Cảnh sát Trung Quốc trên các tàu tuần tra sông Mekong - Ảnh: Reuters

Cảnh sát Trung Quốc trên các tàu tuần tra sông Mekong - Ảnh: Reuters

Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Myanmar đã triển khai lực lượng tuần tra chung trên sông Mekong để đảm bảo an ninh đường thủy gần khu vực “tam giác vàng”.

Ngày 12-12, báo Bangkok Post dẫn nguồn tin an ninh Thái Lan cho biết lực lượng tuần tra chung của Lào và Myanmar đã đụng độ với một nhóm tội phạm có vũ trang ở khu Ban Don Sam Pu, cách khu vực “tam giác vàng” 20km. Ít nhất ba binh sĩ Myanmar đã thiệt mạng sau cuộc đọ súng. An ninh Thái Lan nghi ngờ đây là hành động tiếp theo của nhóm tội phạm của trùm buôn ma túy khét tiếng Nor Kham.

Nhiều nghi ngại

Vụ đụng độ mới nhất này xảy ra gần nơi đã xảy ra vụ trước đó vào ngày 5-10 khiến 13 thủy thủ Trung Quốc thiệt mạng. Các nạn nhân này là thủy thủ trên hai tàu Trung Quốc chở hàng từ Vân Nam đến Thái Lan. Cảnh sát Thái Lan phát hiện gần 1 triệu viên ma túy tổng hợp amphetamine trên hai con tàu này. Theo Bangkok Post, ban đầu quân đội Thái Lan khẳng định nhóm tội phạm của trùm buôn lậu ma túy Nor Kham đã giết hại các thủy thủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau đó cảnh sát Thái Lan đã mở cuộc điều tra và xác định chín binh sĩ thuộc Lực lượng an ninh biên giới và chống ma túy của quân đội đã giết hại các thủy thủ Trung Quốc và tạo bằng chứng giả. Cảnh sát Thái Lan cho rằng các binh sĩ này làm việc cho một trùm ma túy ở “tam giác vàng”. Sau vụ việc trên, chính quyền Trung Quốc đã lập tức yêu cầu Thái Lan, Lào và Myanmar tuần tra chung trên sông Mekong để đảm bảo an ninh đường thủy. Và hoạt động tuần tra chung đã bắt đầu từ ngày 11-12.

Trong khuôn khổ hợp tác tuần tra chung này, Tân Hoa xã mới đây cho biết Trung Quốc đã điều động 11 thuyền chở cảnh sát theo bảo vệ chín tàu chở hàng từ cảng Quan Lũy ở Vân Nam tới cảng Chiang Saen ở thành phố Chiang Rai, miền bắc Thái Lan. Bắc Kinh đã triển khai tổng cộng hơn 300 cảnh sát có vũ trang đi tàu tuần tra dọc sông Mekong, phối hợp với lực lượng Thái Lan, Lào và Myanmar. Dự kiến khoảng 1.000 cảnh sát Trung Quốc tham gia tuần tra.

Báo Bangkok Post dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Thái Lan Yuttasak Sasiprapa khẳng định Thái Lan sẽ “hợp tác một cách cẩn trọng” để đảm bảo “tuần tra chung không dẫn tới vi phạm chủ quyền”. Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan Ochan cũng cho biết phía Thái Lan sẽ chịu trách nhiệm tuần tra chính khi các tàu thuyền đi vào lãnh thổ nước này.

Trang The Diplomant dẫn lời một số chuyên gia nhận định các nước trong khu vực có thể bị vi phạm chủ quyền nếu Trung Quốc đưa lực lượng an ninh của mình đến bảo vệ lợi ích của Trung Quốc tại các nước này, ví dụ như bảo vệ các sòng bạc Trung Quốc dọc sông Mekong tại Myanmar và Lào.

Thời gian qua, dư luận Lào nhiều lần bày tỏ sự quan ngại trước tình trạng an ninh lỏng lẻo tại các sòng bài Trung Quốc và làn sóng nhập cư ồ ạt từ nước này. Báo Economist của Anh dẫn lời một số nhà bình luận chính trị Thái Lan mô tả chiến dịch tuần tra chung là “chính sách ngoại giao tàu chiến” của Trung Quốc.

Khó đảm bảo an ninh

Theo các chuyên gia khu vực, những tàu tuần tra chung của Trung Quốc và ba nước Đông Nam Á sẽ không cải thiện được an ninh khu vực “tam giác vàng”.

