Thành quả của ông Viên, phường Tân Thịnh (TP?Hòa Bình) là mấy kg cá vền sông.

Thành quả của ông Viên, phường Tân Thịnh (TP?Hòa Bình) là mấy kg cá vền sông.

(HBĐT) – Sông Đà mênh mang trải dài và rộng lớn cả ở thượng lưu và hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình là nỗi khát khao, hứng thú bất tận của dân câu. Từ chỗ tò mò theo chân các “bậc tiền bối”, rồi nghiện và đam mê, anh Minh đã trở thành dân câu đích thực trong làng câu Hòa Bình. Vẻ thư sinh ngày nào được thay thế bằng nước da nhẻm sông nước. Ngoài giờ làm việc, hầu như anh dành trọn thời gian cho thú câu cá dưới hạ lưu thủy điện.

 

   Mấy đêm nay, tìm được bãi đáp của cá (điểm câu), anh Minh trúng lớn, có đêm tới cả nửa tạ mè sông, còn mươi cân trôi, nheo, vền là chuyện thường khiến dân câu bồn chồn. Đã là dân câu, ngày nào không ra sông Đà nhìn không gian sóng nước lan tỏa, ngửi hơi nước nồng nồng,  buông cần thả câu là đứng ngồi không yên. Người có thời gian câu cả ngày, người lại lượn ra sông câu vài tiếng, người dành trọn cả đêm để săn cá. Đều đặn cả tháng nay, cơm nước xong xuôi, anh Minh chuẩn bị đồ nghề, xuất phát từ 9 giờ tối và câu đến gần sáng mới thỏa chí. Anh bảo: Sông Đà là nơi hội tụ của dân câu. Câu đêm thú vị chẳng kém ban ngày. Không giống ban ngày có thể nhìn thấy cước rít, phao đưa khi cá đớp. Câu đêm cần phải có chuông, phao điện và chỉ quản lý được khoảng 3 - 5 cần. Có đêm rét mướt, một mình quấn chăn, nằm nghe cá đớp mà chẳng cắn tức ghê. Đêm trước, đổi trời, cá cắn liên tục, chuông reo tíu tít, phao điện chập chờn, có phát gập cả đầu cần, kiếm được kha khá. Anh vớ cả tạ mè. Loại từ 1,5 - 2 kg làm gỏi miễn chê. Chuyện câu, thú câu lãng đãng đổ về theo con nước sông Đà. Câu cá không nhất thiết vì cá to, cá lớn, cá nhiều mà còn là sự chinh phục bản thân, thi gan với độ lỳ của cá, chinh phục những chú cá, đàn cá ngày càng ma mãnh.

 

    Đối với dân câu đích thực ở sông Đà phải hội tụ được 3 yếu tố. Thứ nhất về đồ nghề, thứ hai là kỹ thuật làm mồi và cuối cùng là độ lỳ. Đẳng cấp dân câu không phải là các loại dụng cụ câu cá, bộ đồ nghề câu đắt tiền và thương hiệu mà là thành tích câu được cá to, cá quý. Thế nên chẳng ai so bì cần câu là đồ Nhật, châu Âu hay Trung Quốc hoặc gia công tại Việt Nam. Người sử dụng bát cước, cần tre theo truyền thống. Người thích cần Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, người dùng lưỡi ngoại rồi  các loại mũ, ô, dụng cụ hỗ trợ câu như đáp (lưỡi ba cạnh để kéo cá), túi lưới đựng cá, nước uống, bánh mỳ, lương khô... Bên cạnh đó, cần trang bị những kỹ thuật về nghề câu để câu được  cá to và nhiều cá. Không đam mê thì không câu được cá sông Đà. Đam mê mới có thể đầu tư làm đồ câu. Đam mê mới có thể làm các loại mồi câu. Không giống như ở các ao, hồ thủy lợi, cá sông Đà ngày càng khôn và lỳ lợm. Cá nhiều nhưng làm sao để cá cắn là một kỳ công đối với dân câu.

 

Ông Trường ở phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) vừa buông câu đã “kiếm” được con trôi gần 1kg.

 

   Dân câu chuyên nghiệp ít ai cần dùng tới lưỡi mua đã buộc sẵn mà phải tự làm. Tùy theo các loại hình câu mà cách thức buộc lưỡi khác nhau, nhưng luôn đòi hỏi tỷ mỷ và kỹ thuật. Chẳng hạn buộc lưỡi câu mè thành từng chùm, phải là lưỡi ngoại, cước trong suốt, độ cứng vừa đủ, cước dai và không xoắn hình lò xo và đốc lưỡi phải có một chút lông gà hoặc sợi nilon tẽ nhỏ để khi cá đớp sẽ bắt ngay. Hay mồi câu giả để câu cá thiểu, măng, chày, mương cũng phải tự chế. Phải tìm những cánh lông gà mềm như tơ và có sức dai, phải là loại gà trống mào đỏ, lông óng ả trau chuốt từng tý một để cá tưởng là cá con lao vào đớp. Rồi mồi câu thì phải kỹ thuật vô cùng. Nào mẻ, nào cơm nguội, lá sắn, lá rau muống, lá cải, nào nuôi giun quế, giun đất, bột mỳ, bơ, sữa, cám chim, quyền râu, định hồng điều... Người đến tận những khu rừng, núi đào tổ mối hoặc chờ trời mưa rào những ngày hạ sang phục kích mà bắt mối về cất bỏ tủ lạnh để câu ngạnh, câu nheo cả năm. Người đào dế, đào giun để về nuôi tích trữ dùng dần. Có người kỳ công lặn ngụp vớt rong rêu có trứng tôm trên đá về trộn mồi câu trắm, chép, rô phi. Cách thức trộn mồi mỗi người một kỹ thuật. Trộn mồi nước chảy phải thêm chút bột mì. Mồi mương thả lửng lơ giữa nước phải có độ bở tan cá mới bắt lưỡi.

 

                 Buông câu.

 

  Ông Thọ ở phường Phương Lâm câu cá đã mấy chục năm. ông biết rõ từng con nước, dòng chảy sông Đà, từng bãi cá ẩn náu, bãi cá quần đẻ. Ngày nào cũng có mặt ở hạ lưu sông Đà. Chỉ với cách câu cần tre, bát cước và làm mồi truyền thống là gián, mối, rong rêu, cơm dã, lá sắn, rau lang, rau muống xào đủ độ dai, xà lách cuốn... Thành tích câu cá của ông vẫn được dân câu bái phục. Có đận vớ cả đàn chép mấy chục con, đàn ngạnh cả yến,  con trắm đen tới cả chục cân.

 

   Câu cá sông Đà ngoại trừ hình thức câu lục vì nước chảy không đánh được, còn lại có thể áp dụng tất cả các hình thức từ lăng xê (chùm nhiều lưỡi), mồi giả, câu đơn, câu tay và phải luôn cắm cần thật chắc, bởi sơ sểnh không để ý là cá lôi mất cần. Chỉ cần con chày cỡ 2 kg là có thể lôi cần chổng vộc và bay xuống nước. ông Trương Sơn người có hàng chục năm gắn bó với thú câu cá, ngày nào cũng có mặt ở sông Đà săn cá. ông nói, sông Đà là nơi câu cá lý tưởng, tụ hội dân câu Hòa Bình. Dân câu cá có đủ các thành phần từ những người đang công tác đến những người đã về hưu, văn nghệ sỹ, học sinh... Đã bước vào nghiệp câu, chẳng thể bỏ được, tranh thủ mọi cơ hội để đi câu. Câu cá sông Đà chẳng biết thế nào mà lần. Có người ngồi cả ngày chẳng có chút mùi tanh của cá. Có người lơ ngơ như ông Thạch, ông Bình, ông Thành vừa ném mồi vài tiếng vớ được cả trắm, trôi tới 4 kg. ông Quân từ thú đam mê chơi chim mới chuyển sang câu cá cũng chịu khó tìm tòi cộng với “sự đỏ” thường cứ vài ngày lại kiếm được con nheo vài kg làm vợ mừng quýnh, hàng xóm vui lây. Chuyện được cá, mất cá sông Đà lan nhanh như gió. Đoàn câu gồm các ông Dũng, Thủy, Tiến, Xuân cứ cuối tuần lênh đênh lòng hồ bằng thuyền cũng kiếm được hàng chục kg rô phi, con nhỏ cũng dăm lạng. Sướng nhất bắt được đàn cá mè, trôi, cả nhóm câu cũng kiếm được tạ cá. Có đận về không hát nghêu ngao đỡ buồn. Có dạo cá trên hồ bơi thành từng đàn, câu mãi chẳng cắn, lừa thế nào cũng không ăn mồi, ông Viên lắp tiêu giật vu vơ thế nào mà vớ được con rô vược gần 5 kg, để đầy cả một chậu nước về làm thịt, chia ra mấy món nướng, hấp cùng rau rừng, mấy anh em hỉ hả suốt đêm. ông Hiến, mới vào nghề câu, đi câu trên mỏ Tháu thế nào lại vớ được con ba ba sông nặng tới 1,5 kg, thật là của quý trời cho. Câu cá sướng nhất là câu ở sông Đà. Còn thưởng thức cá sông Đà cũng là người biết ăn, biết chơi. Muốn thưởng thức cá sông Đà là tìm đến dân câu, đó mới là cá sông Đà đích thực. Thịt cá trắng, thơm, mềm, nấu không tanh, ăn ngọt lịm đầu lưỡi chẳng thể quên được. Chẳng tính các loại cá đặc sản như chiên, lăng, quất, lươn, trạch, ba ba sông, ngay cả những loại cá phổ thông như mương, măng, chày, thiểu, vền dễ tìm, dễ bắt vừa sạch lại thơm chế biến món nướng, gỏi, làm chả cá, cuốn lá bưởi cũng để lại dư âm vô cùng hấp dẫn.

 

 

                                                                                Lê Chung

 

Các tin khác

Tham gia trekking tour, du khách được thưởng thức hương vị rượu cần nồng ấm  và đón nhận lòng mến khách của người dân bản Lác - Mai Châu.
Anh Phạm Văn Xuân giới thiệu tác phẩm đá cảnh “ông Di Lăùc ngồi gốc cây bồ đề”.
Người dân xã Pà Cò (Mai Châu) tiếp cận và nắm bắt kỹ thuật sản xuất chè sạch đem lại hiệu quả kinh tế cao. ảnh: Bà con dân tộc Mông, xóm Trà Đáy thu hoạch chè xuân.
Ông Korikawa Takeru chăm sóc cây cảnh đón Tết Việt.

Chuơng trình nghệ thuật “dâng Đảng - tiếng hát mùa xuân”

(HBĐT) - Tối ngày 7/2 (tức 29 Tết âm lịch), tại tiền sảnh Cung văn hóa tỉnh, Sở VHTT&DL phối hợp với Công an tỉnh, UBND thành phố Hòa Bình tổ chức chuơng trình nghệ thuật “dâng Đảng - tiếng hát mùa xuân” chào mừng Xuân Bính Thân 2016. Đến dự có lãnh đạo Sở VHTT&DL, Công an tỉnh và đông đảo người dân trên địa bàn.

Tinh hoa từ đôi tay

(HBĐT) - Từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, cần mẫn của người con gái Thái Mai Châu, mỗi tấm thổ cẩm ra đời như ẩn giấu trong đó cả sắc hương của núi rừng.

Hiện thực hóa khát vọng xây bộ chữ Mường

(HBĐT) - Dân tộc Mường có nền văn hóa phong phú và đặc sắc, đậm đà bản sắc từ lâu đời. Đối với tỉnh Hòa Bình, dân tộc Mường có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa và các mặt khác. Người Mường và văn hóa Mường ở Hòa Bình luôn được coi là trung tâm của dân tộc Mường cả nước với 4 Mường chính: Bi, Vang, Thàng, Động. Trong xu thế hội nhập hiện nay rất cần có một bộ chữ Mường thống nhất để bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường. Cụ thể là ghi chép văn hóa Mường, trong giáo dục tiếng Mường, trong phát thanh và truyền hình bằng tiếng Mường tại tỉnh Hòa Bình.

Nghi lễ hầu đồng dưới góc nhìn văn hóa tín ngưỡng

(HBĐT) - Nghi lễ hầu đồng còn gọi là Chầu văn, hát bóng đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là một trong 33 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghi lễ Chầu văn được xếp vào loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, thuộc địa bàn 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam. Ngày nay, nghi lễ Chầu văn (hay còn gọi là hầu đồng) được tổ chức, diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh phía Bắc.

Chuyện về chiếc sanh đồng cổ Mường Bi bảo Vật quốc gia

(HBĐT) - Có một điều đặc biệt, trong số hàng chục nghìn cổ vật được sưu tầm, khai quật và lưu giữ qua các thời kỳ, tỉnh ta có một cổ vật đã vinh dự được công nhận là bảo vật quốc gia. Đó là chiếc sanh đồng cổ Mường Bi.

Cổ vật Mường Động - “Độc nhất vô nhị”

Tại phòng trưng bày “Di sản văn hóa tỉnh Hòa Bình và cổ vật tiêu biểu Mường Động” do Sở VH-TT&DL phối hợp với UBND huyện Kim Bôi tổ chức mới đây tại nhà văn hóa xóm Sào Bắc, xã Sào Báy có gần 300 tài liệu, hiện vật độc đáo của tỉnh Hòa Bình và huyện Kim Bôi. Trong đó có các cổ vật được giới khảo cổ đánh giá là “độc nhất vô nhị”, đang chứng tỏ sức sống mãnh liệt trong tâm thức và đời sống tâm linh của đồng bào nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục