Người Dao còn giữ gìn nguyên vẹn nghi lễ cấp sắc cho đàn ông trưởng thành với 10 lời thề về chuẩn mực đạo đức của một con người. Ảnh: Nghi lễ cấp sắc tại một gia đình người Dao, xóm Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc).

Người Dao còn giữ gìn nguyên vẹn nghi lễ cấp sắc cho đàn ông trưởng thành với 10 lời thề về chuẩn mực đạo đức của một con người. Ảnh: Nghi lễ cấp sắc tại một gia đình người Dao, xóm Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc).

(HBĐT) - “Xóm Đồng Chụa có 170 hộ với 803 khẩu, trong đó, 97% là đồng bào người dân tộc Dao. Năm 2013 vừa qua, toàn xóm có 87% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, thu nhập bình quân trong xóm đã đạt mức 22 triệu đồng/người/năm. Xóm không có người nghiện hút, không có tệ nạn xã hội. 8 năm liền Đồng Chụa đạt làng văn hóa tiên tiến cấp thành phố và đang phấn đấu đạt làng văn hóa cấp tỉnh trong năm 2014”. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Bàn Sinh Lương, Trưởng xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất (thành phố Hòa Bình) phấn khởi cho biết.

 

Chúng tôi vào thăm Đồng Chụa đúng vào ngày xóm tổ chức “việc làng”. Đó là ngày bà con phấn khởi mang gà, gạo đến nhà trưởng xóm Bàn Sinh Lương góp lễ theo phong tục truyền thống của người Dao. Tập hợp những lễ vật của bà con đóng góp, trưởng xóm tổ chức nghi lễ cúng có tính chất như tổng kết năm tại ngôi miếu thiêng của bản để tỏ lòng biết ơn thổ công, ông bà, tổ tiên đã phù hộ giúp bà con trong xóm có một năm mưa thuận gió hòa, ăn nên, làm ra

 

Trước đây, một năm xóm Đồng Chụa có 5 - 6 lần tổ chức việc làng với sự tham gia, đóng góp của tất cả các hộ dân trong làng. Nghi lễ cũng như việc ăn uống diễn ra linh đình, tốn kém và mất khá nhiều ngày công của bà con nhưng từ khi ông Lương làm trưởng xóm đã có nhiều đổi thay. Trưởng xóm Bàn Sinh Lương chia sẻ: Trước đây, tổ chức việc làng, các hộ gia đình phải đóng góp nhiều, mỗi hộ một người tham gia là mất đến 170 công. Nhưng nay, một năm chỉ tổ chức việc làng 2 lần, mỗi hộ chỉ phải đóng 20.000 đồng/lần. Nghi lễ sẽ được tổ chức đúng thủ tục, trình tự với sự chứng kiến của Ban dân tộc xóm gồm các cụ già cao tuổi, uy tín trong xóm và các chi hội, đoàn thể trong xóm. Như vậy vừa đỡ tốn kém cho bà con, bà con yên tâm đi làm đi ăn mà tấm lòng đối với tổ tiên thì vẫn được chứng giám.

 

Được biết, ban đầu khi trưởng xóm Bàn Sinh Lương tổ chức việc làng theo cách rút gọn như thế đã vấp phải sự phản ứng của một số hộ dân nhưng sau khi được trưởng xóm vận động, giảng giải, họ đã hiểu ra và hoàn toàn ủng hộ. Là người luôn có mong muốn đổi mới, cải cách, năm 2000, trưởng xóm Bàn Sinh Lương chính là người có ý tưởng, đi đầu và mạnh dạn tổ chức họp dân để bàn bạc vấn đề xây dựng nhà văn hóa xóm, chấm dứt tình trạng họp nhờ ở các nhà dân. ý tưởng này của ông đưa ra đã vấp phải khó khăn do không có đất và kinh phí. Quyết tâm làm bằng được, gia đình ông đã tiên phong hiến 400 m2 đất. Tiếp đó, ông Lương đã vận động anh em họ hàng là gia đình các ông Phùng Sinh Hội, Phùng Sinh Thi, Phùng Sinh Tài, Phùng Sinh Tán có nhà ở liền kề với khu vực xây nhà văn hóa hiến gần 500 m2 đất đảm bảo đủ diện tích xây nhà văn hóa và có sân hoạt động thể thao. Ông cùng các ban, ngành, đoàn thể  xóm đi đến từng nhà dân, vận động nhân dân quyên góp tiền xây nhà văn hóa. Vài tháng sau, nhà văn hóa hoàn thành đi vào hoạt động, nhân dân càng thêm tin tưởng, yêu mến và kính trọng ông trưởng xóm.

 

Luôn tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động của khu dân cư, được nhân dân tin yêu, kính trọng, ông Lương còn được tín nhiệm bầu làm trưởng ban hòa giải của xóm. Mỗi khi các gia đình có mâu thuẫn, tiếng nói uy tín cũng như những lý lẽ thấu tình, đạt lý của ông Lương đã  góp phần xoa dịu bức xúc, giải quyết mâu mắc ngay từ cơ sở. Ngoài ra, ông Lương cũng đã tích cực vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ dần những tư tưởng, hủ tục lạc hậu.

  

       

Trưởng xóm Bàn Sinh Lương (bên trái) thường trao đổi, trò chuyện, xin ý kiến người già trong bản trước khi tổ chức thực hiện những việc lớn của xóm.

 

Nếu như trưởng xóm Bàn Sinh Lương đã đóng góp tiếng nói uy tín của mình để mang về cho xóm Đồng Chụa đời sống văn hóa mới, đẩy lùi hủ tục lạc hậu thì trưởng xóm Triệu Phúc Quang (xóm Suối Thản, xã Đú Sáng,  Kim Bôi) lại mang về cho mảnh đất này những cánh rừng xanh ngắt trù phú, cho bà con nơi đây một đời sống kinh tế ổn định.

 

Trò chuyện với chúng tôi, già làng Triệu Phúc Quang nhớ lại: Trước những năm 1990, người Dao vẫn còn sống với tập quán du canh, du cư “chặt gốc, ăn ngọn”, cả bản kéo nhau lên rừng đốt nương. Mỗi bãi nương chỉ trồng được 1 - 2 vụ lúa, khi nào cỏ may mọc lại bỏ đi nơi khác, lại đốt những bãi nương mới. Theo đó, rừng bị tàn phá ngày càng nhiều mà đời sống bà con người Dao cứ quanh năm thiếu đói”.

 

Đầu những năm 1990, Nhà nước triển khai Dự án 327, giao đất, giao rừng cho từng hộ dân và nghiêm cấm việc phá rừng. Tuy nhiên, lúc này có một thực tế đặt ra là nhiều hộ dân không dám nhận đất vì không được đốt nương, làm rẫy trồng lúa thì biết làm gì? Làm sao có tiền để nộp thuế đất? Trước tình hình này, ông Triệu Phúc Quang lúc đó đang là bí thư chi bộ đã tiên phong nhận đất, trồng rừng. Ông chia sẻ: Muốn vận động bà con trồng rừng thì mình phải là người đi trồng rừng đầu tiên. Dân được tận mắt nhìn mới tin, mới làm theo”.

 

Lúc bấy giờ, mỗi hộ dân được chia 7 ha, gia đình ông Quang là một trong những hộ dân đầu tiên tiên phong trồng bương, luồng. Chỉ một thời gian ngắn, trên mảnh đất bạc màu xưa kia, bương, luồng đã lên xanh tốt. Năm 1998, ông được thu hoạch lứa đầu tiên với giá trị kinh tế khoảng 10 triệu đồng/ha.

 

Thấy cách làm của ông Quang đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, lần lượt các hộ dân trong xóm cũng làm theo. Tuy nhiên, đã quen với việc đốt nương, phá rừng, bây giờ lại ươm giống, trồng rừng, việc này thật không hề đơn giản đối với bà con Suối Thản. Trước khó khăn đó, ông Quang đã trực tiếp đến từng hộ gia đình, hướng dẫn bà con kinh nghiệm, kỹ thuật, cách ươm cây giống, chăm sóc cây trồng.

 

Với phương châm lấy ngắn, nuôi dài, trong thời gian chờ thu hoạch luồng, ông vận động bà con trồng xen canh những loại cây ngắn ngày như ngô, sắn... Dần dần, đồi trọc đã được phủ xanh, nghèo đói từng bước được đẩy lùi.

 

Mấy năm gần đây, khi hiệu quả kinh tế của cây bương, luồng không còn cao thì gia đình ông Quang lại tiên phong trong việc chuyển sang trồng keo. Mỗi ha keo từ 5 - 7 năm tuổi có thể cho thu về 60 - 70 triệu đồng. Đời sống của bà con người Dao ở Suối Thản bám vào đồi rừng, cứ thế mà đi lên thoát nghèo, từng bước làm giàu.

 

Giờ đây, bước qua ngưỡng 40 năm tuổi Đảng, ông Quang dành phần làm kinh tế lại cho con cháu, sống trọn vẹn với trách nhiệm của một già làng, trưởng bản. Ông luôn vận động trước tiên là con cháu mình phải sống chăm chỉ, gương mẫu, phấn đấu học hành thành đạt. Một mặt khác, ông cũng nêu gương là người giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, ông luôn lưu ý nhắc nhở con cháu cũng như người dân trong bản sống theo đời sống mới, thực hành tiết kiệm, học tập và làm theo gương Bác Hồ, nhất là việc cưới, việc tang chỉ làm đủ lễ, không thừa thãi, lãng phí.

Như những cây cổ thụ giữa rừng già, già làng Bàn Sinh Lương, già làng Triệu Phúc Quang và rất nhiều các già làng người Dao ở Đà Bắc, Mai Châu, Cao Phong vẫn đang tiếp tục là những bóng cả gương mẫu của bản, làng. Từng ngày, từng giờ, họ là cầu nối để chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến được với nhân dân. Họ cũng là người đang tiên phong, tích cực trong  giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy lùi mê tín dị đoan, xây dựng đời sống văn hóa mới tiên tiến.

           

 

 

                                                                    Dương Liễu

 

 

 

Các tin khác

Hai cây mía tím được đặt trang trọng hai bên bàn thờ, tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo của con cháu mong muốn được đón tổ tiên về dương gian ăn Tết.
Festival hoa Đà Lạt lần thứ 5.
Quần thể chùa Tiên, xã Phú Lão (Lạc Thủy) mới được hoàn thiện với tổng mức đầu tư trên 22 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân.
Phụ nữ xã Đồng Chum (Đà Bắc) xúng xính áo quần vui Tết cơm mới.

Như chim én giữa trời xuân

(HBĐT) - Cô gái có cái tên rất đẹp: Hồng Nga cùng tôi đứng rất lâu ngắm nhìn thành phố Hoà Bình lung linh trong ánh điện. Chiếc khăn trong tay Nga đã ướt vì những giọt nước mắt xúc động, song mùi nước hoa sang trọng xứ trời âu vẫn phảng phất đâu đây. Giọng Hồng Nga như quánh lại:

Tết trong Mường

(HBĐT) - Năm hết, Tết đến - đó là điệp khúc bao đời nay của dân tộc ta, mỗi người dân đều phải lo - nghĩ tới, nhất là người có tuổi, chủ gia đình, chủ cơ quan, doanh nghiệp... Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo ngày nghỉ tết Giáp Ngọ cho cả nước trong phiên họp Chính phủ vừa qua đó sao!

Lễ hội đu Vôi

(HBĐT) - Hội đu Vôi ở xã Liên Vũ (Lạc Sơn) là lễ hội cầu mùa của người dân trong xã cầu mong thần linh phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi và cho nam, nữ trong Mường, ngoài xứ có dịp gặp nhau tìm hiểu giao duyên.

Ký kết chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao trong CNVCLĐ

(HBĐT) - Ngày 27/1, LĐLĐ tỉnh, Sở VH – TT&DL tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao CNVCLĐ, giai đoạn 2014 – 2019.

Triển khai tuần phim “Mừng Đảng, mừng xuân Giáp Ngọ 2014”

(HBĐT) - Thực hiện Thông báo số 19/PHP-NVKT-TB ra ngày 20/1/2014, từ ngày 25/1 đến ngày 10 Tết Giáp Ngọ (trừ ngày 29, 30/1 và mùng 1 Tết, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng triển khai tuần phim “Mừng Đảng, mừng xuân Giáp Ngọ 2014”.

Bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể mo Mường

(HBĐT) - Mo Mường là giá trị văn hóa phi vật thể quý báu của người Mường Hòa Bình. Đây được coi là một hiện tượng văn hóa đặc sắc của người Mường đã được bồi đắp, gìn giữ từ lâu đời và được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đồng thời được sáng tạo không ngừng cùng với tiến trình phát triển của dân tộc. Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), hiện nay, tỉnh ta đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di sản mo Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục