Ngày 10-12, tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), Diễn đàn kinh tế thế giới thường niên về ASEAN (WEF-ASEAN) đã bắt đầu với chủ đề “Tuổi trẻ, công nghệ và sự tăng trưởng: Bảo đảm lợi tức dân số và lợi ích số hóa”.

 

Có hơn 700 đại biểu, trong đó có hơn 450 doanh nhân, từ 40 quốc gia tham dự Diễn đàn. Thủ tướng nước chủ nhà Samdech Hun Sen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cùng tham dự.

Lợi tức dân số là sự tăng trưởng kinh tế được tạo ra do sự gia tăng tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động. Nếu những cơ hội việc làm được tạo ra một cách đầy đủ, thành phần lao động trẻ (được tăng lên nhờ sự gia tăng số lượng thanh niên trưởng thành và gia nhập độ tuổi lao động, trong khi số lượng trẻ em được sinh ra ít hơn do tỷ lệ sinh thấp hơn) sẽ tạo ra một năng suất và sự tăng trưởng kinh tế lớn hơn, làm sản sinh lợi tức đáng kể cho việc chăm sóc y tế, giáo dục và an sinh xã hội.

Tăng trưởng kinh tế có vai trò quan trọng góp phần làm tăng thu nhập và sự thịnh vượng của các quốc gia thành viên ASEAN. Trong những năm gần đây, ASEAN đã đạt được những thành tựu đáng kể, kinh tế toàn khối tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm và tạo ra một tầng lớp trung lưu lớn.

Vào đầu năm 2016, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới. Chỉ một năm sau, xếp hạng đó đã được cải thiện và ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới với GDP tổng cộng khoảng 2.600 tỷ USD.

Theo nhận định của tác giả Justin Wood trong một bài viết đăng trên báo Jakarta Globe, tuy đã được sự tăng trưởng ấn tượng nói trên, song ASEAN vẫn có thể đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng hơn nữa, lên mức 7%/năm. Sự khác biệt giữa 5% và 7% có vẻ là nhỏ, nhưng tác động của nó sẽ được cảm nhận sâu sắc. Ở mức 5%, ASEAN sẽ tăng gấp đôi thu nhập của khối này sau 15 năm, còn ở mức tăng trưởng 7%, ASEAN sẽ tăng gấp đôi thu nhập sau 10 năm. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7%, ASEAN phải tập trung vào nhiều vấn đề quốc gia riêng lẻ chẳng hạn như cơ sở hạ tầng và giáo dục.

Hiện tại, ASEAN cũng có những lợi thế đáng kể để có thể cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế. ASEAN hiện đã hình thành Cộng đồng Kinh tế (AEC) và đang tích cực hoàn thiện các khâu về thủ tục, pháp lý để biến thành một thị trường duy nhất với các cơ sở sản xuất tích hợp.

Một khía cạnh quan trọng trong chủ đề của Diễn đàn lần này là tuổi trẻ ở các quốc gia. Với dân số hiện nay hơn 630 triệu người, trong đó hơn một nửa dưới 30 tuổi, dân số của ASEAN hiện vẫn còn rất trẻ (ngoại trừ Singapore và Thái-lan). Ở Campuchia, độ tuổi trung bình chỉ là 24. Dân số trẻ này của ASEAN có tiềm năng tạo ra tăng trưởng kinh tế cao trong những năm tới. Khi dân số trong độ tuổi lao động tăng lên sẽ không chỉ thúc đẩy chi tiêu trong ASEAN, mà còn gia tăng tiết kiệm, qua đó tăng khả năng đầu tư và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào ASEAN để tận dụng nguồn lao động này.

Tuy nhiên, dân số trẻ cũng chỉ nằm ở một khoảng thời gian nhất định. Theo tính toán, đến năm 2025, hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN sẽ thấy người dân của họ bắt đầu già đi. Các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia thành viên ASEAN cần xác định các vấn đề phải giải quyết khi dân số dịch chuyển từ trẻ sang già, chẳng hạn như môi trường và ngân sách cho lương hưu cũng như chăm sóc sức khỏe.

