Tham gia trekking tour, du khách được thưởng thức hương vị rượu cần nồng ấm và đón nhận lòng mến khách của người dân bản Lác - Mai Châu.
(HBĐT) - Trekking tour - tour du lịch đi bộ không còn xa lạ với du khách trong và ngoài nước khi đến với Hòa Bình. Trekking là tổng hợp của niềm đam mê chinh phục thiên nhiên, yêu thích khám phá, thể thao, ưa mạo hiểm và hơn hết là cảm giác tìm lại chính mình. Những chặng đường trekking thường rất hoang dã nhưng cũng nhiều thú vị bất ngờ. Phượt thủ ưa mạo hiểm, thích khám phá rất thích loại hình trekking tour vì đây là cơ hội rèn luyện thân thể, hòa mình vào thiên nhiên hoang dã và có những cảm nhận mới lạ về cuộc sống, con người nơi bước chân mình đi qua.
Ở tỉnh ta, trekking tour được hình thành từ năm 1993 và chủ yếu tập trung ở Mai Châu. Đầu tiên phải kể đến là tuyến đi bộ Mai Châu - Hang Kia - Pà Cò - Cun Pheo. Tiếp đến là tuyến đi bộ Mai Châu - Pù Luông (Thanh Hoá) và tuyến Bản Tớn (xã Nam Sơn - Tân Lạc) - Pù Luông (Thanh Hoá) - Mai Châu; tuyến bản Lác - Chiềng Châu - Tiền Phong - Mai Hạ - Mai Hịch; tuyến TT Mai Châu - Noong Luông - Pù Bin; tuyến TT Mai Châu - xóm Nhót - Nà Phòn - Nà Mèo - xóm Xô... Và điểm nhấn của trekking tour Hòa Bình là tuyến đi bộ xuyên rừng Pu Canh - khu bảo tồn thiên nhiên thuộc địa phận 4 xã: Tân Pheo - Trung Thành - Đoàn Kết - Đồng Chum (Đà Bắc). Các tuyến đi bộ này đã thực sự tạo được dấu ấn riêng cho du lịch Hoà Bình.
Hòa mình cùng mẹ thiên nhiên
Nếu được nhiều lần trải nghiệm trekking tour ở thung lũng Mai Châu, cảnh sắc từng thời điểm sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị về mảnh đất nơi đây. Mùa xuân ở Mai Châu tuyệt đẹp với hoa nở rực rỡ khắp các con đường, triền núi, sườn đồi, nắng dát vàng trên những tán cây, gió vi vu qua những cánh đồng xanh mát. Đặc biệt vào dịp cận Tết Nguyên đán, Mai Châu ngập tràn sắc đào, sắc mận. Vào cuối xuân thì núi rừng lại được thay áo mới bằng sắc ban trắng tinh khôi. Mùa hè, Mai Châu như được nhuộm xanh bởi những vườn chè, nương lúa, ngô. Cuối thu rực rỡ sắc vàng của những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín. Sắc vàng óng xen lẫn trong những nếp nhà sàn và phủ kín các triền núi, sườn đồi hút hồn du khách.
Trải nghiệm cùng trekking tour xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) du khách có dịp tìm hiểu về nét sinh hoạt văn hóa của người dân tộc Mường. (Ảnh: Hồng Duyên)
Lần đầu tham gia trekking tour, chúng tôi chọn cung đường khám phá vừa sức là Mai Hịch - bản Dến - bản Ngõa - bản Sun - bản Muối - bản Bước (xã Xăm Khoè - Mai Châu) dài gần 10 km. Buổi sớm ở Mai Hịch thật trong lành và yên tĩnh, khi những tia nắng sớm mai len qua kẽ lá là lúc chúng tôi chuẩn bị cho xuất hành. Để đến với bản Bước, chúng tôi phải đi men theo con đường bê tông tuy không rộng nhưng bằng phẳng dễ đi. Cái thú khi đi bộ xuyên bản đó là được men theo con đường uốn lượn, hai bên là cánh đồng rộng, xa xa thấp thoáng mái nhà sàn dưới chân núi, một cảnh sắc bình yên đến lạ. Bất cứ khi nào bạn đến đây, tất cả căng thẳng, thất vọng hay lo âu của cuộc sống bận rộn dường như bị lãng quên khi hoà mình vào khung cảnh hùng vĩ của núi rừng nhiệt đới, những vẻ đẹp thanh bình của nông thôn miền núi. Tour Mai Hịch - bản Bước sẽ kém thú vị nếu chúng ta không đến thác Pùng. Men theo con đường trâu đi dài 2 km, đường lên thác thật sự gây khó khăn đối với những người có ít kinh nghiệm như tôi. Đó là con đường mòn trơn trượt, dốc cao, có những chỗ vừa đi, vừa phải vạch bụi cây tìm lối. Chỉ với 2 cây số nhưng cũng mất khá nhiều thời gian, công sức của cả đoàn. Nhưng vẻ đẹp của thác Pùng đã thuyết phục bất cứ ai đã trót bỏ công sức để chinh phục. Với tôi, thác Pùng đẹp không kém gì thác Dải Yếm ở Mộc Châu (Sơn La). Ngay dưới chân thác, có những phiến đá phẳng, rộng để du khách ngồi nghỉ ngơi, thư giãn, nhâm nhi tách cà phê được pha từ nước nấu bằng ống vầu. Thú vị hơn nữa, các phượt thủ còn có cơ hội trèo bè mảng trên dòng suối Xia. Trở về bản Bước khi mặt trời đã đứng bóng, chúng tôi kết thúc cuộc hành trình trọn vẹn bằng bữa cơm trưa với những món ăn truyền thống đậm hương vị của người Thái Mai Châu.
Với bạn trẻ ưa mạo hiểm, khám phá thì trekking tour xuyên rừng Pu Canh là một trải nghiệm để đời. Tuyến đường thực sự là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Từ ngã ba xóm Chàm (Tân Pheo), du khách bắt đầu đi bộ xuyên rừng khoảng 3 - 3,5 giờ vào xóm Thùng Lùng (Tân Pheo) ăn tối và nghỉ đêm tại đây. Sáng ngày thứ 2 du khách từ bản Thùng Lùng đi xuyên rừng khoảng 3 - 4 giờ sang bản Nhạp II (Đồng Chum), ăn trưa, nghỉ ngơi rồi thăm quan cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong một tour ngắn. Sang ngày thứ ba, từ Nhạp II đến Thẩm Luông (Đoàn Kết) được xem là đoạn đường đi bộ đẹp nhất, thú vị nhất. ở đây, du khách mới thực sự bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu, mạo hiểm với dốc cao, rất cao và hiểm trở. Từ trên đỉnh Bưa Phay ở độ cao 700 - 800 m đã là một thế giới khác. Khi mà ở đó, giữa mênh mông đất trời, rừng núi - ngọn nguồn của núi rừng Pu Canh được khám phá. ở độ cao này có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi vòng gốc to bằng 2 - 3 người ôm, cao hơn nữa là rừng thông thẳng tắp. Con đường từ Bưa Phay về Thẩm Luông vẫn còn dài, khó khăn nhưng trên dọc tuyến đường, vừa đi, vừa khám phá sẽ cuốn hút các phượt thủ để mà quên đi mệt nhọc hiện tại.
Khám phá cuộc sống của người dân bản địa
Nhiều người nói khám phá rừng Pu Canh là hành trình 3 trong 1 bởi lẽ đây không chỉ là thước đo thử thách bản thân, khám phá thiên nhiên kỳ thú mà còn trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa. Bản Nhạp là bản người Tày hiện nay vẫn còn lưu giữ được những nếp sống xưa cũ trong sinh hoạt thường ngày. Buổi tối du khách sẽ được tham gia chương trình văn nghệ do chính người dân biểu diễn. Cùng uống rượu cần, nghe cồng chiêng âm vang núi rừng và cùng biểu diễn văn nghệ với những người dân hiền lành, chất phác, nhiệt thành. Tiếp đến là điểm dừng chân với vô vàn điều mới mẻ từ cuộc sống sinh hoạt của đồng bào người Dao xóm Thẩm Luông. Với người Dao nơi đây, hầu như các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc vẫn còn được giữ nguyên vẹn trong mỗi nếp nhà. Chẳng có gì thú vị hơn khi giữa núi non trùng điệp, tự mình đi chặt nứa, nổi lửa lam cơm, nướng thịt.
Với trekking tour ở Mai Châu - huyện có gần 60% dân số là người Thái, lên đây chúng ta sẽ được cùng sinh hoạt theo văn hóa của đồng bào Thái. Các tour đi bộ qua các bản người Thái thường kéo dài trong 1 - 2 ngày, có khi là 3 - 4 ngày, nên trong khoảng thời gian đó, du khách sẽ được cùng ăn, cùng làm việc với người dân địa phương. Anh Vì Văn Hưởng, hướng dẫn viên du lịch xã Mai Hịch cho biết: Tùy thuộc vào sở thích của từng du khách để lựa chọn loại hình trải nghiệm phù hợp với mình. Có người muốn gặt lúa, tuốt lúa, có người lại muốn lên nương, hái rau, quả rừng và nhiều công việc đồng áng thú vị khác.
Tại các điểm dừng chân nghỉ ngơi, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống. Nếu buổi sáng xuất phát tại bản Lác sẽ được thưởng thức món nếp nương, khoai mặt quỷ, trứng gà, cùng với đó là các món ăn cho một số du khách như bánh mỳ bơ, bánh cuốn... Buổi trưa, buổi tối hầu hết tại các bản làm du lịch đều có món xôi nếp, gà nấu măng chua, cá đồ, rau rừng đồ, lợn bản hấp theo hương vị đặc trưng của người Thái. Khi màn đêm buông xuống, bạn có thể tham gia nhiều hoạt động tập thể như đốt lửa trại, nhảy sạp, cùng hòa mình vào những vũ điệu sôi động, giao lưu văn nghệ dân tộc Thái, nướng ngô, khoai, thưởng thức hương vị rượu cần ấm nồng bên ánh lửa bập bùng. Nghỉ đêm tại đây, các bạn sẽ được nghe về những câu chuyện về bản, biết được phương pháp ủ rượu, thưởng thức một chén rượu như một lời chúc sức khỏe và hạnh phúc.
Nếu lên với Hòa Bình đừng bỏ qua những điều thú vị của trekking tour xuyên rừng, xuyên bản. Đây sẽ là trải nghiệm thú vị và khó quên về mảnh đất, con người nơi đây.
Hồng Nhung
(HBĐT) - Từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, cần mẫn của người con gái Thái Mai Châu, mỗi tấm thổ cẩm ra đời như ẩn giấu trong đó cả sắc hương của núi rừng.
(HBĐT) - Dân tộc Mường có nền văn hóa phong phú và đặc sắc, đậm đà bản sắc từ lâu đời. Đối với tỉnh Hòa Bình, dân tộc Mường có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa và các mặt khác. Người Mường và văn hóa Mường ở Hòa Bình luôn được coi là trung tâm của dân tộc Mường cả nước với 4 Mường chính: Bi, Vang, Thàng, Động. Trong xu thế hội nhập hiện nay rất cần có một bộ chữ Mường thống nhất để bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường. Cụ thể là ghi chép văn hóa Mường, trong giáo dục tiếng Mường, trong phát thanh và truyền hình bằng tiếng Mường tại tỉnh Hòa Bình.
(HBĐT) - Nghi lễ hầu đồng còn gọi là Chầu văn, hát bóng đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là một trong 33 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghi lễ Chầu văn được xếp vào loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, thuộc địa bàn 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam. Ngày nay, nghi lễ Chầu văn (hay còn gọi là hầu đồng) được tổ chức, diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh phía Bắc.
(HBĐT) - Có một điều đặc biệt, trong số hàng chục nghìn cổ vật được sưu tầm, khai quật và lưu giữ qua các thời kỳ, tỉnh ta có một cổ vật đã vinh dự được công nhận là bảo vật quốc gia. Đó là chiếc sanh đồng cổ Mường Bi.
Tại phòng trưng bày “Di sản văn hóa tỉnh Hòa Bình và cổ vật tiêu biểu Mường Động” do Sở VH-TT&DL phối hợp với UBND huyện Kim Bôi tổ chức mới đây tại nhà văn hóa xóm Sào Bắc, xã Sào Báy có gần 300 tài liệu, hiện vật độc đáo của tỉnh Hòa Bình và huyện Kim Bôi. Trong đó có các cổ vật được giới khảo cổ đánh giá là “độc nhất vô nhị”, đang chứng tỏ sức sống mãnh liệt trong tâm thức và đời sống tâm linh của đồng bào nơi đây.
(HBĐT) - Tháng Tám lịch sử, cùng với triệu triệu trái tim trên mọi miền Tổ quốc, tôi hướng sự quan tâm đặc biệt đến sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào và cũng là kỷ niệm 70 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Tân Trào - Tuyên Quang những ngày này thật rực rỡ, trang trọng và căng tràn hào khí của hồn thiêng sông núi. Những hình ảnh đẹp đó cứ mãi khắc sâu trong tâm trí, hối thúc con tim, khối óc và đôi chân tôi về lại nơi khởi nguồn cách mạng này.