(HBĐT) - Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, những người lính cầm súng trực tiếp chiến đấu của quân đội ta, mỗi người với những con đường riêng, họ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc và xây dựng lại đất nước.
Tôi có may mắn gặp và cộng tác trên lĩnh vực SX-KD với một người nguyên là chiến sĩ Điện Biên ngày ấy. Quá nửa thập niên gắn bó, phối hợp hoạt động giữa hai DN do tôi và ông đứng đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo bước ngoặt lớn cho DN, tôi đâu ngờ người Tổng Giám đốc ấy từng là một chiến sĩ - một chiến sĩ trẻ nhất mặt trận Điện Biên Phủ.
Ngày mới gặp tôi chỉ cảm nhận ở ông: một người đàn ông đứng tuổi xứ Nghệ, họ Hồ, to cao, khá đẹp trai, quảng giao, có tài kinh doanh và tài thơ phú.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, hồi đó, tôi đang là Giám đốc nhà máy giấy Hòa Bình. Nhà máy chuyên sản xuất giấy viết, giấy pơ luya đánh máy, định lượng giấy 30 - 60g/m2. Do không còn nhập được bột tẩy trắng từ phía Trung Quốc nên phải sản xuất giấy mộc, do đó, rất khó tiêu thụ, người tiêu dùng lại yêu cầu giấy phải trắng. SX-KD của nhà máy bị đình đốn, không đủ việc làm cho công nhân, phải đáo nợ, không có tiền trả lãi ngân hàng... Mặt hàng giấy pơ luya đóng từng gram được “ký gửi” tại các công ty phát hành sách các tỉnh, thành phía Bắc và cả các cửa hàng sách huyện, thị, song vẫn không bán được. Điều kiện thông tin quảng cáo hồi đó lại chưa có. Một lần vào dịp áp Tết Nguyên đán trên đường đi bán hàng về tôi dừng lại bên đường Lạc Long Quân - Hà Nội, vào vườn bích đào của một nhà dân chọn mua một cây đào tặng đối tác thì gặp một người nguyên là chiến sĩ Điện Biên nói trên. Thấy ông đứng chăm chú ngắm những khách hàng đang hối hả vào vườn chọn mua đào Tết, tôi chủ động làm quen và mời ông cùng mua. Ông cho biết, nhà máy bao bì làm hộp của ông nằm giữa làng hoa Phú Thượng kế bên, do đó, không có nhu cầu mua, chỉ đứng ngắm thôi! Chúng tôi trao nhau cacvidit và hẹn ngày gặp lại cùng bàn cách phối hợp làm ăn. Sau đó không lâu, một hợp đồng mua bán giữa nhà máy tôi với Công ty sản xuất và xuất - nhập khẩu bao bì có tên viết tắt là Peckexim được ký kết. Theo đó, để có giấy car tông bán ổn định hàng năm cho Pakexim, chúng tôi phải cải tạo máy móc, thay đổi công nghệ sản xuất để làm ra loại giấy car tông có định lượng 150g/m2 trở lên.
Mở ra hướng sản xuất mới, tôi phải đương đầu với bao trở ngại, kể cả những ý kiến không đồng thuận từ những cán bộ kỹ thuật nhà máy bởi theo họ, dây chuyền sản xuất của nhà máy là do Trung Quốc trước đây đầu tư đồng bộ, từ thiết kế, cung cấp thiết bị đến hướng dẫn thi công, lắp đặt. Biết vậy, Tổng Giám đốc Pakexim Hồ Ngọc Chương động viên, khích lệ tôi. ông bảo: “Làm kinh tế cũng như đánh giặc..., sở dĩ ta thắng Pháp ở chiến dịch Điện Biên Phủ là do cách đánh và tập hợp được sức mạnh các tầng lớp nhân dân cả nước tham gia. Người đứng đầu phải dám nghĩ, dám làm... Đó là lời khuyên nhủ, động viên mà ông đã dành cho tôi ngày ấy. Chiều hôm ấy, chúng tôi ngồi hàn huyên với nhau đến khi thành phố lên đèn, có cả câu chuyện văn chương... Lần gặp ông sau đó, tôi có khoe với ông câu chuyện bán hàng bằng thơ của tôi. Ngày đó, nhà máy phải xuống kho hóa chất Đức Giang - Hà Nội nhận xút đặc về sản xuất, trong lúc các cơ sở bao bì khu vực Hà Nội đều từ chối nhận hàng, xút sản xuất đã hết, đưa xe tải không về lấy xút sẽ lãng phí. Tôi đã gọi cho chủ một cơ sở sản xuất bao bì 27/7 ở Ngã Tư Vọng là chị Kim Anh “Bây giờ mận mới hỏi đào/ Cái kho giấy cuộn (car tông) còn vào được không?”. Thế là chị Kim Anh phá lên cười và ok, ông Chương đế luôn “Đó là sức mạnh thơ ca đấy ông ạ!”.
Trở lại câu chuyện sản xuất giấy car tông tại nhà máy chúng tôi, chỉ sau chưa đầy 3 tháng, những lô hàng đầu tiên đã ra đời và được khách hành ưa chuộng, bởi nguyên liệu sản xuất của nhà máy giấy Hòa Bình sản xuất ngày ấy là nứa vùng Tân Lạc, Đà Bắc, Mai Châu, thớ sợi dài rất phù hợp với sản xuất giấy car tông, Công ty Pakexim là khách hành chủ yếu của nhà máy. Đầu vào, đầu ra ổn định, SX-KD có hiệu quả đã tạo ra một giai đoạn làm ăn thịnh vượng nhất trong lịch sử nhà máy, Công ty Pakexim cũng bớt phải nhập car tông. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Nếu không có cuộc gặp với ông Hồ Ngọc Chương ngày ấy thì nhà máy của chúng tôi sẽ ra sao? Những lần tổng kết năm, chúng tôi đều có nhau, đặc biệt là những buổi tổng kết ở Pakexim đều mời các văn nghệ sĩ nổi tiếng đến ngâm thơ hoặc trình diễn các bài hát phổ thơ của Tổng Giám đốc Hồ Ngọc Chương. Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha đã viết: “Quả tim Hồ Ngọc Chương vừa hồn nhiên, vừa nhạy cảm. Bảo là anh đa cảm, đa tình, đa đoan trong tứ, hay duyên, hay phận trong từ, ở mọi phía vẫn là nhịp đập khác thường ở một người ngỡ có thể khô khan suốt đời giữa những con số của kinh doanh. Không biết trong thương trường những nhà kinh doanh giỏi nhất lại là những nhà lãng mạn?” (Lời bạt cho tập thơ Hoa dại của Hồ Ngọc Chương - Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 1999).
Hồ Ngọc Chương không quen nói về mình trước người khác nhưng tự những bài thơ của ông đã nói nhiều điều về ông. Nhiều năm cộng tác với ông trong hoạt động SX-KD nhưng mãi tới cuối năm 90 của thế kỷ trước, khi tôi đã chuyển sang làm công tác quản lý ngành công nghiệp tỉnh, qua lời tựa của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho tập thơ Hoa dại của ông và từ các bài thơ trong tập, tôi mới biết Hồ Ngọc Chương là một chiến sĩ Điện Biên trẻ nhất (15 tuổi), chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Bài thơ “Đồng đội” dành tặng cho hương hồn, bạn chiến đấu của tôi ông viết: “Anh ngã xuống rồi/ Giữa đạn bom khói lửa/ Không bao giờ về nữa/ Tôi ôm chặt lấy anh...” và đoạn kết “Bên mộ anh chiều nay/ Một nén hương tôi thắp/ Mà con tim đau thắt/ Anh ơi - Anh biết không?” tác giả ghi viết năm 15 tuổi - Mường Lay 1954. Bài thơ “Gửi mẹ” ông cũng ghi chú bài này viết lúc 15 tuổi trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Sau này khi đất nước đã yên bình, trong một dịp trở về Tây Bắc ông có bài thơ “Dọc chiến trường xưa”, bài thơ có đoạn: “Tôi trở về đây Tây Bắc ơi/ Màu xanh sắc lá vẫn xanh trời/ Vẫn đường xưa ấy đường ra trận/ Đung đưa lan nở ngát thơm tươi...” và “Vượt thác sông Đà mải miết trôi/ Lơ thơ lán thợ mấy chân đồi/ Chợ Bờ, suối Rút phà qua lại/ Bến trắng hoa lau rộn tiếng cười...”. Trong một lần ông thăm nhà máy, tôi có mời ông xem các tiết mục do đội văn nghệ Công ty du lịch Hòa Bình biểu diễn, ông rất phấn khích, đến tiết mục múa sạp, ông tham gia nhảy rất đúng nhịp, ông bảo: “Đây là tiết mục càng làm ông nhớ vùng đất Tây Bắc Tổ quốc và đêm ấy ông nghỉ lại khách sạn nhà sàn cho đỡ nhớ Tây Bắc và “Tôi trở về đây Tây Bắc ơi!”.
Con người là tổng hòa các mối quan hệ nhưng mỗi quãng đời của mỗi người do nhu cầu công việc, chúng ta phải tạm gác các mối quan hệ được coi là thứ yếu sang một bên để hoàn thành công việc do xã hội phân công. Quan hệ giữa tôi và Hồ Ngọc Chương cũng không phải là một ngoại lệ. Nhưng sau ngày về hưu, tôi thường bồi hồi nhớ về ông mỗi lần về Hà Nội. Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ về cõi vĩnh hằng, tôi có về Hà Nội để được hòa vào dòng người thương tiếc tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi không quên ghé lại ngôi nhà ở phố Lê Thánh Tông - ngôi nhà nhỏ đã đôi lần tôi đến thăm vợ chồng Hồ Ngọc Chương, qua gia chủ mới của ngôi nhà, được biết ông Chương đã mất và gia đình đã chuyển đi nơi khác.
Một ngày trung tuần tháng 3 vừa qua, tôi đến thăm gia đình ông tại nhà riêng. Bà Trần Thị Dần - một cán bộ từng công tác trong ngành thương mại đã về hưu nhiều năm, tiếp hai bố con tôi. Bà rất xúc động kể lại quá trình tham gia quân đội, theo học các trường chuyên nghiệp và công tác của chồng. Theo bà Trần Thị Dần cho biết: ông Hồ Ngọc Chương, sinh năm 1939 tại thôn Quỳnh Đôi, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đang học trường làng, mới 14 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ và năm 15 tuổi ông tham gia chiến đấu ở đơn vị E 44, Bộ tư lệnh mặt trận Điện Biên Phủ: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ông chuyển sang Trung đoàn 148 Quân khu Tây Bắc cùng đơn vị sang phía bắc nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, giúp bạn tiễu phỉ, cuối năm 1954 về nước và năm 1958 ra quân với chức Tiểu đội phó. Tiếp đó là con đường học tập của ông Chương khá gập ghềnh, trắc trở. Sau khi học xong trung cấp cơ điện, ông được cử đi học ở Trung Quốc, song ngày ấy nước bạn có cuộc cách mạng văn hóa nên ông phải về nước và học tại Đại học kinh tế quốc dân - Hà Nội. Sau một thời gian công tác ở Vụ kế hoạch, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), ông được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc Pakexim và nghỉ hưu tại đó năm 2001, lúc ông đã 62 tuổi. Nghỉ hưu, ông là người sáng lập Hiệp hội bao bì Việt Nam, do ông làm tổng thư ký. Nhưng một căn bệnh quái ác đã ập đến, ông mất năm 2007, giữa ngổn ngang ý định chung - riêng.
Nhân dịp về Hà Nội lại đang giữa ngày xuân, tôi trở lại đường Lạc Long Quân - nơi tôi ghé lại mua đào Tết và đã gặp ông Hồ Ngọc Chương lần đầu, cách đây trên 20 năm. Mùa bích đào đã qua, nơi đây đã sừng sững mọc lên một ngôi nhà cao tầng có tên Hoa đào HOTELL. Nhà máy làng hoa ngày ấy đã chuyển về một khu công nghiệp ở phố Nối, tỉnh Hưng Yên. Trên khu đất của Công ty Pakexim ở Phú Thượng đã hình thành một dự án nhà ở cao cấp của thành phố Hà Nội. Người chiến sĩ trẻ nhất mặt trận Điện Biên Phủ, người Tổng Giám đốc Pakexim ngày ấy thay vì nằm lại khu A nghĩa trang Văn Điển, vợ con ông đã đưa ông lên nghĩa trang vĩnh hằng mạn xứ Đoài dưới chân núi Ba Vì sừng sững cuối trời. Phía ấy có con đường 6 ngược lên Tây Bắc, những ngày này, nhiều đoàn xe chở khách thăm quan đang hướng lên phía Điện Biên, lễ hội kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã bắt đầu. Chỉ tiếc rằng, trong đoàn người ấy không có mặt người chiến sĩ trẻ nhất mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa.
Tôi xin mượn một đoạn tùy bút của nhà văn Đỗ Chu trong tập tùy bút “Chén rượu gạn đáy vò” để thay lời kết cho bài viết này “Tất cả vẫn đang không ngừng biến hiện, tất cả vẫn đang có từ cái nọ nhòa vào cái kia mà thôi chứ chẳng phải biến mất. Trong sự biến diễn triền miên ấy của muôn loài, chỉ riêng con người khi biến đi vẫn để lại bóng hình, cái bóng xấu và đẹp, bóng xấu là họa, bóng đẹp là phúc. Bóng đẹp còn sống mãi trong tâm thức mỗi người, ta gọi đó là sự bất diệt, là cái chết mọc cánh, nó mang đến cho cánh đồng tinh thần đám đông ở lại ngày càng giàu có sức sinh sôi”. Đối với tôi Hồ Ngọc Chương mãi là một bóng đẹp.
Bút ký của Đinh Đăng Lượng
(HBĐT) - Ngày 8/4, Sở LĐ, TB & XH tổ chức sinh hoạt định kỳ “mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”. Tham dự có đại diện Sở LĐ, TB & XH, huyện Kỳ Sơn và đông đảo người dân xã Mông Hoá.
(HBĐT) - Tháng 3, hoa ban nở trắng trên khắp các sườn núi. “ở Tây Bắc, chẳng có loài hoa nào đẹp và thuần khiết như hoa ban trắng”, trước chuyến công tác lên Điện Biên đồng chí Đinh Văn Ổn, TBT Báo Hòa Bình vừa như chia sẻ lại vừa khơi gợi sự tò mò đầy cuốn hút đối với những người chưa từng được gặp một mùa hoa ban khoe sắc. Với cung đường Tây Bắc có lẽ sức hút của mỗi chuyến đi chính là hoa ban. Còn chúng tôi, tháng 3 của 60 năm trước, những chàng trai, cô gái trên đường ra trận trong mùa chiến dịch. Đó cũng là mùa hoa ban đẹp nhất của miền viễn Tây.
(HBĐT) - Có một điều mà cho đến bây giờ vẫn còn ít người biết, vào khoảng tháng 3/1953, để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, tại Đồng Tưa, xóm Cửa Lũy, xã Đoàn Kết (Yên Thủy), bộ đội ta đã tổ chức huấn luyện bắn đạn thật những khẩu sơn pháo mà sau đó những khẩu sơn pháo này được đưa tới Điện Biên Phủ trút “bão lửa” xuống đầu quân đội Pháp ở cánh đồng Mường Thanh...
(HBĐT) - Cuối tháng 2, huyện Lạc Thủy phấn khởi đón nhận bằng di tích cấp quốc gia do Bộ VH-TT&DL công nhận quần thể hang động núi Niệm tại xã Phú Thành. Quần thể di tích này có đủ các loại hình bổ trợ cho nhau, từ tín ngưỡng đến văn hóa, khảo cổ và thắng cảnh.
(HBĐT) - Sáng 3/4, tại Chùa Phật Quang (đồi Ba Vành, Phường Tân Thịnh, TP Hoà Bình), Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm Đại lão Hoà thượng Thích Trí Tịnh. Tham dự có hàng nghìn tăng ni, Phật tử đến từ các tổ phật giáo trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh.