(HBĐT) - Tôi ngồi viết những dòng này vào thời khắc vừa khép lại phần khai mạc và đi thực tế, điền dã thuộc “Trại sáng tác thơ văn năm 2013” của Hội văn học nghệ thuật tỉnh, diễn ra 2 ngày tại huyện Lạc Thủy - vùng hạ du sông Bôi.
Nhớ lại những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, có một anh bộ đội tên Tr.V.Th. thuộc con số của Tỉnh đội Hòa Bình về đóng quân ở làng tôi. Nhiệm vụ của đơn vị này là đưa tân binh vào chiến trường miền Nam và đón thương binh ra Bắc. Lúc này, cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Anh Tr. V.Th. quê ở xã Yên Bồng (Lạc Thủy), anh đã có vợ và các con. Là một người sống tình cảm, lạc quan lại có chút năng khiếu âm nhạc; thích ca hát, nhất là những bài hát mang hơi thở cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vì thế, anh đã chiếm được tình cảm mến mộ của tuổi trẻ trong làng, trong đó có chị em chúng tôi. Theo thời gian, quan hệ của anh và gia đình tôi ngày càng tốt đẹp và anh đã trở thành người con, người anh cả trong gia đình 7 anh em chúng tôi. Với mối nhân duyên ấy mà mấy chục năm qua, chị em tôi có dịp tới Lạc Thủy. Những cái tên Chi Nê, Lạc Long, Đồng Tâm, Khoan Dụ, Yên Bồng cứ lấp lánh, vang vọng trong tâm thức tôi mỗi lần có người nhắc đến Lạc Thủy. Những chùa Tiên, hang Luồn, di tích Nhà máy in tiền đầu tiên của Nhà nước ta là những địa chỉ mà tôi được anh hoặc các cháu đưa tôi đến thăm thú. Nhưng không thể nào quên những lần đợi phà từ Chi Nê sang Khoan Dụ, Yên Bồng và tới Cố Nghĩa lại phải quay về do nước lũ sông Bôi dâng cao, ngập đường vào Chi Nê (Lạc Thủy) hôm đó bị chia cắt như một quần đảo.
Giữa thập niên 90 thế kỷ trước, tôi được lãnh đạo tỉnh điều động từ một doanh nghiệp lên tỉnh công tác với nhiều lĩnh vực khác nhau, tôi càng có dịp về với Lạc Thủy nhiều hơn. Cùng anh em ngành công nghiệp tỉnh thăm xí nghiệp than Đồi Hoa, vào xã vùng sâu Đồng Môn kiểm tra xây dựng trạm thủy điện nhỏ, cùng cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng về Huyện ủy bàn nhân sự chủ chốt cho đại hội và cùng các đồng chí lãnh đạo mặt trận huyện xuống xứ đạo Khoan Dụ bàn về xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư... Từ đó dần hình thành trong tôi ấn tượng về vùng đất Lạc Thủy: đó là một vùng đất giao thoa giữa miền núi và vùng đồng bằng, giữa lương và giáo, giữa văn minh sông Hồng và vùng đất cổ xứ Mường, quê hương của sử thi Đẻ đất - đẻ nước, của những áng mo thâu đêm suốt sáng. Người dân vùng đất này có đặc tính vừa chân thành, mộc mạc, trầm tư của người miền núi lại vừa cần cù, chăm chỉ, tháo vát của người đồng bằng, như các ngón tay đan vào nhau của hai bàn tay trong một con người. Đó là vùng hạ du con sông Bôi với chiều dài qua đây chỉ hơn mười cây số mà sông luôn đổi hướng dòng trôi, như lưỡng lự, nấn ná không muốn hòa vào dòng Hoàng Long, dòng Thái Bình để ra với biển Đông. Sông cứ nép mình dưới bóng núi đá Tràng Sơn mà e lệ, uốn éo, lờ lững xuôi dòng, mặc cho những làng mạc, bãi ngô vàng, bờ tre xanh soi bóng. Phải chăng sông Bôi bắt nguồn từ vùng đất Kim Bôi - chén vàng - mang trong mình bao hạt cát vàng chỉ muốn lắng lại nơi đáy sông để được dâng hiến cho vùng đất này? Sông cũng như người chăng, càng về cuối càng muốn lắng lại những gì đã nhào nặn, cố kết nên hình dáng, cốt cách chính mình?
Lần này tôi trở lại Lạc Thủy với tư cách của người cầm bút, giữa cái nắng nóng tháng 5 “cơm ứ, nước ừ”. Trong đoàn gồm các nhà văn, nhà thơ của chi hội văn học thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, lực lượng chủ lực viết cho tờ Báo Văn nghệ Hòa Bình, hầu hết là người cao tuổi. Lạc Thủy đã “thay da, đổi thịt”, chỉ còn dáng núi là vẫn như xưa. Sông Bôi đã có cầu và đang kè đá hai bờ, cho tàu, thuyền ngược xuôi êm chèo, mát lái mà đánh bắt tôm, cá, mà chở cát vàng và gỗ dăm mảnh. Rừng cây keo đã phủ xanh các vai núi, chân đồi và thấp thoáng đây đó mọc lên các xưởng chế biến nông - lâm sản. Bài phát biểu của đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Bí thư TT Huyện ủy tại buổi khai mạc trại sáng tác đã cho chúng tôi một bức tranh toàn cảnh về sự nghiệp đổi mới của huyện nhà trong những năm qua. Lời phát biểu của đồng chí Trịnh Xuân Nghị, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm và của đồng chí Phạm Văn Nho, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sông Bôi đã giúp chúng tôi có được cái nhìn sâu hơn về Lạc Thủy, nhất là hai mảng nông nghiệp, nông thôn, nông dân và doanh nghiệp - tế bào của nền kinh tế.
Bốn điểm đoàn đến tham quan: Khu lưu niệm Nhà máy in tiền, chùa Tiên, xã Đồng Tâm và Nông trường Sông Bôi thì xã Đồng Tâm và Nông trường Sông Bôi để lại trong tôi nhiều ấn tượng và nhiều điều đáng suy ngẫm nhất. Cán bộ và nhân dân xã Đồng Tâm vinh dự được lãnh đạo huyện Lạc Thủy chọn làm điểm cho chương trình xây dựng NTM với các tiêu chí chung của cả nước về KT-XH, AN-QP, bên cạnh những thành tích đạt được là cơ bản cũng không tránh khỏi những vướng mắc, bất cập. Giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập đó phải từ hai phía: hạ tầng cơ sở (hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ) và thượng tầng kiến trúc (các văn bản pháp luật liên quan, nhất là Luật Đất đai). Giải phóng lực lượng sản xuất ở nông thôn, nông dân là bài toán lâu dài. Thu hút lực lượng lao động trẻ ở lại với nông thôn, ly nông nhưng không ly hương là những chủ trương lớn mang tính chiến lược, phải có giải pháp đồng bộ và bước đi phù hợp. Nghe và đi thực tế, chúng tôi càng đồng cảm hơn với các cấp, ngành trong thực thi chương trình xây dựng NTM hiện nay trên phạm vi cả nước. Đến Nông trường Sông Bôi nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sông Bôi, chúng tôi thầm cảm phục ý chí vượt khó, vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào quá trình đổi mới Nông trường trong 10 năm qua. Dù có vấp ngã nhưng cán bộ, công nhân đơn vị đã đứng dậy tiếp tục sự nghiệp đổi mới, bám trụ, giữ vững truyền thống vẻ vang 53 năm sản xuất và chiến đấu. Là một đơn vị SX-KD nông - lâm nghiệp, dù thế nào, Công ty cũng phải chuyển mạnh sang chế biến bằng công nghệ tiên tiến mới đủ sức cạnh tranh trong cơ chế hiện nay.
Ngày đoàn rời Lạc Thủy, tôi thức sớm hơn, đi ra bến sông Bôi, vừa để tạm biệt, vừa để hít thở không khí trong lành một vùng sông nước đã trở nên thân thuộc. Thị trấn Chi Nê lác đác người qua, phía bên kia Khoan Dụ vẫn lặng yên bờ tre xanh, những mái nhà nâu nhạt. Một cánh bèo tây tách ra khỏi đám trễ nải xuôi, một chiếc thuyền gắn máy nhằm hướng Gia Viễn (Ninh Bình), sóng nước phía sau thuyền vẽ thành một đuôi công lớn, xa xa phía bãi sông, xã Yên Bồng, người anh kết nghĩa của tôi đã yên nghỉ trên bãi bồi, do một căn bệnh hiểm nghèo và di chứng từ những năm tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhưng tôi còn những người đồng chí, người bạn công tác, bạn đồng môn xưa vẫn an cư, lạc nghiệp trên vùng quê này. Một ngày không xa tôi sẽ trở lại bởi chí ít lần này tôi còn nợ họ một lời tạm biệt.
Tùy bút của Đinh Đăng Lượng
(HBĐT) - Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể luôn được huyện Kim Bôi quan tâm, thực hiện, góp phần thực hiện thành công nghị quyết T.Ư 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc” ở địa phương.
(HBĐT) - Đối với các em nhỏ, nghỉ hè là nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm học vất vả, thời gian này, các em sẽ được tham gia các trò chơi, lớp học năng khiếu TDTT, hát múa, bơi lội…
(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 40 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, 24 di tích cấp tỉnh, trên 50 bản làng có giá trị cao về du lịch cộng đồng.
Vịt Cổ Xanh - khu resort mang đậm văn hóa Mường
(HBĐT) - Gắn kết du lịch xanh với bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Mường, đồng thời đóng góp vào sự phát triển xã hội của địa phương là mô hình mà khu du lịch sinh thái Việt-Pháp Vịt Cổ Xanh (La Ferme du Colvert) đang triển khai tích cực nhằm xây dựng thương hiệu cho khu nghỉ dưỡng xinh đẹp nằm trên vùng đất đậm đặc bản sắc văn hóa Mường.
(HBĐT) - Đồng chí Đinh Văn ổn, TUV, Tổng biên tập Báo Hòa Bình, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đánh giá: Sự cộng tác thường xuyên, tích cực với nhiều tác phẩm báo chí phong phú, đặc sắc, đội ngũ CTV trên 200 người trong và ngoài tỉnh đã góp phần cùng tập thể Báo Hòa Bình xây dựng cơ quan báo Đảng tỉnh ngày càng phát triển, thực sự là diễn đàn của nhân dân, là cầu nối giữa dân với Đảng.