Với vị thế hiện tại của nước Pháp trong EU, chiến thắng của ứng cử viên tổng thống Emmanuel Macron không chỉ đánh dấu sự thay đổi của nước Pháp mà còn báo hiệu thời khắc cải tổ EU đã đến.
Đúng như mong đợi, sau hơn ba tháng ổn định nội các, ngày 7-9, trong bài diễn văn tại Thủ đô Athens (Hy Lạp), Tổng thống Pháp E. Macron đã chính thức khởi động tiến trình tái thiết EU: "Ngày nay, chủ quyền, dân chủ và sự tin tưởng đang gặp nguy hiểm. Các quan chức và kỹ trị gia đã bóp méo tinh thần của Liên minh (EU). Loại bỏ EU sẽ là hình thức tự sát chính trị và lịch sử nhưng nếu EU không thay đổi, nó sẽ tan rã. Thế hệ của chúng ta có thể làm điều này. Chúng ta phải tìm ra sức mạnh để xây dựng lại châu Âu. Quá trình chuyển đổi nên bắt đầu từ đây, ở Athens, cái nôi của nền dân chủ”.
Theo đề xuất của Tổng thống E. Macron, EU trong tương lai sẽ là "một EU dân chủ và chủ quyền, với các tốc độ phát triển khác nhau”.
Ủng hộ chủ trương này, ngày 13-9, trong bài phát biểu thường niên tại phiên họp toàn thể của Nghị viện EU, Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker khẳng định: "Kinh tế EU đang hồi phục, các lực lượng dân tuý ở Áo, Hà Lan và Pháp thất bại tại các cuộc bầu cử và tình hình Brexit dần dần sáng tỏ sẽ tạo các cơ hội mới cho EU”.
Dựa trên những gì đã xảy ra trong thời gian vừa qua, phương án đề xuất của Tổng thống E. Macron là hoàn toàn có lý. Chính tình trạng thiếu dân chủ hay chủ quyền của các thành viên bị coi nhẹ là một trong những nguyên nhân cốt lõi đẩy EU rơi vào tình trạng khủng hoảng hiện nay. Đơn cử như việc nước Anh quyết định rút khỏi EU là bởi 52% cử tri Anh cho rằng các quyết định của Brussels mang nặng tính áp đặt, không tôn trọng chủ quyền của nước Anh. Hay như việc Hungary và Slovakia phải kiện lên Tòa Công lý châu Âu do quyết định áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn của Ủy ban châu Âu.
Trong quá trình phát triển, EU càng ngày càng xa rời ý tưởng "Liên bang” (federation) ban đầu để tiến gần hơn đến mô hình "Hợp bang” (confederation). Chính vì thế, các quyết định của Brussels ngày càng trở nên quan liêu, áp đặt. Sau 60 năm, dù vẫn được coi là tổ chức khu vực thành công nhất nhưng các nhà làm chính sách của EU buộc phải thừa nhận rằng mới chỉ có được một EU "thống nhất” chứ không phải "đồng nhất”. Những khác biệt, thậm chí là rất lớn, về trình độ phát triển, văn hóa-xã hội đã dẫn tới sự phân hóa ít nhất thành hai nhóm rất rõ nét. Đề xuất chấp nhận phát triển đa tốc độ của Tổng thống E. Macron có thể khiến cho sự phân hóa này thêm sâu sắc, nhưng "là điều cần thiết, bởi nếu không chúng ta sẽ chết” (lời của Thủ tướng Angela Merkel). Tổng thống Macron tin tưởng rằng, nếu để một số quốc gia tiên phong (cụ thể là các nước tham gia khu vực đồng euro) dẫn dắt tiến trình hội nhập sâu rộng trong EU với sự hỗ trợ của một ngân sách riêng đặt dưới sự giám sát của một Bộ trưởng Tài chính và một Nghị viện mới của châu Âu sẽ giúp khắc phục được thực trạng phân hóa hiện tại. Nhằm tránh không quay lại mô hình điều hành theo kiểu lấy tiêu chí của nhóm phát triển hơn để áp đặt cho phần còn lại, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng Brexit hay con nợ Hy Lạp, Tổng thống Macron nhấn mạnh: "Các quyết định chính trị của EU không được diễn ra sau những cánh cửa đóng kín”.
Tuy nhiên, mô hình EU 2.0 của Tổng thống E. Macron cũng không hề dễ thực hiện.
Thách thức đầu tiên, mặc dù có chung nhận thức về sự cần thiết phải cải tổ EU nhưng sự chia rẽ hiện tại trong nội bộ EU chắc chắn sẽ khiến cho việc đạt được đồng thuận về mô hình EU 2.0 này gặp nhiều khó khăn. Chính Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng không đồng ý việc thành lập một ngân sách riêng cho khu vực đồng euro. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thì cho rằng, kịch bản đa tốc độ sẽ làm suy yếu tư tưởng cốt lõi của châu Âu là "coi trọng các thành viên của Liên minh như nhau. Những nước như Ba Lan, Hungary, Rumania sẽ trở thành thành viên hạng 2. Đây sẽ là sự khởi đầu của sự kết thúc của EU”. Làm sao để một con tàu chuyển động với hai tốc độ quả thật nan giải.
Thách thức tiếp theo là làm sao dung hòa được tính hai mặt của nguyên tắc "dân chủ và chủ quyền”. Trong hầu hết các tổ chức quốc tế, cuộc chiến giữa "cái tôi” và cái "chúng ta” vẫn luôn tồn tại, khác biệt chỉ là mức độ. Tham gia vào một tổ chức quốc tế, những thành viên có nguồn lực còn hạn chế đều mong muốn thông qua nguyên tắc dân chủ và chủ quyền để bảo đảm lợi ích. Nhưng cũng vì thế, việc thông qua các quyết sách đều kéo dài hoặc rất khó khăn. EU hình thành được cũng chính là dựa trên nguyên tắc này, bởi thành viên ban đầu cũng rất đa dạng. Trong quá trình phát triển, để đối phó với các vấn đề đòi hỏi phản ứng nhanh, các nhà lãnh đạo EU dần đi theo hướng tập trung quyền lực vào các cơ quan đại diện thông qua việc tăng cường tính ràng buộc pháp lý của các chính sách. Tính pháp điển hóa ở mức cao trở thành thương hiệu của EU ngày nay. Theo đề xuất của Tổng thống Macron, quy trình ra quyết sách của EU sẽ không tránh khỏi tình trạng chậm chạp và phức tạp. Để khắc phục hạn chế này, các thành viên EU buộc phải thống nhất được về mức độ "dân chủ và chủ quyền”. Cuộc mặc cả về vấn đề này chắc chắn sẽ hết sức khó khăn và có thể kéo dài.
Giữ cho phương án EU 2.0 đi đúng hướng cũng sẽ là một thách thức không nhỏ. Đề xuất của Tổng thống Macron dù sao cũng đang ở mức độ khởi đầu, còn không ít nội dung cần cụ thể hóa. Trong quá trình thảo luận, phương án này khó tránh khỏi phải có những điều chỉnh nhằm dung hòa lợi ích của tất cả các thành viên và khi đó liệu có còn là EU 2.0 nguyên bản?
Bất luận thế nào thì rõ ràng EU 2.0 cũng đã nói thay được tâm huyết không chỉ của Tổng thống Macron mà còn của 26 thành viên còn lại về sự cần thiết phải cải tổ EU. Bởi lẽ sau tất cả những chấn động vừa qua, EU vẫn đặt ra mục tiêu như trong bản báo cáo của Chủ tịch Jean-Claude Juncker: "Từ nay đến năm 2025, chúng ta cần xây dựng một châu Âu đoàn kết, mạnh và dân chủ hơn”. EU 2.0 của Tổng thống Macron có thể coi là điểm khởi đầu để thực hiện mục tiêu này, vì ít nhất giờ đây các thành viên EU đã có một phương án để thảo luận.