Chuyến thăm Trung Quốc của quan chức quân sự hàng đầu Mỹ là để theo đuổi cơ hội lớn để tạo ra một “viễn kiến chung” cho hợp tác, nhưng những gì diễn ra lại làm nổi rõ những quan điểm khác biệt của hai bên, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông.
Mục tiêu…
Quan hệ quốc phòng giữa hai cường quốc, đã bị Bắc Kinh cắt đứt do việc Washington cung cấp vũ khí cho Đài Loan, đã được khôi phục lại. Căng thẳng dịu đi khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tới Bắc Kinh hồi tháng 1 và tiếp đó là chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới Washington.
Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mullen vì thế được coi là nhằm đáp lại chuyến thăm của Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Tướng Trần Bình Đức đến Mỹ cách đây gần hai tháng. Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Barack Obama hồi tháng 1, giới quân sự hai bên được giao nhiệm vụ phải cải thiện quan hệ.
Cuộc họp báo ngày 11/7 giữa ông Mullen và ông Trần Bính Đức cũng phần nào cho thấy một số tiến bộ theo mục tiêu đó. Hai bên đã đạt được nhận thức chung năm điểm, trong đó gồm đồng ý tổ chức các cuộc tập trận chung chống cướp biển trên Vịnh Aden trong năm nay, tổ chức đối thoại tại Hawaii lẫn Trung Quốc về an toàn trong hoạt động quân sự…
Hai bên cũng dự kiến diễn tập cứu trợ nhân đạo trong năm 2012. Các hoạt động chung như vậy là rất hiếm trong những năm gần đây.
Giới phân tích Trung Quốc đánh giá chuyến thăm của Đô đốc Mullen là động thái quan trọng, đánh dấu việc giao lưu quân sự Trung-Mỹ phát triển theo hướng bình thường hóa.
Việc Trung Quốc sắp xếp lịch trình chuyến thăm sẽ thỏa mãn yêu cầu của Washington muốn Bắc Kinh công khai chính sách quân sự: Ông Mullen đi thăm một số đơn vị hải, lục, không quân và Lực lượng pháo binh 2, đơn vị nắm giữ lực lượng hạt nhân và tên lửa chiến lược của Trung Quốc; thăm các tỉnh Sơn Đông và Chiết Giang - những căn cứ địa của Hạm đội Bắc Hải và Đông Hải.
… và cách biệt
Những cố gắng của hai bên và diễn tiến chuyến thăm không che giấu được sự thật rằng hầu như hai bên không đạt được tiến bộ nào trong các vấn đề còn khác biệt: không thấy tín hiệu nào cho thấy Mỹ và Trung Quốc sẵn sàng thay đổi lập trường trong các vấn đề như Đài Loan và Biển Đông. Mỹ cũng đang lo lắng bởi việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân.
Một loạt các phàn nàn của Tướng Trần Bình Đức về chính sách quân sự của Mỹ trong cuộc họp báo chung cho thấy cái "viễn kiến chung" vẫn còn xa vời.
Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm với Đô đốc Mike Mullen, Tướng Trần Bỉnh Đức nêu một loạt các điểm, như việc các tàu và máy bay Mỹ “hoạt động do thám ngoài khơi Trung Quốc”; thái độ của một số chính trị gia Mỹ đối với Trung Quốc (Hạ viện Mỹ nhất trí tán thành nghị quyết lên án Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại tàu bè của các nước khác qua lại ở khu vực này); các cuộc tập trận gần đây của Mỹ trên hoặc gần Biển Đông.
Phía Mỹ khẳng định muốn thấy một giải pháp khu vực hoặc quốc tế cho những căng thẳng ngày càng gia tăng tại Biển Đông, nhưng Trung Quốc lại muốn giải quyết các khác biệt về lãnh thổ với Philippines và Việt Nam trên cơ sở song phương. Cho đến nay, mọi nỗ lực giải quyết các vấn đề này vẫn chưa đi đến đâu.
Những tháng gần đây, quan điểm về vấn đề lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông và những cáo buộc quấy rối từ các quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền đối với các đảo còn đang tranh chấp đã trở thành một mối quan tâm đối với Washington.
Hải quân Mỹ đã lần lượt có các hoạt động diễn tập với một số nước trong khu vực -hoạt động được coi là khá nhạy cảm khi căng thẳng giữa Trung Quốc với nhiều nước gia tăng vì vấn đề chủ quyền. Tướng Trần Bính Đức đã không giấu giếm thái độ không hài lòng của Bắc Kinh với các hoạt động quân sự này của Mỹ. Ông Trần Bỉnh Đức cho rằng tiến hành các hoạt động như vậy vào thời điểm này là “cực kỳ không thích hợp” mặc dù trước đây Mỹ đã từng có các hoạt động tương tự.
Tuy nhiên, Washington tin rằng lực lượng hải quân của mình hiện diện trong khu vực sẽ giúp giảm nhiệt những căng thẳng giữa các quốc gia trong Biển Đông. Đô đốc Mullen nói: “Sự hiện diện và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng, trên thực tế là vai trò then chốt, tại châu Á. Nhưng rất cần nhấn mạnh rằng sự đi lên của Trung Quốc không đồng nghĩa với sự đi xuống của Mỹ”.
Đô đốc Mike Mullen chỉ ra xu hướng Trung Quốc tăng cường những nỗ lực hiện đại hóa quân đội, cho rằng việc đầu tư vào lực lượng vũ trang là điều bình thường trong tiến trình phát triển, nhưng đồng thời nhấn mạnh “sức mạnh quân sự lớn hơn phải đi kèm với trách nhiệm lớn hơn, hợp tác mạnh mẽ hơn và... minh bạch hơn”.
Giới phân tích khu vực còn cho rằng trước những hoạt động quân sự của Mỹ với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phía Trung Quốc e ngại rằng sẽ bị Mỹ bao vây. Theo tờ Yomiuri của Nhật Bản, chính quyền Mỹ đang rất cảnh giác trước thông tin Trung Quốc sẽ có các hạm đội tàu sân bay, cho rằng đây là bước đi quan trọng để xác lập bá quyền ở Tây Thái Bình Dương, đe dọa “tự do hàng hải” ở Biển Đông.
Trong cuộc họp báo với ông Mullen, chính tướng Trung Quốc đã khẳng định rằng các chuyên gia vũ khí của Trung Quốc đang thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển một hệ thống tên lửa chống hạm mới. Dù ông Trần Bình Đức nhắc lại rằng quân đội Trung Quốc “là lực lượng tự vệ”, giới chuyên gia vẫn cho hệ thống tên lửa chống hạm sẽ trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu sân bay của Mỹ tuần tra trong khu vực.
Tổng kết chuyến công du lần này của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tờ New York Times của Mỹ thậm chí nhận định những căng thẳng, mà Trung Quốc và Mỹ mới xoa dịu được phần nào, có thể sẽ lại xuất hiện trở lại.
Theo Dantri
ASEAN sẽ bàn đến tình hình căng thẳng gia tăng trên Biển Đông khi khối cùng nhóm họp với lãnh đạo các nước khác để thảo luận các vấn đề an ninh của khu vực từ cuối tuần này, Tổng thư ký ASEAN hôm qua tuyên bố.
Cuộc họp của các bộ trưởng tài chính khối sử dụng đồng euro tiếp tục thất bại trong việc đưa ra kế hoạch hiệu quả giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của khu vực này.
Việc ông Dominique Strauss-Kahn được trả tự do đã gây một cơn sốt tại Pháp và càng thổi bùng lên nghi ngờ cựu tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bị các đối thủ chính trị gài bẫy.
Kênh truyền hình nhà nước Nile tối 12/7 đưa tin Phó Thủ tướng Ai Cập Yehia el-Gamal đã từ chức.
Ông trùm truyền thông người Mỹ Rupert Murdoch cho biết sẽ đóng cửa tờ báo có số phát hành lớn nhất nước Anh, News of the World, sau một vụ bê bối rung chuyển đế chế truyền thông của ông.
Hàng trăm người ủng hộ Chính phủ Syria đã tấn công lãnh sự quán Mỹ và Pháp ở Damascus, Syria trong ngày 11-7, Reuters và AFP đưa tin.