Công nghệ là khía cạnh thứ ba trong chủ đề của Diễn đàn lần này. ASEAN ra đời vào năm 1967, chỉ hai năm trước khi Internet xuất hiện. Như vậy, theo tác giả Justin Wood, sự tăng trưởng ấn tượng của ASEAN đã trùng hợp với giai đoạn Cách mạng công nghiệp thứ ba được tạo dựng bởi máy tính và truyền thông. Năm nay, ASEAN kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được tạo dựng bởi trí tuệ nhân tạo, người máy, các phương tiện tự động, internet di động và sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực di truyền, khoa học vật liệu và siêu tự động hóa giá rẻ.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể mang đến lợi ích số hóa cao, tạo ra ich lợi to lớn cho ASEAN, thúc đẩy sự phát triển về tài chính, tiếp cận với chăm sóc y tế giá cả phải chăng, các hình thức giáo dục mới cũng như tạo ra các công ty mới và các ngành dịch vụ. ASEAN hiện cũng là thị trường internet phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Một báo cáo gần đây của Google và Temasek ước tính, dân số ASEAN truy cập trực tuyến đã tăng thêm 124.000 người/ngày và sẽ tiếp tục tăng với tốc độ này trong 5 năm tới. Tuy nhiên, công nghệ cũng có thể mang lại nhiều thách thức. Khi người máy trở nên rẻ hơn bao giờ hết, liệu sản xuất vẫn có thể là con đường để tạo ra việc làm cho con người?

Các quốc gia ASEAN nên trang bị cho người dân của mình kỹ năng về công nghệ thông tin cũng như các thành tựu của khoa học công nghệ để có thể làm chủ được máy móc, vận hành các công nghệ hiện đại. Chính phủ các nước có thể xây dựng môi trường thích hợp cho việc kết nối, cho phép cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh. Tuy nhiên, vấn đề minh bạch trong thời đại công nghệ số cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với các quốc gia.

Hai yếu tố dân số trẻ và lợi ích số hóa sẽ bổ trợ cho nhau. Dân số trẻ sẽ có nhu cầu lớn hơn để nắm bắt công nghệ mới, mang lại những cách tiếp cận mới với nhiều lĩnh vực. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ mới, số hóa, sẽ giúp các nền kinh tế ASEAN dễ dàng hơn trong việc tạo ra “sức mạnh” cho giới trẻ mang lại sự tăng trưởng kinh tế công bằng hơn cho mọi người dân.

Với các đại biểu là các quan chức chính phủ, giới doanh nhân, học giả, đại diện của nhiều tổ chức quốc tế và tổ chức xã hội dân sự, Diễn đàn lần này là cơ hội để trao đổi, tranh luận về cách thức phát huy cao nhất hiệu quả của các yếu tố được đề cập nói trên.

Diễn đàn lần này cũng là dịp để các đại biểu trao đổi về tăng cường tính kết nối và tầm nhìn trong nhiều lĩnh vực phát triển của ASEAN trong tương lai.

Diễn đàn sẽ kết thúc vào ngày 12-5.

 

                                                   TheoNhandan

Các tin khác


Tổng thống Iran Raisi thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng

Một quan chức Iran xác nhận Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã thiệt mạng sau khi chiếc trực thăng chở ông gặp nạn ở vùng núi gần biên giới Azerbaijan.

Cộng đồng quốc tế phản ứng về vụ trực thăng chở Tổng thống Iran gặp nạn

Ngày 20/5, thông tin từ nhà chức trách Iran cho biết một chiếc trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian bị rơi vào ngày 19/5 khi đang bay qua địa hình núi trong sương mù dày đặc khi vừa kết thúc chuyến thăm Azerbaijan.

Ít nhất 47 người thiệt mạng vì mưa lũ ở miền bắc Afghanistan

Ngày 19/5, thông tin từ giới chức Afghanistan cho biết, đã có ít nhất 47 người thiệt mạng vì mưa lớn và lũ lụt ở miền bắc Afghanistan trong những ngày qua.

IEA cảnh báo nguy cơ thiếu hụt khoáng sản

IEA đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khoáng sản thiết yếu cho chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh do đầu tư không đủ mạnh.

Các quốc gia Arab kêu gọi công nhận Nhà nước Palestine

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) ở thủ đô Manama của Bahrain với sự tham dự của Tổng Thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, lãnh đạo các quốc gia Arab kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để thiết lập nền độc lập của người Palestine.

Liên hợp quốc nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024

Ngày 16/5 (giờ New York), Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới, trong đó đưa ra đánh giá lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục