Người bị thương được đưa đi cấp cứu. Ảnh: www.thestar.com.
Băng-la Đét kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức. Đây là tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng Băng-la Đét Sây-khơ Ha-xi-na (Sheikh Hasina) đưa ra ngày 2-7 sau khi các lực lượng an ninh thực hiện thành công chiến dịch giải cứu con tin tại một nhà hàng ở thủ đô Đắc-ca.
Băng-la Đét tuyên bố quốc tang 2 ngày
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Sây-khơ Ha-xi-na nói: “Đây là một hành động cực kỳ tàn ác. Chính phủ của tôi quyết tâm loại bỏ khủng bố và tình trạng nổi dậy ở Băng-la Đét”. Bà khẳng định, 13 con tin đã được giải cứu và 6 tay súng bị tiêu diệt, một tay súng đã bị bắt sống khi lực lượng đặc nhiệm Băng-la Đét tiến hành chiến dịch bao vây quán cà phê nằm ở khu ngoại giao đoàn Gan-xan (Gulshan), nơi hàng chục người đến đây ăn tối đã bị bắt giữ làm con tin trong hơn 12 giờ.
Chỉ huy cấp cao của Tiểu đoàn Phản ứng nhanh (RAB) Tu-hin Mô-hăm-mát Ma-su (Tuhin Mohammad Masud) cho biết, trong số các con tin được giải cứu có một công dân Nhật Bản (đang bị thương) và 2 người Xri Lan-ca và 10 người dân địa phương. Khoảng 100 lính đặc nhiệm được vũ trang hạng nặng đã được huy động tham gia chiến dịch giải cứu con tin.
Thủ tướng Sây-khơ Ha-xi-na ngày 2-7 cũng đã tuyên bố quốc tang 2 ngày để tưởng niệm các nạn nhân. Phát biểu trên truyền hình tối 2-7, Thủ tướng Sây-khơ Ha-xi-na cho biết, quốc tang sẽ kéo dài từ ngày 3-7 đến 4-7. Bà cũng tuyên bố, Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình và không nên làm ảnh hưởng tới tôn giáo này bằng những hành động gây thù hận, sát hại người dân vô tội.
Hầu hết nạn nhân là người nước ngoài
Trước đó, hãng AP của Mỹ đưa tin, vụ tấn công nói trên xảy ra vào tối 1-7. Khoảng 5-6 tay súng đột kích nhà hàng Holey Artisan tại khu đoàn ngoại giao Gan-san, nơi nhiều thực khách nước ngoài thường lui tới. Các tay súng đã giao tranh ác liệt với lực lượng an ninh, làm ít nhất 2 cảnh sát thiệt mạng, 40 người bị thương và hàng chục người bị bắt làm con tin. Đến sáng 2-7, các lực lượng an ninh Băng-la Đét đã kết thúc chiến dịch giải cứu con tin dài 12 giờ đồng hồ, tiêu diệt 6 kẻ khủng bố và bắt sống 1 tay súng.
Khoảng 35 người, trong đó có khoảng 20 người nước ngoài, có mặt trong nhà hàng khi các tay súng tấn công. Một số nguồn tin cho biết, 7 công dân I-ta-li-a, 2 công dân Xri Lan-ca và một số người Nhật Bản được cho là nằm trong số các con tin. Giới chức Nhật Bản, I-ta-li-a và Mỹ cho biết đang tiếp tục thu thập thông tin. Hai hãng tin AFP vàKyodo cho biết, có một công dân Mỹ nằm trong số những người thiệt mạng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ G.Cơ-bi (John Kirby) cho hay: "Chúng tôi có thể xác nhận rằng, có một công dân Mỹ nằm trong số những người bị sát hại trong vụ tấn công này". Trong khi đó, theo giới chức Chính phủ Nhật Bản và I-ta-li-a, có 9 người I-ta-li-a và 7 người Nhật Bản thiệt mạng trong vụ tấn công ở Đắc-ca. Bộ trưởng Ngoại giao I-ta-li-a Pao-lô Ghen-ti-lô-ni (Paolo Gentiloni) thông báo, 9 công dân nước này đã thiệt mạng, gồm 4 nam giới và 5 phụ nữ. Ngoài ra, một công dân I-ta-li-a khác được xác định cũng có mặt trong nhà hàng khi xảy ra vụ tấn công song hiện chưa có thông tin về người này. Chính phủ Nhật Bản cũng ra thông báo xác nhận 7 công dân nước này thiệt mạng, trong đó có 5 nam giới và 2 phụ nữ. Phát biểu trước báo giới tối 2-7, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Y-ô-si-hi-đê Xu-ga (Yoshihide Suga) bày tỏ sự chia sẻ và cảm thông sâu sắc đối với những mất mát to lớn mà gia đình các nạn nhân đang phải gánh chịu. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản xác nhận, một công dân nước này đã được giải cứu an toàn.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận thực hiện vụ tấn công và cho công bố trên internet nhiều hình ảnh các nạn nhân bị sát hại. Trong khi đó, một số nguồn tin khác lại cho biết, các tay súng tham gia vụ bắt giữ đã đòi Băng-la Đét phóng thích một thủ lĩnh của nhóm vũ trang Jama' at-ul-Mujahideen Băng-la Đét (JMB), vừa bị bắt giữ gần đây. JMB là nhóm vũ trang cực đoan bất hợp pháp, bị cáo buộc đã gây ra hàng loạt vụ đánh bom ở khắp Băng-la Đét những năm qua.
Đoàn kết chống khủng bố
Ngày 3-7, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước vụ tấn công khủng bố vừa xảy ra tại thủ đô Đắc-ca, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức và cho rằng vụ tấn công tại Nhà hàng Holey Artisan, thủ đô Đắc-ca, Băng-la Đét tối 1-7 nhằm vào dân thường là một hành động dã man không thể chấp nhận được.
Việt Nam xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Băng-la Đét và những nước có công dân bị thiệt mạng và gia đình những người bị nạn. Chúng tôi tin tưởng rằng, những kẻ chủ mưu sẽ sớm bị trừng trị thích đáng”.
Trả lời câu hỏi về tình hình bảo hộ công dân Việt Nam, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Cho đến nay, chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi vụ việc. Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Băng-la Đét và nhân viên Văn phòng đại diện của Công ty FPT tại Đắc-ca nằm trong khu cách nơi xảy ra vụ việc khoảng 200 mét vẫn an toàn, được hướng dẫn hạn chế đi lại trong một thời gian, tránh đến nơi đông người sau 18 giờ hằng ngày”.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện thăm hỏi và chia buồn tới Ngài A-bun Ha-san Ma-mút A-li (Abul Hassan Mahmood Ali), Bộ trưởng Ngoại giao Băng-la Đét.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ G.Cơ-bi nhấn mạnh, Oa-sinh-tơn cũng cam kết hỗ trợ chính quyền Đắc-ca trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Còn Người phát ngôn Nhà Trắng Giốt Ơ-nít (Josh Earnest) cho biết, phía Mỹ đang giữ liên lạc với Băng-la Đét và sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết. Mỹ luôn ủng hộ và chia sẻ mọi nguồn lực với Băng-la Đét trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.
Trong một phản ứng đầu tiên, Bộ Ngoại giao Pa-ki-xtan đã ra tuyên bố lên án "vụ tấn công khủng bố điên rồ" và nêu rõ “Pa-ki-xtan bày tỏ tình đoàn kết với người dân Băng-la Đét anh em và tin tưởng Chính phủ Băng-la Đét sẽ đối phó hiệu quả với vụ tấn công hèn nhát này”.
Sau vụ tấn công, Chính phủ Ấn Độ ngày 2-7 đã đặt các bang có biên giới giáp với Băng-la Đét ở trong tình trạng báo động cao, trong đó có bang Tây Ben-gan (Bengal), Tri-pu-ra (Tripura) và A-xam (Assam). Bộ Nội vụ Ấn Độ đã chỉ thị cho Lực lượng an ninh biên giới (BSF) và các cơ quan khác phải giữ cảnh giác cao độ dọc các đường biên giới quốc tế này. Bộ trưởng Nội vụ Ra-nát Xinh (Rajnath Singh) cũng đã được các quan chức cấp cao trong bộ và các cơ quan an ninh nước này báo cáo nhanh về tình hình ở Băng-la Đét.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 2-7 đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố ghê tởm và hèn hạ ở thành phố Đắc-ca. Trong một tuyên bố được đưa ra tại Niu Y-oóc, HĐBA LHQ nêu rõ, các thành viên của HĐBA LHQ tái xác nhận rằng, chủ nghĩa khủng bố dưới tất cả các hình thức tạo thành một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Tuyên bố cũng cho biết, các nước thành viên HĐBA LHQ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn và dập tắt hoạt động cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố, các tổ chức khủng bố và những phần tử khủng bố riêng lẻ, phù hợp với các Nghị quyết 2199 (năm 2015) và 2253 (năm 2015) của cơ quan này. Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngay sau đó, Đại diện thường trực của Ấn Độ tại LHQ Xai-ét A-ba-rút-đin (Syed Akbaruddin) đã kêu gọi nhanh chóng thông qua Hiệp ước Chống khủng bố quốc tế toàn diện.
Theo QĐND
Sự kiện Brexit, làm chấn động toàn thế giới, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin trở thành cơ hội không thể tốt hơn để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung.
Sau khi kết quả trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU của cư tri Anh được công bố, với gần 52% cử tri ủng hộ, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ quan điểm về quyết định này.
Sáng 22-6, Triều Tiên đã phóng liên tiếp hai vật thể được cho là tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan, từ bờ biển phía Đông nước này. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, tên lửa thứ nhất được phóng từ khu vực gần Uôn-xan vào khoảng 5 giờ 58 phút sáng theo giờ địa phương, song vụ phóng này đã thất bại.
Theo Yonhap, ngày 20-6, Hàn Quốc lên án việc Triều Tiên đe dọa thực hiện các cuộc tiến công hạt nhân vào nhiều căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh điều này cho thấy rõ ràng đề nghị đối thoại gần đây của Bình Nhưỡng chỉ là một sáng kiến hòa bình giả tạo.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời Thủ tướng Hàn Quốc Hoang Ky-ô An (Hwang Kyo-ahn) ngày 20-6 tuyên bố, chính phủ nước này sẽ tăng cường các biện pháp an ninh nhằm đối phó với các mối đe dọa khủng bố, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện những mối quan ngại rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể đang hướng tới các mục tiêu là công dân Hàn Quốc và căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc.
Theo PTI và các nguồn tin nước ngoài, ngày 18-6, Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan đã nhất trí mở lại cửa khẩu Tốc-kham sau gần một tuần căng thẳng ở biên giới, trong đó lực lượng an ninh hai nước giao tranh tại đây làm ít nhất bốn người chết. Trước đó, hai bên đã nhất trí ngừng bắn cũng như giảm sự hiện diện quân sự tại khu vực Tốc-kham, cửa khẩu tấp nập nhất giữa hai nước, với hàng trăm lượt xe tải và hàng nghìn lượt người qua lại mỗi ngày. Đụng độ xuất phát từ việc xây cổng bên phía Pa-ki-xtan tại cửa khẩu Tốc-kham mà chính quyền I-xla-ma-bát nhấn mạnh là để ngăn chặn các phần tử khủng bố qua lại cửa khẩu này. Trong khi đó, Chính phủ Áp-ga-ni-xtan phản đối hoạt động xây dựng nói trên, cho rằng việc này vi phạm các thỏa thuận và các bản ghi nhớ đã đạt được giữa hai bên.