Tổng thống Mỹ B.Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào gặp nhau bên lề G-20.
Các nhà lãnh đạo nhóm G-20 (các nước phát triển và mới nổi, đại diện cho khoảng hơn 85% nền kinh tế toàn cầu) đã nhóm họp tại Seoul, Hàn Quốc từ 11.11 để tìm biện pháp giải quyết sự mất cân bằng về kinh tế thế giới.
Giảm mất cân bằng
Từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ vào cuối năm 2008, đây là lần thứ năm các nhà lãnh đạo G-20 nhóm họp. Hội nghị lần này không chỉ tập trung vào các biện pháp để đối phó với khủng hoảng, mà lần đầu tiên các bên sẽ phác họa ra một trật tự kinh tế mới nhằm tìm kiếm một mô hình phát triển kinh tế bền vững và cân đối cho toàn cầu.
Đây là lần đầu tiên, Hội nghị thượng đỉnh G-20 được tổ chức tại một nền kinh tế không thuộc nhóm bảy cường quốc công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7). Đối với Hàn Quốc, đây là một vinh dự lớn bởi dù được coi là nền kinh tế mạnh thứ 15 thế giới, nhưng chưa bao giờ Seoul có được một tiếng nói quyết định đối với trật tự kinh tế thế giới. Các nền kinh tế đang phát triển đang hết sức kỳ vọng vào vai trò của chủ nhà Hàn Quốc trong việc bảo vệ quyền lợi kinh tế cho họ.
Hàn Quốc được mong chờ như một chiếc cầu nối giữa các nước công nghiệp phát triển và các nền kinh tế đang lên. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak khẳng định: “Giảm mất cân bằng giữa các nước phát triển và đang phát triển là vấn đề cấp bách mà chúng ta cần ưu tiên giải quyết”.
Ông Il Sakong - Chủ tịch Uỷ ban tổ chức Hội nghị G-20 cho biết, hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh các nước đang lo ngại về khả năng xảy ra “chiến tranh tiền tệ”. Một số thành viên G-20 - điển hình là Trung Quốc, luôn trong tình trạng xuất siêu và dư thừa ngoại tệ. Trong khi cán cân thanh toán của một số nước khác - tiêu biểu nhất là Mỹ - lại trong tình trạng thiếu hụt.
Sự mất cân đối này khiến nhiều thành viên trong nhóm G-20 sử dụng đơn vị tiền tệ để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường, hỗ trợ xuất khẩu. Vài ngày trước hội nghị, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã quyết định bơm thêm 600 tỉ USD để tiếp sức cho nền kinh tế Mỹ. Động thái này đã gây ra những tranh cãi trên toàn thế giới. Vì vậy, chủ nhà Hàn Quốc cho biết trọng tâm của hội nghị sẽ là tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề như mất ổn định tiền tệ, sự bấp bênh của hệ thống tài chính và các vấn đề cạnh tranh thương mại.
Tranh cãi tay đôi
Trước khi diễn ra hội nghị, “cuộc chiến tiền tệ” Mỹ và Trung Quốc đã trở thành đề tài nóng bỏng, có nguy cơ làm lu mờ trọng tâm của Hội nghị G-20 mà Seoul đang hướng đến. Tuy nhiên, lo ngại về “chiến tranh tiền tệ” đã giảm nhiệt hôm 11.11, sau khi Tổng thống Mỹ B.Obama kêu gọi lãnh đạo G-20 bỏ đi khác biệt, hướng tới cộng tác để giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng.
Tổng thống Mỹ cam kết sẽ tìm cách tạo thêm công ăn việc làm, điều chỉnh mất cân đối trong giao dịch ngoại thương với thế giới. “Điều quan trọng nhất mà Mỹ có thể làm cho nền kinh tế thế giới là thúc đẩy tăng trưởng (nội địa), bởi vì chúng tôi vẫn là thị trường lớn nhất thế giới và là động lực mạnh để tất cả các nước khác tăng trưởng” - ông Obama nói.
Washington đổ lỗi Bắc Kinh thao túng đồng nhân dân tệ, cố tình duy trì đồng nội tệ rẻ để tìm lợi thế cho xuất khẩu, gia tăng quỹ dự trữ ngoại tệ..., những hành động góp phần gây ra hiện tượng thâm thủng thương mại. Nhưng Trung Quốc cũng cáo buộc rằng, chính sách kinh tế của Mỹ, đặc biệt việc in thêm tiền để tăng vốn kinh doanh, cũng là hành động thao túng tiền tệ, theo một hướng khác.
Trước hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng hành động cùng cộng đồng quốc tế để phối hợp các chính sách kinh tế nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế thế giới. Trung Quốc bác bỏ những lời cáo buộc rằng họ thao túng đồng nhân dân tệ và nói rằng sẽ tiếp tục cải cách chế độ tỉ giá hối đoái theo cách riêng của mình.
Bắc Kinh cũng chỉ trích quyết định bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính hồi tuần trước của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, cho rằng hành động này có thể gây nên tình trạng dư thừa nguồn vốn đổ vào các thị trường đang nổi, mà điều đó có thể gây bất ổn định về tài chính tại những thị trường đó.
Các nhà phân tích hy vọng Hàn Quốc sẽ kiềm chế được “ngọn lửa chiến tranh hối đoái” đang nhen nhóm để tập trung vào hai trọng tâm chính là kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính thế giới và xây dựng một “lưới an toàn tài chính” cho các quốc gia đang phát triển.
Theo Báo Nhandan
Báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc hôm qua đưa tin Kim So-in, người phụ trách các chương trình tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, đã bị bắt hồi tháng 5 vì tội gián điệp.
Cục Ngân khố của Mỹ vừa thông báo chấp thuận tài trợ gần 500.000USD cho hai dự án của Cty Probactive Biotech Inc tại bang California hợp tác nghiên cứu với Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và một số công ty tại VN để sản xuất chế phẩm chống ung thư.
Cảnh sát Nhật Bản đang lên kế hoạch bắt giữ một nhân viên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển (JCG) vì người này đã tung đoạn băng ghi hình vụ va chạm giữa tàu đánh cá Trung Quốc với tàu tuần tra của Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku, phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, hồi đầu tháng Chín.
Lãnh đạo những nước giàu nhất hành tinh chuẩn bị nhóm họp ở Seoul với nỗ lực xua tan đám mây đen chiến tranh tiền tệ đang đe dọa phủ bóng kinh tế toàn cầu, trong sự kiện thời sự không chỉ có ý nghĩa với người dân Hàn Quốc mà với cả châu Á.
Đụng độ giữa các nhóm quân nổi dậy người thiểu số và lực lượng quân đội chính phủ đã khiến khoảng 20.000 người Myanmar tại khu vực biên giới với Thái Lan chạy tị nạn sang nước láng giềng.
Một vụ bạo động trong nhà tù Pedrinhas ở Sao Luis, thủ phủ bang Maranhao (Brazil) đã khiến ít nhất 18 tù nhân thiệt mạng.