Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 333.000 ca mắc COVID-19 và trên 2.800 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 280 triệu ca, trong đó trên 5,41 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế tại New York, Mỹ ngày 14/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 57.000 ca). Tới nay, Mỹ đã có tổng cộng trên 53,1 triệu ca mắc.
Pháp đứng thứ hai thế giới về ca mắc mới trong 24 giờ qua với 27.697 ca. Tổng số ca mắc từ đầu dịch ở Pháp là trên 9,1 triệu ca.
Đứng thứ ba là Italy với 24.883 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Tới nay, nước này ghi nhận trên 5,6 triệu ca mắc.
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (968 ca), Việt Nam (207 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (173 ca).
Trung Quốc ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng cao nhất gần một năm
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, ngày 10/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 26/12, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc ngày 25/12 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng ở mức cao nhất trong 21 tháng qua, trong đó riêng số ca ở thành phố Tây An tăng hơn gấp đôi.
Cụ thể, Trung Quốc phát hiện thêm 158 ca lây nhiễm cộng đồng, mức cao nhất kể từ đầu năm 2020 khi nước này nỗ lực khống chế dịch bệnh lây lan. Trong số ca lây nhiễm mới trong nước có đến 155 ca ở thành phố Tây An, tăng so với 75 ca ghi nhận trước đó một ngày. Địa phương với 13 triệu dân này đang là điểm nóng của dịch COVID-19 ở Trung Quốc và bước vào ngày phong tỏa thứ 4.
Nếu tính cả ca nhập cảnh, Trung Quốc có 206 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 25/12, tăng so với 140 ca trong ngày 24/12. Tuy nhiên, Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca tử vong nào. Như vậy, tính đến ngày 25/12, Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 101.077 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.636 ca tử vong.
Do số ca mắc tăng cao, ngày 26/12, chính quyền thành phố Tây An thông báo siết chặt các biện pháp phòng dịch. Cứ 3 ngày một lần, mỗi hộ gia đình chỉ được cử một người đi ra ngoài mua nhu yếu phẩm so với quy định trước đây là 2 ngày 1 lần. Các cơ sở kinh doanh, trừ siêu thị, cửa hàng tiện lợi và nhà thuốc đều phải đóng cửa.
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 15/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 26/12, chính quyền New Delhi thông báo sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm ở thủ đô của Ấn Độ từ 22h00 ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau (theo giờ địa phương); sắc lệnh bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27/12. Quyết định này được đưa ra khi thủ đô của Ấn Độ ghi nhận 290 ca mắc mới COVID-19, tăng 16% so với ngày 25/12 và có một trường hợp tử vong trong 24 giờ qua.
Theo thông tin từ cơ quan y tế, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ở New Delhi đã tăng lên 0,5% - một mức độ nghiêm trọng. Hôm 25/12, số ca mắc mới COVID-19 ở New Delhi đã tăng đột biến 38% so với một ngày trước đó.
Kế hoạch hành động ứng phó 4 giai đoạn (GRAP) của chính quyền New Delhi quy định mức cảnh báo màu vàng sẽ được áp dụng nếu tỷ lệ xét nghiệm dương tích ở mức 0,5% trong 2 ngày liên tiếp, dẫn đến một loạt biện pháp hạn chế bổ sung. Nếu mức cảnh báo màu vàng có hiệu lực, hầu hết các hoạt động vốn được từng bước nối lại khi làn sóng COVID-19 thứ hai suy yếu sẽ bị tạm dừng. Thời gian hoạt động của các cửa hàng, trung tâm thương mại cung cấp hàng hóa và dịch vụ không thiết yếu sẽ bị hạn chế. Những cơ sở này sẽ được phép mở cửa từ 10h00 đến 20h00 theo quy tắc chẵn lẻ. Các nhà hàng trong thành phố sẽ được phép hoạt động với công suất 50% từ 8h00 sáng đến 22h00, trong khi các quán bar được phép mở cửa từ 12h00 trưa đến 22h00 với công suất 50%. Rạp chiếu phim, rạp hát, phòng tiệc và thính phòng - vốn đang mở cửa cho khán giả - sẽ bị đóng cửa. Tuy nhiên, các khách sạn vẫn được phép mở cửa.
Ngoài ra, các cơ sở spa, phòng tập gym, yoga, các khu thể thao phức hợp, sân vận động và bể bơi, cũng như các công viên giải trí, đều sẽ bị đóng cửa. Mặc dù vậy, sẽ không có bất kỳ hạn chế nào được áp dụng đối với hoạt động tổ chức các sự kiện thể thao quốc gia hoặc quốc tế tại những địa điểm này. Các công viên công cộng sẽ vẫn được phép mở cửa.
Indonesia phát hiện gần 50 ca nhiễm biến thể Omicron
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 của Sinovac cho người dân tại Manokwari, Indonesia ngày 31/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Indonesia thông báo tính đến ngày 25/12, số ca nhiễm biến thể Omicron được phát hiện thông qua giải trình tự bộ gien tại nước này đã lên đến 46 người.
Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia - bà Siti Nadia Tarmizi cho hay tất cả các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron đang được điều trị tại 2 bệnh viện ở thủ đô Jakarta. Bà Nadia tiết lộ rằng các ca nhiễm biến thể Omicron nói trên đều được phát hiện trong thời gian cách ly 10 ngày. Điều này cho thấy rằng thời hạn cách ly 10 ngày là phù hợp để ngăn biến thể Omicron lây lan ra bên ngoài các cơ sở cách ly.
Iran đóng cửa biên giới trước nguy cơ lây lan biến thể Omicron
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Cơ quan Hải quan Iran thông báo nước này quyết định đóng cửa biên giới đường bộ với các nước láng giềng trong 15 ngày nhằm phòng ngừa nguy cơ lây lan biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Người phát ngôn cơ quan Hải quan Iran Ruhollah Latifi cho biết, Tehran sẽ đóng cửa biên giới bộ với Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Afghanistan, Azerbaijan, Pakistan và Armenia trong nửa tháng, kể từ ngày 25/12.
Trong 24h qua, Bộ Y tế Iran ra thông báo ghi nhận 1.857 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc từ đầu đại dịch đến nay là 6.182.762 người. Iran cũng ghi nhận 52 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở quốc gia Trung Đông lên đến 131.400 người.
Tính đến ngày 25/12, có tổng số 59.464.524 người Iran đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, 51.096.388 người đã được tiêm 2 liều và 5.478.443 đã được tiêm mũi thứ 3. Toàn quốc cũng đã xét nghiệm 41.388.312 mẫu.
Trước đó hôm 19/12 Iran đã phát hiện ca đầu tiên mắc biến thể Omicron là người vừa trở về từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Palestine ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron ở dải Gaza
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân Palestine tại Dải Gaza ngày 20/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 26/12, Bộ Y tế Palestine thông báo đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại Dải Gaza.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Majdi Dhair, một quan chức bộ trên cho biết bệnh nhân là một công dân bị nhiễm Omicron trong vùng lãnh thổ duyên hải này. Theo ông Dhair, điều này có nghĩa là biến thể Omicron đã xuất hiện ở Gaza và đang lây lan trong người dân nơi đây. Việc phát hiện ra ca nhiễm biến thể Omicron đặt ra một thách thức mới cho hệ thống y tế kém phát triển ở Dải Gaza. Đến nay, Gaza với 2,2 triệu dân ghi nhận 189.837 ca mắc COVID-19 và 1.691 ca tử vong.
Theo giới chức y tế Palestine, khu Bờ Tây bị Israel chiếm đóng đã phát hiện 3 ca nhiễm biến thể Omicron vào ngày 16/12, nâng tổng số ca nhiễm biến thể mới này lên 23 trong số 3,1 triệu người dân nơi đây.
New Zealand phát hiện thêm 7 ca nhiễm Omicron nhập cảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một siêu thị ở Christchurch, New Zealand, ngày 17/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Zealand. Ảnh: Reuters
Bộ Y tế New Zealand cho biết đã phát hiện thêm 7 ca nhiễm biến thể Omicron trong hai ngày qua là những ca nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm biến thể Omicron ở nước này lên 45 ca.
Tổng số ca mắc COVID-19 tại New Zealand đã tăng gấp đôi trong hai ngày kể từ đêm Giáng sinh sau khi ghi nhận thêm 126 người dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 26/12.
New Zealand đã có 45 người phải nhập viện điều trị, trong đó có 8 người cần chăm sóc đặc biệt.
Số ca mắc COVID-19 tại Australia tiếp tục có xu hướng tăng
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Dubbo, Australia, ngày 26/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại bang New South Wales đông dân nhất của quốc gia này, ngày 26/12, số lượng bệnh nhân COVID-19 mới đã vượt qua những kỷ lục hàng ngày trước đó với 6.394 trường hợp.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các khu vực khác của Australia, như Queensland với 714 ca và Tasmania với kỷ lục 24 giờ mới là 44 ca.
Hơn 180.000 người đã làm xét nghiệm COVID-19 tại hai bang đông dân nhất của Australia trong dịp lễ Giáng sinh vừa qua.
Thủ hiến bang New South Wales, ông Dominic Perrottet, bày tỏ sự bất bình đối với tình trạng tắc nghẽn tại các điểm xét nghiệm COVID-19 vài ngày gần đây, khi người dân ồ ạt đi xét nghiệm để đáp ứng quy định của một số địa điểm.
Đức hoãn mục tiêu tiêm chủng 80% tới cuối tháng 1/2022
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm di động ở Kreuzberg, Berlin (Đức) ngày 30/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính phủ Đức đã quyết định hoãn mục tiêu tiêm chủng vaccine COVID-19 tới cuối tháng 1/2022.
Trước đó, chính phủ mới của Đức đặt mục tiêu đến ngày 7/1/2022 sẽ tiêm chủng cho 80% dân số. Tuy nhiên, tính đến ngày 26/12, mới có khoảng 61,4 triệu người được tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine COVID-19, đạt 73,8% dân số; trong đó 70,8% được tiêm chủng đầy đủ, 35,9% đã được tiêm mũi vaccine tăng cường. Để đạt mục tiêu tiêm chủng 80% dân số, nước này cần hoàn thành việc tiêm mũi vaccine đầu tiên cho khoảng 5 triệu người nữa. Chính phủ Đức cho biết mục tiêu này khó có thể đạt được vào đầu tháng 1/2022 theo kế hoạch ban đầu.
Để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, Chính phủ Đức đang tiếp tục thúc đẩy quy định tiêm chủng bắt buộc đối với toàn bộ người dân. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề tranh cãi gay gắt. Theo chương trình nghị sự của Quốc hội liên bang Đức, quy định tiêm chủng bắt buộc sẽ được thảo luận tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội trong năm 2022.
Trong 24 giờ qua, Đức đã ghi nhận 10.158 ca mới và 56 ca tử vong. Tỷ lệ số ca nhiễm mới trong 7 ngày qua là 220,7 (tính trên 100. 000 dân). Tỷ lệ nhập viện trong 7 ngày qua là 4,55 (tính trên 100.000 dân). Tính từ khi đại dịch bùng phát, Đức đã ghi nhận trên 7 triệu người mắc COVID-19, trong đó 111.081 người không qua khỏi.
Số ca bệnh mới trong độ tuổi đi học tăng cao ở Italy
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bologna, Italy, ngày 24/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Số liệu được Viện Y tế Quốc gia Italy (ISS) công bố ngày 26/12 cho thấy 25% số ca mắc mới COVID-19 trong vòng một tuần - từ ngày 17 đến 23/12 - ở nước này đều ở độ tuổi đi học (dưới 20 tuổi). Theo báo cáo của ISS, trẻ em từ 6-11 tuổi chiếm khoảng 50% tổng số ca bệnh mới trong độ tuổi vừa đề cập, trong khi hơn 35% là thanh thiếu niên lớn hơn.
Trước đó, Bộ Y tế Italy hôm 24/12 đã cho phép những người 16-17 tuổi và trẻ vị thành niên có thể trạng yếu, nguy cơ mắc bệnh cao, được tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 từ ngày 27/12.
Hiện nay, ở Italy, chỉ những người trên 18 tuổi mới được phép tiêm mũi vaccine tăng cường. Cơ quan Quản lý Dược phẩm Italy (AIFA) sẽ ra quyết định về việc tiêm mũi vaccine tăng cường đại trà cho trẻ em từ 12-15 tuổi vào cuối tháng 1/2022.
Italy đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi từ giữa tháng 12, sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech với liều lượng bằng 1/3 liều lượng của người lớn. Thứ trưởng Bộ Y tế nước này Andrea Costa cho biết Italy dự kiến có vaccine cho trẻ em dưới 5 tuổi vào khoảng tháng 3-4/2022.
Theo số liệu mới nhất của Chính phủ Italy, hiện hơn 5,6 triệu người từ 12 tuổi trở lên vẫn chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong khi hơn 47,9 triệu người - tương đương 88,75% dân số Italy trên 12 tuổi - đã tiêm ít nhất một mũi vaccine. Báo cáo cho hay nhóm tuổi có tỷ lệ người chưa tiêm vaccine cao là 40-49 và 50-59.
Mỹ cảnh báo biến thể Omicron có thể khiến các bệnh viện quá tải
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại New York, Mỹ, ngày 13/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Cố vấn y tế Nhà Trắng và là chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ - Tiến sĩ Anthony Fauci ngày 26/12 dự báo làn sóng COVID-19 do biến thể Omicron gây ra có thể làm tiêu tan những nhận định cho rằng biến thể này gây bệnh ít nghiêm trọng hơn, thậm chí khiến cho các bệnh viện trở nên quá tải.
Cố vấn y tế Nhà Trắng thừa nhận Mỹ đang gặp phải vấn đề về xét nghiệm khi biến thể Omicron lây lan mạnh trên toàn quốc, đồng thời cam kết sẽ nâng cao năng lực xét nghiệm cho các công dân nước này vào tháng tới. Ông Fauci cho biết biện pháp đối phó tổng hợp của chính quyền Tổng thống Joe Biden là duy trì đầy đủ lực lượng dự phòng - bao gồm đội ngũ quân nhân, bác sĩ, y tế và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác cho các bệnh viện, đồng thời đảm bảo rằng nước Mỹ có đủ thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và, nếu cần, có đủ máy thở trong kho dự trữ chiến lược quốc gia.
Cũng trong ngày 26/12, các hãng hàng không của Mỹ đã hủy hàng trăm chuyến bay, khiến hàng chục nghìn du khách đi lại trong dịp Giáng sinh buộc phải thay đổi kế hoạch. Tình trạng này đã xảy ra trong 3 ngày liên tiếp khi các phi hành đoàn bị cấm bay, giữa lúc số lượng ca mắc mới COVID-19 gia tăng đột biến do biến thể Omicron có khả năng lây lan cao.
Theo Báo Tin tức
Kiểm soát chặt chẽ việc đi lại, di chuyển xuyên biên giới có thể sẽ cản trở phục hồi kinh tế của khu vực trong năm 2022.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 24/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 278.681.417 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.403.806 người không thể qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục hiện là trên 249.458.566 người.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/12 cho biết Bắc Kinh và Moskva hiện quan trọng với nhau nhất từ trước đến nay.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 895.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.000 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 278 triệu ca, trong đó trên 5,39 triệu ca tử vong.
Liệu biến thể Omicron có làm hỏng kỳ nghỉ Giáng sinh không? Câu hỏi này đang làm nóng các diễn đàn của châu Âu những ngày này. Đối mặt với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, hầu hết các quốc gia ở châu Âu đang phản ứng và phòng vệ bằng cách thực hiện những biện pháp ngày càng triệt để. Trong khi Pháp và Đức tập trung nguồn lực vào việc tiêm chủng, các nước láng giềng đang gia tăng các biện pháp hạn chế, từ lệnh giới nghiêm đến đóng cửa các địa điểm công cộng.
Ngày 22/12, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định bất chấp sự bùng phát mạnh mẽ của biến thể Omicron, Đức không mong muốn biên giới châu Âu thêm một lần nữa phải đóng cửa.