Theo nghiên cứu của Tổ chức phi chính phủ Hà Lan Transnational Institute (TI), dù quân đội Myanmar đã thực hiện rất thành công chiến dịch tiêu hủy các cánh đồng nha phiến ở vùng “tam giác vàng” vào năm 1999, song miền bắc Myanmar vẫn là hang ổ xuất khẩu các loại ma túy tổng hợp. Sản xuất heroin tại đây cũng đang gia tăng do nhu cầu lớn từ Trung Quốc.

Vẫn theo TI, trong thập niên 1990, khoảng 1 triệu doanh nhân Trung Quốc đã đổ sang Myanmar làm ăn. Một số lượng lớn đã mang theo công nghệ chế biến heroin và ma túy tổng hợp vào Myanmar. Thành phố Thụy Lệ ở Vân Nam là cửa ngõ đón ma túy từ vùng “tam giác vàng” vào Trung Quốc. Chính quyền Myanmar gặp rất nhiều khó khăn trong việc chống lại các bộ tộc phiến quân kiêm sản xuất và buôn ma túy tại khu vực miền bắc thuộc “tam giác vàng”.

Báo New York Times dẫn lời các chuyên gia về Myanmar cho biết các sắc tộc như Akha, Lahu, Kachin, Shan và Wa dọc biên giới Myanmar - Trung Quốc đều có quân đội riêng, mạnh nhất là của bộ tộc Wa với ít nhất 20.000 tay súng. Ở khu vực này, doanh nhân Trung Quốc tự do vào đầu tư, cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, và đây cũng là vùng rất nhiều người gốc Trung Quốc sinh sống và làm ăn.

Trùm ma túy khét tiếng nhất vùng “tam giác vàng” là Wei Hsueh Kang là người gốc Trung Quốc, sinh tại Vân Nam, tư lệnh nhóm phiến quân quân đội Wa thống nhất (UWSA). Theo TI, năm 2005 chính quyền Bắc Kinh đã sử dụng quan hệ với UWSA và các nhóm phiến quân để yêu cầu các nhóm này hạn chế sản xuất thuốc phiện. Tuy nhiên, UWSA vẫn tự do mở các cơ sở bào chế và sản xuất ma túy tổng hợp. Quan hệ giữa Trung Quốc với các nhóm phiến quân ở miền bắc Myanmar luôn là cái gai trong quan hệ giữa Bắc Kinh và chính quyền Myanmar.

 

                                                               Theo Báo Tuoitre

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Quan hệ liên Triều “tăng nhiệt” vì cây thông Giáng sinh

Hàn Quốc cho biết sẽ cho dựng cây thông Giáng sinh bằng đèn màu gần biên giới căng thẳng với Triều Tiên, bất chấp cảnh báo trả đũa của Bình Nhưỡng trước điều mà họ gọi là “cuộc chiến tâm lý” của nước láng giềng.

Hiệp ước cứu đồng euro chia rẽ EU

Hôm qua 9-12, lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU), ngoại trừ Anh, đã đạt thỏa thuận thắt chặt các quy định ngân sách của khối đồng euro. Tuy nhiên châu Âu vẫn chưa tìm ra giải pháp khẩn cấp để chống khủng hoảng nợ.

Quốc hội Nhật thông qua hiệp định hợp tác hạt nhân với Việt Nam

Quốc hội Nhật Bản vừa thông qua các Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự với Việt Nam, Jordan, Nga và Hàn Quốc, mở đường cho việc Nhật Bản xuất khẩu công nghệ liên quan đến hạt nhân sang các nước này.

Chuyển động quân sự tại Đông Nam Á

Một số quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực tăng cường năng lực quân sự nhằm đối phó với những thách thức mới trong thế kỷ 21.

Myanmar khẳng định không hợp tác hạt nhân với CHDCND Triều Tiên

Myanmar lần đầu tiên lên tiếng bác bỏ những lời đồn đoán rằng nước này đang hợp tác với CHDCND Triều Tiên về công nghệ vũ khí hạt nhân.

Mỹ trấn an Trung Quốc về “liên minh quân sự tại châu Á”

Trong một động thái trấn an những lo ngại của Bắc Kinh về một “liên minh quân sự tại châu Á” để “ngăn chặn” Trung Quốc, quan chức Quốc phòng Mỹ ngày 8/12 khẳng định việc Washington tăng cường các liên minh quân sự khu vực không nhằm mục đích này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục