, xã Đồng Bảng, một nghệ nhân khèn bè có tiếng ở huyện Mai Châu, tâm sự: Cây khèn tốt khi thổi lên phải thấy được nỗi lòng của người thổi lẫn người làm ra nó. Đằng sau sự khắc nghiệt của vùng núi cao này là những tâm hồn bình dị, lặng lẽ và khát vọng sống, khát vọng được hòa mình vào thiên nhiên của con người nơi đây.

 

Chiếc khèn bè của người Thái (Mai Châu) được sử dụng rất đa dạng theo từng hoàn cảnh khác nhau như trong những dịp lễ, Tết, chúc mừng, đón khách, cưới xin… Tiếng khèn vang vọng, lúc thoáng đạt, lúc nỉ non dìu dặt làm xao xuyến lòng người. Người Thái sử dụng khèn bè để đệm cho người hát các bài dân ca trong những ngày lễ truyền thống, có khi làm nền cho các điệu dân vũ của người Thái trong những ngày vui, những dịp trọng đại… Tiếng khèn đã trở thành giai điệu hò hẹn, phương tiện chắp gió gửi lời của bao chàng trai, cô gái. Bất cứ chàng trai người Thái (Mai Châu) nào khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương trên rẫy, thì cũng là lúc họ biết cầm khèn. Với họ, học thổi khèn không chỉ để giải trí, mà còn là phương tiện để thể hiện tài nghệ của mình và là chiếc cầu nối để họ tìm cho mình một người bạn đời thích hợp. Hình ảnh những chàng trai khỏe mạnh với những giai điệu khèn hay sẽ chiếm được cảm tình của các cô gái.

 

                                                                    HBĐT tổng hợp

 

Các tin khác

Du khách tìm hiểu văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình thông qua các lễ hội, hiện vật được trưng bày tại lễ hội.
Không có hình ảnh
Nghệ nhân Bùi Thanh Mẻo, xã Dũng Phong (Cao Phong) luôn tâm huyết với việc truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, góp phần phát triển du lịch văn hóa của huyện.
Nà Mười là một trong những làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa cấp tỉnh đầu tiên của xã Mường Chiềng (Đà Bắc).

Kỳ Sơn phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

(HBĐT) - Những làn điệu hát rằng thường, bộ mẹng, hát đối, hát ru... Các nhạc cụ cồng, chiêng, sáo, nhị; các trò chơi dân gian như ném còn, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, chọi gà, đi cà kheo vẫn được người dân bảo tồn, trình diễn trong các ngày lễ hội. Đặc biệt, CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC” đã tạo bước chuyển biến tích cực, là tiền đề cho các hoạt động văn hóa trên địa bàn phát triển theo hướng tích cực và vững chắc... Đó là những kết quả nổi bật trong 15 năm thực hiện NQT.Ư 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.

Hùng vĩ Thác Bờ!

(HBĐT) - Với phong cảnh sơn thủy hữu tình và được ví như một Hạ Long trên cao. Đến với Thác Bờ, Đền Bờ du khách sẽ như được hòa mình vào thiên nhiên, lạc vào miền văn hóa bản địa độc đáo với tín ngưỡng thờ Mẫu, lễ lên đồng đầy huyền bí…

Sưu tầm biên soạn lịch sử Đảng bộ và giáo dục truyền thống cách mạng- những dấu ấn đáng tự hào

(HBĐT) - Trên tấm bản đồ mang hình chữ S của Tổ quốc, Hòa Bình là một tỉnh nhỏ với diện tích tự nhiên 4.594 km2 nơi sinh sống của trên 81 vạn cư dân thuộc các dân tộc Mường, Kinh, Tày, Thái, Dao, Mông... Tuy nhiên, Hòa Bình luôn được nhiều người biết đến và nhớ đến bởi đây là nôi của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng và là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng. Ghi lại nguyên trạng những chứng tích lịch sử để truyền lại cho muôn đời sau luôn là điều cần thiết. Xác định rõ nhiệm vụ này, ngay từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tỉnh đã có chủ trương về việc tăng cường nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ. Cho đến nay, việc làm này đã đạt được những kết quả đáng tự hào.

Công trình khu vui chơi cho trẻ em xã Bắc Phong chưa phát huy hiệu quả 

(HBĐT) - Công trình khu vui chơi cho trẻ em ở xã Bắc Phong (Cao Phong) là một trong 6 dự án được tổ chức Childfund Việt Nam đầu tư xây dựng điểm vui chơi giải trí dành cho trẻ em trên địa bàn. Tuy nhiên, do những bất cập trong việc đầu tư và quản lý, công trình đã đưa vào sử dụng được gần 5 năm nhưng lại không phát huy được hiệu quả như mong muốn.

Thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2013

Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng lần thứ sáu năm nay với chủ đề “Tình yêu sông Hàn” diễn ra vào hai đêm 29 và 30-4 với sự tham gia của bốn đội từng giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi trên thế giới là Nga, Ý, Nhật Bản, Hoa Kỳ và đội chủ nhà Đà Nẵng.

Nghề nấu rượu Mai Hạ

(HBĐT) - Người Việt có câu "Vô tửu bất thành lễ" để nhấn mạnh tầm quan trọng của rượu trong lễ nghi giao tiếp. Mỗi địa phương trên đất nước ta đều có những loại rượu rất đặc trưng và trở thành niềm tự hào của người dân xứ sở đó. Sa Pa có tinh tuý rượu táo Mèo, Bắc Giang đượm hồn quê trong rượu Làng Vân, Bình Định nổi tiếng với rượu được nấu bằng gạo lứt có tên Bầu Đá, Long An có mỹ tửu rượu đế Gò Đen và Hoà Bình được nhắc đến nhiều hơn cả bởi men say Mai Hạ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục