Trịnh Minh Tiến với tác phẩm ký họa chiến sỹ hải quân Trường Sa tháng 5/2016.
Nếu ca sĩ ra Trường Sa mang lời ca tiếng hát làm quà tặng lính thì quà của các họa sĩ là gì? Cuộc trò chuyện với hai họa sĩ Đỗ Hiệp và Trịnh Minh Tiến- vừa có chuyến đi Trường Sa đầu tháng 5- sẽ làm sáng tỏ điều này. Là người làm công việc thị giác, chuyên quan sát nên cảm nhận về Trường Sa của họ có nét khác biệt thú vị.
Như bất cứ ai chưa ra khơi, các họa sĩ không khỏi băn khoăn trước những lời “dọa”: “Ra đó say sóng chỉ có nước đeo xô vào cổ”... Nhưng chuyến họ tham gia hóa ra lại thành công mỹ mãn, trời yên biển lặng. Chỉ có ngày cuối tàu rơi vào vùng gió cấp 3-4 hơi bị chao đảo khiến nửa số hành khách phải ăn nằm dưới khoang nhưng cũng chỉ trong khoảng nửa ngày.
Quá may mắn so với những chuyến đi Trường Sa mà tàu không thể cập vào nhà giàn vì sóng to, hành khách chỉ có thể vẫy chào các chiến sĩ từ trên boong. Suốt thời gian lênh đênh trên biển, đoàn sinh hoạt theo lịch bộ đội. Cứ 5h sáng, loa đầu giường báo hiệu “toàn tàu thức giấc”, 5 rưỡi “toàn tàu ăn sáng”. Sau bữa đêm vào hồi 21h, mọi người thức khuya chuyện trò ngắm sao đến quá nửa đêm. Ngủ ít nhưng ai cũng khỏe.
Lúc chia tay lên đất liền, Tiến không dám quay lại nhìn tàu vì sợ không thể kiềm chế nổi cảm xúc. Còn Hiệp ngay sau chuyến Trường Sa, có dịp tham gia trại sáng tác của Bộ Công an, được lên tàu cảnh sát biển tham quan, anh đã chạy khắp tàu, chui vào từng ngóc ngách, mong tìm lại cảm giác thân thuộc của con tàu mang số hiệu 996 đã đưa anh và đoàn văn nghệ sĩ ra Trường Sa.
“Nên có nhiều cơ hội hơn cho nhiều người hơn ra Trường Sa trải nghiệm để nhìn nhận lại những giá trị sống”.
Họa sĩ Trịnh Minh Tiến
Tiến và Hiệp nằm trong số 7 họa sĩ đi Trường Sa đầu tháng 5 vừa qua. Chiếc tàu trong 10 ngày đã đưa Hiệp và Tiến tới 9 đảo và một nhà giàn trong quần đảo Trường Sa. Cùng đi có đoàn ca múa tỉnh Hòa Bình, những diễn viên“tuyệt vời”. Họ luôn rời tàu đầu tiên và về tàu cuối cùng với lỉnh kỉnh loa đài.
Nếu các nghệ sĩ đàn hát mỗi khi lên đảo và cả trên tàu, thì các họa sĩ cũng ký họa mọi lúc có thể. Tác phẩm sau khi hoàn thành không giữ lại mà làm quà cho chiến sĩ luôn. Hỏi sao không mang về làm tư liệu để thực hiện tác phẩm hoành tráng, Đỗ Hiệp cho hay: “Vẽ để lấy ký ức, tinh thần, còn bức vẽ người mẫu cần hơn. Còn cái mình cần đã vào trong người mình”.
Theo Tiến, nếu giữ ký họa thì chỉ mình họa sĩ có kỷ niệm đó, còn khi tặng nó đi sẽ có nhiều người cùng có kỷ niệm với họa sĩ, với Trường Sa. Tiến cho biết thêm: “Xưa các cụ hay tả chân trong điều kiện thiếu thốn, đôi khi ký họa góp phần quan trọng để làm bố cục tranh sau này. Giờ cách sáng tác của họa sĩ trẻ đa dạng hơn, lại có máy ảnh để nhắc mình nhớ chi tiết”.
Ngày đầu lên đảo Đá Lớn, chưa có kinh nghiệm, Tiến chỉ kịp vẽ một bức ký họa. Sau đó biết căn ke thời gian tốt hơn, lên đảo một cái là tập trung vẽ luôn. Kết quả trung bình mỗi ngày anh vẽ được 6-7 bức.
“Lúc ở nhà nghĩ Trường Sa khó khăn nhưng đến nơi mới thấy cuộc sống khá đầy đủ, vui vẻ, môi trường tốt. Đảo nào cũng nhiều cây cối xanh mát”.
Họa sĩ Đỗ Hiệp
Việc vẽ tặng ký họa do các họa sĩ chủ động. Còn nhiệm vụ họ được giao trước khi lên tàu là phải có tác phẩm về Trường Sa để triển lãm khu vực cuối tháng 8 tới. Đỗ Hiệp cho hay: “Trước khi đi chúng tôi nghĩ không biết tặng chiến sĩ gì đây. Vật chất giờ các anh không thiếu thốn như ngày xưa, đoàn cũng mang đi nhiều. Vậy tinh thần của mình để lại cho họ sẽ hay nhất. Và quả thật họ rất thích những bức ký họa. Có bạn mang cả ảnh người yêu ra nhờ ký họa hộ”.
Những chuyến đi Trường Sa luôn đem lại cảm xúc mạnh mẽ. Các họa sĩ cho hay xúc động nhất là làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ trên biển, khi vào thăm đảo chìm Colin. “Giây phút đó, tinh thần Tổ quốc, dân tộc dâng trào mãnh liệt”, Tiến nói.
“Những liệt sĩ ở Gạc Ma là hiện thân của sự bất tử. Tôi có cảm giác các anh vẫn ở đó, vẫn canh giữ ở một chiều kịch khác, giống như hóa thân vào non sông…”. Còn Hiệp kể: “Colin quá bé, nước sinh hoạt hạn chế. Mọi người giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ phải ngồi sát vào nhau, chật ních. Lúc đi ra ai cũng sụt sùi vì thương các chiến sĩ”.
Ấn tượng về màu nước biển khơi chắc ai cũng cảm thấy nhưng sẽ không sâu bằng dân họa. Đỗ Hiệp kể: “Lần đầu chứng kiến màu xanh nước biển đẹp như thế nào. Nó sâu, nó sáng, nó trong, nó hút lạ kỳ. Những màu xanh nước biển tôi tưởng tượng từ trước đến giờ trong bảng màu thì thôi vứt hết!”.
Các họa sĩ mấy bận lôi máy ảnh ra chụp nhưng cũng không lên được màu xanh nguyên bản của biển, đành ngồi ngắm tiếp. “Vẽ lại được nó phải là kỳ tài, không biết pha màu kiểu gì để ra được”, Tiến bình luận. Điều thú vị là chiều đi và chiều về tàu đều được đàn cá heo theo hộ tống.
TheoTienphong
(HBĐT) - Sáng 10/6, hoa hậu biển Việt Nam 2016 Phạm Thùy Trang phối hợp với Đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ thành phố Hòa Bình tổ chức tặng quà tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện tối 6/6 đã tuyên bố khai mạc Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga.
(HBĐT) - Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trương Diệu Ngọc đến từ Đà Nẵng sẽ đại diện Việt Nam tham dự đấu trường Hoa hậu Thế giới cuối năm nay.
(HBĐT) - Kỳ Sơn là huyện nằm phía đông bắc của tỉnh, bên bờ hữu ngạn sông Đà, về phía hạ du của thuỷ điện Hoà Bình, tiếp giáp với các huyện Kim Bôi, Lương Sơn của tỉnh, Ba Vì, Thạch Thất (Hà Nội) và Thanh Thuỷ, Thanh Sơn (Phú Thọ).
(HBĐT) - Nhằm tôn vinh giá trị văn hoá gia đình Việt Nam, hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2016, ngày 3/6, huyện Kỳ Sơn tổ chức hội thi “Gia đình hạnh phúc” năm 2016. Tham gia hội thi có 14 hộ gia đình văn hoá tiêu biểu đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.