Tôi đã từng đắm mình trong dòng nước sông Đà. Con sông huyền thoại mà khi nhìn từ trên cao, mùa này là dải lụa đỏ, mùa kia lại là chiếc khăn xanh. Nhưng khi màu xanh biếc ấy thấm vào đường gân, thớ thịt mới thực sự cảm nhận hết được. Chớm đông. Mùa này ngược sông Đà nhìn bãi bờ yên ả lắm dẫu vẫn có những ngày mưa, lũ cuốn ầm ào. Những bãi ngô thu gối vụ trầm mặc trên bến sông trước khi bước vào mùa rét vắng tay lay lắt những bến đò. Ngược sông Đà giờ đã có những chuyến tàu du lịch sang trọng ghé thăm những điểm tham quan thú vị. Nếu ngày xưa, khi chưa có đập thủy điện, dòng sông hung hãn, nước lên tới đâu, làng mạc, nhà cửa, ruộng vườn phải lên tới đó thì ngày nay, dòng nước hiền hòa đưa chân con người tới các miền văn hóa của nhiều dân tộc.

Từ phía thành phố Hòa Bình ngày nay (xưa vẫn thuộc Bất Bạt, Sơn Tây) là phố Thái với bao câu chuyện thú vị. Con phố nhỏ nằm ven sông này là nơi Việt kiều ta ở Thái Lan về nước lập phố. Giờ đây, trên làn nước xanh mơ màng sương khói se lạnh, gặp khi những mẻ cá nướng vừa độ vàng ươm trên than hồng, khói thơm hòa vào khói sóng. Ngồi nhâm nhi chén rượu quê ấm nồng cùng thưởng thức những con cá sông nướng mới thấu hiểu hết câu chuyện thuở nào bà con lập nghiệp với nghề chài lưới nơi đây. Tất cả đều mới mẻ, ngỡ ngàng. Ngày đó, phố vắng đến mức nghe rõ tiếng cá quẫy trong lưới, giờ ồn ã, đông vui.

 

Ngược lên một quãng sông nữa ta bắt gặp thành phố mơ màng trong sương. Nơi đây, một thời như còn âm vang tiếng nổ mìn phá đá ngăn sông, bạt núi làm nên “dòng than bạc” thắp sáng cả nước. Giờ những xóm công nhân dựng tạm bằng nhà cấp 4 lợp ngói đã biến mất dần, thay bằng những ngôi nhà khang trang hơn. Vậy mà khi ngược lên bờ, hỏi đường, những người dân hiền lành xởi lởi vẫn được nghe họ chỉ đường bằng những cái tên quen thuộc, nào là dốc Năng Lượng, Trạm Trộn, ngõ Thủy Công, đường Công Nghiệp II... Những cái tên tổ, đội công nhân từng một thời kiên gan lấy sức người thay cho sự thiếu thốn của thiết bị, máy móc. Đêm đêm, qua những khu tập thể ấy vẫn thấy văng vẳng tiếng ghi ta của những bài hát về mảnh đất “Mường hoa” bên dòng sông Đà.

 

Hai bên bờ sông Đà còn bao câu chuyện thú vị níu chân du khách. Nhớ một thời đầm Quỳnh Lâm rộng lớn trải rộng nhiều phường, xã ngày nay đã từng là nỗi kinh hãi cho đám lính Pháp đồn trú khi xưa. Mãi gần đến cuối thế kỷ trước, người dân vẫn còn bắt được con ba ba to lớn sau này được ướp xác lưu giữ trong Bảo tàng tỉnh. Trong khi, bên bờ trái là dấu tích dãy nhà tù mà người Pháp xây dựng để giam cầm những người yêu nước. Bên núi Đúng trầm tư, những tòa nhà công sứ, trường học dần thay thế cho những công trình mới nhưng vẫn còn đó cảnh sắc của một xã Hòa Bình nguyên sơ nơi gốc gác của tên tỉnh lỵ suốt hơn trăm năm qua.

 

Nhưng sông Đà còn một khúc cổ xưa nằm dưới lòng hồ mà chỉ có thể cảm nhận được khi ngược lên đất Bình Thanh với làng Mường ở Giang Mỗ. Một thời bến sông cổ xưa đã đưa những người lữ khách Hà thành lên miền thượng. Bên quán nước bến sông còn nghe cụ già mái tóc bạc như cước kể câu chuyện về người anh hùng Cù Chính Lan diệt xe tăng Pháp, những chiến công quả cảm của du kích một thời.

 

Ghé qua những ngôi nhà sàn cổ được lưu giữ trong các Bảo tàng Không gian văn hóa Mường ở nơi đây mới thấy hết những giá trị văn hóa đằm sâu trong tín ngưỡng, cách ứng xử văn hóa. Những chiếc sừng trâu lên nước bóng dùng để chế nước vào vò rượu cần, những màn thang nhẵn bóng dấu chân người, bao cồng chiêng ngân vang âm hưởng trầm hùng...

 

Thế rồi chúng tôi lại lên thuyền ngược sông Đà từ phía trên đập thủy điện. Nếu ở dưới kia Đà Giang mang vóc dáng một dòng lững lờ trôi thì phía trên này lại mênh mang sông nước. Những chóp núi một thời cao vời cánh chim giờ thành những chấm đảo nhấp nhô trên con sóng. Trên đó là đảo Dừa xinh xắn, các bến sông Thung Nai, Hiền Lương thơ mộng như trong tranh vẽ.

 

Những du khách cần tìm đến sự thanh thản, tĩnh tâm không quên ghé vào động Thác Bờ nơi thờ Bà Chúa thượng ngàn có công giúp vua Lê Lợi dẹp loạn phương Bắc. Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân, du khách bốn phương lại lên đây để cầu mong sự bình yên, may mắn đến với gia đình mình và vãn cảnh nước non tươi đẹp.

Một trong những món ngon đáng nhớ trong chuyến du ngoạn vùng lòng hồ là món cá sông Đà. Nếu như dưới hạ lưu chỉ lác đác những hàng bán cá nướng, trên lòng hồ, cá nhiều vô kể. Từ những người dân quen đi rừng săn bắn, đào củ sau hai thập kỷ nước hồ dâng, họ đã trở thành những chủ nhân đích thực của sông nước. Nhìn những bè cá giăng trên mặt sông, mẻ cá về lấp lánh dưới ánh đèn trong đêm cá bạc mới thấy cuộc sống người dân nơi đây đã dần ấm no, sung túc bằng sự đổi thay, thích nghi ấy.

 

Thế rồi thuyền lại ngược lên phía Mai Châu, Sơn La và xa hơn nữa, sông Đà mùa này, nước vẫn xanh miên man như ký ức. Một ký ức mới cũ đan xen bình yên và trữ tình.

 

 

 

                                            Tản văn của Bùi Việt Phương

                                        (Tổ 4, P. Thịnh Lang, TP. Hòa Bình)

 

 

 

Các tin khác

100% xóm, xã của TP Hòa Bình đều có đội văn nghệ tuyên truyền. Ảnh: Tiết mục của đội văn nghệ xã Dân Chủ trong lễ công bố xã Dân Chủ đạt chuẩn NTM.
Ở quê nhà, sách, thơ ca, văn chương vẫn luôn là mối quan tâm của nhà thơ Nguyễn Tấn Việt mỗi ngày dù tuổi tác khiến ông không còn nhanh nhẹn như xưa.
Không có hình ảnh
Nhà văn hóa xã Liên Sơn được đầu tư 3 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ  đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân trên địa bàn.

Văn nghệ truyền thông “Dân vận khéo trong xây dựng Nông thôn mới”

(HBĐT) - Tối 16/12, tại xã Kim Tiến, huyện Kim Bôi, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh đã tổ chức chương trình văn nghệ truyền thông “Dân vận khéo trong xây dựng Nông thôn mới”. Tham gia đêm giao lưu có các đơn vị LĐLĐ tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh đoàn thanh niên và huyện Kim Bôi.

Để di sản văn hóa vật thể mãi trường tồn

(HBĐT) - Là cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình, hiện trên địa bàn tỉnh ta còn 295 địa chỉ di tích. Trong đó 41 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh. Đây là loại hình văn hóa phi vật thể có giá trị hết sức lớn lao cần được gìn giữ, bảo vệ nhưng bấy lâu nay chưa được chăm lo đúng mức, xứng tầm.

Toạ đàm tăng cường công tác phối hợp quảng bá du lịch

(HBĐT) - Chiều 14/12, Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức toạ đàm công tác phối hợp quảng bá du lịch. Tham dự có các đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở VH-TT&DL và gần 50 phóng viên của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Truyện Kiều trên đường giao lưu quốc tế

(HBĐT) - Quá trình tìm hiểu kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du (1766-1820) đã đạt nhiều thành tựu, trong đó điểm quan sát từ phương hướng nghiên cứu phiên dịch học lịch sử - văn hóa đã có quá trình phát triển lâu dài và ngày càng trở nên quan trọng.

Tổng kết 5 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”

(HBĐT) - Ngày 10/12, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và 10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đến dự có đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh uỷ, các đồng chí lãnh đạo đại diện lãnh đạo Văn phòng TT BCĐ Trung ương, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo tỉnh và các huyện, thành phố. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào chủ trì hội nghị.

Khai mạc trại sáng tác văn học Hoà Bình năm 2015

(HBĐT) - Ngày 6/12, tại thành phố Hoà Bình, Hội Văn học nghệ thuật Hoà Bình phối hợp với Tuần báo văn nghệ (Hội nhà báo Việt Nam) tổ chức khai mạc trại sáng tác văn học Hoà Bình năm 2015 với chủ đề “Đất nước đổi thay – Con người đổi mới”. Đến dự có các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở VH-TT&DL, Hội nhà báo Việt Nam và trên 30 trại viên là những nhà văn đến từ các tỉnh phía Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục