Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, bà T.Lu-xê-na thông báo về số chữ ký mà MUD thu thập.
Khủng hoảng chính trị đang ngày càng nghiêm trọng tại Vê-nê-du-ê-la, nhất là khi phe đối lập tuyên bố đã thu thập đủ chữ ký của cử tri đòi trưng cầu dân ý về việc phế truất đương kim tổng thống nước này. Trong khi đó, Chính phủ Vê-nê-du-ê-la tố cáo phe đối lập có hành vi gian lận trong việc thu thập chữ ký.
Hội đồng Bầu cử quốc gia Vê-nê-du-ê-la (CNE) hôm 1-8 cho biết, liên minh đối lập Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đã thành công trong việc thu thập chữ ký của 1% cử tri ở tất cả 24 bang. Đây là bước đầu tiên trong nỗ lực kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm chấm dứt nhiệm kỳ của Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô (Nicolas Maduro). Phe đối lập Vê-nê-du-ê-la đã tuyên bố thu thập đủ chữ ký của cử tri đòi trưng cầu dân ý từ trước đó, song Hội đồng Bầu cử quốc gia yêu cầu xác minh lại danh tính của những người ký tên kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý phản đối ông Ma-đu-rô bằng dấu vân tay.
Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, bà T.Lu-xê-na (Tibisay Lucena) hôm 1-8 thông báo, 98% trong số gần 408.000 chữ ký mà MUD thu thập bước đầu đã được xác định là hợp lệ. Con số này nhiều gấp đôi số chữ ký tối thiểu cần thiết trong giai đoạn đầu là 200.000 ý kiến ủng hộ tổ chức trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Lu-xê-na vẫn kêu gọi mở một cuộc điều tra về gian lận đối với 2% chữ ký còn lại theo cáo buộc của phía chính phủ. “Trong danh sách những người ký tên có 1.326 dấu vân tay không khớp. Chúng tôi sẽ đưa những trường hợp này sang Bộ Các vấn đề công để họ có thể điều tra thấu đáo. Cùng với đó, có 243 lượt đăng ký kép của 198 người đã đến chứng thực dấu vân tay nhiều hơn một lần ở những nơi khác nhau. Những trường hợp này cũng sẽ được đưa sang Bộ Các vấn đề công để điều tra”, bà Lu-xê-na cho biết.
Trước đó, Chính phủ Vê-nê-du-ê-la đã lên tiếng tố cáo phe đối lập có hành vi gian lận trong việc thu thập chữ ký kêu gọi bỏ phiếu lấy tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với Tổng thống Ma-đu-rô. Phát biểu tại phiên điều trần trước CNE, ông Hoóc-hê Rô-đri-ghết (Jorge Rodríguez), Thị trưởng thành phố Ca-ra-cát kiêm người đứng đầu ủy ban đặc biệt của chính phủ do Tổng thống Ma-đu-rô chỉ định cùng CNE kiểm định chữ ký, cho biết cơ quan chức năng đã nhận được 8.600 đơn thư của công dân tại các tòa án, tố cáo liên minh đối lập Bàn Đoàn kết Dân chủ giả mạo chữ ký. Ông nêu rõ việc lấy chữ ký yêu cầu tiến hành trưng cầu ý dân lấy phiếu tín nhiệm Tổng thống Ma-đu-rô "không có giá trị về mặt pháp lý".
Thị trưởng Rô-đri-ghết cho biết, trong quá trình thẩm định chữ ký trên các đơn yêu cầu này, nhà chức trách phát hiện "chữ ký" của hơn 10.000 người đã chết, hơn 9.000 người thậm chí không tồn tại trong đăng ký công dân, 3.000 trẻ vị thành niên cùng 1.300 đối tượng không hợp lệ khác. Chính trị gia này khẳng định, đây là vụ giả mạo lớn nhất trong lịch sử Vê-nê-du-ê-la, và "người ta không thể xây dựng tương lai của đất nước trên những nền móng giả tạo".
Hiện Hội đồng Bầu cử quốc gia Vê-nê-du-ê-la vẫn chưa ấn định ngày triển khai giai đoạn 2 của tiến trình thúc đẩy tổ chức trưng cầu dân ý. Ở giai đoạn này, liên minh đối lập Bàn Đoàn kết Dân chủ Vê-nê-du-ê-la phải thu thập 4 triệu chữ ký, tương đương 20% số cử tri để mở đường cho một cuộc trưng cầu ý dân lấy phiếu tín nhiệm tổng thống trong vòng 90 ngày sau đó.
Phe đối lập đang chạy đua với thời gian, yêu cầu Hội đồng Bầu cử quốc gia sớm thông báo triển khai giai đoạn 2, vì đây là yếu tố mang tính quyết định thời điểm hiện nay. Nếu trưng cầu ý dân diễn ra trong năm nay và kết quả là ông Ma-đu-rô bị truất quyền thì Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn. Phe đối lập tính toán rằng họ sẽ có cơ hội bởi uy tín của ông Ma-đu-rô đang bị ảnh hưởng vì cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Giá dầu giảm sâu, siêu lạm phát, đồng tiền mất giá “không phanh” đã khiến quốc gia giàu tài nguyên dầu lửa ở Nam Mỹ lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn.
Theo QĐND
Trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa Thế vận hội 2016 sẽ khai mạc tại thành phố Ri-ô đề Gia-nây-rô (5-8), những diễn biến mới trên chính trường Bra-xin và âm mưu tấn công khủng bố đã phủ bóng lên sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này.
Sau khi Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Phi-li-pin đối với Trung Quốc liên quan các tranh chấp tại Biển Đông, phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn và ghi lại ý kiến của một số Đại sứ các nước tại Việt Nam chung quanh sự kiện này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Cuộc chạy đua giành chiếc ghế lãnh đạo Liên hiệp quốc đang nóng dần lên sau vòng bỏ phiếu kín không chính thức đầu tiên diễn ra hôm 21-7. Ông Antonio Guterres, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha đồng thời là cựu lãnh đạo Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn đã dẫn đầu cuộc bỏ phiếu này. Nhưng mọi việc vẫn chưa kết thúc.
Philippines đang ra sức đẩy mạnh cuộc chiến không khoan nhượng với tội phạm ma túy dưới thời tân Tổng thống Rodrigo Duterte.
Rạng sáng 26-7 đã xảy ra một vụ tấn công bằng dao tại một cơ sở dành cho người khuyết tật tại thành phố Sagamihara thuộc tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ít nhất 19 người thiệt mạng và gần 30 người bị thương, trong đó có 20 người bị thương nặng.
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á hôm nay ra tuyên bố chung nhưng không nhắc đến Trung Quốc hay phán quyết từ Tòa Trọng tài về "đường lưỡi bò".